Gần 1,4 triệu lượt góp ý kiến của người dân vào nội dung dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi)

22/03/2023
Gần 1,4 triệu lượt góp ý kiến của người dân vào nội dung dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi)
Việc tổ chức lấy kiến nhân dân rộng rãi lần này đã phát huy quyền làm chủ, huy động trí tuệ, tâm huyết, thể hiện ý chí, nguyện vọng của nhân dân để hoàn thiện dự thảo Luật phù hợp với chủ trương, đường lối của Đảng, bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất, khả thi của hệ thống pháp luật, đáp ứng được yêu cầu phát triển đất nước trong giai đoạn mới…
Cân nhắc thời điểm thông qua Luật
Ban Thường trực Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc (UBTƯ MTTQ) Việt Nam vừa có Báo cáo về Kết quả lấy ý kiến nhân dân đối với dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) (dự thảo Luật). Theo Kế hoạch số 676 của Ban Thường trực UBTƯ MTTQ Việt Nam, việc lấy ý kiến vào dự thảo Luật trong toàn hệ thống MTTQ Việt Nam, diễn ra từ ngày 3/1/2023 đến hết ngày 15/3/2023. Nhìn chung, việc tổ chức lấy ý kiến của nhân dân vào dự thảo Luật đảm bảo đúng mục đích, yêu cầu, bằng nhiều hình thức, có phân loại đối tượng, phát huy tối đa sức mạnh của từng đối tượng lấy ý kiến; bảo đảm tính chuyên sâu, hiệu quả và chất lượng.
Ban Thường trực UBTƯ MTTQ Việt Nam đã tổ chức 12 hội nghị, hội thảo với 230 lượt ý kiến góp ý; Ủy ban MTTQ Việt Nam các tỉnh, thành phố đã tổ chức 51.153 hội nghị, hội thảo với gần 1,4 triệu lượt góp ý kiến tâm huyết, sâu sắc vào toàn bộ dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi). Cùng với đó, UBTƯ MTTQ Việt Nam đã nhận được tổng số trên 8,3 triệu ý kiến góp ý cụ thể vào từng quy định trong dự thảo Luật của các tổ chức, cá nhân.
Nhân dân đánh giá cao việc Quốc hội, Chính phủ đã kịp thời chỉ đạo và xây dựng Luật Đất đai để thể chế hóa sớm nhất Nghị quyết số 18-NQ/TW. Việc sửa đổi Luật Đất đai là một vấn đề rất cần thiết, cấp bách trong giai đoạn hiện nay vì đây không chỉ là một đạo luật quan trọng, phức tạp, giữ vai trò căn bản trong hệ thống pháp luật về đất đai mà nó có mối quan hệ và ảnh hưởng sâu sắc đến việc thực thi các chính sách quy định trong rất nhiều luật khác...
Tuy nhiên, cũng còn có ý kiến cho rằng việc sửa đổi Luật lần này cần thêm thời gian, việc tổ chức lấy ý kiến nhân dân tuy cần thiết nhưng còn gấp gáp, không tránh khỏi tình trạng hình thức còn diễn ra ở nhiều địa phương, đơn vị. Để Luật Đất đai (sửa đổi) thực sự chất lượng, hiệu quả, đáp ứng được yêu cầu phát triển mới theo tinh thần Nghị quyết 18 thì đề nghị Quốc hội cân nhắc, xem xét có nên thông qua Luật Đất đai (sửa đổi) vào Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV, có thể lùi thời hạn thông qua để có thời gian nghiên cứu, tiếp thu và hoàn thiện dự thảo.

Cần tránh việc diễn đạt lại nội dung của Nghị quyết
Qua nghiên cứu, tập hợp, tổng hợp ý kiến của nhân dân, Ban Thường trực UBTƯ MTTQ Việt Nam nhận thấy, hiện vẫn còn một số nội dung chưa thật sự phù hợp hoặc thể chế chưa đầy đủ Nghị quyết số 18-NQ/TW. Thậm chí nhiều điều luật trong dự thảo không mang tính quy phạm mà diễn đạt lại nội dung của Nghị quyết, chưa quy định rõ quyền, trách nhiệm của từng chủ thể trong quan hệ pháp luật về đất đai.
Đối với việc thu hồi đất để thực hiện các dự án đô thị, Ban Thường trực UBTƯ MTTQ Việt Nam cho rằng, xuất phát từ thực tế, nếu thoả thuận thì có một số vướng mắc trong quá trình thực hiện dự án phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương. Nhưng nếu để Nhà nước thu hồi đất cũng sẽ phát sinh một số vướng mắc mà hiện nay người sử dụng đất chưa đồng thuận cao. Bởi vì khi thu hồi bồi thường là giá đất nông nghiệp; sau đó đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng bao nhiêu thì không có ai kiểm soát và khi thành đất ở, giá chênh lệch nhiều lần nên cũng tạo ra vướng mắc, chưa công bằng.
Trên cơ sở đó, Ban Thường trực UBTƯ MTTQ Việt Nam đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo nghiên cứu, chỉnh lý dự thảo Luật theo hướng: Dự án đô thị phải thực hiện theo cơ chế tự thỏa thuận giữa người dân và doanh nghiệp trong chuyển nhượng quyền sử dụng đất. Trong trường hợp, dự án đã thỏa thuận được trên 80% số hộ dân có đất ảnh hưởng bởi dự án nhưng số còn lại không thể thỏa thuận được thì trên cơ sở đề xuất của doanh nghiệp, Nhà nước tiến hành thu hồi đất đối với phần diện tích không thể thỏa thuận.
Nghị quyết số 18-NQ/TW đưa ra quan điểm “Việc bồi thường, hỗ trợ, tái định cư phải đi trước một bước...; có quy định cụ thể về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư để sau khi thu hồi đất thì người dân có đất bị thu hồi phải có chỗ ở, bảo đảm cuộc sống bằng hoặc tốt hơn nơi ở cũ”. Dự thảo Luật đã cụ thể hóa quan điểm này tại điểm a khoản 4 Điều 85 và Điều 89; tuy nhiên, vấn đề chưa thực sự rõ ràng, cụ thể. Ngoài ra, Điều 3 dự thảo Luật không giải thích khái niệm thế nào là “có điều kiện sống bằng hoặc tốt hơn nơi ở cũ” và dự thảo cũng không đưa ra tiêu chí hay phương thức đối sánh trước khi bồi thường và sau khi bồi thường để định lượng việc Nhà nước bồi thường cho người bị thu hồi đất có điều kiện sống bằng hoặc tốt hơn nơi ở cũ hay không. Khoản 2 Điều 89 gần như diễn đạt lại nội dung của Nghị quyết. Do đó, đề nghị Ban Soạn thảo cân nhắc bổ sung, cụ thể hóa nguyên tắc đề cập dự thảo Luật.
Cụ thể, cần giải thích rõ thế nào là người bị thu hồi đất sau khi được bồi thường có điều kiện sống bằng hoặc tốt hơn nơi ở cũ. Hai là, bổ sung quy định về một số tiêu chí đánh giá cụ thể, mang tính định lượng việc Nhà nước bồi thường cho người có đất bị thu hồi. Dự thảo nên cân nhắc các khía cạnh về cơ sở hạ tầng, điều kiện ổn định cuộc sống sinh hoạt hằng ngày của người dân (điện, đường, trường, trạm, hệ thống cấp, thoát nước, thông tin liên lạc, xử lý môi trường, điều kiện tổ chức sản xuất, kinh doanh, tạo việc làm…
Đối với công tác giám sát của công dân đối với việc quản lý, sử dụng đất đai, đề nghị cơ quan soạn thảo làm rõ thêm việc lập quy hoạch phải bảo đảm khoa học, có tầm nhìn tổng quan, lâu dài… Tránh tình trạng như hiện nay, quy hoạch mới xây dựng được 4 đến 5 năm đã điều chỉnh thay đổi quy hoạch, thậm chí thay đổi nhiều lần, bởi một lần điều chỉnh, thay đổi là một lần không gian, quy mô thay đổi.
Bên cạnh đó, dự thảo Luật đã quy định rõ về nguyên tắc, nội dung, hình thức giám sát của công dân, nhưng chưa quy định rõ trách nhiệm của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền để tạo điều kiện cho công dân thực hiện quyền giám sát trong quản lý, sử dụng đất đai được thuận lợi hơn.