Phiên họp Hội đồng các vấn đề chung và chính sách của Hội nghị La Hay về tư pháp quốc tế năm 2023

13/03/2023
Phiên họp Hội đồng các vấn đề chung và chính sách của Hội nghị La Hay về tư pháp quốc tế năm 2023
Phiên họp Hội đồng các vấn đề chung và chính sách (CGAP) của Hội nghị La Hay về tư pháp quốc tế (HCCH) năm 2023 đã được tổ chức tại La Hay, Hà Lan từ ngày 7 – 10 tháng 3 năm 2023 với sự tham gia của 450 đại biểu đến từ 80 quốc gia thành viên HCCH, 08 quốc gia chưa phải thành viên, 07 tổ chức liên chính phủ, 09 tổ chức phi chính phủ. Trong đó có 264 đại biểu tham gia trực tiếp và 186 đại biểu tham gia trực tuyến.
Việt Nam đã tổ chức đoàn liên ngành bao gồm Bộ Tư pháp, Bộ Ngoại giao và Tòa án nhân dân tối cao tham dự do bà Phạm Hồ Hương, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp luật quốc tế, Bộ Tư pháp làm trưởng đoàn.
 
 Đại diện Việt Nam chúc mừng Tiến sỹ Christophe Benasconi
được đề cử tái bổ nhiệm vị trí Tổng thư ký

Tại phiên họp, CGAP đã đánh giá cao những nỗ lực của Ban thư ký trong năm 2022 để việc duy trì các hoạt động của HCCH được diễn ra đầy đủ và chất lượng trong bối cảnh dịch bệnh Covid -19 và có kết quả báo cáo CGAP những nội dung như sau:
CGAP chứng kiến Trung Quốc đệ trình văn kiện gia nhập Công ước Apostille năm 1961 và Cộng hòa Malta đệ trình văn kiện phê chuẩn Công ước bảo vệ người lớn năm 2000.

Nguồn: Trang thông tin điện tử của Hội nghị La Hay về tư pháp quốc tế https://www.hcch.net/en/news-archive/details/?varevent=904
Về công tác lập pháp:
CGAP đánh giá cao báo cáo của nhóm chuyên gia về khả năng xây dựng công cụ tư pháp quốc tế mới cho quan hệ cha mẹ con và chỉ định thành lập Nhóm công tác về các vấn đề tư pháp quốc tế liên quan đến quan hệ cha mẹ con, bao gồm cả quan hệ cha mẹ cho trẻ trên cơ sở thỏa thuận mang thai hộ.
CGAP yêu cầu Nhóm công tác liên quan đến việc xây dựng một Công ước mới về các vấn đề tư pháp trong tố tụng xuyên quốc gia liên quan đến dân sự và thương mại chuẩn bị tổ chức họp góp ý trên cơ sở báo cáo và dự thảo Công ước đã được đưa ra tại Phiên họp.
CGAP ủng hộ Ban thư ký phối hợp chặt chẽ với các Ban thư ký của UNCITRAL và UNIDROIT trong việc phối hợp nghiên cứu các vấn đề về phá sản, trong đó Ban thư ký của HCCH phải chủ động nghiên cứu các vấn đề tư pháp quốc tế trong phá sản, bao gồm cả giải quyết các giao dịch và tài sản số trong thủ tục phá sản.
CGAP đề nghị Ban thư lý tiếp tục hợp tác với WIPO nghiên cứu sự giao thoa giữa sở hữu trí tuệ và tư pháp quốc tế, hợp tác với UNCITRAL và UNIDROIT nghiên cứu các nội dung liên quan đến trí tuệ nhân tạo (AI), nền tảng kỹ thuật số, hợp đồng điện tử, kinh tế số.
Đối với các hoạt động hỗ trợ hậu gia nhập chùm Công ước liên quan đến bảo vệ gia đình và trẻ em quốc tế, CGAP ghi nhận các cập nhật và phát triển trong lĩnh vực này và tiếp tục ủng hộ các nỗ lực của Ban thư ký trong các hoạt động hậu gia nhập để đảm bảo thực thi hiệu quả các Công ước và tăng cường nhận thức về các Công ước về bắt cóc và bảo vệ trẻ em, đồng thời đề nghị các quốc gia thành viên đóng góp tự nguyện để vận hành hệ thống INCADAT và chỉ định đầu mối cập nhật INCADAT, đề nghị các thành viên tiếp tục đóng góp tự nguyện cho các nghiên cứu số liệu về Công ước bắt cóc trẻ em, khuyến khích các hoạt động để quảng bá Công ước Bảo vệ trẻ em năm 1996 và mở rộng sáng kiến này trong lĩnh vực pháp luật gia đình và bảo vệ trẻ em.
Đối với chùm các Công ước liên quan đến tố tụng xuyên quốc gia và Apostille, CGAP chào đón ngày có hiệu lực của Công ước năm 2019 về công nhận và cho thi hành bản án của tòa án nước ngoài vào ngày 01/9/2023, hoãn tổ chức cuộc họp của Ủy ban đặc biệt về các Công ước tống đạt 1965, thu thập chứng cứ 1970, tiếp cận công lý 1980 vào năm tài khóa 2024-2025, khuyến khích các quốc gia thành viên Công ước Apostille và các quốc gia thành viên HCCH liên hệ với Ban thư ký để dịch phiên bản lần thứ hai của Sổ tay Công ước.
Liên quan đến khả năng của người khuyết tật tiếp cận các tài liệu của HCCH, CGAP đã yêu cầu Ban thư ký báo cáo các khó khăn vướng mắc đối với người khuyết tật và đề xuất các giải pháp cũng như vấn đề tài chính vào phiên họp sau.
CGAP cũng quyết định hình thức họp trực tiếp đối với các cuộc họp được tổ chức trong năm tài khóa 2023 – 2024, tuy nhiên vẫn để ngỏ khả năng có sự tham gia trực tuyến.
CGAP đã biểu quyết thông qua chấp nhận đề xuất tiếng Tây Ban Nha trở thành một trong những ngôn ngữ chính thức của HCCH từ ngày 01/7/2024.
Một trong những nội dung quan trọng nhất của phiên họp năm nay là bầu tổng thư ký của HCCH. CGAP đã nhất trí lựa chọn ông Christophe Benasconi và sẽ làm việc với Ủy ban thường trực của Chính phủ Hà Lan để tiến hành các thủ tục bổ nhiệm Tổng thư ký theo Điều 5 (1) Quy chế của HCCH. Ứng viên được chọn sẽ bắt đầu nhiệm kỳ từ ngày 1/7/2023.
Tại Phiên họp, bà Phạm Hồ Hương – Trưởng đoàn đã góp ý vào nội dung các văn kiện liên quan đến hậu gia nhập các công ước của HCCH, thông qua đó cảm ơn sự hỗ trợ của Ban thư ký HCCH và đặc biệt là ông Christophe Benasconi trong việc tổ chức thành công Diễn đàn pháp luật ASEAN năm 2022 về tương trợ tư pháp về dân sự trong khuôn khổ các Công ước của HCCH.
Năm 2023 Việt Nam kỷ niệm 10 chính thức trở thành thành viên của Hội nghị La Hay. Trong những năm qua, Việt Nam luôn là thành viên tích cực tham gia các hoạt động của HCCH, trong đó đã là thành viên của 03 Công ước của Hội nghị (Công ước Tống đạt 1965, Công ước Thu thập chứng cứ 1970, Công ước Bảo vệ trẻ emvà hợp tác trong lĩnh vực nuôi con nuôi quốc tế 1993), đồng thời cũng tích cực thúc đẩy quan hệ hợp tác giữa ASEAN và HCCH (Việt Nam đã chủ trì tổ chức 2 Diễn đàn pháp luật ASEAN về các công ước của HCCH vào năm 2016 và năm 2022). Trong thời gian tới, bên cạnh việc nâng cao chất lượng thực thi 3 công ước này, Việt Nam tiếp tục nghiên cứu khả năng gia nhập một số công ước khác của Hội nghị.
Vụ Pháp luật quốc tế