Bế mạc kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XII

27/11/2009
Sau hơn một tháng làm việc liên tục, hôm nay, ngày  27/11, kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XII sẽ kết thúc. Trước đó, làm việc tại hội trường, Quốc hội đã thảo luận Dự án Luật Thi hành án hình sự (THAHS) và dự án Luật An toàn thực phẩm

Không nên giao Bộ Y tế quản lý an toàn thực phẩm

Thảo luận về Dự án Luật An toàn thực phẩm (ATTP), các đại biểu có chung nhận định: trong bối cảnh như hiện nay, việc ban hành Luật này là hết sức cần thiết, tạo hành lang pháp lý góp phần bảo đảm lợi ích, sức khỏe cộng đồng.

Đại biểu Nguyễn Thị Mai (Ninh Thuận), Võ Thị Lễ (Long An) đều đồng tình với phạm vi điều chỉnh, đưa cả các sản phẩm khai thác ngoài tự nhiên và Dự thảo. Bởi hiện nay các sản phẩm này đang được sử dụng rất phổ biến (rau củ quả hải sản…) và chưa có quy định điều chỉnh.

Tuy nhiên, đại biểu Võ Thị Lễ phê dự thảo chưa cụ thể hóa việc kiểm tra, giám sát và xử lý thuốc bảo vệ thực vật trên rau xanh. Bà Lễ đề nghị cần có quy định người bán phải nắm rõ nguồn gốc thực phẩm. Thực phẩm được bày bán phải có kiểm tra của lực lượng chức năng.

Đại biểu Trần Văn Ban (Bình Định) lại đề cập đến các loại thực phẩm chức năng, hiện nay được bày bán rất nhiều trên thị trường nhưng “nhập nhằng” giữa thuốc và thực phẩm, làm người tiêu dùng hoang mang. Ông Ban đề nghị, thực phẩm chức năng trước khi đưa ra thị trường phải đảm bảo an toàn cho sức khỏe, phải được kiểm tra các “thông số” an toàn.

Đại biểu Nguyễn Thị Hoa, đề nghị bổ sung cả quá trình vận chuyển và bảo quản thực phẩm vào dự thảo.

 Để xảy ra tình trạng mất vệ sinh an toàn thực phẩm, Tờ trình của Chính phủ cũng thừa nhận một trong những nguyên nhân do con người và kinh phí chưa đảm bảo, sự phân công trách nhiệm của các cơ quan chưa rõ ràng….Đại biểu Dương Kim Anh thẳng thắn, cần xem lại quy định Bộ trưởng Bộ Y tế giúp Chính phủ quản lý ATTP. Bà Anh đề nghị cần một cơ quan độc lập trực thuộc Chính phủ, còn ở địa phương là thuộc Uỷ ban cấp tỉnh.

Cũng không tán đồng giao trách nhiệm quản lý cho Bộ Y tế, đại biểu Nguyễn Minh Thuyết (Lạng Sơn) đưa ra “sáng kiến”: nên giao trách nhiệm chính cho Bộ Khoa học Công nghệ và Môi trường, vì Bộ này có hẳn một Tổng cục Tiêu chuẩn đo lường chất lượng và có chi cục ở các địa phương.

Đại biểu Trần Văn Ban gợi ý hai phương án: một là, thành lập một Ủy ban quốc gia làm nhiệm vụ này, hai là tăng cường chức năng cho Cục Quản lý vệ sinh ATTP của Bộ Y tế.

Cũng từ thực tiễn thời gian qua, tình trạng mất vệ sinh ATTP trở nên đáng báo động có sự “lơi là” trách nhiệm của các ngành, nên nhiều đại biểu đề nghị quy định rõ phải có sự phân công cụ thể từ TW đến địa phương.

Có thể “ở tù đến hết đời”

Thảo luận về dự án Luật THAHS, nội dung được các đại biểu tập trung nhiều thời gian là vấn đề về phạm vi điều chỉnh. Nhiều ý kiến đồng tình với dự thảo luật. Tuy nhiên, đại biểu Hoàng Văn Minh (Nghệ An) cho rằng không nên đưa biện pháp tư pháp vào phạm vi điều chỉnh của Luật, vì thứ nhất THAHS là thi hành hình phạt; thứ hai, chế độ pháp lý về hình phạt và biện pháp tư pháp là khác nhau; và thứ ba là quy định như vậy không phù hợp Bộ luật Tố tụng hình sự. Các đại biểu lưu ý, phạm vi điều chỉnh của Luật phải đảm bảo sự thống nhất với các văn bản pháp luật khác, đặc biệt là BLTTHS.

Thu Hằng