Đồng chí Trung tướng Lê Quốc Hùng, Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Công an, Trưởng Đoàn kiểm tra đã ký Kết luận kiểm tra số 4097/KL-ĐKTLN (ngày 20/10/2022) đối với Hội đồng phối hợp liên ngành về trợ giúp pháp lý (TGPL) trong hoạt động tố tụng tỉnh Ninh Thuận, Kết luận số 4128/KL-ĐKLN (ngày 24/10/2022) đối với Hội đồng phối hợp liên ngành về TGPL trong hoạt động tố tụng tỉnh Bình Thuận.
Trong đó đánh giá công tác TGPL trong hoạt động tố tụng tại hai tỉnh Ninh Thuận và Bình Thuận đã đạt được những kết quả tích cực: các văn bản quy phạm pháp luật về tố tụng, về TGPL được triển khai kịp thời; Hội đồng phối hợp địa phương đã phát huy vai trò tích cực trong việc thúc đẩy công tác phối hợp TGPL trong tố tụng trên địa bàn tỉnh; quan hệ phối hợp giữa các ngành thành viên của Hội đồng như: Sở Tư pháp, Trung tâm TGPL nhà nước với các cơ quan tiến hành tố tụng tiếp tục được củng cố, phát triển; các cơ quan tiến hành tố tụng, trại tạm giam, nhà tạm giữ cơ bản đã tổ chức triển khai thực hiện trách nhiệm của mình, phối hợp chặt chẽ với Trung tâm TGPL nhà nước trong việc thực hiện TGPL trong lĩnh vực tố tụng; số lượng vụ việc TGPL bằng hình thức tham gia tố tụng tăng qua các năm; đội ngũ trợ giúp viên pháp lý ngày càng được tăng cường về số lượng, chất lượng, qua đó khẳng định được vị trí, vai trò của Trung tâm TGPL và của ngành Tư pháp trong việc bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đối tượng.
Bên cạnh những kết quả đạt được kể trên, công tác phối hợp về TGPL trong hoạt động tố tụng những năm qua tại tỉnh Ninh Thuận, Bình Thuận còn có một số tồn tại, hạn chế như: số lượng vụ việc TGPL vẫn còn thấp so với số vụ việc do Tòa án giải quyết, so với đối tượng thuộc diện được TGPL; số lượng vụ việc trong lĩnh vực dân sự, hành chính còn thấp, chủ yếu là vụ việc trong lĩnh vực hình sự; số lượng vụ việc mà các cơ quan tiến hành tố tụng, Trại tạm giam hướng dẫn cho các đối tượng được TGPL và cung cấp thông tin cho Trung tâm TGPL còn chiếm tỷ lệ nhỏ so với số lượng vụ án mà các cơ quan tiến hành tố tụng giải quyết. Việc tập huấn cho người tiến hành tố tụng chưa được thực hiện thường xuyên.
Kết luận cũng đề nghị Thường trực Tỉnh ủy quan tâm, chỉ đạo và quán triệt sâu sắc hơn nữa về công tác TGPL đối với hệ thống chính trị trong tỉnh, các cơ quan tiến hành tố tụng theo tinh thần của các Bộ luật, Luật tố tụng, Luật TGPL, Thông tư liên tịch số 10/2018/TTLT-BTP-BCA-BQP-BTC-TANDTC-VKSNDTC và các văn bản pháp luật về TGPL, có cơ chế kiểm tra đối với những nơi thực hiện chưa tốt và thực hiện báo cáo kết quả với Thường vụ Tỉnh ủy theo định kỳ, chỉ đạo Ủy ban nhân dân tỉnh tạo điều kiện về nguồn lực (nhân lực và kinh phí) bảo đảm Trung tâm TGPL triển khai toàn diện, có hiệu quả các mặt hoạt động TGPL nói chung và hoạt động phối hợp TGPL trong tố tụng nói riêng; kinh phí triển khai nội dung TGPL trong các Chương trình mục tiêu quốc gia được triển khai tại địa phương.
Kết luận cũng đề nghị Hội đồng phối hợp liên ngành tỉnh Ninh Thuận:
- Tiếp tục quán triệt, nâng cao nhận thức các ngành thành viên của Hội đồng về công tác phối hợp TGPL trong hoạt động tố tụng, chủ động triển khai các nội dung của Thông tư liên tịch số 10/2018/TTLT-BTP-BCA-BQP-BTC-TANDTC-VKSNDTC cho phù hợp với tình hình thực tế tại địa phương, trong đó thực hiện tốt việc giải thích, thông báo và thống kê số liệu theo quy định của Thông tư liên tịch số 10/2018/TTLT-BTP-BCA-BQP-BTC-TANDTC-VKSNDTC.
- Chỉ đạo sát sao các cơ quan tiến hành tố tụng trên địa bàn nhận thức rõ vai trò, tầm quan trọng của hoạt động TGPL, tăng cường kiểm tra liên ngành về công tác phối hợp TGPL, nhất là các huyện chưa thực hiện tốt, trong đó tập trung kiểm tra việc giải thích về quyền được TGPL, kiểm tra việc lưu hồ sơ trong đó có biên bản giải thích về quyền được TGPL, giới thiệu đối tượng được TGPL đến Trung tâm, xem xét trách nhiệm của từng ngành đối với những trường hợp nếu phát hiện đối tượng là người được TGPL mà không thực hiện giải thích, thông báo về quyền được TGPL cho đối tượng.
- Các ngành thành viên quan tâm dự toán và bố trí kinh phí của ngành mình thực hiện công tác phối hợp TGPL trong hoạt động tố tụng theo quy định tại điểm b khoản 4 Điều 23 Thông tư liên tịch số 10/2018/TTLT-BTP-BCA-BQP-BTC-TANDTC-VKSNDTC.
Kết luận cũng đề nghị Hội đồng phối hợp liên ngành tỉnh Bình Thuận:
- Tiếp tục quán triệt, nâng cao nhận thức các ngành thành viên của Hội đồng về công tác phối hợp TGPL trong hoạt động tố tụng; chủ động triển khai các nội dung của Thông tư liên tịch số 10/2018/TTLT-BTP-BCA-BQP-BTC-TANDTC-VKSNDTC, các quy định về TGPL trong các Bộ luật, Luật tố tụng, Luật TGPL, việc giải thích về TGPL cần thực chất giúp người bị buộc tội, bị hại, đương sự hiểu rõ về TGPL; tạo điều kiện cho người thực hiện TGPL tham gia tố tụng; thực hiện thống kê, báo cáo….
Đối với các ngành chưa tổ chức tập huấn cho cán bộ, người tiến hành tố tụng của ngành mình thì đề nghị các ngành tổ chức tập huấn…
- Chủ động tham mưu, đề xuất thực hiện các giải pháp, biện pháp phù hợp để không bỏ lọt đối tượng, thông báo, chuyển gửi các vụ việc có đối tượng là người được TGPL cho Trung tâm TGPL. Tăng cường kiểm tra liên ngành về công tác phối hợp TGPL, nhất là các huyện chưa thực hiện tốt, trong đó tập trung kiểm tra việc giải thích về quyền được TGPL, kiểm tra việc lưu hồ sơ, trong đó có biên bản giải thích về quyền được TGPL.
- Đổi mới hình thức hoạt động Hội đồng kết hợp với việc chỉ đạo, giải đáp vướng mắc, tháo gỡ khó khăn cho các đơn vị thực hiện công tác phối hợp TGPL. Kịp thời phản ánh những khó khăn, vướng mắc tại địa phương về Hội đồng phối hợp liên ngành ở Trung ương để được hướng dẫn theo thẩm quyền;
- Các ngành thành viên quan tâm dự toán và bố trí kinh phí của ngành mình thực hiện công tác phối hợp TGPL trong hoạt động tố tụng theo quy định tại điểm b, khoản 4, Điều 23 Thông tư liên tịch số 10/2018/TTLT-BTP-BCA-BQP-BTC-TANDTC-VKSNDTC. Sở Tài chính quan tâm bố trí kinh phí cho hoạt động của Hội đồng phối hợp.
Phan Thị Thu Hà - Cục TGPL