Hoàn thiện hệ thống pháp luật, cơ chế, chính sách về địa chất, khoáng sản và công nghiệp khai khoáng

25/07/2022
Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 88/NQ-CP về Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 10-NQ/TW ngày 10 tháng 02 năm 2022 của Bộ Chính trị về định hướng chiến lược địa chất, khoáng sản và công nghiệp khai khoáng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”. Một trong các nhiệm vụ của Chương trình là hoàn thiện hệ thống pháp luật, cơ chế, chính sách về địa chất, khoáng sản và công nghiệp khai khoáng.

 Hoàn thành các văn bản quy phạm pháp luật hướng dẫn thi hành ngay sau khi Luật Khoáng sản (sửa đổi) ban hành trong năm 2024
Theo đó, phải hoàn thành hồ sơ đề nghị xây dựng Dự án Luật Khoáng sản (sửa đổi) trình Chính phủ trong tháng 7 năm 2022. Theo đó, tổng kết đánh giá đầy đủ kết quả sau 10 năm thực hiện Luật Khoáng sản năm 2010; thể chế hóa đầy đủ các chính sách mới đối với công tác điều tra cơ bản địa chất, về tài nguyên địa chất; sửa đổi, bổ sung hoàn thiện nội dung các chính sách trong lĩnh vực khoáng sản và công nghiệp khai khoáng của Nghị quyết số 10-NQ/TW để đề xuất theo hướng xây dựng dự thảo Luật Khoáng sản (sửa đổi) thay thế Luật Khoáng sản năm 2010. Sau khi hồ sơ đề nghị xây dựng Luật Khoáng sản (sửa đổi) được Quốc hội khóa XV thông qua, hoàn thành xây dựng Dự thảo Luật trình Quốc hội khóa XV tại kỳ họp cuối năm 2023. Tập trung vào một số nội dung:
+ Quy định rõ nội dung điều tra cơ bản tài nguyên địa chất (tài nguyên khoáng sản; tài nguyên vị thế, di sản địa chất, công viên địa chất); các điều kiện địa chất khác: tai biến địa chất, địa chất môi trường, địa chất thủy văn - địa chất công trình, địa mạo...); công tác điều tra cơ bản địa chất chủ yếu do nhà nước thực hiện và nguồn xã hội hóa; thông tin, dữ liệu địa chất, khoáng sản (là cơ sở dữ liệu quốc gia) phải được nộp vào lưu trữ địa chất để quản lý tập trung, thống nhất; quy định rõ trách nhiệm, nghĩa vụ của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong việc hoàn trả kinh phí khi khai thác, sử dụng thông tin, dữ liệu địa chất, khoáng sản.
+ Quy định rõ trách nhiệm của tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động khoáng sản; việc tái đầu tư nguồn thu từ khai thác khoáng sản để phát triển giáo dục, y tế, hạ tầng, bảo đảm an sinh xã hội... cho địa phương và người dân nơi có khoáng sản được khai thác, ưu tiên hỗ trợ phát triển sản xuất, chuyển đổi sinh kế và ổn định đời sống cho người dân là đồng bào dân tộc thiểu số.
+ Rà soát các Nghị định của Chính phủ quy định chi tiết hướng dẫn thi hành Luật Khoáng sản năm 2010 đã ban hành, đề xuất bổ sung trong đề cương dự thảo Luật Khoáng sản (sửa đổi) để hoàn thiện: quy định về đấu giá quyền khai thác khoáng sản; trình tự, thủ tục cấp phép thăm dò, khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường (gồm cát, sỏi lòng sông) phù hợp với thực tiễn; ưu tiên cấp phép khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường cho xây dựng các công trình kết cấu hạ tầng, nhất là công trình trọng điểm quốc gia.
- Hoàn thành các văn bản quy phạm pháp luật hướng dẫn thi hành ngay sau khi Luật Khoáng sản (sửa đổi) ban hành trong năm 2024.
- Rà soát, điều chỉnh thuế suất thuế tài nguyên một số khoáng sản nhằm khuyến khích đầu tư công nghệ tiên tiến, hiện đại để khai thác, chế biến các mỏ khoáng sản có điều kiện địa chất, khai thác mỏ phức tạp, hàm lượng thấp, hạ tầng kỹ thuật thấp kém. Hoàn thiện chính sách xuất - nhập khẩu và dự trữ khoáng sản, bảo đảm cân đối nhu cầu trước mắt với dự trữ khoáng sản lâu dài.
- Hoàn thiện chính sách khuyến khích hợp tác, đầu tư nước ngoài sử dụng công nghệ tiên tiến, hiện đại trong khai thác, chế biến khoáng sản nhằm làm chủ công nghệ tiên tiến chuyển giao từ các nước phát triển, thu hẹp khoảng cách về trình độ phát triển so với các nước tiên tiến về địa chất, khoáng sản và công nghiệp khai khoáng; khuyến khích các doanh nghiệp trong nước đầu tư ra nước ngoài trong lĩnh vực địa chất, khoáng sản nhằm tăng dự trữ khoáng sản trong nước.
- Hoàn thiện chính sách thu hút, đào tạo phát triển nguồn nhân lực, đội ngũ chuyên gia có trình độ cao và công nhân lành nghề lĩnh vực địa chất, khoáng sản. Xây dựng chế độ đãi ngộ cán bộ, công chức, viên chức, người lao động ngành địa chất, khoáng sản.
Nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về tài nguyên địa chất, khoáng sản và công nghiệp khai khoáng
- Trong năm 2022 hoàn thành việc lập, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt các nhiệm vụ:
+ Chiến lược địa chất, khoáng sản và công nghiệp khai khoáng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
+ Quy hoạch điều tra cơ bản địa chất về khoáng sản thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến 2050.
+ Quy hoạch thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng các loại khoáng sản thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.
+ Quy hoạch thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng các loại khoáng sản làm vật liệu xây dựng thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.
+ Quy hoạch năng lượng quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.
- Rà soát chức năng, nhiệm vụ, cơ cấu tổ chức của các bộ, ngành liên quan để thực hiện thống nhất quản lý nhà nước về địa chất, khoáng sản; cơ sở dữ liệu quốc gia về địa chất và khoáng sản. Trước năm 2025, hoàn thiện mô hình, kiện toàn tổ chức cơ quan quản lý nhà nước về địa chất, khoáng sản từ Trung ương đến địa phương, trong đó có hệ thống cơ quan thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành khoáng sản.
- Nghiên cứu các mô hình quản trị khoáng sản minh bạch, hiệu quả của thế giới để áp dụng vào Việt Nam theo hướng tăng cường vai trò kiểm tra, giám sát của địa phương, người dân nơi khai thác khoáng sản. Hoàn thành trước năm 2025.
- Thống kê, kiểm kê đánh giá thực trạng nguồn lực tài nguyên khoáng sản để lượng hóa và hạch toán đầy đủ giá trị tài nguyên khoáng sản vào nền kinh tế. Hoàn thành trước năm 2025.
Chương trình đưa ra các giải pháp lớn để thực hiện như:
Tăng cường năng lực lãnh đạo, chỉ đạo công tác quản lý nhà nước về địa chất, khoáng sản; quản lý và sử dụng hiệu quả tài nguyên địa chất, khoáng sản; bảo vệ môi trường, sinh thái, an toàn lao động trong hoạt động khoáng sản. Chủ động phòng ngừa, kiên quyết đấu tranh, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật về địa chất, khoáng sản.
Tăng cường thanh tra, kiểm tra, giám sát, xem xét trách nhiệm đối với các tổ chức, cá nhân để xảy ra sai phạm trong quản lý, sử dụng khoáng sản và các hoạt động liên quan đến địa chất, khoáng sản, công nghiệp khai khoáng. Thu hồi giấy phép khai thác, xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân vi phạm trong hoạt động khai thác khoáng sản, nhất là lợi dụng để đầu cơ, tích trữ, nâng giá, thiệt hại đến lợi ích của Nhà nước và nhân dân.
Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động điều tra địa chất, khoáng sản; xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về địa chất, khoáng sản thống nhất, đồng bộ từ Trung ương đến địa phương, đảm bảo tiến độ chuyển đổi số ngành địa chất, khoáng sản đã được Chính phủ phê duyệt.
Đẩy mạnh hợp tác, học tập kinh nghiệm quốc tế trong nghiên cứu, điều tra các khoáng sản ẩn sâu; xây dựng cơ sở dữ liệu địa chất, khoáng sản, không gian ngầm và quản trị tài nguyên khoáng sản; khảo sát hang động, điều tra, khảo sát các di sản địa chất; cải tạo, phục hồi môi trường sau khai thác khoáng sản.
Ưu tiên bố trí ngân sách nhà nước kết hợp huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn lực trong xã hội cho công tác điều tra cơ bản địa chất, khoáng sản theo quy hoạch, kế hoạch để có đầy đủ thông tin, dữ liệu địa chất phục vụ mục tiêu (quốc phòng, an ninh, giao thông, xây dựng, công thương, nông nghiệp...).
Hàng năm, các địa phương lập kế hoạch bố trí kinh phí trong dự toán ngân sách của địa phương để bảo vệ khoáng sản chưa khai thác.
Rà soát đề xuất điều chỉnh sản lượng khai thác một số loại khoáng sản phù hợp với tình hình phát triển kinh tế - xã hội trong từng giai đoạn theo quy định của Luật Quy hoạch theo hướng ưu tiên cho nhu cầu sử dụng trong nước.