Văn phòng Chính phủ vừa ban hành Thông báo số 126/TB-VPCP kết luận của Phó Thủ tướng Lê Minh Khái tại cuộc họp về tình hình rà soát danh mục và mức vốn dự kiến bố trí cho các nhiệm vụ, dự án thuộc Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội.
Căn cứ nhiệm vụ được giao, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã khẩn trương phối hợp với các bộ, cơ quan trung ương và địa phương liên quan tiếp tục rà soát, hoàn thiện danh mục các nhiệm vụ, dự án và phương án sử dụng nguồn vốn của Chương trình; tuy nhiên, vẫn chưa bảo đảm được tiến độ đề ra. Do đó yêu cầu các bộ, cơ quan, địa phương liên quan căn cứ nguyên tắc, tiêu chí sử dụng nguồn vốn của Chương trình tại Nghị quyết số 43/2022/QH15 và các ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ để tập trung rà soát, hoàn thiện danh mục dự án.
Trong đó, Bộ Y tế khẩn trương rà soát, làm rõ các nguyên tắc, tiêu chí phân bổ, các cam kết bố trí vốn của các địa phương; hoàn thiện danh mục dự án, bảo đảm tập trung, không bố trí dàn trải, chia đều, mạnh mún và đáp ứng mục tiêu đề ra của Chương trình, gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư trước ngày 30/4/2022 để tổng hợp, báo cáo Thủ tướng Chính phủ.
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn làm rõ thêm về tính cấp thiết, hiệu quả và thời gian hoàn thành của các dự án phòng, chống sạt lở bờ sông, bờ biển; giải trình cụ thể, thuyết phục đối với các dự án điều chỉnh tổng mức đầu tư và điều chỉnh so với danh mục đã báo cáo Quốc hội, bảo đảm tính khả thi.
Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội bổ sung thêm giải trình đối với các nội dung điều chỉnh và cam kết của địa phương về nguồn vốn thực hiện đối với dự án chưa bảo đảm tổng mức đầu tư thực hiện.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư tiếp thu, giải trình đầy đủ ý kiến tại cuộc họp ngày 25/4/2022; căn cứ nguyên tắc, tiêu chí sử dụng nguồn vốn của Chương trình và kết quả rà soát, đề xuất của các bộ, cơ quan trung ương, địa phương để khẩn trương cập nhật, hoàn thiện danh mục và mức vốn dự kiến bố trí cho các nhiệm vụ, dự án thuộc Chương trình, báo cáo Thủ tướng Chính phủ trong ngày 26/4/2022; trong đó, Bộ Kế hoạch và Đầu tư chịu trách nhiệm đề xuất rõ các nhiệm vụ, dự án đã đủ điều kiện để thông báo vốn để hoàn thiện thủ tục đầu tư; các nhiệm vụ, dự án chưa đủ điều kiện thông báo vốn theo quy định tại Nghị quyết số 11/NQ-CP ngày 30/1/2022; đồng thời, báo cáo rõ về trình tự, thủ tục thực hiện các nhiệm vụ, dự án sử dụng nguồn vốn của Chương trình và dự kiến khả năng giải ngân trong 2 năm (2022, 2023).
Các bộ, cơ quan trung ương, địa phương chịu trách nhiệm toàn diện trong việc đề xuất danh mục và thông tin, số liệu các nhiệm vụ, dự án sử dụng nguồn vốn từ Chương trình, bảo đảm đúng nguyên tắc, tiêu chí theo quy định tại Nghị quyết số 43/2022/QH15 của Quốc hội và hiệu quả sử dụng nguồn vốn của Chương trình. Sau khi được thông báo vốn, các bộ, cơ quan trung ương, địa phương hoàn thiện các thủ tục đầu tư theo đúng quy định hiện hành.
Trước đó, Nghị quyết số 43/2022/QH15 ngày 11/01/2022 của Chính phủ về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội đưa ra các chính sách hỗ trợ với quy mô, nguồn lực đủ lớn, có mục tiêu trọng tâm, trọng điểm, xác định đúng và trúng đối tượng cần hỗ trợ; thời gian thực hiện chủ yếu trong 2 năm 2022 và 2023 với lộ trình thích hợp để nâng cao năng lực phòng chống dịch COVID-19, phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội, phấn đấu hoàn thành các chỉ tiêu kinh tế- xã hội của giai đoạn 5 năm với những mục tiêu, chỉ tiêu cụ thể, tạo tiền đề phát triển cho giai đoạn sau.
Về chính sách tài khóa, chính sách miễn, giảm thuế; tăng chi đầu tư phát triển từ nguồn ngân sách Nhà nước tối đa 176.000 tỷ đồng cho lĩnh vực y tế, phòng, chống dịch bệnh, an sinh xã hội, lao động, việc làm, hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh, đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng; hỗ trợ tiền thuê nhà trọ cho người lao động; tăng hạn mức bảo lãnh Chính phủ đối với trái phiếu phát hành trong nước cho Ngân hàng Chính sách xã hội. Cho phép tăng bội chi ngân sách Nhà nước khoảng 1-1,2% GDP/năm, không vượt quá 240.000 tỷ đồng trong 2 năm 2022 và 2023.
Về chính sách tiền tệ, điều hành đồng bộ, linh hoạt các công cụ chính sách tiền tệ; phấn đấu giảm lãi suất cho vay tối thiểu 0,5%-1%; tiếp tục cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ, miễn giảm lãi vay đối với khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19; sử dụng các nguồn tài chính hợp pháp để nhập khẩu vaccine, thuốc điều trị và thiết bị, vật tư y tế phục vụ phòng, chống dịch trong trường hợp cần thiết; tiếp tục tái cấp vốn đối với Ngân hàng Chính sách xã hội để cho người sử dụng lao động vay trả lương ngừng việc, trả lương phục hồi sản xuất cho người lao động, bảo đảm tính khả thi và tổ chức triển khai nhanh trong thực tế,...
Ngoài ra, cho phép áp dụng các chính sách khác, gồm: Sử dụng khoảng 5.000 tỷ đồng từ Quỹ Dịch vụ viễn thông công ích Việt Nam để phát triển hạ tầng viễn thông, internet, trong đó có 1.000 tỷ đồng trang bị máy tính bảng thực hiện Chương trình “Sóng và máy tính cho em”; khoảng 5.000 tỷ đồng để đổi mới công nghệ, ươm tạo công nghệ, ươm tạo doanh nghiệp khoa học công nghệ... và cho phép áp dụng một số cơ chế đặc thù để thực hiện.