Thực hiện quyết liệt, hiệu quả các giải pháp phục hồi, phát triển kinh tế, xã hội

18/04/2022
Theo Nghị quyết số 50/NQ-CP về Phiên họp thường kỳ tháng 3 của Chính phủ, Chính phủ thống nhất đánh giá, trong bối cảnh kinh tế, chính trị thế giới và dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, khó lường, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã tập trung chỉ đạo các cấp, các ngành, các địa phương nỗ lực vượt qua khó khăn, thách thức, chủ động, quyết liệt, linh hoạt, nhanh nhạy xử lý những vấn đề phát sinh và tập trung thực hiện mục tiêu, nhiệm vụ của năm 2022 ngay từ đầu năm.
Chính phủ nhận định, thời gian tới, tình hình thế giới, khu vực tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường và khó dự báo, nhất là ảnh hưởng của cuộc xung đột tại U-crai-na; khả năng phục hồi của kinh tế thế giới khó khăn hơn và dự báo tăng trưởng thấp hơn năm 2021, rủi ro trên thị trường tài chính, tiền tệ quốc tế gia tăng. Áp lực lạm phát, giá nguyên vật liệu, giá xăng dầu và nhiều hàng hóa cơ bản khác tăng cao. Tình hình dịch bệnh COVID-19 còn diễn biến phức tạp; trong khi đó, biến đổi khí hậu, thiên tai, bão lũ, thời tiết cực đoan ngày càng khó lường, tác động ảnh hưởng lớn đến sản xuất và đời sống. Trong bối cảnh đó, Chính phủ yêu cầu các bộ, cơ quan, địa phương tiếp tục thực hiện đồng bộ, thống nhất, kịp thời, hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp tại các Nghị quyết của Trung ương, Quốc hội, Chính phủ và chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, nhất là tại Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 08 tháng 01 năm 2022, Nghị quyết số 11/NQ-CP ngày 30 tháng 01 năm 2022 về Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, Nghị quyết số 38/NQ-CP ngày 17 tháng 3 năm 2022 về Chương trình phòng, chống dịch COVID-19; trong đó tập trung vào một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm sau đây:
a) Căn cứ Chương trình làm việc của Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Quốc hội, Ủy ban thường vụ Quốc hội, Chính phủ, tập trung nguồn lực, khẩn trương hoàn thiện các đề án, tờ trình, báo cáo để trình cấp có thẩm quyền, bảo đảm chất lượng, tiến độ theo quy định.
b) Khẩn trương thực hiện quyết liệt, đồng bộ, hiệu quả hơn nữa các nhiệm vụ, giải pháp thực hiện Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội theo Nghị quyết số 11/NQ-CP ngày 30 tháng 01 năm 2022 của Chính phủ; hoàn thiện, ban hành hoặc trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành các văn bản hướng dẫn thực hiện Chương trình trước ngày 10 tháng 4 năm 2022; chủ động xử lý các vấn đề phát sinh theo thẩm quyền hoặc báo cáo cấp có thẩm quyền theo quy định, chịu trách nhiệm toàn diện trước Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về việc bảo đảm tiến độ, chất lượng theo đúng yêu cầu đề ra.
c) Thực hiện nghiêm túc các kết luận, chỉ đạo của Trung ương, Lãnh đạo chủ chốt, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19; không được lơ là, chủ quan, mất cảnh giác. Tiếp tục tập trung triển khai hiệu quả các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19; khẩn trương hoàn thành sớm nhất việc tiêm vắc-xin phòng COVID-19 mũi 3 cho người từ 18 tuổi trở lên và chủ động các phương án tiêm mũi 4 (khi có đủ cơ sở), nhất là cho các đối tượng ưu tiên. Chuẩn bị sẵn sàng điều kiện về cơ sở vật chất, trang thiết bị, phương tiện bảo quản, địa điểm, nhân lực để tiêm vắc- xin phòng COVID-19 cho trẻ em từ 5 tuổi đến dưới 12 tuổi ngay sau khi được cung ứng vắc-xin, bảo đảm an toàn, khoa học, hiệu quả; hoàn thành trong quý II năm 2022.
d) Khẩn trương thực hiện nghiêm các nhiệm vụ được giao tại Nghị quyết số 18/NQ-CP ngày 11 tháng 02 năm 2022 của Chính phủ về triển khai thực hiện Nghị quyết số 44/2021/QH15 ngày 11 tháng 02 năm 2022 của Quốc hội về chủ trương đầu tư xây dựng dự án đường cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021 - 2025, bảo đảm chất lượng, tiến độ; thường xuyên giao ban đánh giá tình hình, kết quả thực hiện và chủ động có giải pháp xử lý kịp thời những vấn đề phát sinh.
 
Về triển khai Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030 (Đề án 06)
Chính phủ yêu cầu Bộ trưởng, Thủ trưởng các cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương tập trung triển khai Đề án 06, trong đó:
a) Chỉ đạo thực hiện số hóa và tái sử dụng kết quả số hóa hồ sơ, kết quả giải quyết thủ tục hành chính có liên quan đến thông tin, giấy tờ cá nhân trong tiếp nhận, giải quyết thủ tục hành chính tại Bộ phận một của cấp bộ, cấp tỉnh từ ngày 01 tháng 6 năm 2022, tại Bộ phận một cửa cấp huyện từ ngày 01 tháng 12 năm 2022 và tại Bộ phận một cửa cấp xã từ ngày 01 tháng 6 năm 2023. Riêng đối với 25 dịch vụ công thiết yếu theo Đề án 06, phải thực hiện số hóa trong việc giải quyết thủ tục hành chính tại Bộ phận một cửa từ ngày 01 tháng 7 năm 2022 để người dân không phải khai báo, cung cấp lại.
b) Các bộ, cơ quan trung ương và địa phương chủ động sử dụng dự toán ngân sách nhà nước năm 2022 đã được giao của bộ, cơ quan, địa phương để thực hiện Đề án 06 theo quy định và phân cấp ngân sách nhà nước hiện hành. Đối với các bộ, cơ quan trung ương, trường hợp quá khó khăn trong việc bố trí kinh phí năm 2022 thực hiện Đề án, đề xuất nhu cầu bổ sung kinh phí gửi Bộ Tài chính để chủ trì, phối hợp với Bộ Công an và cơ quan liên quan trình cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định theo quy định.
Bộ Công an chủ trì, phối hợp với Văn phòng Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương đẩy nhanh tiến độ kiểm tra an ninh, an toàn thông tin đối với hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính cấp bộ, cấp tỉnh phục vụ kết nối, tích hợp với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư; kịp thời tháo gỡ, khó khăn vướng mắc về cung cấp định danh điện tử của công dân, cấp thẻ căn cước công dân để thực hiện các thủ tục hành chính trên môi trường điện tử.
Bộ Thông tin và Truyền thông khẩn trương ban hành văn bản hướng dẫn về các thành phần công nghệ thông tin thiết yếu cần thiết và tiêu chuẩn, định mức kèm theo phải đầu tư theo yêu cầu của Đề án 06 làm cơ sở để các bộ, ngành, địa phương đề xuất đầu tư, dự toán kinh phí thực hiện. Trên cơ sở đó, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính hướng dẫn bố trí kinh phí đầu tư, thường xuyên bảo đảm việc triển khai thực hiện đáp ứng lộ trình của Đề án 06.
Việc ban hành văn bản hướng dẫn của Bộ Thông tin và Truyền thông phải hoàn thành trong thời hạn 10 ngày kể từ ngày nhận được yêu cầu nghiệp vụ của Bộ Công an. Sớm có giải pháp khuyến khích, thúc đẩy người dân sử dụng dịch vụ ký số từ xa (Smart CA) để thực hiện các thủ tục hành chính trên môi trường điện tử. Chỉ đạo các nhà mạng kết nối thông tin thuê bao (trừ thông tin mật) với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư để xác thực dữ liệu người dùng nhằm nâng cao hiệu quả công tác quản lý, giải quyết tình trạng sử dụng SIM rác, báo cáo kết quả thực hiện với Thủ tướng Chính phủ.
Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Văn phòng Chính phủ triển khai kết nối, tích hợp, chia sẻ, đồng bộ dữ liệu với Cổng Dịch vụ công quốc gia phục vụ thanh toán trực tuyến nghĩa vụ tài chính trong giải quyết thủ tục hành chính, thực hiện dịch vụ công; rà soát, phân bổ các quy định về tổ chức kết nối, chia sẻ dữ liệu để bảo đảm việc đối soát, hoàn trả lại phí, lệ phí thực hiện thủ tục hành chính trên Cổng Dịch vụ công quốc gia cho người dân, doanh nghiệp.
Chính phủ yêu cầu các bộ, cơ quan, địa phương, theo chức năng, nhiệm vụ được giao, triển khai thực hiện nghiêm túc, hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp nêu tại Nghị quyết này; thường xuyên kiểm tra, đánh giá việc thực hiện; kịp thời báo cáo, đề xuất Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ những vấn đề phát sinh, vượt thẩm quyền.