Chiến lược quốc gia phát triển kinh tế số và xã hội số đến năm 2025, định hướng đến năm 2030

31/03/2022
Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Chiến lược quốc gia phát triển kinh tế số và xã hội số đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Trong đó, nêu rõ quan điểm thể chế, hạ tầng, nhân lực, người dân, doanh nghiệp đóng vai trò quan trọng cho phát triển kinh tế số và xã hội số.

Về phát triển kinh tế số
Kinh tế số là hoạt động kinh tế sử dụng công nghệ số và dữ liệu số làm yếu tố đầu vào chính, sử dụng môi trường số làm không gian hoạt động chính, sử dụng công nghệ thông tin - viễn thông để tăng năng suất lao động, đổi mới mô hình kinh doanh và tối ưu hóa cấu trúc nền kinh tế.
Kinh tế số bao gồm: Kinh tế số ICT là công nghiệp công nghệ thông tin và dịch vụ viễn thông; kinh tế số nền tảng là hoạt động kinh tế của các nền tảng số, các hệ thống trực tuyến kết nối giữa cung và cầu và các dịch vụ trực tuyến trên mạng; kinh tế số ngành là hoạt động kinh tế số trong các ngành, lĩnh vực.
Phát triển kinh tế số ICT với trọng tâm là doanh nghiệp, sản phẩm công nghệ số Make in Việt Nam, hài hòa với thu hút FDI có chọn lọc, gia tăng hàm lượng xuất khẩu.
Phát triển kinh tế số nền tảng với trọng tâm là các nền tảng số quốc gia, là động lực thúc đẩy phát triển kinh tế số ngành, lĩnh vực.
Phát triển kinh tế số ngành với trọng tâm là ưu tiên đưa vào sử dụng các nền tảng số dùng chung, thống nhất trong từng ngành, lĩnh vực.
Về phát triển xã hội số
Xã hội số là xã hội tích hợp công nghệ số một cách tự nhiên và mặc định vào mọi mặt đời sống, người dân được kết nối, có khả năng tương tác và thành thạo kỹ năng số để sử dụng các dịch vụ số, từ đó, hình thành các mối quan hệ mới trong môi trường số, hình thành thói quen số và văn hóa số.
Các đặc trưng cơ bản của xã hội số bao gồm: Công dân số, kết nối số và văn hóa số. Công dân số được đặc trưng bởi danh tính số, phương tiện số, kỹ năng số và tài khoản số. Kết nối số được đặc trưng bởi khả năng kết nối mạng của người dân, bao gồm tỷ lệ dân được phủ mạng cáp quang, mạng di động băng rộng và tỷ lệ người dùng Internet. Văn hóa số được đặc trưng bởi mức độ sử dụng dịch vụ công trực tuyến, mức độ sử dụng dịch vụ số trên mạng, mức độ sử dụng các dịch vụ y tế số, giáo dục số của người dân.
Phát triển xã hội số đi đôi với tạo dựng các giá trị văn hóa phù hợp với thời đại số, tạo điều kiện cho mọi người tiếp cận, tiếp thu có chọn lọc các giá trị văn hóa thế giới, làm giàu đời sống tinh thần của người Việt Nam.
Phát huy sự sáng tạo của người dân trong xã hội số, đồng thời, bảo vệ người dân trước các mối nguy cơ, đe dọa trong xã hội số.
Phát triển nền móng kinh tế số và xã hội số sẽ tập trung vào 9 lĩnh vực:
Thể chế
Hoàn thiện thể chế, chính sách và môi trường pháp lý là nhiệm vụ xuyên suốt, có mức độ ưu tiên cao nhất, được lồng ghép trong tất các các nhiệm vụ, giải pháp phát triển kinh tế số và xã hội số. Điểm đột phá là ban hành chính sách, quy định thúc đẩy các hoạt động trực tuyến diễn ra nhiều hơn, rẻ hơn, nhanh hơn, dễ dàng hơn và an toàn hơn.
Các nhiệm vụ trọng tâm bao gồm:
a) Xây dựng, trình ban hành và tổ chức thực thi Luật Giao dịch điện tử sửa đổi và các văn bản hướng dẫn Luật để công nhận đầy đủ tính pháp lý của hồ sơ, dữ liệu, chứng từ điện tử và giao dịch điện tử; tạo hành lang pháp lý rõ ràng cho các nền tảng trung gian trong giao dịch điện tử; để việc thực hiện giao dịch điện tử mang lại nhiều lợi ích hơn, rẻ hơn, nhanh hơn, dễ dàng hơn và an toàn hơn việc thực hiện giao dịch theo các phương thức truyền thống.
b) Xây dựng, sửa đổi, bổ sung cơ chế, chính sách, pháp luật trong từng ngành, lĩnh vực phù hợp với yêu cầu của phát triển kinh tế số, xã hội số; chú trọng xây dựng các chính sách để nâng tỷ lệ hoạt động trực tuyến chiếm tối thiểu 50% các hoạt động trong mỗi cơ quan, tổ chức, ngành, lĩnh vực.
c) Xây dựng, trình cấp có thẩm quyền ban hành và tổ chức triển khai khung pháp lý thử nghiệm có kiểm soát (sand box) đối với các dịch vụ số mới, mô hình kinh doanh kinh tế số mới chưa được pháp luật quy định rõ ràng.
d) Rà soát, chỉnh sửa, bổ sung cơ chế, chính sách, pháp luật để thực hiện chống độc quyền, chống mua bán, sáp nhập làm ảnh hưởng tới cạnh tranh lành mạnh trong kinh tế số; tăng cường quy định để tránh các doanh nghiệp chi phối lạm dụng; tổ chức giám sát thực thi pháp luật bảo đảm nguyên tắc thực thi công bằng, trách nhiệm như nhau trước pháp luật đối với cả doanh nghiệp Việt Nam và doanh nghiệp cung cấp dịch vụ xuyên biên giới vào Việt Nam.
đ) Nghiên cứu, hoàn thiện thể chế, pháp luật cho kinh tế số và xã hội số; quy định quản lý và phát triển kinh tế số nền tảng, hoạt động của các nền tảng số, dịch vụ số và giao dịch trực tuyến. Xây dựng, ban hành, hoàn thiện hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật phục vụ phát triển kinh tế số và xã hội số.
Hạ tầng
Phát triển kết cấu hạ tầng đồng bộ, gồm hạ tầng số và hạ tầng thiết yếu phục vụ kinh tế số và xã hội số. Điểm đột phá là nhanh chóng phổ cập điện thoại thông minh tới mỗi người dân, phổ cập Internet cáp quang băng rộng tốc độ cao tới mỗi hộ gia đình, phổ cập dịch vụ điện toán đám mây tới mỗi doanh nghiệp.
Các nhiệm vụ trọng tâm như: a) Xây dựng, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt và tổ chức triển khai Chiến lược phát triển hạ tầng số theo hướng hạ tầng phải đi trước, đi nhanh, Việt Nam làm chủ công nghệ. b) Xây dựng, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt và tổ chức triển khai chiến lược, lộ trình số hóa và thông minh hóa các lĩnh vực hạ tầng thiết yếu khác phục vụ kinh tế số và xã hội số gồm: hạ tầng bưu chính; hạ tầng giao thông; hạ tầng cung cấp điện; hạ tầng thủy lợi và ứng phó với biến đổi khí hậu; hạ tầng đô thị; hạ tầng thương mại, công nghiệp và năng lượng; hạ tầng giáo dục và đào tạo; hạ tầng khoa học và công nghệ; hạ tầng y tế; hạ tầng văn hóa, thể thao, du lịch…
Nền tảng số
Nền tảng số là hệ thống thông tin phục vụ các giao dịch điện tử trực tuyến hoạt động theo mô hình sử dụng công nghệ số để tạo môi trường mạng cho phép nhiều bên cùng tham gia để cung cấp dịch vụ cho các tổ chức, cá nhân, có thể sử dụng ngay, đơn giản, thuận tiện, linh hoạt theo yêu cầu, dễ dàng phổ biến trên diện rộng, các bên tham gia không cần tự đầu tư, quản lý, vận hành, duy trì. Nền tảng số là “hạ tầng mềm” của không gian số, giải quyết các bài toán cụ thể của chuyển đổi số, tạo lập và lưu trữ dữ liệu người dùng, càng có nhiều người sử dụng thì dữ liệu càng nhiều, chi phí càng rẻ, giá trị tạo ra càng lớn.
Điểm đột phá là nắm bắt cơ hội, phát triển và phổ cập thật nhanh các nền tảng số quốc gia phục vụ các nhu cầu riêng, đặc thù của người Việt Nam, trên cơ sở phân loại và thấu hiểu nhu cầu sử dụng của từng ngành, nghề, lĩnh vực. Mỗi nền tảng số quốc gia có một cơ quan chủ quản là một bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Ủy ban nhân dân một tỉnh/thành phố trực thuộc trung ương hoặc một doanh nghiệp để chủ trì điều phối, đặt hàng, phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông và một số doanh nghiệp nòng cốt để thúc đẩy phát triển.
Dữ liệu số
Dữ liệu và khả năng sẵn sàng kết nối, chia sẻ dữ liệu tạo nên huyết mạch quan trọng của kinh tế số và xã hội số. Dữ liệu là nguyên liệu không tiêu hao, càng chia sẻ, khai thác, sử dụng thì càng phát huy giá trị. Việc tạo lập, phân loại, dán nhãn dữ liệu, nhanh chóng hoàn thiện hành lang pháp lý về dữ liệu và quản trị dữ liệu là yếu tố quyết định thúc đẩy cơ quan nhà nước, doanh nghiệp và người dân chuyển từ sở hữu riêng dữ liệu sang cùng tạo lập, chia sẻ và khai thác dữ liệu.
Điểm đột phá là phát triển dữ liệu chủ trong các cơ sở dữ liệu quốc gia có độ chính xác cao làm dữ liệu gốc và dữ liệu mở đặc thù của Việt Nam để phân tích, xử lý, dán nhãn phục vụ phát triển trí tuệ nhân tạo.
An toàn thông tin mạng và an ninh mạng
Phát triển năng lực quản lý các nền tảng số, xây dựng môi trường số an toàn, lành mạnh, tạo niềm tin để mạnh mẽ thực hiện chuyển đổi từ môi trường thực lên môi trường số. Điểm đột phá là phổ cập dịch vụ an toàn thông tin mạng ở mức cơ bản tới người dân và doanh nghiệp.
Nhân lực số
Phát triển nhân lực số theo hướng tập trung phát triển nhân lực công nghệ số đáp ứng kỹ năng mới liên quan đến điện toán đám mây, trí tuệ nhân tạo, dữ liệu lớn, kiến trúc hệ thống, kỹ nghệ phần mềm, thiết kế giao diện và trải nghiệm người dùng, an toàn thông tin mạng.
Điểm đột phá là các trường đại học số, người học có thể học và thi trực tuyến, có thể sử dụng học liệu số được cá nhân hóa, có thể được hỗ trợ học tập bởi trí tuệ nhân tạo.
Kỹ năng số, công dân số và văn hóa số
Phát triển kỹ năng số, công dân số, văn hóa số theo hướng phổ cập kỹ thuật số toàn diện để hình thành nên một xã hội số công bằng và bao trùm, khơi dậy tiềm năng, sự tự hào Việt Nam và niềm tin của người dân trên không gian số.
Điểm đột phá của phổ cập kỹ năng số, văn hóa số toàn dân là phổ biến kỹ năng số, văn hóa số bằng chính việc sử dụng các nền tảng số quốc gia và thực hiện đào tạo, tập huấn kỹ năng số, văn hóa số thông qua nền tảng số.
Doanh nghiệp số
Phát triển các doanh nghiệp số, gồm doanh nghiệp công nghệ số và chuyển đổi các doanh nghiệp truyền thống thành doanh nghiệp số. Điểm đột phá là đẩy mạnh, đẩy nhanh chuyển đổi số doanh nghiệp dựa trên các nền tảng số, tạo hệ sinh thái doanh nghiệp số trong các ngành lĩnh vực.
Thanh toán số
Phát triển thanh toán số theo hướng phổ cập tài chính toàn diện, thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt. Các nhiệm vụ trọng tâm như: Xây dựng, trình Chính phủ ban hành Nghị định của Chính phủ về cơ chế thử nghiệm có kiểm soát hoạt động công nghệ tài chính trong lĩnh vực ngân hàng; Rà soát, sửa đổi quy định, chính sách về tài chính, phí, lệ phí theo hướng loại bỏ các rào cản thanh toán không sử dụng tiền mặt, từ đó, khuyến khích người dân thực hiện các giao dịch không sử dụng tiền mặt…
Phát triển kinh tế số và xã hội số toàn diện trong tất cả các ngành, lĩnh vực
Bên cạnh đó là phát triển kinh tế số và xã hội số toàn diện trong tất cả các ngành, lĩnh vực và tập trung phát triển một số ngành, lĩnh vực trọng điểm như:
Nông nghiệp, nông thôn: Phát triển kinh tế số và xã hội số theo hướng nông nghiệp số gắn liền với nông nghiệp sinh thái, nông nghiệp tuần hoàn, nông thôn hiện đại, nông dân chuyên nghiệp, văn minh.
Y tế: Phát triển kinh tế số và xã hội số theo hướng y tế số gắn kết thông suốt mạng lưới cơ sở khám, chữa bệnh từ trung ương tới cấp xã và với người dân.
Giáo dục và Đào tạo: Phát triển kinh tế số và xã hội số theo hướng cơ sở giáo dục và đào tạo tiên phong triển khai áp dụng công nghệ số, tạo môi trường hình thành thế hệ công dân số và doanh nhân số cho tương lai.
Lao động, việc làm và an sinh xã hội: Phát triển kinh tế số và xã hội số theo hướng đẩy nhanh tiến trình thực hiện giao dịch điện tử trong lĩnh vực lao động, việc làm và an sinh xã hội; tạo lập và duy trì cơ sở dữ liệu đầy đủ, cập nhật kịp thời về người lao động và đối tượng chính sách trên phạm vi cả nước.
Thương mại: Phát triển kinh tế số và xã hội số trong thương mại theo hướng tinh gọn và tăng hiệu quả của chuỗi cung ứng, góp phần hiện đại hóa chu trình kinh doanh và nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp, đẩy mạnh phát triển thị trường trong nước và xuất khẩu.
Công nghiệp và năng lượng: Phát triển kinh tế số và xã hội số trong công nghiệp và năng lượng theo định hướng thiết lập môi trường phù hợp cho đổi mới sáng tạo, tăng cường sự chỉ đạo chiến lược và khai thác linh hoạt nguồn lực tài chính cho hoạt động hỗ trợ chuyển đổi số.
Du lịch: Phát triển kinh tế số và xã hội số theo hướng cung cấp đầy đủ thông tin và trải nghiệm trực tuyến cho khách du lịch trước khi thực hiện chuyến đi và trong khi thực hiện chuyến đi theo thời gian thực.
Tài nguyên và Môi trường:  Xây dựng và tổ chức triển khai Kế hoạch hành động phát triển kinh tế số và xã hội số trong lĩnh vực tài nguyên và môi trường, phát triển kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, sử dụng năng lượng tái tạo và carbon thấp, thân thiện với môi trường…
Đối với các ngành tài chính, ngân hàng, bảo hiểm, bưu chính, giao thông vận tải, logistics, xây dựng và bất động sản, các lĩnh vực sản xuất, dịch vụ và các ngành, lĩnh vực khác: tập trung phát triển kinh tế số và xã hội số trong từng ngành, lĩnh vực theo hướng thiết lập môi trường phù hợp cho đổi mới sáng tạo, tăng cường sự chỉ đạo chiến lược và khai thác linh hoạt nguồn lực tài chính cho hoạt động hỗ trợ chuyển đổi số, hình thành hệ sinh thái kinh tế số, xã hội số ngành, lĩnh vực.