Đẩy nhanh quá trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội

10/03/2022
Đây là yêu cầu của Chính tại Nghị quyết số 25/NQ-CP. Tại Nghị quyết, nhiều vấn đề thời sự quan trọng được chỉ đạo quyết liệt và sát sao như tiếp tục chiến dịch tiêm chủng, chuẩn bị các điều kiện mở cửa trường học, vấn đề sắp xếp, tinh giản bộ máy nhà nước, vấn đề nguồn vốn đầu tư công, chính sách tiền tệ, tiếp tục chiến lược phát triển Chính phủ điện tử hướng tới Chính phủ số giai đoạn 2021-2025…


Tại Nghị quyết, Thủ tướng Chính phủ nhận định tình hình kinh tế - xã hội tháng 02 và 02 tháng đầu năm tiếp tục chuyển biến tích cực, có nhiều điểm sáng. Dịch bệnh COVID-19 cơ bản được kiểm soát trên phạm vi toàn quốc; các địa phương đã triển khai có hiệu quả Chiến dịch tiêm chủng vaccine mùa Xuân năm 2022, đến nay, tỷ lệ bao phủ đủ 2 mũi vaccine phòng COVID-19 cho người từ 18 tuổi trở lên là 98,4%, mũi 3 là 37,4%; thực hiện tiêm vaccine cho trẻ em từ 12 - 17 tuổi với tỷ lệ bao phủ mũi 2 đạt 93,5%; nhờ đó mặc dù gần đây số ca nhiễm COVID-19 tăng nhanh nhưng tỷ lệ chuyển bệnh nặng và tử vong giảm sâu. Kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát được kiểm soát, các cân đối lớn được bảo đảm. Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân 02 tháng tăng 1,68% so với cùng kỳ. Thị trường tiền tệ, ngoại hối, tỷ giá cơ bản ổn định; duy trì mặt bằng lãi suất cho vay thấp….
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, tình hình kinh tế - xã hội tháng 02 và 2 tháng đầu năm vẫn còn những tồn tại, hạn chế. Kinh tế vĩ mô, các cân đối lớn tiềm ẩn rủi ro, trong đó có ảnh hưởng của xung đột chính trị, quân sự trên thế giới. Dịch COVID-19 vẫn đang lây lan nhanh; công tác triển khai thực hiện phòng, chống dịch tại một số địa phương vẫn là khâu yếu; năng lực y tế cơ sở, trang thiết bị y tế chưa đáp ứng yêu cầu; còn tình trạng lơ là, chủ quan, mất cảnh giác. Một bộ phận lao động phải nghỉ việc để cách ly y tế, gây ra thiếu hụt lao động tạm thời. Chi phí đầu vào cho sản xuất tăng, tiềm ẩn nguy cơ thiếu hụt cục bộ xăng dầu trong nước. Còn tình trạng ùn tắc hàng hóa, nông sản tại các cửa khẩu biên giới.
Dự báo thời gian tới, tình hình chính trị thế giới tiếp tục biến động phức tạp, nhất là căng thẳng chính trị giữa các nước lớn, xung đột vũ trang giữa Nga và Ukraine; sự phục hồi kinh tế tại các quốc gia còn thiếu ổn định, không đồng đều, giá dầu thô và nhiều loại hàng hóa cơ bản khác có xu hướng tăng cao làm tăng chi phí sản xuất, vận tải, logistics… Ở trong nước, dịch bệnh COVID-19 tiếp tục diễn biến phức tạp; chậm phục hồi kinh tế có thể xảy ra nếu không quyết liệt, tập trung thực hiện đầy đủ những nhiệm vụ, giải pháp, biện pháp phòng, chống dịch bệnh và phát triển kinh tế - xã hội; rủi ro lạm phát, nợ xấu gia tăng; thiên tai, biến đổi khí hậu là nguy cơ luôn tiềm ẩn.
Trước tình hình đó, Chính phủ yêu cầu các bộ, cơ quan, địa phương, các cấp, các ngành và cả hệ thống chính trị, doanh nghiệp và nhân dân cả nước phải nỗ lực, quyết tâm cao hơn nữa trong các hoạt động chỉ đạo, điều hành cũng như trong hoạt động sản xuất, kinh doanh, đời sống xã hội để sớm khắc phục những khó khăn, thách thức, tranh thủ thời gian để đẩy nhanh quá trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, phấn đấu đạt tốc độ tăng trưởng cao ngay trong quý I năm 2022, góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2022 đã đề ra.
Hoàn thành tiêm mũi 3 cho người từ 18 tuổi trở lên trong tháng 3 năm 2022
Thủ tướng yêu cầu các đồng chí Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương căn cứ chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn được giao tiếp tục triển khai hiệu quả hơn nữa Chiến dịch tiêm chủng vaccine thần tốc mùa Xuân năm 2022, bảo đảm an toàn, khoa học, hiệu quả; rà soát, xử lý nguyên nhân đạt tỷ lệ tiêm thấp, nhất là đối với các địa phương chưa hoàn thành tiêm mũi 2 như mục tiêu đã đề ra; hoàn thành tiêm mũi 3 cho người từ 18 tuổi trở lên trong tháng 3 năm 2022. Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh chịu trách nhiệm về việc tiêm chậm vaccine trên địa bàn.
Đồng thời, tiếp tục thực hiện đầy đủ, đồng bộ các quy định, phương châm, phương pháp phòng, chống dịch theo đúng chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; trong đó tuân thủ nghiêm yêu cầu 5K đối với cá nhân, yêu cầu an toàn COVID-19 đối với tổ chức, cơ quan, đơn vị và các biện pháp phòng dịch khác; hạn chế tối đa các trường hợp tụ tập đông người không cần thiết, nhất là trong các hoạt động lễ hội. Xử lý nghiêm các hành vi vi phạm.
Thực hiện nghiêm các quy định, hướng dẫn về điều trị, hạn chế tối đa số ca chuyển nặng, tử vong; chủ động bảo đảm tại chỗ đầy đủ nhân lực, cơ sở vật chất, trang thiết bị y tế và các điều kiện khác phục vụ công tác điều trị trên địa bàn tương ứng với các kịch bản dịch bệnh; kịp thời thông báo Bộ Y tế nhu cầu hỗ trợ về nhân lực, vật tư, thuốc khi cần thiết, nhất là đối với các địa bàn có số ca mắc tăng cao và nhiều đối tượng có nguy cơ cao. Không để xảy ra quá tải hệ thống y tế.
Thực hiện việc mở cửa trường học gắn với bảo đảm an toàn phòng, chống dịch; kiểm soát và xử lý kịp thời các ca nhiễm, giữ mức độ an toàn cao nhất cho học sinh, giáo viên. Thường xuyên cập nhật thông tin, quy định về công tác phòng, chống dịch trong nhà trường của Bộ Y tế, Bộ Giáo dục và Đào tạo; bám sát diễn biến của dịch, kịp thời, chủ động xử lý theo thẩm quyền và báo cáo cấp có thẩm quyền cập nhật, hoàn chỉnh phương án thực hiện đối với từng địa phương, bảo đảm an toàn, hiệu quả, khoa học, phù hợp. Chủ động phối hợp với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức triển khai các hoạt động du lịch bảo đảm an toàn, hiệu quả, thuận lợi cho khách du lịch.
Khẩn trương tiếp nhận vaccine và chỉ đạo thực hiện tiêm cho trẻ từ 05 đến dưới 12 tuổi
Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ Y tế chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan, địa phương khẩn trương hoàn thiện dự thảo Nghị định quy định chi tiết một số điều của Nghị quyết số 12/2021/UBTVQH15 ngày 30/12/2021 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc cho phép thực hiện một số cơ chế, chính sách trong lĩnh vực y tế để phục vụ công tác phòng, chống dịch COVID-19, trình Chính phủ xem xét, ban hành trong tháng 3 năm 2022.
Khẩn trương tiếp nhận vaccine và chỉ đạo thực hiện tiêm cho trẻ từ 05 đến dưới 12 tuổi; tập trung nghiên cứu, tham mưu việc tiêm vaccine phòng COVID-19 mũi thứ 4, bảo đảm khoa học, an toàn, hiệu quả.
Rà soát, đánh giá lại các tiêu chí cấp độ dịch, các quy định về quản lý người nhiễm SARS-CoV-2, người tiếp xúc gần với người nhiễm để kịp thời điều chỉnh phù hợp, sát thực tế; đánh giá chính xác tình hình dịch bệnh, tham khảo kinh nghiệm quốc tế, từ đó có biện pháp phù hợp, hiệu quả để tiến tới bình thường hóa với dịch bệnh, xem COVID-19 là bệnh đặc hữu. Trường hợp cần tiếp tục thực hiện thống kê ca nhiễm thì phải rà soát trình tự, thủ tục để bảo đảm đơn giản, dễ thực hiện, hạn chế tiếp xúc trực tiếp và tính chính xác của số liệu. Tiếp tục cập nhật, hoàn thiện hơn nữa quy trình chăm sóc F0 tại nhà.
Thúc đẩy việc cấp phép lưu hành, hướng dẫn sử dụng các loại thuốc điều trị, thuốc hỗ trợ điều trị COVID-19 theo hướng đơn giản hóa thủ tục hành chính, bảo đảm chủ động về thuốc điều trị; nâng cao năng lực tư vấn, hỗ trợ điều trị COVID-19; kịp thời tháo gỡ ngay các vướng mắc, bất cập trong quy định về thủ tục kê đơn, bán thuốc điều trị COVID-19 để tạo thuận lợi cho người dân tiếp cận thuốc. Kiểm soát chặt chẽ giá xét nghiệm, giá kit xét nghiệm, giá các loại thuốc điều trị, thuốc hỗ trợ điều trị COVID-19 theo đúng quy định, không để xảy ra tình trạng tăng giá, đầu cơ, trục lợi, mất kiểm soát, tiêu cực; kịp thời xử lý nghiêm các hành vi sản xuất, tàng trữ, buôn bán thuốc điều trị, kit xét nghiệm COVID-19 giả, thuốc nhập lậu, vi phạm về nguồn gốc xuất xứ...
Xem xét, ban hành Nghị định quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức bộ máy của bộ, cơ quan trong tháng 3
Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành, địa phương bám sát chương trình làm việc của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Quốc hội để hoàn thành các dự án, đề án, văn bản trình theo quy định và bảo đảm chất lượng. Tập trung hoàn thiện thể chế, nâng cao hiệu lực, hiệu quả thực thi pháp luật; đẩy mạnh cải cách hành chính, tăng cường phân cấp trong giải quyết thủ tục hành chính; sắp xếp tổ chức bộ máy tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả. Hoàn thiện, trình Chính phủ trong tháng 3 năm 2022 để xem xét, ban hành nghị định quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức bộ máy của bộ, cơ quan.
Tổ chức triển khai quyết liệt, hiệu quả Chương trình cắt giảm, đơn giản hóa quy định liên quan đến hoạt động sản xuất, kinh doanh giai đoạn 2020-2025; Đề án đổi mới thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong giải quyết thủ tục hành chính; Chiến lược phát triển Chính phủ điện tử hướng tới Chính phủ số giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030 và Quyết định 06/QĐ-TTg ngày 06/1/2022 của Thủ tướng Chính phủ về Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030.
Linh hoạt trong điều chỉnh nguồn vốn đầu tư công và trong điều hành chính sách tiền tệ
Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan, địa phương tổng hợp danh mục nhiệm vụ, dự án và phương án bố trí vốn trong 02 năm 2022 - 2023 và từng năm 2022, 2023 của Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội theo đề xuất của các bộ, cơ quan, địa phương, bảo đảm đầu tư có trọng tâm, trọng điểm; báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định trong tháng 3 năm 2022.
Xây dựng phương án điều chỉnh linh hoạt nguồn vốn đầu tư công trong Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025 và nguồn vốn đầu tư công của Chương trình trong năm 2022 - 2023, báo cáo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định trong tháng 3 năm 2022.
Ban hành văn bản hướng dẫn trình tự, thủ tục, tiêu chuẩn đánh giá, quy trình thẩm định, quyết định chỉ định thầu thuộc thẩm quyền của Thủ tướng Chính phủ, của bộ, cơ quan đối với các gói thầu tư vấn, gói thầu phục vụ di dời hạ tầng kỹ thuật, gói thầu thực hiện đền bù, giải phóng mặt bằng và tái định cư, gói thầu xây lắp của các dự án quan trọng quốc gia, các dự án hạ tầng quan trọng có quy mô lớn, cấp bách về hạ tầng giao thông và y tế thuộc Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, Dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021 - 2025 bảo đảm phù hợp các Nghị quyết của Quốc hội và của Chính phủ, hoàn thành trong tháng 3 năm 2022…
Thủ tướng cũng yêu cầu Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan tiếp tục điều hành chính sách tiền tệ chủ động, đồng bộ, linh hoạt, kết hợp chặt chẽ với chính sách tài khóa, công tác điều hành giá những mặt hàng nhà nước quản lý giá và các chính sách khác để góp phần giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, an toàn hệ thống các tổ chức tín dụng, hỗ trợ tích cực cho phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội. Tiếp tục xử lý, khẩn trương đề xuất cấp có thẩm quyền cơ chế xử lý đối với các tổ chức tín dụng yếu kém.
Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan, địa phương bảo đảm bố trí kinh phí đầy đủ, kịp thời cho các nhiệm vụ chi ngân sách nhà nước nói chung cũng như nhiệm vụ chi thuộc Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội. Tiếp tục cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục, rút ngắn thời gian kiểm soát chi; phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan kịp thời xử lý các vướng mắc về thanh, quyết toán.