Tiếp tục thực hiện Nghị quyết Hội nghị Trung ương 5 khóa XI về chính sách xã hội (2012 – 2020)

29/11/2021
Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam đã ký Quyết định số 1983/QĐ-TTg ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện Kết luận số 92-KL/TW ngày 05 tháng 11 năm 2020 của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Nghị quyết Hội nghị Trung ương 5 khóa XI một số vấn đề về chính sách xã hội giai đoạn 2012 - 2020.

Phó Thủ tướng yêu cầu việc thực hiện phải bảo đảm lộ trình và phân công trách nhiệm tổ chức thực hiện Kế hoạch phù hợp với các mục tiêu và nhiệm vụ, giải pháp đã được xác định trong các kế hoạch, chương trình, đề án về chính sách xã hội, gắn với các mục tiêu phát triển bền vững về kinh tế - xã hội của đất nước. Đồng thời phải tổ chức thực hiện Kế hoạch chủ động, kịp thời, đồng bộ; các cơ quan, đơn vị, tổ chức được giao chủ trì hoạt động có trách nhiệm xây dựng kế hoạch cụ thể và tổ chức triển khai đúng tiến độ, thực chất, hiệu quả. Bên cạnh đó cần huy động sự tham gia của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội; tăng cường sự phối hợp chặt chẽ, đồng bộ, trách nhiệm giữa các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan trong quá trình thực hiện Kế hoạch.
Kế hoạch tập trung thực hiện các nhóm nhiệm vụ và giải pháp cụ thể như:
Đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền, phổ biến luật pháp, chính sách xã hội
- Thường xuyên, liên tục tuyên truyền, phổ biến đường lối, quan điểm của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, tạo chuyển biến sâu sắc về nhận thức, trách nhiệm trong cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức và các tầng lớp nhân dân về chính sách xã hội, khơi dậy tinh thần tự vươn lên của người dân và huy động nguồn lực thực hiện mục tiêu đảm bảo an sinh xã hội bền vững.
- Xây dựng, lồng ghép các nội dung tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật về chính sách xã hội bảo đảm theo quy định tại Điều 20 Luật Phổ biến, giáo dục pháp luật; tăng thời lượng phát sóng chương trình truyền hình tiếng dân tộc thiểu số và ngôn ngữ ký hiệu.
- Biên soạn, phát hành tài liệu truyền thông với nội dung và hình thức phù hợp với mọi đối tượng, chú trọng người nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn, người yếu thế; hướng dẫn truyền thông về chính sách xã hội.
- Phát hiện, biểu dương, tuyên truyền sâu rộng trong xã hội những mô hình tốt, cách làm hay và tấm gương tiêu biểu đóng góp vào thực hiện chính sách xã hội.
Phát triển hệ thống chính sách xã hội toàn diện, bao trùm và bền vững
- Tổng kết, đánh giá các chính sách, pháp luật và các chương trình, đề án có liên quan; rà soát, phát hiện những vướng mắc, hạn chế, bất cập, đề xuất cơ quan nhà nước có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện hệ thống luật pháp và chính sách xã hội bảo đảm thống nhất, đồng bộ, khả thi và phù hợp với từng giai đoạn phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, các cam kết quốc tế. Tăng cường hoạt động tham vấn và phát huy vai trò, sự tham gia của người dân đặc biệt là người yếu thế, người có hoàn cảnh khó khăn trong xây dựng và thực hiện pháp luật, chính sách xã hội.
- Tổ chức thực hiện tốt các chính sách, chế độ ưu đãi người có công theo quy định tại Pháp lệnh Ưu đãi người có công với cách mạng, bảo đảm người có công được chăm sóc, ưu đãi toàn diện, gia đình người có công có mức sống bằng hoặc cao hơn mức sống trung bình của dân cư trên địa bàn.
- Tiếp tục hoàn thiện và thực hiện chính sách hỗ trợ giảm nghèo; tổ chức triển khai hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2025, Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025 và Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030 theo hướng bền vững, ưu tiên địa bàn đặc biệt khó khăn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số; chú trọng hỗ trợ phát triển và nhân rộng các mô hình sản xuất kinh doanh phù hợp với người nghèo, nhất là ở vùng nông thôn, miền núi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số.
- Tiếp tục triển khai có hiệu quả Nghị quyết số 125/NQ-CP ngày 08 tháng 10 năm 2018 về ban hành Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 28-NQ/TW ngày 23 tháng 5 năm 2018 của Hội nghị lần thứ bảy Ban Chấp hành Trung ương khóa XII về cải cách chính sách bảo hiểm xã hội. Phát triển hệ thống bảo hiểm xã hội linh hoạt, phù hợp, đa dạng, đa tầng, hiện đại, hội nhập quốc tế, hướng tới bảo hiểm xã hội toàn dân; nhất là bảo hiểm xã hội tự nguyện đối với khu vực nông nghiệp, lao động phi chính thức; làm thay đổi nhận thức và thói quen của người dân tham gia bảo hiểm xã hội.
- Rà soát các chính sách, chương trình, đề án trợ giúp xã hội hiện hành, hoàn thiện chính sách pháp luật về trợ giúp xã hội, đáp ứng kịp thời nhu cầu cơ bản của người dân, nhất là người có hoàn cảnh khó khăn, người yếu thế và cộng đồng bị rủi ro do thiên tai, dịch bệnh, biến đổi khí hậu, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo, vùng dân tộc thiểu số, miền núi; nghiên cứu, xây dựng mức sống tối thiểu để làm cơ sở xác định đối tượng và mức trợ giúp xã hội; nghiên cứu nâng dần mức trợ cấp xã hội phù hợp với mức sống của từng nhóm đối tượng và điều kiện kinh tế xã hội của đất nước.
 Hoàn thiện hệ thống giáo dục quốc dân và phát triển thị trường lao động hiện đại và hội nhập
- Tiếp tục hoàn thiện chính sách giáo dục quốc dân theo hướng mở, đa dạng hóa các loại hình đào tạo và học tập theo Khung trình độ quốc gia Việt Nam; xây dựng và nâng cao chất lượng xã hội học tập; xây dựng và triển khai đề án phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em mẫu giáo; xây dựng và củng cố nhà trẻ, nhà mẫu giáo trong các khu công nghiệp và vùng nông thôn; nâng cao chất lượng phổ cập giáo dục và xóa mù chữ.
- Phát triển thị trường lao động cạnh tranh lành mạnh, đồng bộ, hiện đại và hội nhập; chú trọng đào tạo, đào tạo lại và đào tạo nâng cao nguồn nhân lực gắn với chuyển đổi nghề nghiệp và quá trình cơ cấu lại nền kinh tế; phát triển hệ thống thông tin thị trường lao động; đẩy mạnh chuyển dịch lao động và thúc đẩy việc làm bền vững, chú trọng việc làm cho thanh niên, lao động trung niên, lao động nữ và các nhóm lao động đặc thù khác; xây dựng quan hệ lao động hài hòa, ổn định và tiến bộ.
 Phát triển hệ thống dịch vụ xã hội đáp ứng nhu cầu và khả năng tiếp cận của người dân, nhất là đối tượng yếu thế, người di cư và dân tộc thiểu số
- Tiếp tục phát triển mạng lưới trợ giúp xã hội, dịch vụ chăm sóc xã hội; nhân rộng các mô hình tốt cách làm hay về chăm sóc xã hội và trợ giúp xã hội; phát triển đội ngũ cán bộ công tác xã hội chuyên nghiệp; phát huy vai trò của gia đình và cộng đồng trong hoạt động trợ giúp xã hội.
- Tiếp tục phát triển mạng lưới cơ sở y tế quốc gia; hoàn thiện cơ chế và phương thức hoạt động của y tế cơ sở và y tế dự phòng; nâng cao chất lượng dịch vụ chăm sóc sức khỏe toàn diện, đáp ứng sự thay đổi của mô hình bệnh tật, già hóa dân số và nhu cầu của người dân.
- Rà soát, sửa đổi, bổ sung chính sách về nhà ở xã hội; thực hiện có hiệu quả các chương trình nhà ở cho người nghèo, người dân vùng chịu tác động của thiên tai, biến đổi khí hậu; chương trình nhà ở xã hội cho người di cư, người thu nhập thấp khu vực đô thị và công nhân khu công nghiệp.
- Tập trung đầu tư các công trình nước sạch trọng điểm bảo đảm an sinh xã hội; sửa đổi cơ chế, chính sách ưu đãi, khuyến khích, tạo động lực thu hút nguồn xã hội hóa đầu tư, khai thác công trình cấp nước sạch nông thôn đối với các vùng miền núi, vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn về nguồn nước, vùng có điều kiện kinh tế, xã hội khó khăn.
- Tiếp tục triển khai có hiệu quả chương trình cung cấp dịch vụ viễn thông công ích; nâng cao chất lượng thông tin truyền thông cho vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc thiểu số, miền núi và hải đảo.
5. Hiện đại hóa hệ thống quản lý đáp ứng yêu cầu ngày càng cao trong xây dựng và tổ chức thực hiện chính sách xã hội.
- Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số; thống nhất số hóa cơ sở dữ liệu; phát triển hệ thống quản lý và các ứng dụng công nghệ thông tin; hoàn thiện cơ chế quản lý, cập nhật, khai thác, chia sẻ dữ liệu và thông tin; xây dựng mã số an sinh xã hội.
- Cải cách tài chính đối với chính sách xã hội trên cơ sở quản trị hiện đại, hiệu quả; đẩy mạnh thực hiện thanh toán các chế độ chính sách xã hội không dùng tiền mặt qua hệ thống ngân hàng, các ứng dụng thanh toán điện tử trên nền tảng cơ sở dữ liệu tập trung.
Tăng cường nguồn lực thực hiện chính sách xã hội, gắn trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền địa phương trong việc huy động, quản lý, sử dụng hiệu quả nguồn lực thực hiện các chính sách xã hội.
- Nhà nước giữ vai trò chủ đạo, bảo đảm nguồn lực thực hiện chính sách xã hội tương xứng với khả năng, điều kiện phát triển kinh tế, bảo đảm dịch vụ xã hội cơ bản tối thiểu cho người dân; ưu tiên trợ giúp người có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn.
- Đẩy mạnh xã hội hóa huy động nguồn lực thực hiện chính sách xã hội; thúc đẩy sự tham gia của khu vực tư nhân, doanh nghiệp trong thực hiện chính sách xã hội; tăng cường hợp tác quốc tế, tranh thủ nguồn lực, kinh nghiệm trong xây dựng và thực hiện chính sách xã hội.
- Động viên, khuyến khích các đối tượng có hoàn cảnh khó khăn, gia đình chính sách chủ động, tích cực vươn lên thoát nghèo và làm giàu.
Tiếp tục thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp đã ban hành tại Nghị quyết số 70/NQ-CP về Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 15-NQ/TW ngày 01 tháng 6 năm 2012 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI một số vấn đề về chính sách xã hội giai đoạn 2012 - 2020.