Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị về xây dựng Kế hoạch phát triển KTXH và dự toán NSNN năm 2022

26/07/2021
Ngày 23/7/2021, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị số 20/CT-TTg về xây dựng Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2022.
Theo đó, năm 2021, dịch Covid-19 tiếp tục diễn biến phức tạp, tác động tiêu cực đến kinh tế - xã hội của nước ta và nhiều quốc gia trên thế giới. Kinh tế, thương mại toàn cầu có dấu hiệu phục hồi nhưng chưa vững chắc; tiềm ẩn rủi ro về giá cả, lạm phát, tài chính, ảnh hưởng đến triển vọng đầu tư, sản xuất, xuất nhập khẩu. Trong nước, tình hình chính trị - xã hội ổn định, niềm tin của nhân dân tăng lên. Kinh tế phát triển và hội nhập sâu rộng. Tuy nhiên, chúng ta đối mặt nhiều khó khăn, thách thức nhất là tác động nặng nề của đại dịch, một số tồn tại, hạn chế còn chậm được khắc phục, nhiều vấn đề về xã hội, môi trường ... đòi hỏi sớm phải xử lý, giải quyết.
Để tiếp tục phát huy các kết quả đã đạt được, vượt qua khó khăn, thách thức, tạo tiền đề thuận lợi để phát triển kinh tế - xã hội trong giai đoạn tiếp theo, Thủ tướng Chính phủ chỉ thị các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, các tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước, các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương triển khai xây dựng Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội (KTXH) năm 2022, dự toán ngân sách nhà nước (NSNN) năm 2022, Kế hoạch tài chính - NSNN 3 năm 2022-2024.
Chỉ thị 20/CT-TTg  nêu rõ yêu cầu xây dựng Kế hoạch phát triển KTXH năm 2022
Thứ nhất, đối với đánh giá Kế hoạch phát triển KTXH năm 2021
Bám sát các mục tiêu, chỉ tiêu, định hướng phát triển theo các nghị quyết, kết luận của Ban Chấp hành Trung ương Đảng, các nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ, các quyết định, chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ, các nghị quyết của Ban Chấp hành Đảng bộ và Hội đồng nhân dân các cấp (đối với các địa phương) về phát triển KTXH năm 2021;
Bảo đảm tính khách quan, trung thực, sát thực tiễn và có so sánh với kết quả thực hiện của năm 2020;
Số liệu đánh giá tình hình thực hiện kế hoạch phát triển KTXH theo số liệu quy mô kinh tế đã được đánh giá lại.
Thứ hai, đối với xây dựng Kế hoạch phát triển KTXH năm 2022
Kế hoạch phát triển KTXH năm 2022 phải được xây dựng trên cơ sở đánh giá đầy đủ, chính xác tình hình, kết quả thực hiện Kế hoạch phát triển KTXH năm 2021; dự báo những tình hình trong nước, khu vực, thế giới có ảnh hưởng lớn đến phát triển KTXH của đất nước; từ đó xác định mục tiêu phát triển của kế hoạch năm 2022 phù hợp, bám sát chủ trương, đường lối của Đảng, nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ, chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và phù hợp với Chiến lược phát triển KTXH 2021-2030, Phương hướng phát triển KTXH 2021-2025.
Kế hoạch của các ngành, lĩnh vực và các cấp địa phương phải phù hợp với quy hoạch có liên quan theo quy định của pháp luật về quy hoạch, chiến lược và kế hoạch phát triển KTXH của cả nước, kế hoạch 5 năm về phát triển KTXH của địa phương (đối với các địa phương); phù hợp với đặc điểm, trình độ phát triển của từng ngành, từng địa phương; bám sát những dự báo, đánh giá tình hình và bối cảnh trong nước và quốc tế trong giai đoạn tới; đảm bảo kế thừa những thành quả đã đạt được, có đổi mới và tiếp thu, tiếp cận xu hướng phát triển chung của khu vực và thế giới cũng như khắc phục những tồn tại, hạn chế trong thực hiện các nhiệm vụ phát triển KTXH.
Các mục tiêu, định hướng và giải pháp, chính sách phải bảo đảm tính khả thi, phù hợp với khả năng thực hiện của các ngành, các cấp, các địa phương, gắn với khả năng cân đối, huy động và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực; gắn kết chặt chẽ giữa kế hoạch phát triển KTXH và kế hoạch đầu tư công; lồng ghép các mục tiêu phát triển bền vững theo Kế hoạch hành động thực hiện Chương trình nghị sự 2030 vào kế hoạch phát triển KTXH.
Việc đề xuất các chỉ tiêu theo ngành, lĩnh vực phụ trách: Phải thuộc hệ thống chỉ tiêu thống kê quốc gia; trường hợp chỉ tiêu đề xuất không thuộc hệ thống chỉ tiêu thống kê quốc gia phải đảm bảo tính chính xác, đồng bộ và thống nhất về thông tin, số liệu thống kê trên phạm vi cả nước, phục vụ tốt công tác theo dõi, đánh giá và xây dựng kế hoạch; Bảo đảm khả năng thu thập thông tin, theo dõi liên tục, đánh giá định kỳ; không đề xuất các chỉ tiêu chuyên ngành, phức tạp, chủ yếu phục vụ mục đích nghiên cứu; Bảo đảm tính khả thi, dễ hiểu, có khả năng so sánh với dữ liệu quá khứ; Bảo đảm tính gắn kết chặt chẽ và phản ánh trực tiếp tình hình thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu; Phù hợp với thông lệ.
Các mục tiêu, chỉ tiêu được xây dựng dựa trên số liệu quy mô kinh tế đã được đánh giá lại.
Còn đối với dự toán NSNN năm 2020, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành trung ương, địa phương tập trung chỉ đạo, xử lý, giải quyết ngay từ khâu xây dựng dự toán những tồn tại, sai phạm trong quản lý tài chính, ngân sách đã được cơ quan thanh tra, kiểm toán phát hiện, kiến nghị theo đúng quy định của pháp luật...