Định hướng chủ yếu phát triển thương mại trong nước tầm nhìn đến năm 2045

15/07/2021
Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Chiến lược “Phát triển thương mại trong nước giai đoạn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045” kèm theo Quyết định 1163/QĐ-TTg. Chiến lược nhằm phát triển thương mại trong nước hiện đại, văn minh, tăng trưởng nhanh và bền vững, là bệ đỡ, điểm tựa vững chắc cho sản xuất trong nước ngày càng đổi mới, phát triển; xây dựng thương hiệu hàng hóa Việt Nam, bảo vệ lợi ích của người tiêu dùng, doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh trong nước và của nền kinh tế, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao về phát triển kinh tế - xã hội, tạo tiền đề vững chắc để tham gia hội nhập sâu hơn vào kinh tế khu vực và thế giới.

Mục tiêu của Chiến lược trong giai đoạn 2021 – 2030 là:
Giá trị tăng thêm thương mại trong nước đạt tốc độ tăng bình quân khoảng 9,0 - 9,5%/năm; đến năm 2030 đóng góp khoảng 15,0 - 15,5% vào GDP cả nước.
Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng (TMBLHH&DTDVTD) (chưa loại trừ yếu tố giá) đạt tốc độ tăng bình quân 13,0 - 13,5%/năm; đến năm 2030: Tỷ trọng tổng mức bán lẻ hàng hóa của các khu vực kinh tế trong nước chiếm khoảng 85%, khu vực kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) chiếm khoảng 15% tổng mức bán lẻ hàng hóa của cả nước; TMBLHH&DTDVTD trao đổi qua các cơ sở bán lẻ hiện đại (như siêu thị, trung tâm thương mại, cửa hàng tiện lợi, cửa hàng hội viên dạng nhà kho) trong TMBLHH&DTDVTD chiếm khoảng 38 - 42% TMBLHH&DTDVTD cả nền kinh tế;
Thương mại điện tử phát triển nhanh với hành lang pháp lý hoàn thiện, áp dụng công nghệ, hạ tầng kỹ thuật hiện đại cùng với phương tiện hỗ trợ đầy đủ, bảo đảm tính an toàn và thuận tiện cho doanh nghiệp và người tiêu dùng trong quá trình tham gia giao dịch; đến năm 2030, doanh thu trao đổi qua thương mại điện tử chiếm khoảng 10,5 - 11% TMBLHH&DTDVTD cả nền kinh tế, đạt tốc độ tăng bình quân khoảng 20 - 21%/năm; phấn đấu đạt trên 40 - 45% số doanh nghiệp nhỏ và vừa hoạt động trong lĩnh vực thương mại (bao gồm các doanh nghiệp thương mại nhỏ và vừa, các doanh nghiệp chuyển đổi từ cơ sở kinh tế cá thể thương mại và doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo) tham gia các sàn thương mại điện tử lớn trong và ngoài nước.
Khung khổ pháp lý, thể chế, chính sách phát triển thương mại trong nước được cơ bản hoàn thiện và đồng bộ, hiệu quả quản lý nhà nước được củng cố, tăng cường. Môi trường kinh doanh thuận lợi, tạo điều kiện cho mọi thành phần kinh tế tham gia thị trường và cạnh tranh lành mạnh, bảo đảm cho các hoạt động thương mại vận hành phù hợp với quy luật thị trường, điều kiện phát triển kinh tế trong nước và yêu cầu của hội nhập; cơ bản hình thành khung chính sách về hỗ trợ phát triển hệ thống phân phối xanh bền vững, đảm bảo triển khai có hiệu quả các mô hình phân phối xanh bền vững.
Hệ thống kết cấu hạ tầng thương mại phát triển đồng bộ, đa dạng, kết hợp hài hòa giữa thương mại truyền thống với thương mại hiện đại, phù hợp với tính chất và trình độ phát triển của thị trường trên từng địa bàn (khu vực, vùng, miền và cả nước); hạ tầng thương mại khu vực thành thị được hiện đại hóa, áp dụng công nghệ số hóa trong quản lý, khai thác, vận hành; hạ tầng thương mại thiết yếu khu vực nông thôn được phát triển đầy đủ, phục vụ hiệu quả cho hoạt động kinh doanh và nhu cầu sinh hoạt của người dân.
Mục tiêu của Chiến lược trong giai đoạn 2031 - 2045:
Giá trị tăng thêm thương mại trong nước đạt tốc độ tăng bình quân 8,5 - 9,0%/năm; đến năm 2045 đóng góp khoảng 15,5 - 15,7% vào GDP cả nước.
TMBLHH&DTDVTD (chưa loại trừ yếu tố giá) đạt tốc độ tăng bình quân 12,0 - 12,5%/năm; đến năm 2045: Tỷ trọng tổng mức bán lẻ hàng hóa của các khu vực kinh tế trong nước chiếm khoảng 75%, khu vực kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) chiếm khoảng 25% tổng mức bán lẻ hàng hóa của cả nước; TMBLHH&DTDVTD trao đổi qua các cơ sở bán lẻ hiện đại (như siêu thị, trung tâm thương mại, cửa hàng tiện lợi, cửa hàng hội viên dạng nhà kho) trong TMBLHH&DTDVTD chiếm khoảng 50% TMBLHH&DTDVTD cả nền kinh tế;
Thương mại điện tử phát triển mạnh mẽ, đóng vai trò chữ đạo trong giao dịch thương mại; đến năm 2045, doanh thu trao đổi qua thương mại điện tử chiếm khoảng 15 - 16% TMBLHH&DTDVTD cả nền kinh tế, đạt tốc độ tăng bình quân khoảng 12 - 13%/năm; phấn đấu đạt trên 70% số doanh nghiệp nhỏ và vừa hoạt động trong lĩnh vực thương mại (bao gồm các doanh nghiệp thương mại nhỏ và vừa, các doanh nghiệp chuyển đổi từ cơ sở kinh tế cá thể thương mại và doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo) tham gia các sàn thương mại điện tử lớn trong và ngoài nước.
Thể chế, chính sách, hiệu quả quản lý nhà nước đối với thương mại trong nước được hoàn thiện; môi trường kinh doanh trên thị trường trong nước hoàn toàn thông thoáng, nhà nước chỉ tham gia điều chỉnh thị trường khi có bất ổn gây đột biến thị trường, ảnh hưởng đến an ninh quốc gia, đối với các vấn đề khác của thị trường, chỉ định hướng quản lý thông qua hệ thống thể chế, chính sách, các công cụ tài chính, tín dụng, các đòn bẩy kinh tế phù hợp với cam kết hội nhập.
Hệ thống kết cấu hạ tầng thương mại được hiện đại hóa trên phạm vi toàn quốc, được dán nhãn công trình thương mại xanh, bảo đảm vệ sinh môi trường, an toàn thực phẩm, nguồn gốc xuất xứ hàng hóa, phòng chống cháy nổ...; 100% các hệ thống hạ tầng thương mại khu vực thành thị vận hành dựa trên áp dụng công nghệ số hóa, hạ tầng thương mại khu vực nông thôn, miền núi, vùng sâu, vùng xa và hải đảo phát triển đầy đủ theo quy hoạch, các loại hình hiện đại như cửa hàng tiện lợi, siêu thị chuyên doanh, trung tâm thương mại chiếm số lượng lớn, dần đảm nhiệm vai trò chủ đạo trong phân phối bán lẻ hàng hóa trên thị trường.
Định hướng chủ yếu phát triển thương mại trong nước tầm nhìn đến năm 2045
Chiến lược xác định các định hướng chủ yếu phát triển thương mại trong nước tầm nhìn đến năm 2045, cụ thể:
Tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh trong nước; củng cố, thiết lập trật tự thị trường thích ứng với bối cảnh, tình hình mới, từng bước phát triển thương mại trong nước ổn định và bền vững, duy trì tốc độ tăng trưởng thương mại trong nước cao hơn tốc độ tăng trưởng GDP; tăng dần tỷ trọng đóng góp của lĩnh vực thương mại trong nước vào khu vực dịch vụ và GDP của cả nước.
Phát triển đa dạng phương thức và hình thức tổ chức kinh doanh thương mại trong nước; tổ chức và vận hành hiệu quả các hệ thống cung ứng, phân phối các nhóm hàng hóa chủ yếu trên thị trường; tiếp tục phát triển các doanh nghiệp đầu đàn trong nước có khả năng dẫn dắt thị trường, tạo sức lan tỏa đối với các doanh nghiệp vệ tinh và hạn chế sự phụ thuộc, chi phối của các doanh nghiệp nước ngoài, các tập đoàn đa quốc gia.
Thực hiện cơ cấu lại lĩnh vực thương mại trong nước theo hướng đổi mới sáng tạo và số hóa, công nghệ hóa phương thức kinh doanh; tăng cường kết nối, tham gia chuỗi cung ứng, chuỗi giá trị, các hệ sinh thái toàn cầu và khu vực.
Phát triển thương mại điện tử trở thành hình thức thương mại chủ đạo, hoàn thiện hạ tầng pháp lý để khai thác có hiệu quả hơn xu hướng số hóa với sự phát triển của phương thức thanh toán điện tử và các công cụ thanh toán mới, không dùng tiền mặt; tăng cường đầu tư, phát triển công nghệ, kết nối hạ tầng, đầu tư cho công nghệ thông tin để đảm bảo tính an toàn và thuận tiện cho người tiêu dùng trong quá trình tham gia giao dịch thương mại điện tử.
Xây dựng và phát triển hạ tầng thương mại trong nước đồng bộ, hiện đại và bền vững, phù hợp với tính chất và trình độ phát triển của thị trường trên từng địa bàn (khu vực, vùng, miền và cả nước), trong từng giai đoạn, đáp ứng nhu cầu lưu thông hàng hóa trong nước và hỗ trợ xuất khẩu; tập trung ưu tiên các loại hình hạ tầng thương mại có tính lan tỏa, có tác động đáng kể hỗ trợ sản xuất lưu thông. Đặc biệt chú trọng đầu tư phát triển hạ tầng thương mại khu vực nông thôn, quan tâm phát triển kết cấu hạ tầng thương mại thiết yếu vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số; tập trung hình thành được một hệ thống trung tâm logistics cơ bản hoàn chỉnh, có tính liên kết cao, ưu tiên xây dựng được một số trung tâm logistics lớn ở các vùng kinh tế trọng điểm để làm động lực cho các chuỗi cung ứng của Việt Nam.
Phát triển đa dạng các loại hình doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực thương mại trong nước; khuyến khích doanh nghiệp, hợp tác xã thương mại, hộ kinh doanh đổi mới phương thức hoạt động theo hướng hiện đại, chuyên nghiệp; tiếp tục hỗ trợ hình thành các tập đoàn/doanh nghiệp lớn trong lĩnh vực phân phối (chủ yếu là doanh nghiệp nội địa, bao gồm cả doanh nghiệp FDI); tập trung tháo gỡ khó khăn, xây dựng và thực hiện các chính sách để hỗ trợ hiệu quả cho các doanh nghiệp, các chủ thể tham gia vào chuỗi sản xuất và cung ứng hàng hóa, đặc biệt là hàng hóa nông sản để tăng cường kết nối giữa vùng sản xuất và thị trường tiêu thụ.
Hình thành các chuỗi phân phối sản phẩm sản xuất tại Việt Nam bền vững; đẩy mạnh liên kết trong chuỗi cung ứng gắn với thực hiện tốt các quy định về chất lượng, an toàn thực phẩm, truy xuất nguồn gốc; phát triển chuỗi cung ứng các sản phẩm thân thiện với môi trường, được dán nhãn sinh thái.
Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực trong lĩnh vực thương mại trong nước theo hướng chuyên nghiệp, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của quá trình phát triển kinh tế thương mại trong nước và hội nhập với thương mại quốc tế.
Đổi mới toàn diện công tác xúc tiến thương mại, đẩy mạnh đầu tư phát triển hạ tầng phục vụ hoạt động xúc tiến thương mại trong nước; tăng cường thực hiện cơ chế, chính sách đầu tư đi đôi với thay đổi các phương thức, lựa chọn các công cụ và biện pháp xúc tiến thương mại phù hợp nhằm bảo đảm đúng đối tượng, đạt được các mục tiêu và hiệu quả cao.
Đổi mới quản lý nhà nước đối với thương mại trong nước theo hướng tôn trọng quy tắc vận hành của thị trường; tăng cường công tác bảo đảm trật tự và bình ổn thị trường, chủ động tổ chức thực thi chặt chẽ các quy định của pháp luật đối với lĩnh vực chống bán phá giá, kiểm soát tình trạng buôn lậu, gian lận thương mại, thâu tóm thị trường, hạn chế cạnh tranh và cạnh tranh không lành mạnh, vi phạm lợi ích của người tiêu dùng; xây dựng, nâng cao các biện pháp bảo vệ thị trường trong nước bao gồm các công cụ, giải pháp can thiệp và xử lý kịp thời các đột biến thị trường, bảo vệ sản phẩm và các nhà phân phối trong nước cũng như người tiêu dùng phù hợp với cam kết quốc tế.