Bộ Tư pháp: Nỗ lực đạt được nhiều kết quả quan trọng trong công tác cải cách thể chế

24/06/2021
Bộ Tư pháp: Nỗ lực đạt được nhiều kết quả quan trọng trong công tác cải cách thể chế
Chiều nay (24/6), Hội nghị trực tuyến công bố chỉ số cải cách hành chính được tổ chức tại Văn phòng Chính phủ. Năm 2021, Bộ Tư pháp tiếp tục giữ vị trí số 3 trong 17 bộ, ngành được xếp hạng chỉ số cải cách hành chính.
Chỉ số Cải cách hành chính (Par Index) là một trong những công cụ có ý nghĩa quan trọng trong chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, các bộ, ngành và địa phương. Kết quả đánh giá giúp xác định rõ tồn tại, hạn chế, chỉ rõ trách nhiệm của tập thể, là cơ sở quan trọng để đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ của cá nhân trong thực thi công vụ và của tổ chức trong thực hiện chức năng, nhiệm vụ được giao. Đồng thời, đây cũng là công cụ có sự tác động nhất định, tạo ra những áp lực đối với các cơ quan quản lý để tạo ra sự thay đổi và cải cách.
Những năm qua, Bộ Tư pháp luôn trong nhóm dẫn đầu của bảng xếp hạng Par Index. Đây là kết quả của quá trình nỗ lực không ngừng nghỉ của Bộ trong triển khai công tác cải cách thể chế bám sát chủ trương, chính sách của Đảng, các nghị quyết của Quốc hội, sự lãnh đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; với mục tiêu xây dựng hệ thống pháp luật Việt Nam đồng bộ, thống nhất, khả thi, công khai, minh bạch, ổn định, dễ tiếp cận với chi phí tuân thủ thấp, dựa trên hệ thống chính sách đã được hoạch định trong từng lĩnh vực phù hợp với mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội.
Dưới đây, Cổng thông tin điện tử Bộ Tư pháp tóm tắt một số kết quả đạt được và nhiệm vụ trọng tâm trong công tác cải cách thể chế năm 2021, như sau:
1. Một số kết quả đạt được trong công tác cải cách thể chế
Năm 2020, Bộ Tư pháp cùng các bộ, ngành đã nỗ lực, tập trung cho công tác cải cách thể chế và đạt được nhiều kết quả quan trọng: (i) đã tham mưu tổng kết các nghị quyết, chỉ thị của Bộ Chính trị, Ban Bí thư về công tác xây dựng pháp luật, cải cách tư pháp, phổ biến, giáo dục pháp luật, cải cách hành chính và hợp tác quốc tế về pháp luật; (ii) rà soát, hệ thống hóa gần 9.000 văn bản, trong đó có hơn 5.000 văn bản thuộc 10 chuyên đề, lĩnh vực liên quan trực tiếp đến hoạt động đầu tư, sản xuất, kinh doanh; (iii) kịp thời phát hiện, báo cáo Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ phương án xử lý các quy định mâu thuẫn, chồng chéo, không phù hợp với thực tiễn, gây khó khăn, kìm hãm sự phát triển; (iv) hoàn thành việc xử lý nhiều văn bản trái pháp luật, nhận được sự đồng tình, ủng hộ của xã hội, người dân; (v) thực hiện ngày càng đi vào chiều sâu, thực chất hơn đối với công tác phổ biến, giáo dục pháp luật (PBGDPL), đặc biệt với việc ứng dụng công nghệ thông tin gắn với định hướng chuyển đổi số đã làm cho công tác phổ biến, giáo dục pháp luật phát huy hiệu quả cả trong thời điểm phải thực hiện giãn cách xã hội để phòng, chống dịch Covid-19.
Minh chứng cho kết quả nêu trên là điểm đánh giá về lĩnh vực xây dựng và tổ chức thực hiện thể chế đã có nhiều cải thiện về giá trị điểm số so với những năm trước đây, trong đó, qua thẩm định của Bộ Tư pháp nhận thấy có nhiều bộ, địa phương tiếp tục duy trì thực hiện tốt như: Ngân hàng Nhà nước, Bộ Tài chính, thành phố Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Lai Châu...
Những kết quả công tác cải cách thể chế nêu trên không chỉ kịp thời cụ thể hóa chủ trương, chính sách của Đảng, Chính phủ mà còn đóng góp trực tiếp quan trọng vào việc hoàn thành Chương trình tổng thể cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2011-2020, góp phần thực hiện hiệu quả kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của đất nước cũng như của từng bộ, ngành, địa phương, củng cố niềm tin của người dân, doanh nghiệp, thu hút đầu tư.
2. Về một số nhiệm vụ trọng tâm công tác cách thể chế năm 2021
Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng tiếp tục xác định ba đột phá chiến lược về thể chế, nhân lực và hạ tầng. Đồng thời, Văn kiện cũng đã định ra tầm nhìn xây dựng hệ thống pháp luật đến năm 2030 và đặc biệt nhấn mạnh tới các nhiệm vụ về tổ chức thi hành pháp luật trong giai đoạn tới. Trong năm 2021, đất nước ta phải tiếp tục tập trung thực hiện “mục tiêu kép”, vừa phòng, chống dịch bệnh hiệu quả, bảo vệ sức khoẻ nhân dân, vừa tận dụng tốt các cơ hội, nỗ lực phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội trong trạng thái bình thường mới. Trong bối cảnh chung đó, bám sát Văn kiện của Đại hội Đại biểu toàn quốc của Đảng khóa XIII; các kết luận mới đây của Bộ Chính trị, Ban Bí thư về công tác xây dựng pháp luật, cải cách tư pháp, phổ biến, giáo dục pháp luật, cải cách hành chính và hợp tác quốc tế về pháp luật; cùng với việc triển khai thực hiện Nghị quyết của Chính phủ về Chương trình tổng thể CCHC nhà nước giai đoạn 2021 - 2030, Bộ Tư pháp đề nghị các bộ, ngành, địa phương tiếp tục quan tâm, thực hiện tập trung vào 06 nhóm vấn đề sau đây:
Một là, trên cơ sở phân công của Chính phủ, các bộ, ngành tập trung chuẩn bị nội dung liên quan để xây dựng, trình Ban Chấp hành Trung ương xem xét, ban hành Nghị quyết về Chiến lược xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam đến năm 2030, định hướng đến năm 2045. Tham mưu giúp Chính phủ, chính quyền địa phương hoàn thiện hệ thống pháp luật gắn với tổ chức thi hành pháp luật, trong đó,  đặc biệt là phối hợp với Bộ Tư pháp tham mưu giúp Chính phủ xây dựng, trình Quốc hội Nghị quyết/Luật sửa đổi, bổ sung một số luật có nội dung mâu thuẫn, chồng chéo, không phù hợp với thực tế, đang gây khó khăn, vướng mắc cho hoạt động đầu tư, kinh doanh và đời sống xã hội. Chủ động nắm bắt, kịp thời phản ứng chính sách đối với những vấn đề pháp lý đặt ra từ thực tiễn đời sống kinh tế - xã hội của đất nước và của từng địa phương, trong đó có các giải pháp về thể chế để thúc đẩy sản xuất, kinh doanh và phát triển kinh tế từ tác động do dịch Covid-19 gây ra.
Hai là, tiếp tục thực hiện nghiêm quy định của Luật Ban hành văn bản QPPL và các văn bản hướng dẫn thi hành, trong đó chú trọng đến khâu lập đề nghị xây dựng văn bản QPPL và thực hiện nghiêm kỷ luật, kỷ cương về công tác xây dựng pháp luật, tăng cường trách nhiệm giải trình của cơ quan chủ trì soạn thảo, đặc biệt là đối với ý kiến thẩm định của cơ quan tư pháp.
Ba là, các bộ, ngành, địa phương triển khai thực hiện Quyết định số 889/QĐ-TTg ngày 07/6/2021 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Danh mục các văn bản quy phạm pháp luật cần sửa đổi, bổ sung, ban hành mới (gồm: 16 luật, 12 nghị định, 04 văn bản do Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ ban hành); kịp thời đề xuất sửa đổi hoặc ban hành theo thẩm quyền những văn bản cần sửa đổi, bổ sung, ban hành mới trên cơ sở kết quả rà soát văn bản, nhất là kết quả rà soát do Tổ Công tác về rà soát VBQPPL của Thủ tướng Chính phủ thực hiện trong các năm 2020, 2021, để đảm bảo tính hợp hiến, hợp pháp, thống nhất, khả thi của hệ thống pháp luật; tiếp tục quan tâm, kịp thời xử lý văn bản trái pháp luật, xử lý trách nhiệm đối với cơ quan, cá nhân liên quan đến việc ban hành văn bản trái pháp luật.
Bốn là, các bộ, ngành, địa phương cần tăng cường công tác PBGDPL, đề cao ý thức chấp hành pháp luật và thượng tôn pháp luật; ưu tiên nguồn lực tổ chức thực hiện tốt Quyết định số 1521/QĐ-TTg ngày 06/10/2020 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Kế hoạch thực hiện Kết luận số 80-KL/TW ngày 20/6/2020 của Ban Bí thư về tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 32-CT/TW của Ban Bí thư Trung ương về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng trong công tác PBGDPL, nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của cán bộ, nhân dân. Triển khai công tác PBGDPL toàn diện, rộng khắp, hướng mạnh về cơ sở; tăng cường ứng dụng CNTT, tiếp tục nghiên cứu, triển khai chuyển đổi số trong công tác PBGDPL.
Đặc biệt, Thủ tướng Chính phủ mới ban hành Quyết định số 21/2021/QĐ-TTg ngày 21/6/2021 quy định về thành phần và nhiệm vụ, quyền hạn của Hội đồng phối hợp phổ biến, giáo dục pháp luật. Theo đó, lần đầu tiên có Phó Thủ tướng Chính phủ là Chủ tịch Hội đồng phối hợp phổ biến, giáo dục pháp luật trung ương. Đề nghị các địa phương tập trung kiện toàn Hội đồng phối hợp phổ biến, giáo dục pháp luật cấp tỉnh, cấp huyện với một lãnh đạo Ủy ban nhân dân cùng cấp làm Chủ tịch Hội đồng.
Năm là, tiếp tục thực hiện hiệu quả Đề án “Đổi mới, nâng cao hiệu quả công tác tổ chức thi hành pháp luật” giai đoạn 2018-2022. Tăng cường công tác theo dõi thi hành pháp luật, gắn với công tác kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật; tập trung vào các lĩnh vực thu hút nhiều sự quan tâm của dư luận, lĩnh vực được xác định là trọng tâm phát triển kinh tế - xã hội năm 2021và lĩnh vực trọng tâm liên ngành năm 2021 về quản lý, sử dụng đất đai, rừng, về bảo vệ môi trường, phòng cháy và chữa cháy.
Sáu là, tăng cường công tác đào tạo, bồi dưỡng nâng cao năng lực, trình độ chuyên môn nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ làm công tác xây dựng pháp luật, công tác pháp chế. Tiếp tục tập trung và bảo đảm các điều kiện cơ sở vật chất, kỹ thuật và kinh phí cho công tác xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật, phổ biến, giáo dục pháp luật và theo dõi thi hành pháp luật./.