Sáng 5/5, tại xã UBND xã Nhơn Phong (thị xã An Nhơn, tỉnh Bình Định), Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Bình Định đã tổ chức Hội nghị tiếp xúc cử tri với những người ứng cử đại biểu Quốc hội khóa XV thuộc cụm số 1, đơn vị bầu cử số 2 để những người ứng cử thực hiện quyền vận động bầu cử. Hội nghị được thực hiện trong điều kiện đảm bảo các điều kiện phòng, chống dịch Covid-19.
Đơn vị bầu cử số 2 bầu đại biểu Quốc hội khóa XV của tỉnh Bình Định gồm thị xã An Nhơn và 2 huyện Phù Cát, Hoài Ân. Trong đó, cụm số 1 thuộc đơn vị bầu cử số 2 gồm các xã Nhơn An, Nhơn Phong, Nhơn Hạnh của thị xã An Nhơn.
Số đại biểu được bầu tại đơn vị bầu cử số 2 là 2, số người ứng cử là 4, gồm: ông Đồng Ngọc Ba - Cục trưởng Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật, Bộ Tư pháp; ông Nguyễn Văn Cảnh - Giám đốc Khu du lịch Cửa Biển (Công ty TNHH Dịch vụ - Du lịch Quốc Thắng, Quy Nhơn, Bình Định); ông Lê Hồng Tây - Trưởng phòng Quản lý thương mại, Sở Công Thương Bình Định; bà Lê Vũ Vân Kiều - Chủ tịch Hội LHPN thị xã An Nhơn, tỉnh Bình Định.
Tại Hội nghị, các cử tri đã được nghe tiểu sử tóm tắt và chương trình hành động của từng ứng cử viên. Trong đó, các chương trình hành động của từng ứng cử viên đều được chuẩn bị nghiêm túc, khoa học, ngắn gọn, rõ ràng, dễ hiểu.
Được giới thiệu ứng cử đại biểu Quốc hội khóa XV tại tỉnh Bình Định, ông Đồng Ngọc Ba - Cục trưởng Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật đã nghiên cứu tình hình kinh tế - xã hội của đất nước cũng như của tỉnh Bình Định, nhất là về những khó khăn, vướng mắc. Tại Hội nghị, ông Ba đã trình bày chương trình hành động của mình nếu được bầu làm đại biểu Quốc hội.
Cụ thể, thứ nhất, ông Ba sẽ gắn bó mật thiết, giữ mối liên hệ thường xuyên với cử tri; tiếp xúc cử tri theo đúng quy định để lắng nghe ý kiến, tìm hiểu tâm tư, nguyện vọng của cử tri; phản ánh đầy đủ, kịp thời tâm tư, nguyện vọng của cử tri với Quốc hội, đồng thời tiếp nhận, nghiên cứu, đề nghị các cơ quan chức năng giải quyết các khiếu nại, tố cáo, kiến nghị của cử tri; theo dõi, đôn đốc, giám sát việc giải quyết để trả lời cử tri.
Thứ hai, về hoạt động lập pháp, qua nghiên cứu và thực tiễn công tác, ông Ba thấy rằng, về tổng thể, hệ thống văn bản quy phạm pháp luật của nước ta hiện nay tương đối đầy đủ, điều chỉnh toàn diện các lĩnh vực kinh tế, xã hội. Tuy nhiên, vẫn còn văn bản có quy định mâu thuẫn, chồng chéo, thiếu thống nhất, thiếu khả thi, chưa phù hợp với thực tiễn, đang gây cản trở, khó khăn cho các hoạt động đầu tư, sản xuất, kinh doanh và đời sống của nhân dân.
“Vì vậy, tôi sẽ nghiên cứu để đề xuất Quốc hội xem xét ban hành, sửa đổi, bổ sung các đạo luật nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất, khả thi của các quy định pháp luật, góp phần huy động hiệu quả các nguồn lực cho đầu tư, kinh doanh, thúc đẩy phát triển đất nước nhanh, bền vững, phục vụ ngày càng tốt hơn đời sống của nhân dân. Trước mắt, quan trọng phải kể đến là các đạo luật về đất đai, ngân sách Nhà nước, giao dịch điện tử, chuyển đổi số, tình trạng khẩn cấp, kinh doanh bảo hiểm, thanh tra, kiểm tra, giá, thuế, phí, quy hoạch…”, ông Ba cho biết.
Thứ ba, về những vấn đề quan trọng của đất nước, ông Ba sẽ nghiên cứu để kiến nghị với Quốc hội và các cơ quan hữu quan xem xét thận trọng, có chính sách, biện pháp hợp lý kiên quyết giữ vững chủ quyền quốc gia; đấu tranh có hiệu quả với tham nhũng, lãng phí; tiếp tục hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; phát triển nguồn nhân lực, khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo; tập trung xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng, kinh tế xã hội đồng bộ, hiện đại, trọng tâm là hệ thống hạ tầng giao thông, năng lượng, công nghệ thông tin; quản lý và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực, tài nguyên của đất nước; thúc đẩy các chương trình phát triển kinh tế biển, xóa đói, giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới, hỗ trợ, chăm sóc người có công...
Thứ tư, về hoạt động giám sát, ông Ba sẽ thực hiện nghiêm túc nhiệm vụ, quyền hạn giám sát của đại biểu Quốc hội đối với công tác thi hành pháp luật của Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương, bám sát tình hình thực tiễn, tập trung vào những vấn đề quan trọng, bức thiết của cuộc sống, được nhân dân quan tâm, nổi lên hiện nay như: phòng chống tham nhũng, lãng phí, quan liêu; giải quyết khiếu nại, tố cáo, nhất là khiếu nại, tố cáo liên quan đến đất đai; khai thác tài nguyên, khoáng sản; việc quy hoạch và triển khai các dự án đầu tư, xây dựng, nhất là tại các khu vực ven biển; bảo vệ môi trường, an toàn thực phẩm, nhất là ở các khu công nghiệp, cơ sở chăn nuôi gia súc, gia cầm, làng nghề; tình trạng giá đầu ra nông sản “bấp bênh”; tình trạng buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả, trong đó có phân bón, thuốc bảo vệ thực vật giả; chăm sóc sức khỏe cộng đồng; giáo dục và đào tạo; chính sách đền ơn đáp nghĩa đối với người có công với nước; xóa đói, giảm nghèo, bảo đảm an sinh xã hội, quan tâm đến đồng bào dân tộc thiểu số…
Thứ năm, với tỉnh Bình Định, qua tìm hiểu, ông Ba nhận thấy tỉnh có nhiều lợi thế nhưng chưa khai thác, phát huy hết tiềm năng cho phát triển. Bình Định nằm ở trung điểm của trục giao thông đường bộ và đường sắt Bắc - Nam, đồng thời là cửa ngõ ra biển Đông gần nhất, thuận lợi nhất của Tây Nguyên, Nam Lào, Đông Bắc Campuchia thông qua Quốc lộ 19 và cảng biển quốc tế Quy Nhơn, bên cạnh đó còn có Cảng hàng không Phù Cát. Bình Định có tiềm năng rất lớn để phát triển công nghiệp, du lịch, dịch vụ cảng và logistics, nông nghiệp công nghệ cao.
Tuy nhiên, hiện nay kinh tế tỉnh Bình Định phát triển chưa thực sự bền vững; chưa có các dự án đột phá, mang tính động lực để thúc đẩy tăng trưởng, chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động; số thu ngân sách còn nhỏ so với tiềm năng; đời sống một bộ phận dân cư nông thôn, miền núi, vùng sâu, vùng xa, ven biển đảo còn nhiều khó khăn.
“Vì vậy, tôi sẽ thường xuyên quan tâm, theo dõi tình hình phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh; nghiên cứu, tham gia góp ý kiến, nhất là về các giải pháp nhằm thực hiện hiệu quả nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn. Đồng thời, cùng với Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Định là cầu nối giữa địa phương và Quốc hội, Chính phủ, các ban, bộ, ngành ở Trung ương để tranh thủ sự ủng hộ, hỗ trợ của Trung ương, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho địa phương trong việc triển khai các chương trình, dự án để thực hiện thắng lợi các mục tiêu phát triển giai đoạn 2020 - 2025 đã được Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Bình Định lần thứ XX đề ra, góp phần hiện thực hóa mục tiêu đưa Bình Định trở thành tỉnh phát triển thuộc nhóm dẫn đầu của khu vực miền Trung”, ông Ba cho biết.
Tại Hội nghị, một cử tri xã Nhơn An đề nghị các ứng viên bổ sung các giải pháp hiệu quả để phòng, chống dịch Covid-19, giữ an toàn, ổn định phát triển kinh tế.
Đại diện các ứng viên, ông Đồng Ngọc Ba cho biết, hiện nay, chúng ta luôn luôn có những giải pháp phòng, chống dịch bệnh, nhất là các bệnh truyền nhiễm. Trong thời gian tới, dự kiến Chính phủ sẽ trình Quốc hội luật về tình trạng khẩn cấp, trong đó có vấn đề dịch Covid-19, chúng ta phải có những giải pháp căn cơ về thể chế để làm sao vẫn phòng, chống dịch, đảm bảo cuộc sống an toàn cho người dân nhưng vẫn phát triển kinh tế.
“Dù trúng cử hay không trúng cử thì trên cương vị công tác của mình, tất cả các ý kiến đóng góp của cử tri đều rất có giá trị với chúng tôi để chúng tôi hoàn thành tốt nhiệm vụ. Bởi vì cuối cùng thì các công việc chúng tôi làm trong bộ máy đều góp phần đến mục đích cuối cùng là làm sao cho đất nước ngày càng phát triển, nhân dân có đời sống ấm no hạnh phúc”, ông Ba khẳng định.
Đình Phùng - Ngọc Châu
baophapluat.vn