Tập trung theo dõi thi hành pháp luật trong các lĩnh vực trọng tâm
Xác định là định hướng quan trọng của nhiệm kỳ 2016-2020, công tác tổ chức thi hành pháp luật, theo dõi thi hành pháp luật được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ quan tâm chỉ đạo và các bộ, ngành, địa phương chú trọng triển khai, bảo đảm ngày càng gắn kết chặt chẽ với công tác phổ biến giáo dục pháp luật, kiểm tra, xử lý văn bản, nhất là những văn bản có tác động trực tiếp, rộng rãi đến người dân và doanh nghiệp.
Để khắc phục những vướng mắc trong thực tiễn, Bộ Tư pháp đã trình Chính phủ ban hành Nghị định số 32/2020/NĐ-CP ngày 05/3/2020 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 59/2012/NĐ-CP ngày 23/7/2012 của Chính phủ về theo dõi tình hình thi hành pháp luật. Bộ Tư pháp, tổ chức pháp chế các Bộ, ngành và cơ quan Tư pháp địa phương đã tích cực tham mưu cho Chính phủ, các bộ, ngành và chính quyền địa phương giải quyết các vấn đề pháp lý phát sinh trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội, trong đó có những việc tích tụ từ nhiều năm trước; tập trung vào việc tổ chức theo dõi thi hành pháp luật trong các lĩnh vực trọng tâm, liên ngành (như quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường nước, đất, không khí, quản lý chất thải (năm 2020); bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động (năm 2019); về hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp (năm 2017)….) để kịp thời nắm bắt, đánh giá tình hình tổ chức thực hiện pháp luật, qua đó góp phần nâng cao hiệu quả tổ chức thi hành pháp luật tại các cơ quan, đơn vị.
Nhiều bộ, ngành đã chú trọng theo dõi các lĩnh vực gắn với đặc thù, trọng tâm phát triển kinh tế - xã hội của lĩnh vực quản lý. Như năm 2020, Bộ Tư pháp tập trung theo dõi lĩnh vực THADS, đăng ký giao dịch bảo đảm; Bộ Quốc phòng tập trung theo dõi thi hành các quy định về chế độ, chính sách đối với các đối tượng tham gia kháng chiến, về an toàn, vệ sinh lao động và về THADS; Bộ Tài chính tập trung theo dõi thi hành pháp luật về tín dụng đầu tư của Nhà nước, về phát hành trái phiếu doanh nghiệp; Bộ Y tế tập trung theo dõi thi hành pháp luật về quản lý chất thải y tế và đăng ký hoạt động của cơ sở dịch vụ thẩm mỹ...
Qua công tác theo dõi thi hành pháp luật, các bộ, ngành, địa phương đã có phản ứng chính sách kịp thời hơn đối với những vấn đề phát sinh trong thực tiễn điều hành phát triển kinh tế - xã hội.
Bên cạnh đó, hằng năm, Bộ Tư pháp đều xây dựng kế hoạch và tổ chức các lớp tập huấn về công tác xử lý vi phạm hành chính và theo dõi thi hành pháp luật cho đội ngũ cán bộ, công chức các bộ, ngành, địa phương thực hiện công tác này nhằm nâng cao năng lực cho báo cáo viên để sau đó, các báo cáo viên này sẽ thực hiện việc tập huấn sâu rộng tại Bộ, ngành, địa phương mình.
Tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện thể chế
Tuy nhiên, Bộ Tư pháp đánh giá hiệu quả công tác theo dõi thi hành pháp luật nhìn chung vẫn còn thấp. Đặc biệt theo phản ánh của nhiều địa phương là do kinh phí cho hoạt động theo dõi thi hành pháp luật cũng như bố trí cán bộ chuyên trách cho công tác này còn hạn chế. Trong khi đó, một trong những nhiệm vụ trọng tâm năm 2021 được Bộ Tư pháp xác định là “Tăng cường công tác theo dõi thi hành pháp luật, gắn với công tác kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật và kiểm soát thủ tục hành chính; tập trung vào các lĩnh vực thu hút nhiều sự quan tâm của dư luận, lĩnh vực được xác định là trọng tâm phát triển kinh tế - xã hội năm 2021”
Để gỡ khó về vấn đề kinh phí hỗ trợ cho hoạt động theo dõi thi hành pháp luật, Bộ Tư pháp cho biết, theo Đề án “Đổi mới, nâng cao hiệu quả công tác tổ chức thi hành pháp luật giai đoạn 2018 – 2022” (ban hành kèm theo Quyết định số 242/QĐ-TTg ngày 26/02/2018 của Thủ tướng Chính phủ), Thủ tướng Chính phủ đã giao Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với Bộ Tư pháp và các bộ, ngành, địa phương thực hiện rà soát, chỉnh sửa, bổ sung các quy định về kinh phí bảo đảm cho công tác tổ chức thi hành pháp luật theo hướng bố trí toàn diện, đầy đủ các nội dung chi và mức chi phù hợp đối với các hoạt động tổ chức thi hành pháp luật. Thực hiện nhiệm vụ nêu trên, Bộ Tài chính đã ban hành văn bản hướng dẫn kinh phí bảo đảm thực hiện công tác theo dõi thi hành pháp luật gửi đến các Bộ, ngành, địa phương. Hiện nay, Bộ Tư pháp vẫn đang chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành có liên quan tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện thể chế về công tác theo dõi thi hành pháp luật, trong đó có nội dung phối hợp với Bộ Tài chính sửa đổi, bổ sung các quy định về việc lập dự toán, quản lý, sử dụng và quyết toán kinh phí ngân sách nhà nước cho công tác theo dõi thi hành pháp luật.
Bên cạnh đó, cũng tại Đề án “Đổi mới, nâng cáo hiệu quả công tác tổ chức thi hành pháp luật giai đoạn 2018 – 2022” nêu trên, Thủ tướng Chính phủ đã giao Bộ Nội vụ chủ trì, phối hợp các Bộ, ngành, địa phương kiện toàn tổ chức pháp chế các bộ, ngành; bố trí biên chế pháp chế chuyên trách tại các sở, ngành chuyên môn thuộc UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trong tổng biên chế được giao để thực hiện nhiệm vụ công tác pháp chế nói chung và làm đầu mối công tác tổ chức thi hành pháp luật nói riêng. Hiện nay, Bộ Tư pháp đang chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành nghiên cứu, xây dựng Hồ sơ đề nghị xây dựng Luật tổ chức thi hành pháp luật, trong đó đề xuất nội dung hoàn thiện thể chế về điều kiện bảo đảm cho công tác tổ chức thi hành pháp luật, bao gồm biên chế và kinh phí thực hiện. Do đó, để tăng cường công tác theo dõi thi hành pháp luật các Bộ, ngành, địa phương cần quan tâm, đầu tư về nguồn lực cho công tác này.