Tòa án gia đình và người chưa thành niên tại Việt Nam

25/11/2019
Tòa án người chưa thành niên được thành lập trên cơ sở thực tiễn về điều kiện kinh tế – xã hội, chính trị – pháp lý cụ thể của từng quốc gia. Luật tổ chức Tòa án nhân dân năm 2014 được Quốc hội khóa XIII thông qua ngày 24 tháng 11 năm 2014 và từ đây Tòa gia đình và người chưa thành niên được quy định là Tòa chuyên trách trong cơ cấu tổ chức của TAND.

Theo quy định tại Điều 30, 38 và 45 của Luật tổ chức tòa án nhân dân, thì trong cơ cấu của Tòa án nhân dân cấp cao, Tòa án nhân dân cấp tỉnh, Tòa án nhân dân cấp huyện có Tòa gia đình và người chưa thành niên. Việc tổ chức Tòa gia đình và người chưa thành niên ở cấp tỉnh và cấp huyện sẽ căn cứ vào yêu cầu công việc và thực tế xét xử của mỗi tòa án; đồng thời tùy thuộc vào biên chế Thẩm phán, Thẩm tra viên, Thư ký của từng tòa án và do Chánh án Tòa án nhân dân tối cao xem xét, quyết định. Việc thành lập Tòa án gia đình và người chưa thành niên không chỉ là sự sắp xếp lại cơ cấu tổ chức của Tòa án nhân dân theo hướng hợp lý hơn mà còn là thiết chế mới tạo điều kiện để chuyên môn hóa công tác giải quyết các vụ việc về gia đình và người chưa thành niên nhằm nâng cao hiệu quả, chất lượng và rút ngắn thời hạn giải quyết các vụ việc về gia đình và người chưa thành niên tại Tòa án nhân dân.
Hệ thống văn bản pháp luật về Tòa gia đình và người chưa thành niên ngày càng đầy đủ hơn. Để triển khai thi hành Luật tổ chức Tòa án nhân dân năm 2014, ngày 21/01/2016 Chánh án Tòa án nhân dân tối cao đã ban hành Thông tư số 01/2016/TT-CA quy định về việc tổ chức các Tòa chuyên trách tại Tòa án nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, Tòa án nhân dân huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh và tương đương. Thông tư số 01 này có các quy định về điều kiện, trình tự, thủ tục tổ chức, giải thể, thẩm quyền các Tòa chuyên trách trong đó có Tòa gia đình và người chưa thành niên.
Ngày 28 tháng 7 năm 2017, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao đã ban hành Thông tư số 01/2017/TT-TANDTC quy định phòng xử án, trong đó có quy định về phòng xét xử của Tòa gia đình và người chưa thành niên. Phòng xét xử khác hoàn toàn so với các phòng xét xử khác và còn được mọi người gọi với một cái tên khác là Phòng xét xử thân thiện. Trong phòng xử án, vị trí của những người tiến hành tố tụng, người tham gia tố tụng, người tham dự phiên tòa, phiên họp trong phòng xử án được bố trí trên cùng một mặt phẳng, sắp xếp theo hình thức bàn tròn; tường trong phòng xử án có màu xanh. Bàn, ghế trong phòng xử án được thiết kế theo kiểu dáng bàn, ghế văn phòng. Người dưới 18 tuổi tham gia tố tụng tại phiên tòa được ngồi cạnh người đại diện, người bào chữa, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của họ. Việc bố trí phòng xử án theo không gian mới như trên sẽ tác động tâm lý tốt tới người chưa thành niên, không làm họ hoảng sợ. Họ có thể bình tĩnh lắng nghe các lỗi lầm của mình, qua đó hiểu được những hành vi gây ra để tự thân chuyển biến, tự cải tạo, nhận thức. Việc này tốt hơn là đưa họ ra hội trường, ra phòng xử án với cách làm mang tính áp đặt.
Ngày 21 tháng 9 năm 2018, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao ban hành Thông tư 02/2018/TT-TANDTC quy định chi tiết việc xét xử vụ án hình sự có người tham gia tố tụng là người dưới 18 tuổi thuộc thẩm quyền của Tòa gia đình và người chưa thành niên. Điều 5 của Thông tư này quy định những vụ án hình sự thuộc thẩm quyền của Tòa gia đình và người chưa thành niên xét xử tại Phòng xét xử thân thiện.
Theo đó, nhữngvụ án hình sự có bị cáo là người dưới 18 tuổi thuộc thẩm quyền của Tòa gia đình và người chưa thành niên nếu không thuộc trường hợp quy định tại Điều 4 của Thông tư này (cụ thể: Vụ án hình sự có bị cáo là người từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi phạm tội rất nghiêm trọng do cố ý và tội đặc biệt nghiêm trọng; Vụ án hình sự có bị cáo là người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi phạm một trong các tội đặc biệt nghiêm trọng quy định tại các điều 123, 134, 141, 142, 144, 151, 168, 169, 170, 171, 248, 249, 250, 251, 252 và 299 của Bộ luật Hình sự; Vụ án hình sự vừa có bị cáo là người dưới 18 tuổi vừa có bị cáo là người từ đủ 18 tuổi trở lên; Vụ án hình sự mà bị cáo là người từ đủ 18 tuổi trở lên nhưng người bị hại là người dưới 18 tuổi bị tổn thương nghiêm trọng về tâm lý hoặc cần sự hỗ trợ về điều kiện sống, học tập do không có môi trường gia đình lành mạnh như những người dưới 18 tuổi khác) thì xét xử tại Phòng xét xử thân thiện.  
Tiếp đó, ngày 21 tháng 12 năm 2018, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Bộ trưởng Bộ Công an, Bộ trưởng Bộ Tư pháp, Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh – Xã hội đã ban hành Thông tư liên tịch số 06/2018/TTLT-VKSNDTC-TANDTC-BCA-BTP-BLĐTBXH quy định về phối hợp thực hiện một số quy định của Bộ luật tố tụng hình sự về thủ tục tố tụng đối với người dưới 18 tuổi.
Ngày 01 tháng 10 năm 2019, Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân tối cao đã ban hành Nghị quyết số 06/2019/NQ-HĐTP hướng dẫn áp dụng một số quy định tại các điều 141, 142, 143, 144, 145, 146, 147 của Bộ luật Hình sự, hướng dẫn giải quyết các vướng mắc trong thực tiễn xét xử và việc tổ chức xét xử vụ án xâm hại tình dục người dưới 18 tuổi.
Như vậy, việc ban hành các văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành các quy định của luật về người dưới 18 tuổi tham gia tố tụng đã góp phần giải quyết các vướng mắc phát sinh trong hoạt động tố tụng cũng như trong việc xét xử của Tòa gia đình và người chưa thành niên góp phần bảo vệ quyền trẻ em.
Tại Hội thảo về hoàn thiện và thực thi pháp luật về bảo vệ trẻ em và tư pháp cho trẻ em trong tiến trình cải cách pháp luật và tư pháp ở Việt Nam, bà Nguyễn Thúy Hiền, Phó Chánh án TANDTC cho biết, Tòa gia đình và người chưa thành niên mới được thành lập có thẩm phán chuyên trách được bổ nhiệm và đào tạo để giải quyết các trường hợp liên quan đến người chưa thành niên, nhờ đó bảo đảm quyết định của tòa án đáp ứng được các nhu cầu của mỗi người chưa thành niên và bảo đảm rằng lợi ích tốt nhất của người chưa thành niên là mối quan tâm hàng đầu. Tòa gia đình và người chưa thành niên đã bắt đầu hình thành từ năm 2018, thành phố Hồ Chí Minh là địa phương đầu tiên thành lập Tòa chuyên trách này. Đến nay, ngoài 03 Tòa án nhân dân cấp cao thì đã được triển khai ở 38 tỉnh, thành phố ở Việt Nam. Có thể nói, đây là một cột mốc quan trọng trong tiến trình cải cách tư pháp cũng như cụ thể hóa chủ trương, đường lối của đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước Việt Nam nhằm bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em và xử lý người chưa thành niên phạm tội; đồng thời chứng tỏ cam kết mạnh mẽ của Việt Nam trong bảo đảm quyền trẻ em, đặc biệt là trẻ em trong hoạt động tư pháp, thông qua việc xây dựng một hệ thống tư pháp trẻ em toàn diện mà Tòa gia đình và người chưa thành niên là trung tâm, với sự tham gia, phối hợp chặt chẽ của các cơ quan, tổ chức có liên quan. Đây cũng là phương thức để thực hiện nguyên tắc hiến định về việc xét xử kín đối với người chưa thành niên quy định tại khoản 3 Điều 103 của Hiến pháp năm 2013.
Qua công tác sơ kế thực tiễn xét xử của Tòa án gia đình và người chưa thành niên cho thấy mục đích của việc xử lý người chưa thành niên phạm tội luôn bảo đảm việc xử lý chủ yếu nhằm giáo dục, giúp đỡ họ sửa chữa sai lầm, phát triển lành mạnh, ưu tiên cải tạo tại cộng đồng, trở thành công dân có ích cho xã hội. Tòa gia đình và người chưa thành niên luôn bảo đảm quyền có người bào chữa; bảo đảm nguyên tắc bí mật thông tin liên quan đến người chưa thành niên trong quá trình giải quyết vụ án. Phiên tòa thân thiện, gần gũi để bị cáo có tâm lý ổn định, an tâm tại phiên tòa.
 Theo thống kê của Tòa án nhân dân tối cao thì các tội phạm chủ yếu mà người dưới 18 tuổi thực hiện là trộm cắp tài sản, gây rối trật tự công cộng, đánh bạc, cướp giật, cưỡng đoạt tài sản, cố ý gây thương tích, hiếp dâm. Cũng có không ít những trường hợp phạm tội đặc biệt nghiêm trọng như cướp tài sản, tàng trữ, vận chuyển, mua bán trái phép chất ma túy, giết người; địa bàn có nhiều người dưới 18 tuổi phạm tội là các thành phố lớn, khu đô thị như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Hải Phòng, Bắc Ninh...
Thực tiễn thấy rằng, tình hình người chưa thành niên phạm tội vẫn chiếm tỷ lệ cao và có chiều hướng gia tăng (khoảng từ 4% đến 6% tổng số các bị cáo bị đưa ra xét xử trong cả nước); cơ cấu tội phạm ngày càng phức tạp và nghiêm trọng đòi hỏi cần tiếp tục có những cơ chế giải đáp mới để nâng cao hiệu quả công tác xử lý người dưới 18 tuổi vi phạm pháp luật nói chung và người dưới 18 tuổi phạm tội nói riêng.
Thời gian qua, ngày càng nhiều trẻ em bị xâm hại cần được bảo vệ, đặc biệt là những vụ án xâm hại về tình dục, bóc lột sức lao động, bạo lực và những vụ việc mà trẻ em là nạn nhân của những mâu thuẫn, bạo hành trong gia đình.
Nguyên nhân dẫn đến phạm tội trên đây về mặt khách quan cho thấy phần lớn là bị ảnh hưởng, tác động bởi các phương tiện truyền thông khiến việc tiếp xúc với những văn hóa phẩm đồi trụy, bạo lực dễ dàng; sự biến tướng của các loại hình văn hóa, giải trí... tạo điều kiện cho việc thực hiện hành vi phạm tội. Gia đình và nhà trường là nơi trẻ được nuôi dưỡng, dạy dỗ, giáo dục, có sự gắn bó và chịu nhiều ảnh hưởng từ môi trường này thì cũng chưa giáo dục được toàn diện, nhất là vấn đề giáo dục giới tính cho trẻ ngay từ khi trẻ còn nhỏ. Một số gia đình do người lớn chưa quan tâm, dạy dỗ, buông lỏng quản lý con cái nên trẻ thiếu thốn tình cảm, dễ bị lôi kéo, lợi dụng, bị kích động và sa đà vào các tệ nạn xã hội, con đường xấu.
Qua khảo sát thực tế cho thấy, khi giải quyết các vụ án có người bị hại là người dưới 18 tuổi, từ các Thẩm phán thường tập trung vào việc xử lý người phạm tội mà ít quan tâm, tìm hiểu, đánh giá những tổn thương về tâm sinh lý của người dưới 18 tuổi do tội phạm gây ra (đặc biệt là những trẻ em bị xâm phạm tình dục, bạo hành, bóc lột sức lao động) để từ đó có những biện pháp cụ thể, tư vấn, hỗ trợ, giúp cho các em phục hồi, phát triển; các Tòa án cũng chưa có những có chế chính thức để tiến hành việc tìm hiểu, đánh gái về điều kiện sống, học tập nhu cầu cần được hỗ trợ, tình trạng tổn thương về sinh lý của người dưới 18 tuổi do tội phạm gây ra; chưa có cơ chế chính thức trong việc phối hợp với các cơ quan, tổ chức xã hội có chức năng làm công tác giáo dục, chăm sóc và bảo vệ trẻ em để quyết định những biện pháp hỗ trợ, bảo vệ và thực hiện các biện pháp đó một cách hiệu quả.
Qua đó cho thấy, công tác bảo vệ và chăm sóc trẻ em nói chung và trẻ em là nạn nhân trong các vụ án hình sự nói riêng cần được quan tâm hơn nữa; cần đổi mới cách thức tổ chức và hoạt động của các cơ quan tiến hành tố tụng mà trước hết là Tòa án để bảo đảm việc tiến hành tố tụng không gây tác động xấu đến tâm sinh lý của trẻ em; có cơ chế hữu hiệu để tư vấn, hỗ trợ các nạn nhân là trẻ em bị tổn hại về tinh thần và sức khỏe, giúp các em phục hồi phát triển lành mạnh.