Quản chế hành chính là một biện pháp hành chính mang tính lịch sử, được Nhà nước ta áp dụng ngay từ những ngày đầu lập nước. Trong thời kỳ đầu của chính quyền cách mạng, biện pháp này đã phát huy tác dụng góp phần bảo vệ chính quyền, giữ gìn an ninh chính trị và trật tự, an toàn xã hội. Từ năm 1995, khi Nhà nước ban hành Pháp lệnh xử lý vi phạm hành chính thì biện pháp này được ghi nhận lại với tư cách là một trong những biện pháp xử lý vi phạm hành chính và đã được cụ thế hoá bằng Nghị định số 31/CP ngày 14/7/1997.
Qua thực tiễn áp dụng quản chế hành chính cho thấy, bên cạnh những kết quả đã đạt được, biện pháp này trong thời gian qua và trước yêu cầu hội nhập, đã bộc lộ rất nhiều bất cập, hạn chế. Mặt khác một số quy định trong Nghị định 31/CP chưa thoả đáng so với quyền của công dân được ghi trong Hiến pháp nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
Bộ Tư pháp đã đề nghị Chính phủ trình Uỷ ban Thường vụ Quốc hội ban hành Nghị quyết về việc huỷ bỏ hoặc đình chỉ áp dụng một số điều, khoản liên quan đến quản chế hành chính của Pháp lệnh xử lý vi phạm hành chính năm 2002. Sau khi Nghị quyết này được Uỷ ban Thường vụ Quốc hội thông qua thì Chính phủ căn cứ vào đó để ra Nghị định huỷ bỏ Nghị định số 31/CP ngày 14/4/1997 về quản chế hành chính.
Sau khi các thành viên Chính phủ cho ý kiến, Phó thủ tướng Trương Vĩnh Trọng kết luận: Chính phủ uỷ quyền cho Bộ Tư pháp chủ trì phối hợp với các cơ quan liên quan hoàn chỉnh dự thảo trình Uỷ ban Thường vụ Quốc hội để sửa đổi một số điều trong Pháp lệnh xử phạt hành chính và huỷ bỏ Nghị định 31/CP./.
(Theo website Chính phủ)