Sáng 4/7, Văn phòng Chủ tịch nước tổ chức họp báo công bố Lệnh của Chủ tịch nước công bố các luật đã được Quốc hội khóa XIV thông qua tại Kỳ họp thứ bảy. Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Văn phòng Chủ tịch nước Đào Việt Trung chủ trì và điều hành cuộc họp.
Tại cuộc họp, Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Quốc Khánh thông báo một số nội dung cơ bản của Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Kinh doanh bảo hiểm, Luật Sở hữu trí tuệ; Thứ trưởng Bộ Tài chính Trần Xuân Hà trình bày một số nội dung cơ bản của Luật Quản lý thuế; Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Đức Trung thông báo một số nội dung cơ bản của Luật Đầu tư công; Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Đình Toàn trình bày một số nội dung cơ bản của Luật Kiến trúc; Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Hữu Độ thông báo một số nội dung cơ bản của Luật Giáo dục; Thứ trưởng Bộ Y tế Trương Quốc Cường trình bày một số nội dung cơ bản của Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia; Trung tướng Nguyễn Ngọc Anh, Cục trưởng Cục Pháp chế và Cải cách hành chính tư pháp, thay mặt Lãnh đạo Bộ Công an thông báo một số nội dung cơ bản của Luật Thi hành án hình sự.
Đề nghị báo chí chung tay đưa Luật vào cuộc sống
Liên quan đến nội dung quy định về xử lý nợ đọng thuế được các phóng viên quan tâm, Thứ trưởng Bộ Tài chính Trần Xuân Hà nêu rõ, bản thân Luật Quản lý thuế năm 2006 đã có quy định về xử lý nợ đọng thuế. Trong 13 năm triển khai thi hành, Luật Quản lý thuế năm 2006 đã được sửa đổi 3 lần, nhưng vẫn còn những điểm hạn chế nhất định về xử lý nợ đọng.
Có 2 nhóm đối tượng nợ đọng thuế cần xem xét xử lý. Một là những chủ kinh doanh là cá nhân bị chết, coi là chết, coi là mất tích. Việc xóa nợ thuế chỉ được thực hiện khi các đối tượng này bị chết thật, mất tích thật. Người bị coi là chết, bị coi là mất tích không được xóa nợ thuế, trong khi tiền phạt 0,03% mỗi ngày được tính dồn nên càng ngày càng lớn. Hai là nhóm các doanh nghiệp đã ngừng sản xuất kinh doanh nhưng chưa làm thủ tục giải thể và phá sản cũng có khoản phạt chậm nộp rất lớn.
Thống kê nợ đọng hiện nay cho thấy, có khoảng 50% khoản nợ đọng thuế là khoản tiền phạt chậm nộp. Vì vậy, Chính phủ đã đề nghị Quốc hội chỉnh sửa một số nội dung về xóa nợ, trong đó có giải pháp khoanh nợ. Khi xác định đối tượng đã bị coi là chết, mất tích, ngừng hoạt động sản xuất, kinh doanh thì cũng được xem xét khoanh nợ, không tính thêm tiền chậm nộp nữa, vì bản chất là không thu được.
Với các cơ sở kinh doanh đã được xóa nợ thuế rồi quay trở lại hoạt động, Luật Quản lý thuế quy định truy thu các khoản nợ đọng thuế đã được xóa. Đây là nội dung đã được Ủy ban Tài chính - Ngân sách, Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Quốc hội bàn thảo rất kỹ để phòng ngừa trường hợp lợi dụng pháp luật để trốn tránh nghĩa vụ nộp thuế. Cụ thể, có trường hợp tẩu tán tài sản cho người thân nên không còn tài sản tại thời điểm phá sản, dẫn tới được xóa nợ thuế. Tuy nhiên, sau đó, những trường hợp này tiếp tục đưa tài sản quay lại sản xuất, kinh doanh nên phải quy định như vậy để xử lý.
Trả lời câu hỏi của các phóng viên nêu ra tại cuộc họp báo, Thứ trưởng Bộ Y tế Trương Quốc Cường nhất trí đánh giá, việc đưa Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia vào cuộc sống là rất khó khăn. Để đưa Luật vào cuộc sống, các chế tài là quan trọng, đặc biệt là chế tài để bảo vệ các đối tượng dễ bị tổn thương như trẻ em dưới 18 tuổi, phụ nữ, người già; chế tài với người sử dụng rượu bia khi làm việc, lái xe. Trong Luật đã quy định 13 hành vi bị nghiêm cấm. Thứ trưởng Bộ Y tế cũng đề nghị, các cơ quan thông tấn, báo chí chung tay để cùng triển khai hiệu quả Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia.
Công khai, minh bạch đầu tư công
Trung tướng Nguyễn Ngọc Anh giải đáp một số vấn đề liên quan tới nội dung quy định về lao động của phạm nhân. Trung tướng Nguyễn Ngọc Anh nhấn mạnh, lao động của phạm nhân trong trại giam là nghĩa vụ bắt buộc để lao động cải tạo, chấp hành hình phạt và có điều kiện tái hòa nhập cộng đồng. Quốc hội cũng thảo luận rất nhiều về Điều 33 quy định về tổ chức cho phạm nhân lao động. Việc này được thực hiện để tạo điều kiện cho phạm nhân có nghề nghiệp, sau khi chấp hành xong hình phạt thì họ có thể tái hòa nhập cộng đồng nhanh hơn, tốt hơn. Khi lao động, bản thân phạm nhân cũng có thu nhập nhất định để ổn định cuộc sống.
Việc đưa phạm nhân ra lao động phải bảo đảm đầy đủ yêu cầu về an ninh, trật tự cho phạm nhân, cán bộ quản lý và cho nhân dân nơi mà phạm nhân lao động. Chính phủ sẽ có quy định chi tiết thi hành Điều 33 Luật Thi hành án hình sự. Luật lần này có quy định rất minh bạch, việc tổ chức quản lý giam giữ phạm nhân ở Việt Nam được đánh giá phù hợp với thực tiễn, đáp ứng yêu cầu tốt nhất để bảo đảm quyền con người, quyền công dân.
Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Đức Trung thì nhắc tới hệ thống thông tin và cơ sở dữ liệu quốc gia về đầu tư công quy định trong Luật Đầu tư công, cho rằng quy định này được xây dựng nhằm bảo đảm tính công khai, minh bạch trong đầu tư công. Theo đó, hệ thống thông tin và Cơ sở dữ liệu quốc gia về đầu tư công được xây dựng và triển khai thống nhất trên cả nước, phục vụ cho hoạt động quản lý nhà nước về đầu tư công. Việc xây dựng hệ thống thông tin và Cơ sở dữ liệu quốc gia về đầu tư công gắn với quá trình xây dựng Chính phủ điện tử và Chính phủ số. Chính phủ sẽ ban hành nghị định quy định chi tiết thi hành quy định này trước khi Luật Đầu tư công mới có hiệu lực kể từ ngày 1/1/2020.
Trả lời câu hỏi của các phóng viên về việc các cơ quan báo chí có thể tiếp cận hệ thống thông tin và Cơ sở dữ liệu quốc gia về đầu tư công hay không, Thứ trưởng Nguyễn Đức Trung nêu rõ: Theo quy định, đây là thông tin phục vụ quản lý nhà nước nên chưa mở cho các cơ quan báo chí tiếp cận. Trường hợp cơ quan báo chí có yêu cầu về thông tin liên quan đến quản lý nhà nước về đầu tư công thì các cơ quan liên quan sẽ cung cấp thông tin cho báo chí theo quy định của pháp luật.
H.Thư