Quốc hội thông qua Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2020

11/06/2019
Quốc hội thông qua Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2020
Chiều ngày 11/6/2019 Quốc hội đã biểu quyết thông qua Nghị quyết về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2020 và điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2019 với 448/451 đại biểu tán thành, đạt 92,56%.
Theo đó, về điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2019, Nghị quyết bổ sung vào Chương trình năm 2019 đối với 04 dự án luật, pháp lệnh: Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giám định tư pháp; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng, chống thiên tai, Luật Đê điều; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xây dựng; Pháp lệnh Ưu đãi người có công với cách mạng (sửa đổi); điều chỉnh thời gian trình đối với 03 dự án luật: Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đầu tư và Luật Doanh nghiệp (lùi từ Chương trình cho ý kiến tại kỳ họp thứ 7 sang Chương trình cho ý kiến tại kỳ họp thứ 8, thông qua tại Kỳ họp thứ 9); Luật Khám bệnh, chữa bện h (sửa đổi) (lùi từ Chương trình cho ý kiến tại kỳ họp thứ 7 sang cho ý kiến tại kỳ họp thứ 9); Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đất đai (lùi từ Chương trình cho ý kiến tại kỳ họp thứ 7 sang cho ý kiến tại kỳ họp thứ 9); đưa ra khỏi Chương trình năm 2019 đối với 01 dự án: Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thuế bảo vệ môi trường.
Về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2020, tại kỳ họp thứ 9 trình Quốc hội thông qua 09 dự án luật, nghị quyết: Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật; Luật Thanh niên (sửa đổi); Luật Đầu tư theo hình thức đối tác công tư; Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giám định tư pháp; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng, chống thiên tai, Luật Đê điều; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xây dựng; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đầu tư và Luật Doanh nghiệp; Nghị quyết về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2021.
Cùng với đó tại kỳ họp thứ 9 trình Quốc hội cho ý kiến đối với 07 dự án: Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng (sửa đổi); Luật Biên phòng Việt Nam; Luật Thỏa thuận quốc tế; Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi); Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bảo vệ môi trường; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đất đai.
Tại kỳ họp thứ 10 trình Quốc hội thông qua 07 dự án: Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng (sửa đổi); Luật Biên phòng Việt Nam; Luật Thỏa thuận quốc tế; Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi); Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bảo vệ môi trường; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đất đai.
Cùng với đó tại kỳ họp thứ 10 trình Quốc hội cho ý kiến 02 dự án: Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật phòng, chống HIV/AIDS; Luật Thi đua, khen thưởng (sửa đổi).
Về tổ chức thực hiện, Nghị quyết nêu rõ, các cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền đề cao trách nhiệm, thực hiện nghiêm quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật; không trình dự án, dự thảo không bảo đảm chất lượng; bảo đảm tính pháp lý, chính xác, đầy đủ của các tài liệu trong hồ sơ dự án, dự thảo; khắc phục triệt để tình trạng chậm gửi hồ sơ; xác định rõ nguyên nhân, trách nhiệm của từng cơ quan, tổ chức, cá nhân trong việc không hoàn thành Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh để báo cáo Quốc hội.
Cơ quan chủ trì soạn thảo, thẩm định, thẩm tra và các cơ quan có liên quan có trách nhiệm cung cấp đầy đủ thông tin, hồ sơ, tài liệu để đại biểu Quốc hội sớm tiếp cận, tham gia ý kiến về dự án, dự thảo; phát huy tốt vai trò, trách nhiệm, đóng góp tích cực vào công tác xây dựng luật, pháp lệnh.
Chính phủ tiếp tục dành thời gian thỏa đáng để thảo luận, cho ý kiến đối với dự án, dự thảo trình Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội; có biện pháp chỉ đạo, đôn đốc, kiểm tra để bảo đảm tiến độ, chất lượng các dự án, dự thảo; thực hiện nghiêm việc tổ chức lấy ý kiến; chấn chỉnh việc tham gia ý kiến của các bộ, ngành có liên quan để bảo đảm chất lượng; trong quá trình giải trình tiếp thu, chỉnh lý dự án, dự thảo, nếu có ý kiến khác với cơ quan thẩm tra, với Ủy ban Thường vụ Quốc hội thì báo cáo Quốc hội để xem xét, quyết định; bảo đảm ban hành văn bản quy định chi tiết có hiệu lực cùng thời điểm với hiệu lực của luật, pháp lệnh, nghị quyết đã được thông qua.
Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội chủ động phối hợp chặt chẽ, tham gia ngay từ đầu với cơ quan trình, cơ quan soạn thảo, cơ quan chủ trì thẩm tra; phát huy trách nhiệm của Thường trực Hội đồng Dân tộc, Thường trực Ủy ban, toàn thể Hội đồng Dân tộc, Ủy ban trong việc thẩm tra, tham gia thẩm tra và trong việc tiếp thu, chỉnh lý dự án, dự thảo; theo dõi, đôn đốc việc chuẩn bị các dự án, dự thảo thuộc lĩnh vực phụ trách và giám sát việc triển khai thực hiện các văn bản đó sau khi được thông qua.
Đoàn đại biểu Quốc hội và đại biểu Quốc hội dành thời gian thỏa đáng để nghiên cứu, tham khảo ý kiến của các cơ quan, tổ chức có liên quan, các chuyên gia, nhà khoa học và đối tượng chịu sự tác động trực tiếp; tăng cường tham gia thảo luận, tranh luận góp phần hoàn thiện các dự án, dự thảo.
Trong tổ chức thực hiện, Nghị quyết cũng nêu rõ trách nhiệm của các cơ quan trong việc xem xét đưa vào Chương trình các dự án luật để thể chế các chủ trương, nghị quyết của Đảng, theo đó: Chính phủ, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam và các cơ quan, tổ chức khác có trách nhiệm, trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình, khẩn trương chuẩn bị các dự án luaatrj để triển khai thực hiện các Nghị quyết của Trung ương theo Kế hoạch đã được đề ra để sớm xem xét, đưa vào Chương trình trong năm 2019 và 2020.
Chính phủ chỉ đạo các Bộ, cơ quan ngang Bộ, trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình, khẩn trương rà soát các luật, pháp lệnh, nghị quyết của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội và những văn bản quy phạm pháp luật khác có vướng mắc, bất cập để kịp thời trình cơ quan có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung, ban hành mới hoặc sửa đổi, bổ sung, ban hành theo thẩm quyền bảo đảm kịp thời thể chế hóa các chủ trương, nghị quyết của Đảng; Chiến lược xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật; thực hiện Kế hoạch triển khai thi hành Hiến pháp; đáp ứng yêu cầu phát triển và hội nhập của đất nước.
Vụ Các vấn đề chung về xây dựng pháp luật