Thêm minh chứng cho “Tư pháp vì dân phục vụ”

04/01/2019
Thêm minh chứng cho “Tư pháp vì dân phục vụ”
Sau những kết quả tích cực gặt hái được trong thực hiện mô hình khai sinh “3 trong 1”, trong tháng 10/2018 vừa qua, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Đề án thực hiện mô hình liên thông – có thể gọi nôm na là khai tử “3 trong 1”. Với ý nghĩa thiết thực của Đề án, nhiều địa phương đang khẩn trương triển khai các công việc liên quan để tiếp tục phục vụ người dân được tốt hơn.

Người dân được quyền lựa chọn
Với mô hình khai sinh “3 trong 1” theo Thông tư liên tịch số 05/2015/TTLT/BTP - BCA - BYT của Bộ Tư pháp, Bộ Công an và Bộ Y tế thì các thủ tục hành chính (TTHC) được liên thông gồm TTHC về đăng ký khai sinh - đăng ký thường trú - cấp thẻ bảo hiểm y tế cho trẻ em dưới 06 tuổi. Kết quả, đã giải quyết thuận lợi cho hàng triệu trẻ em trong cả nước có được các giấy tờ “đầu ra” khi thực hiện liên thông các TTHC này.
Việc triển khai liên thông 03 TTHC theo quy định của Thông tư liên tịch số 05 đã nhận được sự đồng tình ủng hộ rất cao và sự hài lòng từ người dân. Bởi vì việc liên thông 03 thủ tục đã tạo nhiều điều kiện thuận lợi cho nhân dân, tiết kiệm công sức, thời gian, giảm chi phí đi lại, giảm bớt nhiều giấy tờ hành chính cho công dân và nâng cao trách nhiệm của đội ngũ cán bộ, công chức trong việc phục vụ nhân dân. Đồng thời, việc áp dụng quy trình liên thông 03 TTHC đã giúp cơ quan hành chính nhà nước quản lý chặt chẽ hơn thông tin nhân thân và cư trú của người dân; khắc phục tình trạng trẻ em đã được khai sinh nhưng chưa được nhập khẩu, cấp thẻ bảo hiểm y tế.
Tiếp tục hướng tới sự hài lòng của người dân và triển khai mạnh mẽ phương châm Chính phủ kiến tạo, phục vụ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã có Quyết định 1380/QĐ-TTg phê duyệt Đề án thực hiện liên thông các TTHC: Đăng ký khai tử, xóa đăng ký thường trú, hưởng chế độ tử tuất/hỗ trợ chi phí mai táng/hưởng mai táng phí. Quyết định 1380 có hiệu lực từ ngày ban hành – 18/10/2018.
Đề án nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho cá nhân, tổ chức, hộ gia đình trong thực hiện TTHC, từng bước nâng cao chất lượng dịch vụ thuộc các lĩnh vực hộ tịch, cư trú, bảo hiểm xã hội, lao động, thương binh và xã hội, góp phần nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước trong các lĩnh vực này. Theo đó, liên thông thủ tục đăng ký khai tử, xóa đăng ký thường trú được thực hiện trong trường hợp cơ quan có thẩm quyền giải quyết thủ tục đăng ký khai tử và đăng ký thường trú trên cùng một địa bàn cấp xã hoặc cấp huyện.
Còn liên thông thủ tục đăng ký khai tử, xóa đăng ký thường trú, hưởng chế độ tử tuất được thực hiện trong trường hợp cơ quan có thẩm quyền giải quyết thủ tục đăng ký khai tử và đăng ký thường trú trên cùng một địa bàn cấp xã hoặc cấp huyện và cơ quan có thẩm quyền giải quyết thủ tục hưởng chế độ tử tuất trên cùng địa bàn cấp tỉnh với cơ quan giải quyết đăng ký khai tử. Và liên thông thủ tục đăng ký khai tử, xóa đăng ký thường trú, hỗ trợ mai táng phí được thực hiện trong trường hợp cơ quan đăng ký khai tử và đăng ký thường trú trên cùng địa bàn cấp xã hoặc cấp huyện và thuộc thẩm quyền tiếp nhận hồ sơ hoặc xác nhận bản khai thủ tục hỗ trợ chi phí mai táng/hưởng mai táng phí tại cùng một địa bàn cấp xã có thẩm quyền giải quyết thủ tục đăng ký khai tử.
Cá nhân có yêu cầu giải quyết các TTHC có quyền lựa chọn áp dụng hoặc không áp dụng thực hiện liên thông các TTHC này.
Về nguyên tắc giải quyết TTHC, UBND cấp xã chịu trách nhiệm về tính hợp lệ của hồ sơ trong quy trình liên thông. Trường hợp hồ sơ chưa đúng, chưa đủ theo quy định thì hướng dẫn bằng phiếu (theo mẫu quy định) cụ thể một lần, đầy đủ để công dân bổ sung, hoàn chỉnh.
UBND và Công an cấp xã, UBND và Công an cấp huyện, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, Bảo hiểm xã hội cấp tỉnh và cấp huyện, Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội chịu trách nhiệm trong việc giải quyết từng TTHC thuộc thẩm quyền giải quyết của cơ quan mình và cùng phối hợp giải quyết những vướng mắc phát sinh trong quá trình thực hiện liên thông các TTHC.
UBND cấp xã là đầu mối tiếp nhận hồ sơ và trả kết quả giải quyết các TTHC liên thông. Nếu có nhu cầu, người dân đăng ký với Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả hoặc công chức tư pháp - hộ tịch (trường hợp đăng ký hộ tịch lưu động) việc trả kết quả giải quyết TTHC qua dịch vụ bưu chính công ích, người dân sẽ được nhận kết quả do cơ quan bưu chính chuyển phát đến tận nhà.
Người dân có nhu cầu đăng ký dịch vụ nhận kết quả tại nhà có trách nhiệm nộp cước phí cho cơ quan bưu chính. Tùy thuộc tình hình thực tế tại địa phương, cước phí bưu chính có thể do cơ quan giải quyết thủ tục thanh toán với cơ quan bưu chính.
Trường hợp có nhu cầu thì người nộp hồ sơ được quyền yêu cầu và được trực tiếp nhận kết quả tại cơ quan có thẩm quyền giải quyết đối với từng TTHC liên thông. Trong trường hợp người dân có yêu cầu nhận kết quả từng loại thủ tục trên, thì khi nộp hồ sơ tại Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả thuộc UBND cấp xã trình bày cụ thể để ghi vào phiếu hẹn và trả kết quả theo quy định.
Trường hợp hồ sơ quá hạn giải quyết, cơ quan có trách nhiệm phải có văn bản gửi Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả của Ủy ban nhân cấp xã và văn bản xin lỗi cá nhân, tổ chức của cơ quan ghi rõ lý do quá hạn và thời hạn trả kết quả. Công chức Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả của UBND cấp xã thông báo thời hạn trả kết quả và chuyển văn bản xin lỗi của cơ quan làm quá hạn giải quyết hồ sơ cho cá nhân, tổ chức.
Địa phương bắt đầu vào cuộc
Thực hiện Quyết định của Thủ tướng, các địa phương đã triển khai nhiều công việc cụ thể có liên quan nhằm đáp ứng được yêu cầu của công dân và góp phần đẩy mạnh công tác cải cách hành chính. Tuy nhiên, cách làm của mỗi địa phương là không giống nhau.
Cụ thể, hơn 1 tháng sau - ngày 28/11/2018, UBND tỉnh Sơn La ban hành Kế hoạch số 202/KH-UBND triển khai thực hiện Quyết định số 1380/QĐ-TTg trên địa bàn tỉnh. Theo đó, Kế hoạch xác định rõ trách nhiệm của các sở, ban, ngành, cơ quan, đơn vị cấp tỉnh, UBND các huyện, thành phố; UBND các xã, phường, thị trấn trong việc triển khai Đề án với thời gian thực hiện rất chi tiết.
Nội dung Kế hoạch gồm xây dựng văn bản triển khai thực hiện Quyết định số 1380/QĐ-TTg trên địa bàn tỉnh (thời gian thực hiện: quý IV năm 2018); tổ chức tập huấn, hướng dẫn nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức thực hiện liên thông TTHC theo Đề án trên địa bàn tỉnh (quý I năm 2019); niêm yết công khai quy trình liên thông các TTHC: "Đăng ký khai tử, xóa đăng ký thường trú, hưởng chế độ tử tuất (trợ cấp tử tuất và trợ cấp mai táng)/hỗ trợ chi phí mai táng/hưởng mai táng phí" tại UBND cấp xã (tháng 12/2018); kiểm tra việc thực hiện, tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc phát sinh trong quá trình thực hiện liên thông các TTHC (năm 2019 và những năm tiếp theo); hướng dẫn, giám sát và đôn đốc việc triển khai thực hiện liên thông các TTHC thuộc lĩnh vực mình quản lý; cung cấp các biểu mẫu phục vụ việc thực hiện liên thông TTHC (thực hiện thường xuyên); tổ chức sơ kết, tổng kết đánh giá việc thực hiện Quyết định số 1380/QĐ-TTg (tháng 12/2021).
UBND tỉnh giao Văn phòng UBND tỉnh theo dõi, kiểm tra, đôn đốc và hướng dẫn các sở, ban, ngành, đơn vị cấp tỉnh, UBND cấp huyện, UBND cấp xã trong việc triển khai thực hiện Kế hoạch này nhằm đáp ứng được mục đích, yêu cầu, nội dung và tiến độ đã đề ra.
Tương tự, tỉnh Hải Dương cũng giao thực hiện nhiệm vụ của Đề án 1380 cho Văn phòng UBND tỉnh. Theo Giám đốc Sở Tư pháp Ngô Quang Giáp, trong mô hình liên thông này có một số vấn đề “tế nhị” liên quan đến tử tuất nên Văn phòng UBND tỉnh triển khai là hợp lý. Còn về phía Sở Tư pháp liên quan đến thực hiện các nhiệm vụ về đăng ký khai tử, toàn ngành Tư pháp địa phương cam kết sẽ nỗ lực, phối hợp hiệu quả với các cơ quan chức năng khác.
Trong khi đó, theo Công văn số 10203/UBND-KSTTHC ngày 20/11/2018 của UBND tỉnh Đắk Lắk thì UBND tỉnh giao Sở Tư pháp chủ trì, phối hợp với Công an tỉnh, Bảo hiểm xã hội tỉnh và các Sở: Lao động – Thương binh và Xã hội, Nội vụ, Tài chính tham mưu UBND tỉnh ban hành Quy chế phối hợp thực hiện liên thông TTHC: Đăng ký khai tử,  xóa đăng ký thường trú, hưởng chế độ tử tuất, hỗ trợ chi phí mai táng, hưởng mai táng phí theo nội dung Đề án trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk. UBND tỉnh cũng giao Sở Tư pháp, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, Bảo hiểm xã hội tỉnh, Công an tỉnh triển khai thực hiện liên thông TTHC thuộc lĩnh vực do mình quản lý trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk và cung cấp các biểu mẫu phục vụ việc thực hiện liên thông các TTHC theo nội dung Đề án…
Giống với Đắk Lắk, UBND TP Hà Nội giao nhiệm vụ thực hiện Đề án 1380 cho Sở Tư pháp. Phó Giám đốc Sở Tư pháp Tống Thị Thanh Nam cho biết, Sở đã tham mưu cho UBND thành phố thành lập Ban soạn thảo, Tổ biên tập xây dựng dự thảo Quy chế thực hiện liên thông các TTHC theo Đề án 1380. Qua khảo sát thực tiễn, Sở đang dự kiến tách ra thành 2 nhánh: Đăng ký khai tử - xóa đăng ký thường trú và Đăng ký khai tử - xóa đăng ký thường trú - hưởng chế độ tử tuất. Mỗi nhánh sẽ gồm những TTHC cụ thể, thành phần hồ sơ, thời gian giải quyết. Riêng nhánh thứ 2 sẽ có khoảng 6 nhánh nhỏ khác gắn với trách nhiệm của Sở Lao động, Thương binh và Xã hội.
Đồng thời, qua lấy ý kiến góp ý, nhiều ý kiến phản ánh, với việc khai tử thì đăng ký ngay, hồ sơ chuẩn bị đầy đủ sẽ khó làm luôn được trong lúc tang gia bối rối. Đây là một khó khăn cần giải quyết, cùng với khó khăn trong việc nhận tiền tuất tại xã, phường, thị trấn do vướng chứng từ quyết toán.
Tuy còn một số vướng mắc nhưng bà Nam chia sẻ, các cơ quan, ban, ngành, UBND các quận, huyện, xã, phường và người dân rất hoan nghênh mô hình này sau thành công của mô hình khai sinh “3 trong 1”. Hà Nội cũng quyết tâm sẽ ứng dụng công nghệ thông tin trong thực hiện liên thông bên cạnh quy trình giấy để có thể giải quyết nhanh chóng thủ tục cho người dân.
Thục Quyên