Phổ biến pháp luật về các quyền dân sự, chính trị theo Công ước ICCPR

04/12/2018
Công ước ICCPR – tên viết tắt của Công ước quốc tế về các quyền dân sự và chính trị là một trong những điều ước quốc tế quan trọng nhất về quyền con người đã được Đại hội đồng Liên Hợp quốc thông qua ngày16 tháng 12 năm 1966 và có hiệu lực từ ngày 23 tháng 03 năm 1976. Đây cũng là Công ước có phạm vi điều chỉnh rộng, bao trùm tất cả các quyền dân sự và chính trị của mỗi cá nhân. Hiện tại có khoảng 170 nước tham gia Công ước này. Việt Nam là thành viên của Công ước ICCPR từ năm 1982 và đã hai lần bảo vệ Báo cáo quốc gia thực thi công ước này.
Công ước quốc tế về các quyền dân sự và chính trị có tên tiếng anh là International Covenant on Civil and Political Rights, viết tắt: ICCPR. Công ước này nêu tổng quan các quyền dân sự và chính trị cơ bản của con người. Cụ thể, các bên tham gia ký kết sẽ phải tôn trọng các quyền dân sự và chính trị của từng cá nhân, bao gồm quyền sống, quyền tự do tôn giáo, tự do phát biểu, tự do hội họp, quyền bầu cử và quyền được xét xử bình đẳng và theo đúng trình tự pháp luật.
Công ước ICCPR gồm 6 phần, 53 điều, lời mở đầu khẳng định chân lý bất di bất dịch rằng việc công nhận những phẩm giá vốn có và quyền bình đẳng của mọi thành viên trong cộng đồng nhân loại là nền tảng cho tự do, công lý và hòa bình trên thế giới.
Công ước ICCPR công nhận quyền tự quyết của mọi dân tộc, bao gồm quyền được tự do định đoạt thể chế chính trị và tự do phát triển kinh tế, xã hội và văn hoá. Công ước thừa nhận rằng quyền sinh kế của một dân tộc không bao giờ bị tước bỏ. Để đạt được mục tiêu này, các dân tộc có quyền tự do sử dụng các nguồn lợi thiên nhiên của mình, miễn là không vi phạm những nghĩa vụ phát sinh từ sự hợp tác quốc tế về kinh tế, đặt căn bản trên quyền lợi hỗ tương và luật pháp quốc tế Các quốc gia hội viên ký kết Công Ước này, kể cả những quốc gia có trách nhiệm bảo hộ hay giám hộ các lãnh thổ khác, phải tôn trọng và xúc tiến việc thực thi quyền dân tộc tự quyết chiếu theo các điều khoản của Hiến chương Liên Hiệp Quốc.
Công ước ICCPR yêu cầu các bên tham gia Công ước cam kết tôn trọng và bảo đảm thực thi những quyền được thừa nhận trong Công Ước mà được không phân biệt chủng tộc, màu da, nam nữ, ngôn ngữ, tôn giáo, chính kiến hay quan niệm, nguồn gốc quốc gia hay xã hội, tài sản, dòng dõi hay bất cứ thân trạng nào khác. Đồng thời, nhấn mạnh nam nữ được hưởng các quyền về dân sự và chính trị nêu trong Công ước một cách bình đẳng.
Công ước cũng yêu cầu các bên tham gia phải thực hiện các bước cần thiết để hiện thực hóa các quyền được công nhận trong Công ước và cam kết bảo đảm rằng bất cứ người nào bị xâm phạm các quyền và tự do như được công nhận trong Công ước này đều nhận được các biện pháp khắc phục hiệu quả, cho dù sự xâm phạm này là do hành vi của những người thừa hành công vụ gây ra; bất kỳ người nào có yêu cầu về các biện pháp khắc phục sẽ được các cơ quan tư pháp, hành pháp hoặc lập pháp có thẩm quyền hoặc bất kỳ cơ quan nào khác có thẩm quyền do hệ thống pháp luật của quốc gia quy định, xác định quyền lợi cho họ và sẽ mở rộng khả năng áp dụng các biện pháp khắc phục mang tính tư pháp;
Công ước liệt kê các quyền được bảo hộ, bao gồm các quyền sau:
Quyền toàn vẹn thân thể, tức là quyền được sống, không bị tra tấn và bị bắt làm nô lệ;
Quyền tự do và an toàn nhân thân, tức là quyền không bị bắt và bỏ tù vì các lý do không chính đáng;
Quyền bình đẳng trước luật, và mọi cáo trạng phải đúng trình tự pháp luật. Bị cáo về các tội hình sự có quyền được chấp nhận là vô tội cho đến khi bị chứng minh là có tội theo luật.
Quyền tự do cá nhân được hiểu theo nghĩa tự do di chuyển, tự do tư tưởng, tự do lương tâm và tự do tôn giáo, tự do phát biểu và giữ quan điểm mà không bị ai can thiệp, tự do lập hội và hội họp, tự do lập gia đình, quyền khai sinh, và quyền bí mật đời tư;
Ngăn cấm bất kỳ hình thức tuyên truyền cổ vũ chiến tranh hay gieo giắc kỳ thị chủng tộc, tôn giáo;
Quyền tham gia chính trị bao gồm quyền tự do thành lập, theo hoặc không theo một đảng chính trị, và quyền bầu cử;
Quyền được đối xử bình đẳng của các cộng đồng thiểu số trước luật.
Nhiều trong số các quyền trên yêu cầu một số điều cụ thể mà các quốc gia hội viên phải thực hiện.
Công ước ICCPR cũng quy định các nguyên tắc thành lập và hoạt động của Ủy ban Nhân quyền cùng các công việc giám sát và báo cáo. Đồng thời, nó cũng yêu cầu các quốc gia thừa nhận năng lực của Ủy ban trong giải quyết mâu thuẫn giữa các nước liên quan đến việc thực thi Công ước.
Đồng thời thừa nhận, không một quy định nào của Công ước này có thể được giải thích để làm phương hại đến những quy định của Hiến chương Liên Hợp Quốc và điều lệ của các tổ chức chuyên môn mà quy định trách nhiệm của các cơ quan và tổ chức chuyên môn của Liên Hợp Quốc về các vấn đề được đề cập trong Công ước này; Không một quy định nào của Công ước này có thể được giải thích để làm phương hại đến quyền đương nhiên của mọi dân tộc được hưởng và sử dụng một cách đầy đủ và tự do mọi nguồn của cải và tài nguyên thiên nhiên của họ.
Để triển khai Công ước ICCPR, trong công tác xây dựng pháp luật, Bộ Tư pháp đã thể chế hóa trong nhiều đạo luật như: Bộ luật hình sự, Luật bồi thường nhà nước, Luật  Trợ giúp pháp lý ... Bộ cũng có các quyết định cụ thể để thực hiện như: Quyết định 487/QĐ-BTP năm 2014 ban hành Kế hoạch tiếp tục triển khai thực hiện Công ước quốc tế ICCPR; Quyết định số 452/QĐ-BTP phê duyệt Đề án Tuyên truyền, phổ biến nội dung cơ bản của Công ước ICCPR cho cán bộ, công chức, viên chức và nhân dân từ năm 2015-2020 với mục tiêu tiếp tục phổ biến sâu rộng tinh thần, nội dung cơ bản và những quy định quan trọng của Công ước quốc tế về các quyền dân sự, chính trị (sau đây gọi tắt là Công ước ICCPR), các quyền dân sự, chính trị được quy định trong Hiến pháp năm 2013 và các đạo luật do Quốc hội ban hành cho cán bộ, công chức, viên chức và nhân dân, nhằm nâng cao nhận thức, hiểu biết, từ đó tích cực, chủ động thực hiện đầy đủ, hiệu quả các quyền dân sự, chính trị của con người và công dân. Cụ thể, phấn đấu đến năm 2020, có 60 - 70% báo cáo viên pháp luật, tuyên truyền viên pháp luật, phóng viên, biên tập viên viết về pháp luật, giáo viên giảng dạy môn pháp luật, giáo dục công dân ở các trường thuộc hệ thống giáo dục quốc dân được phổ biến, bồi dưỡng nội dung cơ bản và những quy định quan trọng của Công ước ICCPR, các quyền dân sự, chính trị được quy định trong Hiến pháp năm 2013 và các đạo luật do Quốc hội ban hành để lồng ghép trong quá trình thực hiện các hoạt động phổ biến, giáo dục pháp luật, giảng dạy pháp luật trong nhà trường; Phấn đấu đến năm 2020, có 70 - 80% cán bộ, công chức, viên chức được phổ biến, nâng cao nhận thức về nội dung cơ bản và những quy định quan trọng của Công ước ICCPR, các quyền dân sự, chính trị được quy định trong Hiến pháp năm 2013 và các đạo luật do Quốc hội ban hành để vận dụng trong thực thi công vụ; Những nội dung cơ bản và những quy định quan trọng của Công ước ICCPR, các quyền dân sự, chính trị được quy định trong Hiến pháp năm 2013 và các đạo luật do Quốc hội ban hành được phổ biến sâu rộng đến nhân dân bằng nhiều hình thức phù hợp, giúp nhân dân hiểu và thực hiện quyền, nghĩa vụ về dân sự, chính trị, đồng thời giám sát việc thực hiện những quyền này, phát hiện hành vi vi phạm, qua đó tham gia quản lý nhà nước và xã hội.
Trên cơ sở này, hàng năm, các bộ, ngành, địa phương xây dựng Kế hoạch thực hiện Đề án cụ thể. Trong đó chú trọng đến việc bồi dưỡng, tập huấn nội dung cơ bản và những quy định quan trọng của Công ước ICCPR, các quyền dân sự, chính trị được quy định trong Hiến pháp năm 2013 và các đạo luật do Quốc hội ban hành, nghiệp vụ phổ biến, giáo dục pháp luật về quyền dân sự, chính trị cho những người làm công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, cán bộ, công chức, viên chức. Đến nay, Bộ Tư pháp đã tổ chức được 08 Hội nghị tập huấn về ICCPR, các Bộ như Bộ Tài chính, xây dựng, Giao thông – Vận tải, Bộ Công thương và nhiều bộ khác trong khuân khổ thực hiện Đề án đã chủ động tổ chức các lớp tập huấn bồi dưỡng kiến thức pháp luật về các quyền dân sự, chính trị trong các văn bản quy phạm pháp luật.
Các tỉnh, Thành phố trực trung ương hầu hết đã tổ chức bồi dưỡng, tập huấn kiến thức về quyền dân sự, chính trị cho đội ngũ báo cáo viên pháp luật cấp tỉnh/huyện, cán bộ chủ chốt cấp tỉnh/huyện/xã, đặc biệt chú trọng đội ngũ làm công tác tư pháp, tiếp dân trên địa bàn. Một số địa phương như Bình Phước, Bạc Liêu còn triển khai tập huấn đến đội ngũ trưởng thôn, tổ trưởng dân phố, chi hội trưởng các tổ chức đoàn thể, hòa giải viên...
Ngoài ra, Bộ Tư pháp cũng thực hiện phổ biến các quyền dân sự, chính trị theo ICCPRP trên Báo Pháp luật Việt Nam và Thông tấn xã Việt Nam dưới dạng các tin, bài, câu hỏi đáp và Chương trình đối thoại trực tuyến trên Báo pháp luật Việt Nam điện tử xung quanh nọi dung Công ước ICCPR và pháp luật Việt Nam về các quyền dân sự, chính trị.
UBND tỉnh/thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo, tổ chức thực hiện tuyên truyền pháp luật và thực hiện pháp luật về các quyền dân sự, chính trị trên báo chí, trang thông tin điện tử hoặc cổng thông tin điện tử trực thuộc. Thời lượng tuyên truyền, phổ biến liên quan đến ICCPR và thực hiện các quyền dân sự, chính trị cũng tăng đáng kể so với năm 2012. Điển hình như tỉnh Tiền Giang đã phát sóng chương trình Pháp luật với Đời sống 12 kỳ, 60 phút/01 kỳ với các chuyên đề như An toàn thông tin mạng; Luật Trưng cầu dân ý,...Thành phố Hải Phòng duy trì nâng cao chất lượng Tờ Phụ trương "Pháp luật Thành phố Hải Phòng" phát vào thứ 5 hàng tuần; xây dựng chuyên mục hỏi đáp pháp luật, xây dựng trang thông tin công khai toàn văn bản quan trọng về quyền dân sự, chính trị...