Nhiệm vụ đơn giản, cắt giảm danh mục hàng hóa kiểm tra chuyên ngành và đăng ký kinh doanh có chuyển biến

11/12/2018
Theo báo cáo của Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ về tình hình ban hành văn bản quy định chi tiết thi hành luật, pháp lệnh, các văn bản liên quan đến công tác kiểm tra chuyên ngành và điều kiện kinh doanh tháng 11/2018, tình hình nợ đọng văn bản quy định chi tiết chuyển biến chậm, tình hình nợ đọng chưa được các Bộ khắc phục dứt điểm, hiện còn nợ đọng 04 Nghị định và 01 Quyết định.
Các văn bản quy định chi tiết các Luật, pháp lệnh có hiệu lực từ ngày 01/01/2019
Theo Báo cáo, các Bộ phải xây dựng, trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành 22 Nghị định và 02 Quyết định; ban hành theo thẩm quyền 20 thông tư để hướng dẫn thi hành 08 Luật có hiệu lực từ ngày 01/01/2019 .
Trong số 24 văn bản của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, đến nay mới ban hành được 02 Nghị định; hoàn thiện hồ sơ trình Chính phủ được 15 văn bản, còn 07 văn bản chưa trình.
Đối với 20 thông tư ban hành theo thẩm quyền, hiện các Bộ đã ban hành được 17 Thông tư; còn 03 Thông tư đang xây dựng dự thảo.
Hoạt động kiểm tra chuyên ngành và đơn giản, cắt giảm điều kiện kinh doanh
Theo báo cáo, việc đơn giản, cắt giảm danh mục hàng hóa KTCN và ĐKKD có chuyển biến so với tháng trước. Danh mục hàng hóa KTCN đã đơn giản, cắt giảm đạt 136,5%, vượt 36,5% chỉ tiêu giao; ĐKKD đã đơn giản, cắt giảm đạt 108,1%, vượt 8,1% chỉ tiêu giao và tăng 11,1% so với tháng trước. Cụ thể:
Về Kiểm tra chuyên ngành  đối với hàng hóa xuất nhập khẩu
Theo kế hoạch, các Bộ quản lý chuyên ngành đối với hàng hóa xuất nhập khẩu phải xây dựng, sửa đổi, bổ sung trình ban hành và ban hành theo thẩm quyền 28 VBQPPL (06 NĐ; 01 QĐ và 21 Thông tư) để đơn giản, cắt giảm 6.003/9.926 dòng hàng và 74 thủ tục.
Đến nay, các Bộ đã trình ban hành và ban hành được 21 VBQPPL, đã cắt giảm, đơn giản hóa 6.776/9.926 dòng hàng phải KTCN (tương đương 68,2%, đạt 136,5%, vượt 36,5% so với yêu cầu chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và vượt 13% so với phương án dự kiến của các Bộ) và 30 thủ tục.
Kết quả đạt được cụ thể của từng Bộ: Lao động, Thương binh và Xã hội đã đơn giản hóa, cắt giảm 33/33 dòng hàng; Khoa học và Công nghệ đã đơn giản hóa, cắt giảm 22/24 dòng hàng; Công Thương đã đơn giản, cắt giảm 402/702 dòng hàng; Tài nguyên và Môi trường đã cắt giảm 38/74 dòng hàng; Thông tin và Truyền thông đã đơn giản, cắt giảm 89/146 dòng hàng; Xây dựng đã đơn giản, cắt giảm 33/64 dòng hàng; Giao thông vận tải đã đơn giản, cắt giảm được 80/134 dòng hàng và 07 thủ tục; Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã cắt giảm, đơn giản 51/171 dòng hàng và 9/10 TTHC; Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã đơn giản, cắt giảm 5.898 dòng hàng; Y tế đã bãi bỏ 01 mặt hàng với 05 dòng hàng thuộc lĩnh vực an toàn thực phẩm phải KTCN; 810 dòng hàng của 04 mặt hàng còn lại đã áp dụng theo hình thức kiểm tra giảm (95% số lô hàng sẽ không phải kiểm tra chuyên ngành).
Như vậy, theo kế hoạch, hiện còn 07 VBQPPL liên quan đến cải cách hoạt động KTCN chưa được ban hành, thuộc trách nhiệm của các Bộ: Tài Nguyên và Môi trường: 03 Nghị định - hiện Bộ đã trình Thủ tướng Chính phủ; Y tế: 01 Thông tư; Nông nghiệp và PTNT: 02 Thông tư; Công an: 01 Thông tư.
Về cắt giảm, đơn giản các điều kiện kinh doanh
Theo kế hoạch, các Bộ, cơ quan có ngành nghề kinh doanh có điều kiện phải xây dựng, sửa đổi, bổ sung để trình cấp có thẩm quyền ban hành 70 VBQPPL (19 Luật; 51 Nghị định) để đơn giản, cắt giảm 3.794/6.191 ĐKKD.
Đến nay, các Bộ đã trình ban hành được 28 VBQPPL (03 Luật và 25 Nghị định), đã cắt giảm, đơn giản được 3.346/6.191 (tương đương 54,5%, đạt 108,1%, vượt 8,1% so với chỉ tiêu giao).
Kết quả đạt được cụ thể của từng Bộ: Công Thương: cắt giảm 675/1.216 ĐKKD, vượt 11,02%; Y tế: đơn giản, cắt giảm: 1.343/1.871 ĐKKD, vượt 43,56%; Xây dựng: cắt giảm 183/215 điều kiện kinh doanh, vượt 70,23; Tài nguyên và Môi trường: đơn giản, cắt giảm 101/163 ĐKKD, vượt 23,93%; Giáo dục và Đào tạo: đơn giản, cắt giảm 121/212 ĐKKD, vượt 14,15 %; Lao động-Thương binh và Xã hội: đơn giản, cắt giảm 60/112 ĐKKD, vượt 7,14 % và 75/85 TTHC; Nông nghiệp và PTNT: đơn giản, cắt giảm 172/345 ĐKKD, đạt chỉ tiêu giao; Văn hóa, Thể thao và Du lịch: đơn giản, cắt giảm 63/122 ĐKKD, vượt 3,28%; Khoa học công nghệ: đơn giản, cắt giảm 61/121 ĐKKD, đạt yêu cầu; Tài chính: đơn giản, cắt giảm 117/370 ĐKKD, đạt 63,24%; Thông tin và Truyền thông: đơn giản, cắt giảm 199/385 ĐKKD, vượt 3,38 %; Giao thông vận tải: đơn giản, cắt giảm 243/570 ĐKKD, đạt 85,26%; Tư pháp: đơn giản, cắt giảm 07/94 ĐKKD, đạt 17,02%; Ngân hàng Nhà nước: đơn giản, cắt giảm 27/257 ĐKKD, đạt 21%.
Như vậy, theo kế hoạch, hiện còn 42 VBQPPL (16 Luật, 26 Nghị định) về cắt giảm, đơn giản ĐKKD chưa được ban hành, thuộc trách nhiệm của các Bộ: Giáo dục Đào tạo: 02 Luật; Thông tin và Truyền thông: 03 Nghị định; Y tế: 06 Luật; Giao thông vận tải: 13 Nghị định; Lao động - Thương binh và Xã hội: 04 Nghị định; Văn hóa Thể thao và Du lịch: 01 Luật; Tư pháp: 01 Luật; Tài nguyên và Môi trường: 01 Nghị định; Tài chính: 06 Luật và 02 Nghị định; Công an: 01 Nghị định; Quốc phòng: 01 Nghị định.
Đối với việc sửa đổi, bổ sung các Luật: Đã được đưa vào chương trình xây dựng Luật năm 2019; đối với các Nghị định, hiện các Bộ đã hoàn thiện dự thảo, đang trình Thủ tướng Chính phủ ký ban hành, trừ một số Nghị định mang tính đặc thù thuộc trách nhiệm của Bộ Công an và Quốc phòng, xin được trình vào quý I năm 2019.
Đơn giản, cắt giảm 6.665 danh mục sản phẩm hàng hóa phải kiểm tra chuyên ngành (KTCN) và 27 thủ tục KTCN của 8 Bộ tiết kiệm cho doanh nghiệp và xã hội khoảng 11.642.068 ngày công/năm, tương đương 5.407 tỷ đồng/năm.
Đến nay, có 8/10 Bộ báo cáo đánh giá tác động kinh tế của công tác cải cách hoạt động KTCN mang lại, gồm: Lao động, Thương binh và Xã hội: Tiết kiệm được 394.074 ngày công/năm, tương đương 194,3 tỷ đồng/năm; Công Thương: Tiết kiệm được 37.250 ngày công/năm, tương đương 19,8 tỷ đồng/năm; Xây dựng: Tiết kiệm được 1.040 ngày công/năm, tương đương 0,5 tỷ đồng/năm; Giao thông vận tải: Tiết kiệm được 1.340.000 ngày công/năm, tương đương 660,7 tỷ đồng/năm; Tài nguyên và Môi trường: Tiết kiệm được 50.989 ngày công/năm, tương đương 3 tỷ đồng/năm; Văn hóa, Thể thao và Du lịch: Tiết kiệm được 263.662 ngày công/năm, tương đương 130 tỷ đồng/năm; Nông nghiệp và Phát triển nông thôn: ước tính tiết kiệm được 1.800.403 ngày công/năm, tương đương 1.291,1 tỷ đồng/năm; Y tế: Tiết kiệm được 7.754.650 ngày công/năm, tương đương 3.107,5 tỷ đồng/năm.
Như vậy, với việc đơn giản, cắt giảm 6.665 danh mục sản phẩm hàng hóa phải KTCN và 27 thủ tục KTCN của 8 Bộ nêu trên đã tiết kiệm cho doanh nghiệp và xã hội khoảng 11.642.068 ngày công/năm, tương đương 5.407 tỷ đồng/năm.
Đơn giản 2.894 điều kiện kinh doanh (ĐKKD) của 8 Bộ tiết kiệm cho doanh nghiệp và người dân khoảng 5.847.925 ngày công/năm, tương đương 872,2 tỷ đồng/năm.
Đến nay có 8/16 Bộ báo cáo đánh giá tác động kinh tế của việc đơn giản, cắt giảm ĐKKD mang lại, gồm: Công Thương tiết kiệm được 109.016 ngày công/năm, tương đương 60,1 tỷ đồng/năm; Y tế tiết kiệm được 750.000 ngày công/năm, tương đương 225 tỷ đồng/năm; Xây dựng tiết kiệm được 153.305 ngày công/năm, tương đương 30,2 tỷ đồng/năm; Tài nguyên và Môi trường tiết kiệm được 2.755.000 ngày công, tương đương 37,1 tỷ đồng/năm; Lao động-Thương binh và Xã hội tiết kiệm được 435.980 ngày công/năm, tương đương 214,9 tỷ đồng/năm; Nông nghiệp và PTNT tiết kiệm được 233.790 ngày công, tương đương 32 tỷ đồng/năm; Giao thông vận tải tiết kiệm được 1.340.000 ngày công/năm, tương đương 183,6 tỷ đồng/năm; Tài chính tiết kiệm được 70.834 ngày công/năm, tương đương 89 tỷ đồng/năm.
Như vậy, với việc cắt giảm, đơn giản 2.894 ĐKKD của 8 Bộ nêu trên đã tiết kiệm cho doanh nghiệp và người dân khoảng 5.847.925 ngày công/năm, tương đương 872,2 tỷ đồng/năm.
Hiện còn các Bộ: Giáo dục và Đào tạo, Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Thông tin và Truyền thông, Tư pháp, Khoa học và Công nghệ đã có ĐKKD đơn giản, cắt giảm nhưng chưa có báo cáo đánh giá, tính toán hiệu quả kinh tế do việc đơn giản, cắt giảm ĐKKD của bộ, cơ quan mình mang lại cho doanh nghiệp và xã hội theo đúng chỉ đạo của Chính phủ tại Nghị quyết phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 10 năm 2018.
Tổ công tác đã kiến nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ khen ngợi, biểu dương các Bộ: Tài Nguyên và Môi trường, Lao động, Thương binh và Xã hội, Xây dựng, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Công Thương và Y tế đã hoàn thành vượt chỉ tiêu việc đơn giản, cắt giảm danh mục KTCN và ĐKKD do Chính phủ giao và kịp thời đánh giá, báo cáo tác động hiệu quả kinh tế do việc cắt giảm, đơn giản ĐKKD mang lại cho người dân và doanh nghiệp theo đúng chỉ đạo của Chính phủ.
Tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 11/2018,
 Tổ công tác đã kiến nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các Bộ, cơ quan tập trung, gấp rút hoàn thành các dự thảo văn bản quy định chi tiết thi hành các luật, pháp lệnh còn nợ đọng trình Chính phủ ký ban hành hoặc ban hành theo thẩm quyền. Đồng thời, đẩy nhanh tiến độ soạn thảo, trình ban hành và ban hành theo thẩm quyền các văn bản quy định chi tiết để bảo đảm có hiệu lực thi hành đồng thời với các Luật, pháp lệnh có hiệu lực từ ngày 01/01/2019, không để phát sinh nợ đọng mới. Tích cực thực hiện các nhiệm vụ được giao; quan tâm việc xây dựng và trình các đề án theo chương trình công tác, bảo đảm tiến độ và chất lượng.
Đối với Bộ Tư pháp, phối hợp chặt chẽ với Văn phòng Chính phủ để theo dõi, đôn đốc, kiểm tra việc xây dựng, ban hành văn bản quy định chi tiết; kịp thời tham mưu cho Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ các giải pháp để tháo gỡ vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ soạn thảo, trình ban hành các văn bản.
Đôi với các Bộ quản lý chuyên ngành và có ĐKKD, tiếp tục rà soát, đề xuất cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục, danh mục hàng hóa KTCN và ĐKKD để hoạt động cải cách KTCN và cắt giảm ĐKKD thực sự có hiệu quả, chất lượng. Đồng thời, phối hợp với Văn phòng Chính phủ trong việc tính toán hiệu quả kinh tế do kết quả cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục, danh mục hàng hóa KTCN và ĐKKD mang lại cho doanh nghiệp, xã hội, nhất là đối với các ĐKKD đã được cắt bỏ hoặc đơn giản hóa, gửi Văn phòng Chính phủ trước ngày 20 tháng 12 năm 2018 để tổng hợp, báo cáo tại Hội nghị Chính phủ với địa phương vào tháng 12 năm 2018.