Đẩy mạnh việc thực hiện chính sách pháp luật về quản lý và sử dụng vốn vay nước ngoài

19/10/2018
Ủy ban Thường vụ Quốc hội vừa ban hành Nghị quyết số 582/NQ-UBTVQH14 về một số nhiệm vụ và giải pháp tiếp tục đẩy mạnh việc thực hiện chính sách pháp luật về quản lý và sử dụng vốn vay nước ngoài.

 

Nghị quyết cơ bản thống nhất với Báo cáo số 309/BC-ĐGS ngày 09/08/2018 của Đoàn giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về: “Kết quả giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý và sử dụng nguồn vốn vay nước ngoài giai đoạn 2011-2016”.  

Để có cơ sở triển khai và tăng cường quản lý nguồn vốn vay nước ngoài, hệ thống pháp luật đã từng bước được hoàn thiện và phù hợp với đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước, đáp ứng được yêu cầu quản lý và sử dụng vốn nước ngoài. Việc quản lý, sử dụng nguồn vốn này đã đạt được nhiều mặt tích cực, nhìn chung các dự án sử dụng vốn vay nước ngoài là có hiệu quả, việc giải ngân khá kịp thời, khắc phục dần tình trạng thiếu vốn đối ứng. Công tác thanh tra, kiểm tra, kiểm toán đã được tăng cường, góp phần uốn nắn, chấn chỉnh các sai sót, sai phạm và tăng cường hiệu quả của một số dự án sử dụng nguồn vốn vay nước ngoài.
Trong điều kiện nguồn vốn trong nước còn khó khăn, nhu cầu đầu tư lớn, việc tiếp tục huy động nguồn vốn vay nước ngoài trong giai đoạn 2016 - 2020 và các giai đoạn tiếp theo là cần thiết. Để hoàn thiện chính sách, pháp luật, bảo đảm phát huy hiệu quả quản lý, sử dụng nguồn vốn vay nước ngoài và giữ vững kỷ luật tài chính, Ủy ban Thường vụ Quốc hội yêu cầu Chính phủ tập trung thực hiện các nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu sau:
1. Rà soát lại hệ thống pháp luật và tình hình triển khai thực hiện các quy định của pháp luật về nguồn vốn vay nước ngoài. Tiếp tục hoàn thiện các quy định pháp luật liên quan đến việc huy động, quản lý và sử dụng vốn vay ODA, vốn vay ưu đãi nước ngoài. Nghiên cứu, hoàn thiện và sớm trình Quốc hội sửa đổi Luật Đầu tư công, bảo đảm phù hợp với Hiến pháp, thống nhất, đồng bộ với Luật Ngân sách nhà nước, Luật quản lý nợ công, Luật Đấu thầu và các luật có liên quan; bảo đảm tính khả thi, công khai, minh bạch, công bằng trong quá trình thực hiện, tăng cường hiệu quả huy động, quản lý, tạo sự chủ động trong sử dụng nguồn vốn vay nước ngoài gắn với trách nhiệm của các bộ, địa phương, phù hợp với thông lệ quốc tế. Tập trung chỉ đạo việc ban hành các văn bản hướng dẫn và tổ chức triển khai việc thực hiện theo đúng quy định của Luật Quản lý nợ công và các văn bản liên quan.
2. Xây dựng chiến lược huy động vốn vay nước ngoài phù hợp chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, điều kiện, mức độ ưu đãi của các nguồn vốn dành cho Việt Nam, cân đối với khả năng trả nợ của ngân sách nhà nước và của các tổ chức sử dụng nguồn vốn vay nước ngoài. Từng bước cơ cấu lại tỷ trọng vay nước ngoài trong nợ công, tập trung vay vốn nước ngoài cho việc thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ đã được Quốc hội quyết định. Tập trung cho các dự án lớn có tính lan tỏa trong một số lĩnh vực thiết yếu, quan trọng như: ứng phó với biến đổi khí hậu và phòng tránh thiên tai, năng lượng sạch, giao thông, thủy lợi, đồng thời cân đối hợp lý, kết hợp với các nguồn lực tài chính khác để đảm bảo nguồn lực đầu tư phát triển kinh tế - xã hội, tránh lãng phí và kém hiệu quả.
Điều hành việc huy động, quản lý, sử dụng nguồn lực ODA và vốn vay ưu đãi nước ngoài theo hướng cân đối giữa vốn vay nước ngoài với vốn vay trong nước một cách hợp lý, hiệu quả và đảm bảo lợi ích quốc gia trong cả ngắn hạn và dài hạn, không được vượt tỷ lệ bội chi, giữ vững mức trần tổng vốn đầu tư từ nguồn ngân sách nhà nước 2.000.000 tỷ đồng giai đoạn 2016 - 2020 và các chỉ tiêu an toàn nợ công đã được Quốc hội quyết định, nhất là nợ nước ngoài của Chính phủ.
3. Nghiên cứu, xây dựng tiêu chí tiếp nhận và sử dụng các nguồn vốn vay nước ngoài, tiêu chí đánh giá hiệu quả các dự án sử dụng vốn ODA, vốn vay ưu đãi nước ngoài, tạo cơ sở để bảo đảm tính chặt chẽ, hiệu quả, minh bạch trong ký kết hiệp định; rà soát, loại bỏ các dự án không thực sự cấp bách, không phù hợp với điều kiện, tiêu chí về hiệu quả kinh tế - xã hội và khả năng trả nợ; nhất là các dự án có những điều kiện gây bất lợi cho Việt Nam hoặc hiệu quả kém so với vay trong nước; kiên quyết không vay cho chi thường xuyên.
4. Xử lý số vốn vượt trần 300.000 tỷ đồng tổng mức đầu tư từ nguồn vốn nước ngoài theo Nghị quyết số 26/2016/QH14 của Quốc hội.
5. Chỉ đạo Bộ Tài chính chủ trì và phối hợp chặt chẽ với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cùng các bộ, ngành, địa phương liên quan trong đàm phán, ký kết hiệp định vay vốn; nâng cao hiệu quả công tác giải ngân, công tác giám sát, đánh giá hiệu quả của dự án. Cung cấp thông tin công khai, minh bạch, kịp thời cho các địa phương về Nhà tài trợ, các lĩnh vực, điều kiện cung cấp nguồn vốn ODA, vốn vay ưu đãi của từng Nhà tài trợ.
6. Hiện đại hóa công tác quản lý nguồn vốn vay nước ngoài thông qua nâng cấp hệ thống công nghệ thông tin, bảo đảm thường xuyên, kịp thời cập nhật việc đàm phán, ký kết, triển khai thực hiện, tình hình giải ngân... nhằm sớm phát hiện những bất cập phát sinh để có giải pháp xử lý kịp thời.
7. Đẩy mạnh công tác kiểm tra, thanh tra, kiểm toán, giám sát theo thẩm quyền; xây dựng cơ chế phòng, chống tham nhũng, lãng phí về quản lý và sử dụng nguồn vốn vay nước ngoài.
8. Chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương chấn chỉnh các sai phạm và khẩn trương khắc phục các tồn tại, hạn chế thời gian qua và xử lý trách nhiệm của tập thể, cá nhân để xảy ra vi phạm làm thất thoát, sử dụng kém hiệm quả nguồn vốn vay nước ngoài. Thực hiện hiệu quả việc quản lý và sử dụng vốn vay nước ngoài theo quy định của pháp luật.