Xây dựng Luật Thủ đô: Kinh tế và văn hóa cùng song hành

14/10/2009
Phát triển Thủ đô trở thành trung tâm văn hóa lớn của Việt Nam là mong mỏi của lãnh đạo, người dân Hà Nội. Nhưng kinh tế Hà Nội sẽ đứng ở đâu so với cả nước là câu hỏi lớn đang đặt ra cho các thành viên Tổ Biên tập Dự án Luật Thủ đô.

Xem xét lại vị trí kinh tế

Đại diện Viện Nghiên cứu phát triển kinh tế - xã hội Hà Nội (NCPTKTXH) lưu ý 5 điểm cần tập trung thảo luận để tìm ra cơ chế kinh tế đặc thù của thủ đô. Trước hết, cần xác định rõ vị trí của kinh tế HN. Thứ 2, mục tiêu phát triển kinh tế của HN là như thế nào. Thứ 3, quan điểm phát triển kinh tế HN ra sao. Thứ 4, các chính sách trọng yếu trong phát triển các ngành, lĩnh vực được ưu tiên đặc thù. Cuối cùng, cơ chế chính sách đặc thù trong từng lĩnh vực kinh tế - xã hội, từ vấn đề chính sách, đầu tư, ngân sách, thu hút nguồn lực và cả những lĩnh vực liên quan khác. Ngoài ra, theo Phó Chủ tịch UBND thành phố Vũ Hồng Khanh, cho dù có quy định những đặc thù nào thì Luật Thủ đô không phải là một đạo luật bao trùm, bởi cùng với triển khai Luật Thủ đô, HN vẫn phải thực hiện các văn bản pháp luật khác.

Có khá nhiều kiến nghị về cơ chế, chính sách đặc thù trong lĩnh vực kinh tế của Hà Nội nhưng chủ yếu là mong muốn HN được phân cấp mạnh hơn và được mở rộng thẩm quyền hơn. Chẳng hạn như, cho phép thủ đô áp dụng mức ưu đãi tài chính vượt khung với quy định hiện hành nhằm khuyến khích đầu tư theo các định hướng phát triển của mình; được sử dụng nguồn vốn thu từ cổ phần hóa doanh nghiệp để tăng vốn nhà nước trong các tổng công ty thuộc thành phố quản lý; thay đổi mức điều tiết phân chia các khoản thu cho ngân sách HN từ 45% lên 55%, còn TƯ giảm từ 55% xuống 45%; giao thủ đô đảm nhiệm toàn bộ nguồn vốn đầu tư, duy trì, nâng cấp, bảo dưỡng cơ sở hạ tầng đô thị…

Trao đổi với chúng tôi, Phó Viện trưởng Viện NCPTKTXHHN Nguyễn Thành Công cho biết: “Theo Pháp lệnh Thủ đô, HN là trung tâm đầu não chính trị - hành chính quốc gia, trung tâm lớn về văn hóa, kinh tế, khoa học - công nghệ, giáo dục - đào tạo, giao dịch quốc tế của cả nước. Cho đến nay, định hướng chủ đạo đó vẫn đúng nhưng đã đến lúc chúng ta xem lại vị trí kinh tế của HN. Chúng tôi cho rằng, cần khẳng định HN phải trở thành trung tâm lớn về kinh tế của cả nước và có thể là 1 trong 2 trung tâm kinh tế hàng đầu của cả nước (cùng với TP.HCM). Đây vừa là xu hướng chung vừa là niềm hy vọng của chính quyền, người dân HN nói riêng và cả nước nói chung”.

Trước lúc nhập Hà Tây và một số địa phương khác vào, tỷ trọng kinh tế của HN chiếm khoảng 9-9,5% cả nước, trong khi TP.HCM chiếm 18-9%. Đến thời điểm hiện tại, tỷ trọng kinh tế có tăng lên nhưng không đáng là bao, theo thống kê chưa đầy đủ là khoảng 10%. Cũng theo ông Công, trong tương lai, tỷ trọng kinh tế của HN sẽ có bước tăng trưởng nhảy vọt. Ông Công phân tích, sau khi nhập Hà Tây, diện tích và dân số của HN đang đứng hàng đầu cả nước (diện tích tăng gấp 3,6 lần, chiếm 3344 km2, dân số là 6,4 triệu). HN có một tiềm lực khoa học công nghệ lớn (chiếm khoảng 65 - 70% toàn quốc), đồng thời có sự hỗ trợ rất mạnh, sự quan tâm, sự đầu tư của TƯ. HN là trung tâm giao lưu quốc tế của cả nước, đã và đang đóng vai trò quan trọng trong thu hút đầu tư nước ngoài, trong hội nhập kinh tế quốc tế. “Đó là những yếu tố tạo động lực cho HN phát triển thật nhanh trong tương lai, chúng ta phải nắm bắt cơ hội này. Tất nhiên, bài toán phát triển kinh tế của Hà Nội theo hướng nào thì phải phụ thuộc vào đặc thù của HN. HN không thể phát triển dàn đều về kinh tế mà phải có tính đặc thù về định hướng, phát triển những ngành sử dụng chất xám cao và có hàm lượng chất xám cao, hiệu quả lớn. Cụ thể là, công nghiệp công nghệ cao, dịch vụ chất lượng cao, nông nghiệp kỹ thuật cao”, ông Công nhấn mạnh.

Phải là trung tâm lớn về văn hóa

Theo Pháp lệnh Thủ đô, sự nghiệp văn hóa của Hà Nội đứng thứ 2 ngay sau vị trí đầu não chính trị - hành chính quốc gia. Khoản 3 Điều 10 Pháp lệnh Thủ đô quy định “Chính phủ phân công trách nhiệm và chỉ đạo các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, HĐND, UBND TP. Hà Nội xây dựng quy chế quản lý, đầu tư và sử dụng các cơ sở văn hóa, y tế, thể dục thể thao trên địa bàn, khuyến khích tổ chức, cá nhân đầu tư phát triển sự nghiệp văn hóa xã hội Thủ đô”. Tuy nhiên, đã 8 năm trôi qua, sự nghiệp văn hóa Thủ đô vẫn chưa thật sự được chú trọng trong khi nhu cầu văn hóa của người dân là rất lớn. Chúng ta xây dựng được không ít nhà hát, rạp chiếu phim… nhưng diện tích còn chật hẹp, sức chứa hạn chế; những khu vui chơi giải trí, rạp xiếc… thì không có nhiều. Hay văn hóa phi vật thể như chèo, tuồng, ca trù… đang dần bị xuống cấp, mai một mà chưa có chính sách ưu tiên tăng ngân sách hàng năm cho việc tôn tạo, bảo dưỡng và đầu tư phát triển. Hướng tới xây dựng Luật Thủ đô, vị trí “trung tâm lớn về văn hóa” của Hà Nội cần tiếp tục được khẳng định.

Bên cạnh đó, có chuyên gia cho rằng, Dự án Luật Thủ đô nên có quy định về chính sách đào tạo, bồi dưỡng, chế độ phụ cấp đặc thù cho những người làm diễn viên, nghệ sỹ nhằm phát huy sở trường, năng lực của mình. Vị này lý giải, Nghị định số 204/2004/NĐ-CP ngày 14/12/2004 của Chính phủ quy định hệ thống thang lương, bảng lương và chế độ phụ cấp lương trong công ty nhà nước nhưng chưa có quy định cho Thủ đô. Mức hưởng chế độ phụ cấp lao động đặc thù của các diễn viên, nghệ sỹ thuộc biên chế của Thủ đô là quá thấp so với các diễn viên, nghệ sỹ không thuộc biên chế. Điều này dẫn tới một thực trạng hiện nay là khó khuyến khích các diễn viên, nghệ sỹ gia nhập biên chế của Thủ đô.

Cùng với văn hóa, Hà Nội cũng cần trở thành “đầu tàu” của cả nước trong lĩnh vực khoa học công nghệ và giáo dục. So với TP. HCM, biên chế cán bộ của ngành khoa học công nghệ ở Hà Nội hiện nay thấp hơn khá nhiều (Hà Nội có khoảng 200 biên chế, còn TP. HCM gấp hơn 2,5 lần). Vì vậy, ngoài việc bảo đảm biên chế đủ mạnh cho ngành khoa học công nghệ, Dự án Luật Thủ đô nên chăng trao cho Hà Nội quyền hợp tác quốc tế trong lĩnh vực khoa học công nghệ, có cơ chế đặc biệt trong việc mời chuyên gia, nhà khoa học của nước ngoài và có cơ chế đặc thù chi trả cho chuyên gia, nhà khoa học để thu hút nhân tài xây dựng Thủ đô.

Một chuyên gia công tác trong ngành giáo dục và đào tạo (GD&ĐT) kiến nghị, giáo dục Hà Nội có thể phát triển theo mô hình cung ứng dịch vụ trình độ chất lượng cao. Về cơ sở pháp lý, Điều 5 Nghị định số 92/2005/NĐ-CP ngày 12/7/2005 của Chính phủ quy định tại điểm 2 “UBND TP. Hà Nội trình cơ quan nhà nước có thẩm quyền quyết định chính sách ưu đãi đầu tư, có cơ chế khuyến khích đối với các ngành dịch vụ trình độ cao trong các lĩnh vực chuyển giao công nghệ, đào tạo nhân lực…” và tại điểm 3 “các ngành dịch vụ được ưu tiên bố trí nhân lực, trang thiết bị, cơ sở vật chất để phát triển”. Về cơ sở thực tế, nhu cầu học tập nâng cao trình độ con em của phụ huynh học sinh Thủ đô là không thể phủ nhận. Nhiều gia đình có điều kiện về kinh tế muốn cho con được học tập tại môi trường giáo dục có chất lượng cao với thầy cô giáo, trang thiết bị, nội dung chương trình… được quốc tế hóa. Không những thế, hiện nay UBND TP. Hà Nội đã cho ngành GD&ĐT thí điểm mô hình chất lượng cao đối với một số trường mầm non, tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông. Như vậy, xuất phát từ đặc thù của Thủ đô, các trường chất lượng cao ở từng cấp học đi vào hoạt động là khả thi.

Thục Quyên