Thống nhất quy định về lãi suất để tránh rủi ro pháp lý

16/11/2016
Khoản 1 Điều 468 Bộ luật Dân sự (BLDS) 2015 quy định, trường hợp các bên có thỏa thuận về lãi suất thì lãi suất theo thỏa thuận không được vượt quá 20%/năm của khoản tiền vay, trừ trường hợp luật khác có liên quan quy định khác. Trong khi đó, khoản 2 Điều 91 Luật Các tổ chức tín dụng (TCTD) lại quy định, TCTD và khách hàng có quyền thỏa thuận về lãi suất, phí cấp tín dụng trong hoạt động ngân hàng của TCTD theo quy định của pháp luật. Với sự không thống nhất này, các ngân hàng, TCTD sẽ chịu sự điều chỉnh của BLDS hay Luật các TCTD?
Trao đổi với chúng tôi, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp luật dân sự - kinh tế (Bộ Tư pháp) Nguyễn Hồng Hải khẳng định, hợp đồng vay tài sản nói chung, hợp đồng tín dụng nói riêng là một loại giao dịch dân sự. Do đó, việc điều chỉnh quan hệ này phải bảo đảm các nguyên tắc cơ bản của pháp luật dân sự, quy định về điều kiện có hiệu lực của giao dịch dân sự và các nguyên tắc về giới hạn thực hiện quyền dân sự được quy định trong BLDS. Quy định về lãi suất trong hợp đồng vay tài sản là một trong những điển hình của việc cụ thể hóa nguyên tắc giới hạn thực hiện quyền dân sự, theo đó các bên trong hợp đồng vay có thỏa thuận về lãi suất nhưng không được vượt quá mức lãi suất giới hạn luật định. Việc quy định trần lãi suất giúp Nhà nước có thể điều tiết thị trường vay trong trường hợp cần có sự ổn định của kinh tế - xã hội, định hướng chuẩn mực ứng xử trong các quan hệ cho vay, thực hiện chính sách cấm hoặc hạn chế việc cho vay nặng lãi.
Tuy nhiên, để bảo đảm không biến lãi suất trần trở thành công cụ pháp lý để hành chính hóa quan hệ dân sự, bảo đảm tính linh hoạt phù hợp với các quan hệ vay tài sản đa dạng, có thể được sửa đổi, bổ sung kịp thời để đáp ứng yêu cầu của những biến động về kinh tế - xã hội, BLDS 2015 đã quy định mang tính linh hoạt theo hai cơ chế: (1) Căn cứ vào tình hình thực tế, Ủy ban Thường vụ Quốc hội điều chỉnh lãi suất theo đề nghị của Chính phủ; (2) Luật khác có liên quan quy định mức lãi suất riêng cho các quan hệ cho vay đặc thù.
Như vậy, trong trường hợp luật có liên quan quy định khác về lãi suất thì sẽ áp dụng lãi suất đó cho quan hệ vay thuộc phạm vi điều chỉnh của luật này. Cần nói rõ rằng đây là quy định không chỉ dành riêng cho quan hệ tín dụng của các ngân hàng thương mại mà còn có thể áp dụng cho loại vay đặc thù vay khác như vay chính sách xã hội, vay đầu tư phát triển, vay vàng, ngoại tệ... nếu Nhà nước xét thấy cần điều chỉnh các quan hệ vay này bằng cơ chế lãi suất riêng. Nghĩa là nếu Luật Các TCTD có cơ chế lãi suất trần riêng cho các hợp đồng tín dụng thì các TCTD sẽ áp dụng theo quy định của Luật Các TCTD.
Có điều, ông Hải đặt vấn đề: “Luật Các TCTD hiện hành đã thực sự áp dụng một cơ chế lãi suất riêng cho các hợp đồng tín dụng chưa”. Theo ông Hải, xét về mục đích chính sách pháp luật thì quy định tại khoản 2 Điều 91 của Luật này dường như cho thấy nhà làm luật mong muốn như vậy. Nhưng xét về mặt kỹ thuật lập pháp qua thực tiễn áp dụng pháp luật quy định này đã và đang dẫn đến những cách hiểu khác nhau, kể cả trong công tác xét xử của Tòa án và điều đó không có lợi cho các chủ thể trong hợp đồng tín dụng trước những rủi ro pháp lý có thể xảy ra trong thi hành pháp luật.
Bởi khoản 2 Điều 91 cho phép TCTD và khách hàng của mình thỏa thuận về lãi suất trong hợp đồng tín dụng song lại giới hạn “theo quy định của pháp luật”. Đây là cách quy định “lòng vòng”, “luẩn quẩn” vì “theo quy định của pháp luật” tức là vẫn có thể hiểu phải theo quy định của BLDS, trường hợp Ngân hàng Nhà nước (thông tư, quyết định của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước) có quy định riêng về lãi suất khác với quy định về BLDS thì đâu là quy định ưu tiên áp dụng? Qua thực tế, một số thẩm phán vẫn cho rằng phải căn cứ vào lãi suất trong BLDS.
Vậy phải chăng luật chuyên ngành mâu thuẫn với luật chung thì ông Hải giải thích, thực ra quy định tại khoản 2 Điều 91 không phải dẫn đến mâu thuẫn mà là có thể dẫn tới cách hiểu lãi suất trong hợp đồng tín dụng sẽ áp dụng theo BLDS và sẽ vướng trong cơ chế điều hành lãi suất của NHNN. Vì thế, cần sửa đổi khoản 2 Điều 91 Luật Các TCTD để có cách hiểu thống nhất hơn trong xây dựng pháp luật và áp dụng pháp luật. Việc sửa đổi cần căn cứ vào quy định của Hiến pháp và BLDS 2015 về quyền dân sự chỉ có thể bị hạn chế bằng luật.
Theo đó, có thể sửa đổi theo hướng “TCTD và khách hàng có quyền thỏa thuận về lãi suất, phí cấp tín dụng trong hoạt động ngân hàng của TCTD, trừ trường hợp Ngân hàng Nhà nước áp dụng lãi suất theo quy định tại khoản 3 Điều này”. Đặc biệt, Luật Các TCTD không nên quy định một mức lãi suất cố định cứng nhắc mà chỉ nên quy định nguyên tắc riêng theo hướng sửa đổi như ông Hải vừa nêu. Trên cơ sở này, Ngân hàng Nhà nước theo thẩm quyền sẽ ban hành văn bản quy phạm pháp luật về cơ chế điều hành lãi suất trong quan hệ tín dụng cụ thể.
H.Thư