Hài hòa hóa pháp luật ASEAN trong bối cảnh cộng đồng được thành lập

06/06/2016
Ngày 31/12/2015, Cộng đồng ASEAN chính thức được "khai sinh". Đây là dấu mốc quan trọng trong lịch sử của Cộng đồng ASEAN. Dưới mái nhà chung đó, các dân tộc ở Đông Nam Á cùng đồng lòng nhất trí, chung sống, gắn kết, chia sẻ lợi ích và phát triển trên chặng đường mới của mình, gia tăng liên kết, hợp tác giữa các nước ASEAN.
Tuyên bố chung hình thành Cộng đồng ASEAN được ký kết, ASEAN đã trở thành một cộng đồng với 10 nước thành viên hình thành nên 03 trụ cột gồm: chính trị - an ninh, kinh tế và văn hóa – xã hội. Theo đó, sự hợp tác trong từng lĩnh vực cụ thể giữa các nước thành viên ASEAN, các quan hệ dân sự, kinh tế, thương mại giữa công dân các nước ASEAN phát triển mạnh mẽ, phong phú đa dạng cả về nội dung và hình thức hợp tác. Sự kiện này đặt ra cho các nước thành viên Cộng đồng nhiều vấn đề, cả các vấn đề chính trị, kinh tế và pháp lý trong đó có vấn đề hài hòa hóa pháp luật các nước thành viên ASEAN để tiến đến hình thành hệ thống pháp luật ASEAN trong tương lai.
Trong những năm gần đây, các quốc gia ASEAN đang nỗ lực hướng đến việc thành lập Cộng đồng ASEAN vào tháng 12/2015. Một trong những thách thức chính đối với việc đạt mục tiêu của ASEAN là thực hiện yêu cầu hài hòa hóa pháp luật, hướng tới xây dựng các Hiệp định chung của ASEAN thông qua đó thúc đẩy quá trình hội nhập sâu, rộng của khu vực như được nêu trong Hiến chương ASEAN. Đây là một yêu cầu rõ ràng và mỗi nước phải đóng vai trò tích cực trong việc thiết lập một khuôn khổ pháp lý chung của ASEAN nhằm giảm sự khác biệt và những rào cản pháp lý, tạo thuận lợi cho việc thành lập và xây dựng thành công Cộng đồng ASEAN.
Là một cộng đồng có tính chất khu vực, theo xu thế chung của thế giới thì vấn đề hội nhập ASEAN và hài hòa hóa pháp luật trong ASEAN đang là vấn đề được quan tâm trong toàn cộng đồng. Với tính chất đa dạng về kinh tế, chính trị, xã hội, hệ thống pháp luật của các nước ASEAN cũng đa dạng theo nhiều mô hình khác nhau, chẳng hạn như: Bru-nây, Xinh-ga-po, Ma-lai-xi-a, Phi-líp-pin theo hệ thống luật án lệ (Common Law); Việt Nam, Lào, Cam-pu-chia, Thái Lan theo hệ thống luật thành văn (Civil Law); In-đô-nê-xi-a lại kết hợp cả hệ thống luật án lệ lẫn thành văn; một số quốc gia đạo Hồi lại áp dụng cả tôn giáo...
 Nhận thức được sự khác biệt này, các quốc gia thành viên ASEAN đã bắt tay nhau từ rất sớm nhằm hài hòa hóa các quy định pháp luật trong lĩnh vực dân sự và thương mại. Các quốc gia đều thống nhất cho rằng hài hòa hóa về pháp luật trong các nước ASEAN là rất cần thiết, đòi hỏi mỗi quốc gia phải đóng vai trò tích cực trong việc thiết lập một khuôn khổ pháp lý chung của ASEAN nhằm giảm sự khác biệt, những rào cản pháp lý và hội tụ pháp luật. Hội nhập ASEAN và hài hòa pháp luật trong ASEAN có mối quan hệ mật thiết với nhau. Chính quá trình hội nhập đã làm phát sinh nhu cầu hài hòa hóa pháp luật và ngược lại hài hòa hóa pháp luật đã thúc đẩy làm cho quá trình hội nhập càng trở nên sâu rộng hơn.
Biểu hiện cao nhất của hội nhập pháp luật các nước thành viên ASEAN là hội nghị Bộ trưởng tư pháp các nước thành viên ASEAN (ALAWMM) được tổ chức định kỳ 3 năm/ lần do các nước thành viên ASEAN luân phiên đăng cai tổ chức. Hội nghị này là diễn đàn để Bộ trưởng Tư pháp và Tổng công tố các nước ASEAN thảo luận trực tiếp, tăng cường trao đổi, hợp tác trong lĩnh vực pháp luật giữa các nước thành viên ASEAN.
Trong phạm vi hợp tác về pháp luật và tư pháp ASEAN, vấn đề hài hòa hóa pháp luật được chính thức đưa ra thảo luận tại Hội nghị Bộ trưởng Tư pháp các nước ASEAN lần thứ 4 (ALAWMM 4) được tổ chức tại Xinh-ga-po trong thời gian từ ngày 5 - 6 /11 /1999. Tại Điều 7 Tuyên bố chung Hội nghị ALAWMM 4, các Bộ trưởng đã nêu rõ: “7. Các Bộ trưởng nhấn mạnh nỗ lực của quốc gia mình nhằm tăng cường hệ thống và pháp lý trong ASEAN bao gồm các phương thức để đấu tranh chống tội phạm xuyên quốc gia, hài hoà hóa pháp luật, những thách thức của công nghệ mới và sự phát triển trong luật pháp quốc tế liên quan đến quyền tài phán quốc gia và miễn trừ tư pháp cũng như các nguyên tắc không can thiệp vào công việc nội bộ và bảo vệ chủ quyền quốc gia...”.
Kể từ sau Hội nghị ALAWMM 4 đến nay, với sự quan tâm chung của các nước thành viên, vấn đề hài hòa hóa pháp luật đã được tăng cường, góp phần làm cho hệ thống pháp luật của các quốc gia thành viên xích lại gần nhau hơn. Một trong những biểu hiện của nội dung này được thể hiện qua các hoạt động như:  thiết lập một mạng lưới thông tin pháp luật của các nước ASEAN, tham dự các hội nghị, hội thảo khu vực nhằm trao đổi, chia sẻ về pháp luật của các quốc gia thành viên cho các  nước khu vực, hợp tác về đào tạo pháp luật thông qua việc trao đổi các đoàn quan chức pháp luật giữa các nước thành viên; cung cấp các thông tin về pháp luật ...
Có thể nói, thông qua quá trình hài hòa hóa pháp luật ASEAN, các nước thành viên đang tìm được tiếng nói chung nhằm giảm thiểu các xung đột pháp luật trong các lĩnh vực về dân sự, tố tụng dân sự, thương mại, kinh tế, lao động, hôn nhân gia đình các vấn đề có yếu tố nước ngoài khác. Việc hài hòa hóa pháp luật tạo cơ sở cho việc hình thành một khung khổ chung, thể chế liên kết khu vực trong môi trường mà hệ thống pháp luật và tư pháp của các quốc gia thành viên vốn đa dạng và khác biệt. Trong quá trình liên kết và hài hóa hóa đó, các hoạt động chia sẻ kinh nghiệm, trao đổi thông tin và tiếp thu xu hướng pháp luật mới đang dần được hình thành trong cộng đồng ASEAN.
Gần đây nhất, tại Hội nghị ALAWMM 9 được tổ chức vào tháng 10/2015 tại Ba-li, In-đô-nê-xi-a, các Bộ trưởng đã ghi nhận tiến trình hoạt động và kết quả tích cực mà Nhóm Công tác các quan chức pháp luật cao cấp về hài hoà hoá pháp luật thương mại giữa các nước thành viên ASEAN đã thực hiện được. Một trong những biểu hiện rõ rệt nhất của xu thế hài hòa hóa pháp luật và tư pháp trong ASEAN đó là việc các nước thành viên đang nỗ lực xây dựng, thực hiện các Bộ luật chuyên ngành của cả Cộng đồng ASEAN trên nền tảng Hiến chương ASEAN như: thực hiện Hiệp định Tương trợ tư pháp về các vấn đề hình sự giữa các nước thành viên ASEAN (hiện nay 10/10 thành viên ASEAN đã phê chuẩn Hiệp định này); xem xét khả năng xây dựng Hiệp định mẫu ASEAN về dẫn độ và Luật mẫu về an ninh hàng hải, Hiệp định ASEAN về chuyển giao người thi hành án phạt tù...
Với những nỗ lực của các nước thành viên trong việc xây dựng, ban hành nhiều quy định pháp luật của các nước ASEAN, hệ thống pháp luật của các nước thành viên được kết hợp hài hòa hơn trong một chỉnh thể pháp luật của các nước ASEAN.
Có thể thấy, hài hòa hóa pháp luật và tư pháp trong các nước ASEAN có tầm quan trọng đặc biệt đối với mỗi quốc gia thành viên nói riêng và ASEAN nói chung, giúp các quốc gia xây dựng và hoàn thiện nền tư pháp, bảo vệ công lý; tăng cường sự đoàn kết và liên hệ chặt chẽ về tư pháp giữa các quốc gia thành viên như một khối thống nhất. Hài hòa hóa pháp luật góp phần nâng cao vị thế của mỗi quốc gia thành viên trong khu vực và trên trường quốc tế.
                                                       Hiên Lê - Vụ Hợp tác quốc tế, Bộ Tư pháp