Bắt đầu từ ngày 10-5-2006, theo Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Tư pháp đình chỉ việc thi hành các quy định trái pháp luật trong các văn bản do địa phương ban hành. Thủ tướng cũng yêu cầu Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương phải tự hủy bỏ ngay các quy định trái pháp luật trong các văn bản hoặc toàn bộ văn bản trái pháp luật, báo cáo Thủ tướng Chính phủ trước ngày 20-5-2006.
Đây là quyết định đúng đắn, được dư luận quan tâm, chờ đợi. Còn nhớ, tại phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội cuối tháng 8-2005, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Uông Chu Lưu đã đưa ra thông tin đáng lo ngại: Qua kiểm tra 3.600 văn bản pháp luật, cơ quan có trách nhiệm phát hiện hơn 400 văn bản có nội dung trái pháp luật. Cũng theo thông tin từ Bộ Tư pháp, trong số gần 170 văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến xử lý vi phạm hành chính đang còn hiệu lực ở hơn 40 tỉnh, thành phố thì có hơn 90 văn bản trái luật. Những văn bản trái pháp luật xuất hiện ở hầu hết các lĩnh vực, nhưng tập trung vào lĩnh vực xử lý vi phạm hành chính, ưu đãi đầu tư; phần lớn liên quan đến việc quản lý Nhà nước về trật tự an toàn giao thông, xây dựng, trật tự đô thị, tài nguyên môi trường. Trước đây, việc ban hành các văn bản trái pháp luật này không chỉ do sự yếu kém, hạn chế về trình độ, năng lực mà còn bởi động cơ, mục đích vụ lợi, cục bộ địa phương của những người liên quan, có trách nhiệm. Chẳng hạn, vì lợi ích cục bộ địa phương, hàng chục tỉnh đã có những quyết định "xé rào", vượt thẩm quyền, vi phạm nghiêm trọng quy định của pháp luật, của Nhà nước, miễn là lôi kéo được nhiều doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, đầu tư vào địa bàn tỉnh mình. Có địa phương cho phép lực lượng thanh niên xung kích cũng được xử phạt hành chính, hay tịch thu các trang, thiết bị, dụng cụ của người hành nghề giết mổ gia súc... đều là những việc trái với quy định của pháp luật hiện hành. Dù do bất cứ nguyên nhân gì, các văn bản sai trái trên cũng gây hậu quả nặng nề về nhiều mặt, khiến không ít người dân, doanh nghiệp bị thiệt thòi, phiền toái, lao đao. Chính vì vậy, Chính phủ và các cơ quan chức năng, cơ quan có trách nhiệm, dư luận đã yêu cầu, nhắc nhở các địa phương phải sớm kiểm tra, xem xét, sửa chữa, khắc phục, hủy bỏ. Nhưng vẫn còn nhiều địa phương lấy lý do "phải theo quy trình", "còn chờ họp Hội đồng nhân dân"... để chậm sửa chữa. Tính đến tháng 2-2006, mới chỉ có 14/33 tỉnh, thành phố xử lý được 34/90 văn bản vi phạm cần xử lý.
Thực trạng trên đòi hỏi quyết định lần này của Thủ tướng Chính phủ phải được thực hiện kiên quyết và triệt để. Không thể vì bất cứ lý do gì mà các địa phương vẫn để các văn bản pháp luật trái luật tồn tại, gây phiền nhiễu cho xã hội, ảnh hưởng đến kỷ cương, phép nước. Các cấp và các cơ quan chức năng được Chính phủ giao nhiệm vụ phải tiếp tục kiểm tra toàn diện, có chiều sâu, kịp thời phát hiện, xử lý, không để tồn tại bất cứ văn bản trái luật nào và kiên quyết xử lý người sai phạm, khắc phục những hậu quả do việc ban hành, thực hiện các văn bản trái luật gây ra. Đồng thời, phải tích cực bồi dưỡng phẩm chất, năng lực, trình độ chuyên môn của đội ngũ cán bộ làm tham mưu, soạn thảo, thẩm tra, thẩm định, ký duyệt và ban hành thực hiện các văn bản quy phạm pháp luật, làm sao cho họ có đủ tâm, đủ tầm, không để cho ra đời hay bỏ lọt những văn bản trái luật.
Một xã hội sống, làm việc theo Hiến pháp, pháp luật không thể chấp nhận sự tồn tại của các văn bản pháp luật trái luật và việc loại bỏ những văn bản đó là không thể chậm trễ!
(Theo QĐND)