Điều 8 của Dự án Luật quy định về người được trợ giúp pháp lý theo hai phương án. Theo phương án 1, người được trợ giúp pháp lý là người nghèo theo quy định của pháp luật về chuẩn nghèo. Theo phương án 2, ngoài người nghèo được trợ giúp pháp lý còn bổ sung thêm các đối tượng khác bao gồm: Người hoạt động cách mạng trước Tổng khởi nghĩa 19 tháng 8 năm 1945; cha, mẹ, vợ (hoặc chồng), con liệt sĩ, người có công nuôi dưỡng liệt sĩ Bà mẹ Việt Nam anh hùng, Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, Anh hùng Lao động; thương binh, bệnh binh; người hưởng chính sách như thương binh. bệnh binh; người có công giúp đỡ cách mạng được tặng Bằng "Có công với nước" và đồng bào dân tộc thiểu số cư trú ở các xã miền núi, vùng cao, vùng sâu, vùng xa, hải đảo. vùng đặc biệt khó khăn.
Như vậy, nếu một trong hai phương án được chấp nhận, những đối tượng là người được miễn án phí theo quy định tại khoản 1 Điều 13; điểm a, b khoản 1 Điều 26; điểm a, c khoản 1 Điều 31 Nghị định số 70/CP ngày 12-6-1997 của Chính phủ về án phí, lệ phí Toà án và trẻ em sẽ không còn là một trong những đối tượng được TGPL như hiện nay nữa.
Trong trường hợp phương án 1 được chấp nhận, những đối tượng chính sách bao gồm: Người có công với cách mạng: người hoạt động cách mạng trước tháng 8 năm 1945; Bà mẹ Việt Nam Anh hùng, Anh hùng Lực lượng Vũ trang nhân dân, Anh hùng Lao động; thương binh, người hưởng chính sách như thương binh, bệnh binh mất sức lao động từ 61% trở lên; vợ (hoặc chồng), cha mẹ đẻ, người có công nuôi liệt sĩ, con liệt sĩ dưới 18 tuổi; người có công giúp đỡ cách mạng; đồng bào dân tộc thiểu số cư trú ở vùng cao, vùng sâu, vùng xa, hẻo lánh, hải đảo sẽ không được trợ giúp pháp lý. Còn nếu phương án 2 được chấp nhận thì một số đối tượng mới sẽ được trợ giúp pháp lý (thương binh, người hưởng chính sách như thương binh, bệnh binh mất sức lao động dưới 61%; con liệt sĩ trên 18 tuổi) và một số đối tượng khác sẽ không được trợ giúp pháp lý (các đối tượng là người có công giúp đỡ cách mạng không được tặng Bằng "Có công với nước".
So với Dự thảo trình Ủy ban Thường vụ QH ngày 19-1-2006, được thảo luận tại Hội nghị đại biểu QH chuyên trách ngày 23-2-2006 và tại các đoàn đại biểu QH, trong Dự án Luật trình QH lần này, diện người được trợ giúp pháp lý đã thu hẹp rất nhiều.
Chỉ duy trì trung tâm trợ giúp pháp lý nhà nước trực thuộc Sở Tư pháp
Theo Điều 12 và Điều 14 Dự án Luật, tổ chức trợ giúp pháp lý nhà nước là các trung tâm trợ giúp pháp lý nhà nước trực thuộc Sở Tư pháp. Căn cứ vào nhu cầu và điều kiện thực tế của địa phương, UBND tỉnh, thành phố trực thuộc T.Ư quyết định thành lập một hoặc một số trung tâm. Trung tâm có trụ sở có tư cách pháp nhân, có con dấu và tài khoản riêng. Biên chế và kinh phí hoạt động do UBND cấp tỉnh quyết định.
Với quy định này, Trung tâm trợ giúp pháp lý thuộc Cục trợ giúp pháp lý, Bộ Tư pháp sẽ không còn tồn tại. Hay nói cách khác, Cục trợ giúp pháp lý sẽ không còn chức năng trực tiếp thực hiện trợ giúp pháp lý đối với những vụ việc mà các trung tâm ở địa phương có khó khăn, vướng mắc hoặc không thể thực hiện được do tính chất phức tạp của vụ việc cũng như các vụ việc do các cơ quan, tổ chức, người có thẩm quyền ở Trung ương chuyển tới.
Ngoài ra, mô hình trợ giúp pháp lý ở cơ sở hiện đang được duy trì và hoạt động có hiệu quả như mô hình tổ, điểm, chi nhánh trợ giúp pháp lý ở cấp huyện, cấp xã sẽ không còn tồn tại. Phòng tư pháp và cán bộ tư pháp xã, phường, thị trấn không còn chức năng trực tiếp thực hiện trợ giúp pháp lý. Hoạt động trợ giúp pháp lý ở địa phương sẽ do trung tâm trợ giúp pháp lý nhà nước thuộc Sở Tư pháp chịu trách nhiệm trực tiếp thực hiện hoặc tổ chức thực hiện. Các cán bộ tư pháp cơ sở sẽ được huy động tham gia thực hiện trợ giúp pháp lý với tư cách là các cộng tác viên trợ giúp pháp lý của trung tâm.
Không còn chế định luật sư trợ giúp pháp lý nhà nước
Để khắc phục tình trạng thiếu luật sư, tạo sự chủ động cho trung tâm trợ giúp pháp lý nhà nước trong việc cử người tham gia tố tụng bảo vệ các quyền và lợi ích hợp pháp cho người được trợ giúp pháp lý; nâng cao chất lượng tranh tụng, bảo đảm việc thực hiện trợ giúp pháp lý có chất lượng, hiệu quả, cũng như trách nhiệm của người thực hiện trợ giúp pháp lý với đối tượng, thực hiện cải cách hành chính, cải cách tư pháp, Dự án Luật trình Ủy ban Thường vụ QH, Hội nghị đại biểu QH chuyên trách có đưa ra chế định luật sư trợ giúp pháp lý nhà nước.
Tại phiên họp của Ủy ban Thường vụ QH, Hội nghị Đại biểu QH chuyên trách, đa số các ý kiến đều cho rằng, cần tạo lập cơ chế pháp lý bảo đảm để trung tâm trợ giúp pháp lý nhà nước được phép cử cán bộ, công chức của tổ chức mình được tham gia tố tụng để thực hiện việc đại diện, bào chữa, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho người được trợ giúp pháp lý. Các cơ chế đó có thể là xây dựng chế định luật sư trợ giúp pháp lý nhà nước, giải thích rõ khái niệm người đại diện hợp pháp của người bị tạm giữ, bị can, bị cáo hoặc quy định việc tham gia tố tụng của các cán bộ, công chức này thông qua các quy định trong Bộ luật Tố tụng Hình sự và Bộ luật Tố tụng Dân sự.
Việc Dự thảo Luật đưa ra chế định luật sư trợ giúp pháp lý nhà nước chỉ là một trong những cơ chế bảo đảm quyền được trợ giúp pháp lý trong tố tụng cho người được trợ giúp pháp lý. Để phù hợp với các quy định của pháp luật về luật sư cũng như các quy định của pháp luật tố tụng. trong lúc chưa thể sửa đổi bổ sung các quy định của pháp luật tố tụng, cần nghiên cứu thiết lập những cơ chế trong Dự án Luật trợ giúp pháp lý để người thực hiện trợ giúp pháp lý tham gia tố tụng với tư cách người đại diện hợp pháp của người bị tạm giữ, bị can, bị cáo là người được trợ giúp pháp lý.
Tiếp thu các ý kiến trên đây tại Dự án Luật trình QH lần này, Chính phủ đã quyết định không quy định việc xây dựng chế định luật sư trợ giúp pháp lý nhà nước mà quy định người thực hiện trợ giúp pháp lý trong các trung tâm trợ giúp pháp lý nhà nước được tham gia tố tụng thông qua chế định trợ giúp viên pháp lý để bảo đảm tính thống nhất của hệ thống pháp luật.
Tại khoản 4 Điều 19 Dự án Luật quy định: Trợ giúp viên pháp lý thực hiện trợ giúp pháp lý bằng các hình thức tư vấn pháp luật; tham gia tố tụng với tư cách: người đại diện hợp pháp của người bị tạm giữ, bị can, bị cáo để thực hiện việc bào chữa; người bảo vệ quyền lợi của đương sự là người bị hại, nguyên đơn dân sự, bị đơn dân sự, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến vụ án hình sự người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự trong các vụ án dân sự, việc dân sự, vụ án hành chính; đại diện cho người được trợ giúp pháp lý trước các cơ quan, tổ chức hữu quan; kiến nghị trợ giúp pháp lý; thực hiện các hình thức giúp đỡ pháp luật khác.