Đăng ký giao dịch bảo đảm: Cần một văn bản thống nhất!

10/03/2010
Trong thực tiễn, đăng ký giao dịch bảo đảm (ĐKGDBĐ) không chỉ đáp ứng lợi ích của người vay và người cho vay vốn, mà còn khuyến khích sự lưu thông nguồn vốn và giúp thị trường tín dụng hoạt động hiệu quả, an toàn, góp phần thúc đẩy sản xuất - kinh doanh phát triển. Tuy nhiên, một trong những bất cập khiến hoạt động này chưa thực sự có “chỗ đứng” vững chắc trong nhận thức của xã hội chính là hệ thống văn bản pháp luật (VBPL) phân tán, chồng chéo...

Nhằm hoàn thiện PL về ĐKGDBĐ, trong thời gian qua, Bộ Tư pháp đã tích cực, chủ động cùng với Bộ TN&MT, Bộ GTVT, Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), Hiệp hội Ngân hàng và các Bộ, ngành khác có liên quan, các UBND cấp tỉnh nghiên cứu, đề xuất một số cải cách trong lĩnh vực này. Đến nay, PL về ĐKGDBĐ đã được xây dựng và hoàn thiện về cơ bản, tạo cơ sở pháp lý cho việc triển khai ĐK trong thực tế

Tuy nhiên, qua 10 năm hoạt động ĐKGDBĐ, hệ thống VBPL về ĐKGDBĐ vẫn trong tình trạng chưa được pháp điển hoá trong một VB Luật, phân tán, một số quy định trùng lặp, mâu thuẫn, không phù hợp với yêu cầu thực tiễn. VB có giá trị pháp lý cao nhất về ĐKGDBĐ hiện hành là Nghị định (NĐ) số 08/2000/NĐ-CP (ngày 10/3/2000) của Chính phủ. NĐ 08 được ban hành trong bối cảnh Bộ luật Dân sự 1995 đang còn hiệu lực và các văn bản hướng dẫn về ĐKGDBĐ bằng tàu bay, tàu biển, quyền sử dụng đất (QSDĐ) chưa được ban hành hoặc mới chỉ quy định chung.

Do vậy, các qui định về thủ tục ĐK, cung cấp thông tin về GDBĐ thiếu thống nhất, chưa thực sự đơn giản, nhanh chóng và thuận lợi cho cá nhân, tổ chức. Hệ thống PL về ĐKGDBĐ còn thiếu quy phạm điều chỉnh thủ tục ĐKGDBĐ đối với một số tài sản có giá trị như: rừng sản xuất là rừng trồng, vườn cây lâu năm, trong khi nhu cầu khai thác, huy động vốn từ các tài sản này ngày càng lớn.

Hiện hoạt động ĐKGDBĐ do 3 cơ quan quản lý Nhà nước là Bộ Tư pháp, Bộ TN&MT và Bộ GTVT với những thủ tục, trình tự khác nhau. Đó là “hậu quả” từ sự “đa dạng” của qui định từ các VBPL khác nhau về ĐKGDBĐ bằng động sản, bất động sản hay tàu bay, tàu biển. Như vậy, một vấn đề (ĐKGDBĐ) lại được quy định rải rác tại nhiều VB khác nhau (như Bộ luật Hàng hải, Luật Hàng không dân dụng, Luật Đất đai 2003, NĐ số 70/2007/NĐ-CP (ngày 20/4/2007) về ĐK quốc tịch và ĐK các quyền đối với tàu bay dân dụng; NĐ số 29/2009/NĐ-CP ngày 18/5/2009 của Chính phủ về ĐK và mua, bán tàu biển; Thông tư liên tịch số 05/2005/TTLT-BTP-BTNMT và Thông tư liên tịch số 03/2006/TTLT-BTP-BTNMT hướng dẫn việc ĐK thế chấp, bảo lãnh bằng QSDĐ, tài sản gắn liền với đất; Thông tư số 06/2006/TT-BTP (ngày 28/9/2006) của Bộ Tư pháp hướng dẫn một số vấn đề về thẩm quyền, trình tự và thủ tục ĐK, cung cấp thông tin về GDBĐ tại Trung tâm ĐK GD, tài sản của Cục ĐKQGGDBĐ thuộc Bộ Tư pháp...), gây khó khăn cho quá trình thực thi PL về ĐKGDBĐ, gây phiền hà cho người dân, doanh nghiệp có nhu cầu ĐKGDBĐ.

Không những thế lại chưa có cơ chế cơ chế phối hợp giữa các Bộ, ngành có liên quan, cơ chế phối hợp cung cấp thông tin giữa các cơ quan ĐKGDBĐ với một số cơ quan ĐK sở hữu tài sản nên hiệu quả quản lý nhà nước trong lĩnh vực ĐKGDBĐ còn hạn chế. Điều này không chỉ ảnh hưởng đến hiệu quả của công tác quản lý nhà nước về ĐKGDBĐ, mà còn dẫn đến những khó khăn, vướng mắc cho các tổ chức, cá nhân khi yêu cầu ĐK, cung cấp thông tin về GDBĐ.

Đến thời điểm hiện nay, khi một số VBQPPL đã được sửa đổi, bổ sung, thay thế hoặc được ban hành mới, nên nhiều quy định trong NĐ số 08/2000/NĐ-CP không còn phù hợp với các quy định của VB có giá trị pháp lý cao hơn như Bộ luật Dân sự 2005, Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Bộ luật Hàng hải Việt Nam, Luật Hàng không dân dụng Việt Nam... cũng như tình hình thực tiễn về ĐKGDBĐ.

Xuất phát từ vai trò, ý nghĩa quan trọng của hoạt động ĐKGDBĐ, yêu cầu hoàn thiện PL trong lĩnh vực này và đòi hỏi của người dân, doanh nghiệp về một hệ thống ĐK thân thiện, thuận lợi và hiện đại, Bộ Tư pháp đã triển khai xây dựng dự thảo NĐ thay thế NĐ số 08. NĐ mới (chuẩn bị được thẩm định) được hy vọng sẽ thực hiện chủ trương pháp điển hóa các quy định của NĐ, Thông tư trước yêu cầu của xã hội, phát huy các giá trị tích cực của hoạt động ĐKGDBĐ đối với sự phát triển kinh tế nói chung và phát triển thị trường tài chính, tiền tệ nói riêng được ổn định, lành mạnh./.

Huy Anh

Hệ thống cơ quan thực hiện ĐKGDBĐ theo PL hiện hành:

- Cục ĐKQGGDBĐ (Bộ Tư pháp) có 3 trung tâm ĐKGDBĐ tại Hà Nội, Đà Nẵng và TP.HCM thực hiện ĐKGDBD về động sản

- UBND cấp tỉnh tổ chức hệ thống các cơ quan có thẩm quyền ĐKGDBĐ về QSDĐ và tài sản gắn liền với đất gồm: 64 Văn phòng ĐK QSDĐ cấp tỉnh (thuộc các Sở TN&MT), 257 Văn phòng ĐK QSDĐ cấp huyện (thuộc các phòng TN&MT) và 416 phòng TN&MT chưa có hoặc không thành lập Văn phòng ĐK QSDĐ cấp huyện.

- Bộ GTVT giao Cục Hàng không thực hiện ĐKGDBD bằng tàu bay và có 3 cơ quan thực hiện việc ĐKGDBĐ bằng tàu biển đặt tại Hải Phòng, Đà Nẵng và TP.HCM.