“Nếu tiếp tục để cơ sở nuôi dưỡng vừa tiếp nhận trẻ em vào nuôi dưỡng, vừa tiếp nhận các khoản hỗ trợ nhân đạo của tổ chức, cá nhân nước ngoài và trực tiếp giới thiệu trẻ em làm con nuôi như hiện nay, thì dễ dẫn đến tiêu cực, thỏa thuận ngầm trong việc giới thiệu trẻ em làm con nuôi, trái với pháp luật và thông lệ quốc tế”, thay mặt Bộ Tư pháp trình bày Tờ trình của Chính phủ, Thứ trưởng Đinh Trung Tụng đã nhấn mạnh. Đa số ý kiến trong thường vụ Quốc hội đồng tình với quan điểm này khi thảo luận Dự án Luật Nuôi con nuôi vào chiều qua (16/9)
Cần cân nhắc các hình thức nuôi con nuôi
Dự thảo Luật (Điều 14) quy định việc nuôi con nuôi ở Việt Nam được thực hiện dưới hai hình thức nuôi con nuôi đơn giản và nuôi con nuôi trọn vẹn. Điểm khác nhau cơ bản giữa hai hình thức nuôi con nuôi này là, nuôi con nuôi đơn giản không làm chấm dứt hoàn toàn các quyền, nghĩa vụ pháp lý giữa cha, mẹ đẻ và con được cho làm con nuôi (chỉ chấm dứt quyền, nghĩa vụ về nuôi dưỡng, cấp dưỡng giữa cha, mẹ đẻ và con); còn nuôi con nuôi trọn vẹn thì làm chấm dứt hoàn toàn các quyền, nghĩa vụ pháp lý giữa cha, mẹ đẻ (nếu còn) và con đã cho làm con nuôi, đồng thời con nuôi trọn vẹn ở trong nước được thay đổi dân tộc theo dân tộc của cha, mẹ nuôi. Mục đích của việc đưa ra quy định này là nhằm bảo đảm lợi ích tốt nhất cho trẻ em được nhận làm con nuôi trọn vẹn, để trẻ em phát triển bình thường mà không bị mặc cảm là con nuôi khi hòa nhập vào đời sống gia đình và cộng đồng xã hội. Các điều kiện nuôi con nuôi trọn vẹn, hồ sơ, thủ tục giải quyết, kiểm tra, theo dõi đối với việc nuôi con nuôi trọn vẹn cũng được quy định chặt chẽ hơn so với nuôi con nuôi đơn giản.
Tuy nhiên, theo Ủy ban Pháp luật Quốc hội, đây là một vấn đề mới, khác biệt với truyền thống pháp luật về hôn nhân gia đình ở nước ta. Bộ luật Dân sự tuy không quy định các hình thức nuôi con nuôi nhưng các quy định hiện hành thực chất cũng không làm chấm dứt hoàn toàn mối quan hệ giữa người được nhận làm con nuôi với cha mẹ, đẻ.
Tán thành với ý kiến của Ủy ban Pháp luật, ông Đào Trọng Thi, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, giáo dục, thanh thiếu niên và nhi đồng Quốc hội cho rằng: người Việt Nam luôn hướng về nguồn cội, nếu nuôi con nuôi trọn vẹn chấm dứt mọi quyền, nghĩa vụ giữa cha mẹ đẻ và con thì sẽ đi ngược lại truyền thống đó. Mặt khác, phải đảm bảo quyền lợi bố mẹ nuôi. Ông Thi đề nghị: phải quy định để đảm bảo hài hòa về lợi ích, nghĩa vụ giữa người con với cha mẹ đẻ và cha mẹ nuôi.
Bà Trương Thị Mai, Chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội tỏ rõ sự băn khoăn: có cần thiết phải chia làm hai hình thức nuôi con nuôi không vì hậu quả pháp lý là khác nhau. “Vả lại, nghe cái tên nuôi con nuôi trọn vẹn, nuôi con nuôi đơn giản cũng đã thấy làm sao đó”, bà Mai nói. Một số ý kiến đồng tình với bà Mai và cho rằng nên xem lại tên gọi, cũng như bản chất pháp lý của các hình thức này
Giới thiệu trẻ làm con nuôi: nên tập trung một đầu mối
Thực tế hiện nay, việc giới thiệu trẻ em làm con nuôi người nước ngoài do các cơ sở nuôi dưỡng trẻ em thực hiện. “Nếu tiếp tục để cơ sở nuôi dưỡng vừa tiếp nhận trẻ em vào nuôi dưỡng, vừa tiếp nhận các khoản hỗ trợ nhân đạo của tổ chức, cá nhân nước ngoài và trực tiếp giới thiệu trẻ em làm con nuôi như hiện nay, thì dễ dẫn đến tiêu cực, thỏa thuận ngầm trong việc giới thiệu trẻ em làm con nuôi, trái với pháp luật và thông lệ quốc tế”. Thứ trưởng Bộ Tư pháp Đinh Trung Tụng lý giải về quy định mới trong dự thảo về cách thức giới thiệu trẻ em làm con nuôi nước ngoài. (dự thảo quy định việc giới thiệu trẻ em làm con nuôi nước ngoài được thực hiện tập trung thống nhất vào một đầu mối là Bộ Tư pháp).
Ủy ban Pháp luật Quốc hội đồng tình cao với Dự thảo là không nên để cơ sở nuôi dưỡng giới thiệu trẻ làm con nuôi và cho rằng quy định như Dự thảo sẽ sớm xác lập một trật tự trong việc giới thiệu nuôi con nuôi. Tuy nhiên, Ủy ban Pháp luật cho rằng, Bộ Tư pháp cần tập trung làm tốt chức năng quản lý nhà nước và là người gác cổng trong lĩnh vực này, còn việc giới thiệu trẻ em nên giao cho các tổ chức xã hội thực hiện.
Thứ trưởng Bộ Tư pháp Đinh Trung Tụng khẳng định: việc giới thiệu trẻ em phải do cơ quan nhà nước thực hiện mới đúng quy trình về nuôi con nuôi. Thứ trưởng cũng cho biết, hiện Bộ Tư pháp có một đơn vị chức năng giúp Bộ làm việc này (Cục Con nuôi), việc tiếp nhận hồ sơ cũng như nắm bắt các thông tin về bố mẹ nuôi do Cục này làm.
Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Quốc hội Hà Văn Hiền ủng hộ nên giao cho Bộ Tư pháp, cụ thể giúp cho Bộ là Cục Con nuôi thực hiện việc giới thiệu trẻ làm con nuôi.
Tuy nhiên, trước băn khoăn của một số thường vụ về thẩm quyền giới thiệu con nuôi của Bộ Tư pháp, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu hiến kế: Hay ta có thể tính toán đến một cơ chế khác: ví dụ ở tỉnh có thể là một Hội đồng liên ngành do Giám đốc Sở Tư pháp làm Chủ tịch, sau đó trình UBND cấp tỉnh, Bộ Tư pháp chỉ làm công việc thẩm định hồ sơ
Thu Hằng
Dự thảo Luật Nuôi con nuôi quy định công dân trong nước có nhu cầu và nguyện vọng nhận trẻ em làm con nuôi mà chưa xác định được trẻ em cần nhận làm con nuôi, thì có thể đăng ký nhu cầu với Sở Tư pháp hoặc Bộ Tư pháp. Các cơ quan này có trách nhiệm tiếp nhận nhu cầu của công dân muốn nhận trẻ em làm con nuôi, căn cứ vào đặc điểm trẻ em và nguyện vọng của họ để giới thiệu. |