Nghiên cứu so sánh nội dung Công ước về xoá bỏ mọi hình thức phân biệt đối xử với phụ nữ (CEDAW) với nội dung của Luật bình đẳng giới

27/04/2009
Bài viết nghiên cứu so sánh được thực hiện nhằm đánh giá tính đồng bộ, thống nhất của hệ thống pháp luật Việt Nam so với các công ước quốc tế mà Việt Nam đã ký kết và gia nhập nói chung cũng như đối với Công ước CEDAW nói riêng. Trên cơ sở xem xét việc nội luật hoá các quy định của điều ước quốc tế có liên quan đến bình đẳng giới mà Việt Nam đã tham gia vào Luật Bình đẳng giới cũng như các văn bản quy phạm pháp luật khác, báo cáo nghiên cứu đưa ra kiến nghị nhằm hoàn thiện hệ thống pháp luật.

1. Giới thiệu Công ước  CEDAW

Công ước quốc tế về xoá bỏ mọi hình thức phân biệt đối xử với phụ nữ được Hội đồng Liên hợp quốc thông qua ngày 18/12/1979 và có hiệu lực từ ngày 3/9/1982. Tính đến nay, Công ước này có 169 quốc gia tham gia. Công ước có 30 Điều chia thành 5 Phần: Các Phần I, II, III và IV quy định trách nhiệm của quốc gia tham gia Công ước đối với việc thực hiện các quyền của phụ nữ tại quốc gia mình.

Các nghĩa vụ mà các quốc gia thành viên Công ước phải thực hiện đối với quyền của phụ nữ gồm có: lên án sự phân biệt đối xử với phụ nữ dưới mọi hình thức và áp dụng mọi biện pháp thích hợp để loại trừ phân biệt đối xử với phụ nữ, kể cả biện pháp lập pháp trên tất cả các lĩnh vực chính trị, kinh tế, xã hội, văn hoá; bảo đảm sự phát triển và tiến bộ đầy đủ của phụ nữ để họ có thể hưởng thụ các quyền con người và tự do cơ bản trên cơ sở bình đẳng với nam giới; loại bỏ các hình thức buôn bán phụ nữ và bóc lột phụ nữ làm nghề mại dâm.

Về chính trị, các quốc gia thành viên Công ước phải áp dụng mọi biện pháp thích hợp để xoá bỏ sự phân biệt đối xử với phụ nữ trong đời sống chính trị và công cộng của đất nước, bảo đảm thực hiện các quyền sau đối với phụ nữ: tham gia bỏ phiếu trong mọi cuộc bầu cử và trưng cầu ý dân, ứng cử vào các cơ quan dân cử; xây dựng và thực hiện các chính sách của chính phủ, các chức vụ Nhà nước; các tổ chức và hiệp hội phi chính phủ liên quan đến đời sống công cộng và chính trị của đất nước; cơ hội đại diện cho chính phủ tại các diễn đàn quốc tế và các tổ chức quốc tế; và bình đẳng với nam giới trong vấn đề quốc tịch.

Trong lĩnh vực giáo dục, phụ nữ phải được hưởng quyền bình đẳng với nam giới về điều kiện nghề nghiệp, hướng nghiệp, học tập, bằng cấp, học bổng. Phụ nữ được hưởng cơ hội làm việc bình đẳng, tự do lựa chọn nghề nghiệp, quyền được thăng chức, tăng lương, an ninh việc làm và các phúc lợi, thù lao, bảo hiểm xã hội, an toàn lao động. Các quốc gia thành viên Công ước phải ngăn chặn sự phân biệt đối xử với phụ nữ vì lý do hôn nhân hay sinh đẻ, áp dụng chế độ nghỉ đẻ vẫn được hưởng lương và các phúc lợi xã hội tương đương mà không bị mất việc, thâm niên công tác.

Quốc gia tham gia Công ước này cũng phải có các biện pháp thích hợp bảo đảm quyền bình đẳng nam nữ trước pháp luật, trao cho phụ nữ tư cách pháp nhân như nam giới và tạo điều kiện để thực hiện tư cách này. Đặc biệt phải bảo đảm để phụ nữ được bình đẳng khi ký kết các hợp đồng và quản lý tài sản, tư cách pháp lý bình đẳng liên quan đến tự do đi lại và lựa chọn nơi cư trú, trong hôn nhân và quan hệ gia đình.

Điều 18 quy định nghĩa vụ của các quốc gia thành viên nộp trình báo cáo quốc gia thực hiện Công ước cho Uỷ ban theo dõi thực hiện Công ước xem xét, trong đó phải nộp báo cáo đầu tiên 1 năm sau khi gia nhập Công ước và các báo cáo định kỳ 4 năm một lần.

 2. Giới thiệu  Luật Bình đẳng giới năm 2006

  Luật số 73/2006/QH11 được Quốc hội nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam khoá XI kỳ họp thứ 10 thông qua ngày 29/11/2006 và có hiệu lực từ ngày 1/7/2007.

Luật gồm 6 chương 44 điều, quy định: nam, nữ bình đẳng trong việc tự ứng cử và được giới thiệu ứng cử đại biểu Quốc hội, đại biểu HĐND, tự ứng cử và được giới thiệu ứng cử vào cơ quan lãnh đạo của tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức chính trị xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp, bình đẳng về tiêu chuẩn chuyên môn, độ tuổi khi được đề bạt, bổ nhiệm vào cùng vị trí quản lý, lãnh đạo của cơ quan, tổ chức...

Doanh nghiệp sử dụng nhiều lao động nữ được ưu đãi về thuế và tài chính...

Lao động nữ khu vực nông thôn được hỗ trợ tín dụng, khuyến nông, khuyến lâm, khuyến ngư...

Trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo: nữ cán bộ, công chức, viên chức khi tham gia đào tạo, bồi dưỡng mang theo con dưới ba mươi sáu tháng tuổi được hỗ trợ theo quy định...

Vợ, chồng có quyền, nghĩa vụ ngang nhau trong sở hữu tài sản chung, bình đẳng trong sử dụng nguồn thu nhập chung của vợ chồng và quyết định các nguồn lực trong gia đình, bình đẳng với nhau trong việc bàn bạc, quyết định lựa chọn và sử dụng biện pháp kế hoạch hoá gia đình phù hợp, sử dụng thời gian nghỉ chăm sóc con ốm theo quy định của pháp luật...

Các hành vi vi phạm pháp luật về bình đẳng giới trong lĩnh vực lao động bao gồm: áp dụng các điều kiện khác nhau trong tuyển dụng lao động nam và lao động nữ đối với cùng một công việc mà nam, nữ đều có trình độ và khả năng thực hiện như nhau, từ chối tuyển dụng hoặc tuyển dụng hạn chế lao động, sa thải hoặc cho thôi việc người lao động vì lý do giới tính hoặc do việc mang thai, sinh con, nuôi con nhỏ, phân công công việc mang tính phân biệt đối xử giữa nam và nữ dẫn đến chênh lệch về thu nhập hoặc áp dụng mức trả lương khác nhau cho những người lao động có cùng trình độ, năng lực vì lý do giới tính.

  3. Nhận xét chung về sự phù hợp của Luật bình đẳng giới với Công ước CEDAW.

Qua nghiên cứu so sánh, có thể thấy rằng nhìn chung các quy định của Luật Bình đẳng giới đã phù hợp với Công ước CEDAW, đáp ứng được yêu cầu của Luật Ký kết, gia nhập và thực hiện điều ước quốc tế 2005 quy định về mối quan hệ giữa điều ước quốc tế và văn bản quy phạm pháp luật trong nước. Luật cũng đã thể hiện nguyên tắc cơ bản về tôn trọng và bảo vệ quyền con người, quyền bình đẳng được thể hiện trong Hiến pháp.

Bên cạnh tính phù hợp, nhiều điều khoản của Luật bình đẳng giới đã được xây dựng theo hướng nội luật hoá các quy định của điều ước quốc tế về chống phân biệt đối xử và bình đẳng giới, đảm bảo thể chế hoá các quy định của các điều ước quốc tế này để thực hiện. Đặc biệt, Luật đã đưa vào những nội dung rất mới như quy định về việc lồng ghép vấn đề bình đẳng giới trong xây dựng văn bản quy phạm pháp luật (Điều 21), thẩm tra lồng ghép vấn đề bình đẳng giới (Điều 22)…

Tuy nhiên, với tư cách là một Luật chuyên ngành có giá trị pháp lý cao nhất liên quan đến lĩnh vực bình đẳng giới, Luật vẫn chưa thể hiện được đầy đủ những vấn đề cụ thể trong từng lĩnh vực của bình đẳng giới. Luật mới dừng lại ở mức quy định những vấn đề có tính nguyên tắc về bình đẳng giới và đưa ra một số biện pháp bảo đảm bình đẳng giới.

 4. Nhận xét trên từng nhóm vấn đề cụ thể.

Qua nghiên cứu so sánh nội dung các công ước có liên quan đến bình đẳng giới mà Việt Nam đã ký kết hoặc gia nhập với nội dung của Luật bình đẳng giới, chúng tôi rút ra một số nhận xét cụ thể sau:

a.     Về giải thích thuật ngữ.

Luật có quy định giải thích thuật ngữ “phân biệt đối xử về giới” (Khoản 5 Điều 5), theo đó: "5. Phân biệt đối xử về giới là việc hạn chế, loại trừ, không công nhận hoặc không coi trọng vai trò, vị trí của nam và nữ, gây bất bình đẳng giữa nam và nữ trong các lĩnh vực của đời sống xã hội và gia đình.". So sánh với Công ước CEDAW, mặc dù Công ước không có giải thích thuật ngữ "phân biệt đối xử về giới", nhưng Công ước có quy định giải thích một cách rất cụ thể thuật ngữ "phân biệt đối xử đối với phụ nữ", theo đó "phân biệt đối xử với phụ nữ có nghĩa là bất kỳ sự phân biệt, loại trừ hay hạn chế nào dựa trên cơ sở giới tính làm ảnh hưởng hoặc nhằm mục đích làm tổn hại hoặc vô hiệu hoá việc phụ nữ được công nhận, thụ hưởng, hay thực hiện các quyền con người và những tự do cơ bản trong lĩnh vực chính trị, kinh tế, xã hội, văn hoá, dân sự và các lĩnh vực khác trên cơ sở bình đẳng nam nữ bất kể tình trạng hôn nhân của họ như thế nào. “Có thể thấy rằng quy định trong Luật là phù hợp với Công ước CEDAW”, tuy nhiên giải thích thuật ngữ "phân biệt đối xử về giới" như Điều 5, Khoản 5 thì còn chung chung.  

b.     Về các nguyên tắc cơ bản về bình đẳng giới.

Điều 2, mục (a) Công ước CEDAW yêu cầu các nước thành viên phải quy định trong pháp luật nguyên tắc bình đẳng nam nữ. Vấn đề này đã được thể hiện xuyên suốt trong hệ thống pháp luật Việt Nam từ Hiến pháp cho các văn bản của Quốc hội, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đến các văn bản hướng dẫn của Chính phủ và các bộ, ngành.Về cơ quan có trách nhiệm đảm bảo thực thi các quy định về bình đẳng giới. Trong Luật Bình đẳng giới, Điều 6 - Khoản 5 đã khẳng định: "5. Bảo đảm lồng ghép vấn đề bình đẳng giới trong xây dựng và thực thi pháp luật.". Quy định này là cần thiết và phù hợp với nghĩa vụ được đặt ra tại Công ước CEDAW.

c.      Về cơ chế bảo vệ các quyền của phụ nữ trên cơ sở bình đẳng với nam giới

Nhằm bảo vệ các quyền của phụ nữ trên cơ sở bình đẳng với nam giới, Công ước CEDAW đưa ra  các nghĩa vụ đối với các nước thành viên như: yêu cầu xây dựng các điều khoản pháp luật và thông qua các biện pháp thích hợp khác, kể cả việc trừng phạt trong những trường hợp cần thiết, nhằm ngăn cấm mọi sự phân biệt đối xử đối với phụ nữ  (Điều 2 mục b); áp dụng mọi biện pháp thích hợp nhằm xoá bỏ sự phân biệt đối xử với phụ nữ do bất kỳ cá nhân, tổ chức hoặc doanh nghiệp nào tiến hành (Điều 2, mục e); thiết lập cơ chế bảo vệ mang tính pháp lý các quyền của phụ nữ trên cơ sở bình đẳng với nam giới (mục c). Điểm mới của Luật Bình đẳng giới so với hệ thống pháp luật hiện hành là đã quy định về những hành vi vi phạm về bình đẳng giới trong từng lĩnh vực cụ thể và đưa ra hình thức xử lý vi phạm pháp luật về bình đẳng giới (các điều 40, 41, 42). Tuy nhiên, quy định về các hình thức xử lý vi phạm về bình đẳng giới còn chung chung, mang tính dẫn chiếu đến các văn bản pháp luật khác, đặc biệt là đối với các hình thức xử lý kỷ luật, xử lý hành chính và bồi thường thiệt hại. Về vấn đề này, xin được kiến nghị:

Thứ nhất, cần có các quy định về xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực bình đẳng giới nhằm thực thi các quy định tại các điều 40,41 và 42 của Luật. Nghị định cần được ra những mức phạt hành chính cụ thể đối với các hành vi vi pháp luật về bình đẳng giới trong các lĩnh vực chính trị, kinh tế, lao động, giáo dục và đào tạo, khoa học và công nghệ, văn hóa, thông tin, thể dục, thể thao, y tế và gia đình.

Thứ hai, nghiên cứu sửa đổi Bộ luật Hình sự theo hướng bổ sung các tội liên quan đến các vi phạm pháp luật nghiêm trong trong lĩnh vực bình đẳng giới.   

Về cơ quan có chức năng quản lý nhà nước và thực hiện các biện pháp bảo đảm bình đẳng giới, Luật cũng đã đề cập đến tại Chương IV "Trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, gia đình và cá nhân trong việc thực hiện và bảo đảm bình đẳng giới" với 10 điều (từ Điều 25 đến Điều 34), song quy định của Luật còn mang tính giàn trải, chưa có quy định về một cơ quan ở trung ương chuyên trách nhằm đảm bảo quyền bình đẳng giới.   

d.     Về các biện pháp đặc biệt tạm thời nhằm thúc đẩy nhanh bình đẳng trên thực tế giữa nam giới với phụ nữ.

Điều 4, Khoản 1 Công ước CEDAW quy định các biện pháp đặc biệt tạm thời nhằm thúc đẩy nhanh bình đẳng trên thực tế giữa nam giới với phụ nữ sẽ không bị coi là phân biệt đối xử. Vấn đề này đã được quy định tại Điều 6 của Luật “Các nguyên tắc cơ bản về bình đẳng giới”:

"3. Biện pháp thúc đẩy bình đẳng giới không bị coi là phân biệt đối xử về giới.

4. Chính sách bảo vệ và hỗ trợ người mẹ không bị coi là phân biệt đối xử về giới.".

Bên cạnh đó, Điều 19 Luật đã đưa ra các biện pháp nhằm thúc đẩy bình đẳng giới., bao gồm: a) Quy định tỷ lệ nam, nữ hoặc bảo đảm tỷ lệ nữ thích đáng tham gia, thụ hưởng; b) Đào tạo, bồi dưỡng để nâng cao trình độ năng lực cho nữ hoặc nam; c) Hỗ trợ để tạo điều kiện, cơ hội cho nữ hoặc nam; d) Quy định tiêu chuẩn, điều kiện đặc thù cho nữ hoặc nam; đ) Quy định nữ được quyền lựa chọn trong trường hợp nữ có đủ điều kiện, tiêu chuẩn như nam; e) Quy định việc ưu tiên nữ trong trường hợp nữ có đủ điều kiện, tiêu chuẩn như nam; g) Các biện pháp thúc đẩy bình đẳng giới được quy định tại khoản 5 Điều 11, khoản 2 Điều 12, khoản 3 Điều 13, khoản 5 Điều 14 của Luật này.” Để thực hiện được Điều 19 của Luật, cần có văn bản hướng dẫn chi tiết về từng biện pháp thúc đẩy bình đẳng giới.

e.      Về vấn đề áp dụng điều ước quốc tế về bình đẳng giới.

Điều 3 Luật khẳng định: “Trong trường hợp điều ước quốc tế mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên có quy định khác với quy định của Luật này thì áp dụng quy định của điều ước quốc tế đó.” Quy định này là cần thiết, thể hiện nguyên tắc Pacta sunt servanda - nghiêm chỉnh tuân thủ điều ước quốc tế của Việt Nam. Đồng thời, nó cũng tạo “cơ chế mở” cho việc áp dụng trực tiếp các điều ước quốc tế mà Việt Nam đã ký kết và gia nhập trong lĩnh vực bình đẳng giới.

f.       Về vai trò làm mẹ với tư cách là một chức năng xã hội và trách nhiệm chung của cả nam giới và nữ giới trong việc nuôi dạy và phát triển con cái.

Công ước CEDAW có quy định về vai trò làm mẹ với tư cách là một chức năng xã hội và trách nhiệm chung của cả nam giới và nữ giới trong việc nuôi dạy và phát triển con cái. Đây cũng là một trong những nội dung đặc thù liên quan đến bình đẳng giới nói chung và bảo vệ quyền lợi của phụ nữ khi làm mẹ nói riêng. Điều 18 Luật Bình đẳng giới mới chỉ quy định việc các thành viên nam, nữ trong gia đình có trách nhiệm chia sẻ công việc gia đình mà chưa quy định về vấn đề bảo vệ vai trò làm mẹ của phụ nữ. Theo chúng tôi, vấn đề này cần được cân nhắc quy định trong một văn bản quy phạm chuyên ngành về bảo vệ bà mẹ và trẻ em.

g.     Về loại bỏ mọi hình thức buôn bán phụ nữ và bóc lột mại dâm

Điều 6, Công ước CEDAW quy định việc áp dụng mọi biện pháp thích hợp, kể cả biện pháp pháp luật để loại bỏ mọi hình thức buôn bán phụ nữ và bóc lột phụ nữ làm mại dâm. Vấn đề này đã được quy định trong Bộ luật Hình sự 1999, nhưng chưa đầy đủ các tội danh. Bộ luật Hình sự 1999 cần bổ sung các tội danh cụ thể như: tổ chức, môi giới buôn bán người, tổ chức buôn bán người vì mục đích mại dâm. Mặt khác, cần có quy định chi tiết phân rõ trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, gia đình và cá nhân trong công tác phòng ngừa và chống nạn buôn người, bóc lột phụ nữ làm mại dâm.

h.     Về bình đẳng giới trong lĩnh vực chính trị

Luật Bình đẳng giới đã giành riêng một điều quy định về bình đẳng giới trong lĩnh vực chính trị (Điều 11). Các quy định này đã phù hợp với các nội dung của Điều 7, Công ước CEDAW cũng như quy định mang tính nguyên tắc về đảm bảo quyền bình đẳng giữa nam và nữ trong việc thực hiện các quyền dân sự và chính trị quy định tại Điều 3 Công ước quốc tế về các quyền dân sự và chính trị năm 1966. Tuy nhiên, để đảm bảo thực hiện các biện pháp thúc đẩy bình đẳng giới trong lĩnh vực chính trị được quy định tại Khoản 5 của Điều 11 của Luật, Nghị định hướng dẫn thi hành Luật cần quy định cụ thể các vấn đề như: tỷ lệ thính đáng nữ đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân, tỷ lệ thích đáng trong bổ nhiệm các chức danh trong cơ quan Nhà nước phù hợp với mục tiêu quốc gia về bình đẳng giới là tỷ lệ nào.

Ngoài ra, Công ước CEDAW còn quy định việc đảm bảo cho phụ nữ có cơ hội đại diện cho Chính phủ mình trên diễn đàn quốc tế và tham gia công việc của các tổ chức quốc tế, trên cơ sở bình đẳng và không có bất cứ sự phân biệt nào (Điều 8). Vấn đề này nên được có văn bản hướng dẫn thi hành cụ thể. 

i.       Về bình đẳng giới trong lĩnh vực giáo dục - đào tạo

Vấn đề này cũng được quy định cụ thể trong Điều 14 Luật Bình đẳng giới về "Bình đẳng giới trong lĩnh vực giáo dục - đào tạo". Về cơ bản, các quy định của Luật đã phù hợp với các quy định của các công ước có liên quan. Tuy nhiên, cần có những hướng dẫn cụ thể hơn nhằm thực hiện khoản e, f, g và h của Điều 10 Công ước CEDAW liên quan đến việc áp dụng các biện pháp nhằm: giảm bớt tỷ lệ nữ sinh bỏ học và tổ chức các chương trình dành cho các em gái và phụ nữ đã phải bỏ học sớm; tạo cơ hội như nhau giữa nam và nữ để tham gia tích cực vào các hoạt động thể thao và giáo dục thể chất; tiếp cận tới thông tin giáo dục cụ thể giúp bảo đảm sức khoẻ và hạnh phúc gia đình, kể cả thông tin tư vấn về kế hoạch hoá gia đình. Bên cạnh đó, Điều 3 Công ước số 111 của ILO về phân biệt đối xử trong nghề nghiệp, việc làm năm 1958 đã đặt ra nghĩa vụ cho các quốc gia phải “quy định trong luật và thực hiện các chương trình giáo dục nhằm đảm bảo việc tuân thủ và tôn trọng sự bình đẳng về nghề nghiệp và việc làm”.  

j.       Về quyền bình đẳng giới trong các lĩnh vực của đời sống xã hội

Điều 13 Công ước CEDAW quy định một cách chi tiết về về các nghĩa vụ của các quốc gia thành viên trong việc xoá bỏ phân biệt đối xử với phụ nữ trong các lĩnh vực khác của đời sống xã hội, cụ thể: quyền được hưởng các phúc lợi gia đình; quyền vay vốn ngân hàng, cầm cố tài sản và tham gia các hình thức tín dụng khác; quyền được tham gia các hoạt động giải trí, thể thao và mọi mặt của đời sống văn hoá. Trong Luật Bình đẳng giới không quy định cụ thể về các quyền này ngoại trừ Điều 16 Luật quy định về bình đẳng giới trong lĩnh vực văn hoá – thông tin và thể thao. Tuy nhiên, nếu xét toàn bộ hệ thống pháp luật Việt Nam thì có thể thấy các vấn đề này đã được quy định cụ thể trong Bộ luật Dân sự năm 2005.

k.      Về bình đẳng của phụ nữ nông thôn

Công ước CEDAW giành riêng một điều (Điều 14) quy định về trách nhiệm của các quốc gia thành viên trong việc đảm bảo thực hiện các quy định của Công ước đối với phụ nữ nông thôn. Công ước quy định các nước tham gia Công ước phải áp dụng mọi biện pháp thích hợp để xoá bỏ phân biệt đối xử với phụ nữ nông thôn để đảm bảo cho phụ nữ, trên cơ sở bình đẳng nam nữ, được tham gia và hưởng lợi từ quá trình phát triển nông thôn. Nhóm nghiên cứu thấy rằng, quy định riêng về phụ nữ nông thôn là cần thiết, đặc biệt trong bối cảnh đa phần dân số Việt Nam vẫn sinh sống ở nông thôn và hiện tình trạng phân biệt đối xử về giới vẫn còn diễn ra ở nông thôn. Do đó, cần đề xuất Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị về thực hiện Luật Bình đẳng giới đối với phụ nữ ở nông thôn.

l.       Về bình đẳng giới trong lĩnh vực y tế

Luật đã đặt vấn đề bình đẳng giới trong lĩnh vực y tế thành một điều riêng (Điều 17). Tuy nhiên, nội dung Điều 15 lại chưa có những quy định mang tính bảo vệ phụ nữ mang thai, sinh đẻ và chăm sóc sau sinh, cung cấp các dịch vụ miễn phí ở những nơi cần thiết, đảm bảo cho phụ nữ chế độ dinh dưỡng thích hợp trong thời gian mang thai và cho con bú. Quy định này đã được đặt ra tại Điều 12 Công ước CEDAW. Ngoài quy định bảo vệ phụ nữ mang thai, quy định về bình đẳng giới trong lĩnh vực y tế cũng cần có những quy định nhằm thúc đẩy bình đẳng giới trong lĩnh vực này. Vấn đề này đã được đề cập ở trên, theo đó Nhóm nghiên cứu thấy rằng vấn đề này cần được cân nhắc quy định trong một văn bản quy phạm chuyên ngành về bảo vệ bà mẹ và trẻ em.

5. Kết luận và kiến nghị

        Tóm lại, qua nghiên cứu so sánh nội dung Công ước CEDAW với nội dung Luật Bình đẳng giới, chúng tôi nhận thấy Luật Bình đẳng giới đã là một bước tiến mới trong việc nội luật hoá các quy định của điều ước quốc tế về bình đẳng giới vào hệ thống pháp luật Việt Nam. Nhiều quy định trong Luật đã thể hiện sự tiến bộ trong việc bảo đảm và thúc đầy quyền bình đẳng giới ở nước ta như quy định về lồng ghép giới, quy định về các biện phảp bảo đảm bình đẳng giới, về trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, gia đình và cá nhân trong việc thực hiện và bảo đảm bình đẳng giới… Tuy nhiên, để thực hiện Luật cũng như đảm bảo thực hiện các nghĩa vụ đã đặt ra đối với Việt Nam khi tham gia Công ước CEDAW, cần thiết ban hành cũng như sửa đổi bổ sung một số văn bản quy phạm pháp luật có liên quan. Chính phủ đã ban hành Nghị định số 70/2008/NĐ-CP ngày 4/6/2008 quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Bình đẳng giới về trách nhiệm quản lý nhà nước về bình đẳng giới và phối hợp thực hiện quản lý nhà nước về bình đẳng giới. Tuy nhiên, theo chúng tôi cần nghiên cứu để  tiếp tục ban hành mới một số văn bản sau:

- Ban hành Nghị định về xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực bình đẳng giới nhằm thực thi các quy định tại các điều 40,41 và 42 của Luật. Nghị định cần được ra những mức phạt hành chính cụ thể đối với các hành vi vi phạm pháp luật về bình đẳng giới trong các lĩnh vực chính trị, kinh tế, lao động, giáo dục và đào tạo, khoa học và công nghệ, văn hóa, thông tin, thể dục, thể thao, y tế và gia đình.

- Ban hành Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ về thực hiện Luật Bình đẳng giới đối với phụ nữ ở nông thôn. Vấn đề này đã được phân tích ở phần trên của bài viết nghiên cứu.

Ngoài ra, cần cân nhắc sửa đổi một số nội dung trong hệ thống pháp luật hiện hành, ví dụ  như:

- Nghiên cứu sửa đổi, bổ sung Bộ luật Hình sự năm 1999 theo hướng bổ sung một số tội danh liên quan đến các vi phạm nghiêm trọng về bình đẳng giới; các tội danh liên quan đến hành vi buôn bán người như: tổ chức, môi giới buôn bán người, tổ chức buôn bán người vì mục đích mại dâm.v.v..

- Xem xét sửa đổi Chỉ thị 18/2002/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc thực hiện nghiêm chỉnh các Quyết định của Đảng về công tác cán bộ, các quy định của pháp luật về nghỉ hưu đối với cán bộ, công chức, viên chức nhà nước trong đó khẳng định tuổi buộc về hưu của nam là 60 và nữ là 55.

Ngoài vấn đề hoàn thiện hệ thống pháp luật, việc thực hiện hiệu quả Luật bình đẳng giới còn phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố khác như: năng lực đội ngũ cán bộ thực thi, ý thức pháp luật của xã hội, của từng người dân… Do đó, các cơ quan, tổ chức được quy định trong Chương IV của Luật cần triển khai một cách có hệ thống các công tác tập huấn, tuyên truyền và kiện toàn bộ máy, nhằm đảm bảo hiệu lực thực thi của Luật trên thực tiễn./.

Đặng Trung Hà - Bộ Tư pháp