Vai trò của tư vấn viên pháp luật với người nghèo và đối tượng chính sách

08/04/2009
Pháp luật được xác định là nhân tố cơ bản cấu thành một xã hội phát triển ổn định, không chỉ là công cụ quản lý xã hội của giai cấp cầm quyền mà pháp luật còn là phương tiện để bảo vệ quyền lợi chính đáng  của người dân. Chính vì vậy, hầu hết các quốc gia phát triển trên thế giới luôn quan tâm đến trình độ pháp lý của nhân dân trong mối quan hệ phát triển kinh tế của đất nước, tuy nhiên có một thực tế rằng khoảng cách giàu nghèo càng chênh lệch thì trình độ pháp lý có tỷ lệ chệnh lệch tương tự, điều đó có nghĩa là người càng nghèo thì sự hiểu biết pháp lý càng thấp.

Do vậy, phần lớn các quốc gia trên thế giới đều giành nhiều ưu ái cho người nghèo trong các chính sách phát triển kinh tế, xã hội của đất nước và quan tâm đến việc cải thiện trình độ pháp lý, cũng như cố gắng nỗ lực trong việc bảo vệ quyền lợi pháp lý cho họ. Việt Nam là một quốc gia đang phát triển, thu nhập bình quân đầu người đạt khoảng 800 USD/người/năm. Ngoài ra, với hậu quả của hai cuộc chiến tranh chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ để lại, đối tượng thương binh, liệt sỹ, có công với cách mạng, nạn nhân chất độc màu da cam chiếm một số dân không nhỏ, bên cạnh đó là một quốc gia với 54 dân tộc anh em mà trong số đó các dân tộc thiểu số thường tập trung sinh sống ở vùng sâu, vùng xa, vùng có điều kiện kinh tế khó khăn, đa số những đối tượng trên đều có sự hạn chế về tài chính nên rất khó tiếp cận với hệ thống pháp luật, và càng khó khăn hơn khi hệ thống pháp luật của Việt Nam đang từng bước được hoàn thiện. Do vậy, bên cạnh việc quan tâm đến cải thiện đời sống vật chất, văn hoá, xã hội cho nhân dân, Đảng và Nhà nước ta đã xác định việc nâng cao trình độ pháp lý cho nhân dân song hành cùng chủ trương chính sách xoá đói giảm nghèo, đền ơn, đáp nghĩa. Chính sách này được coi là sự cam kết của Nhà nước về việc đảm bảo công bằng, dân chủ đối với mọi tầng lớp nhân dân.

Có nhiều cách để thực hiện chủ trương này, trong nhiều năm qua nhà nước đã đạt được nhiều kết quả trong việc tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật, đưa pháp luật vào chương trình giáo dục, thực hiện nghiêm túc việc giám sát tuân thủ pháp luật của nhân dân... Tuy nhiên, với việc cử luật sư, tư vấn viên pháp luật tham gia trực tiếp tư vấn pháp luật, tham gia đại diện, bào chữa trong các vụ việc liên quan đến quyền, lợi ích hợp pháp cho đối tượng nói trên thì trợ giúp pháp lý được xem là cách thức có tác động trực tiếp đến người bị vi phạm, bị đe doạ vi phạm quyền lợi chính đáng mà pháp luật đã trao cho họ nhất.

Sự tham gia của tư vấn viên pháp luật và Trung tâm tư vấn pháp luật trực thuộc các tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức - xã hội nghề nghiệp trong hoạt động trợ giúp pháp lý

Quán triệt chủ trương từng bước xã hội hoá hoạt động trợ giúp pháp lý, huy động sự tham gia của cá nhân, tổ chức cùng bảo vệ quyền lợi chính đáng cho đối tượng được trợ giúp pháp lý, bên cạnh xác định trợ giúp pháp lý là trách nhiệm của nhà nước, nhà nước giữ vai trò nòng cốt trong việc thực hiện, tổ chức thực hiện trợ giúp pháp lý, Luật Trợ giúp pháp lý còn khuyến khích, tạo điều kiện để Mặt trận tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên, tổ chức hành nghề luật sư và Luật sư, cơ quan, tổ chức, cá nhân khác tham gia thực hiện, đóng góp, hỗ trợ hoạt động trợ giúp pháp lý. Với việc cụ thể hoá cơ chế hoạt động của tư vấn viên pháp luật và tổ chức tư vấn pháp luật thuộc tổ chức chính trị - xã hội , tổ chức chính trị xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội - nghề nghiệp, Luật trợ giúp pháp lý không những huy động được nguồn lực xã hội cùng tham gia trợ giúp pháp lý mà còn đưa hoạt động này vào khuôn khổ chặt chẽ hơn.

Cụ thể hoá chính sách này, Luật Trợ giúp pháp lý quy định tư vấn viên pháp luật làm việc trong tổ chức tư vấn pháp luật được quyền tham gia trợ giúp pháp lý, tham gia theo sự phân công của tổ chức tư vấn pháp luật nơi họ làm việc, tham gia trợ giúp pháp lý với tư cách cộng tác viên của Trung tâm trợ giúp pháp lý nhà nước. Điều 13 Luật trợ giúp pháp lý xác định các tổ chức tham gia trợ giúp pháp lý bao gồm, tổ chức hành nghề luật sư; tổ chức tư vấn pháp luật thuộc tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức chính trị xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội - nghề nghiệp. Khoản 1 Điều 7 Nghị định số 77/2008/NĐ-CP ngày 16 tháng 7 năm 2008 của Chính phủ về tư vấn pháp luật cũng quy định Trung tâm tư vấn pháp luật được thực hiện trợ giúp pháp lý theo quy định của pháp luật về trợ giúp pháp lý.

Thủ tục đăng ký tham gia, thay đổi, thu hồi Giấy đăng ký thực hiện trợ giúp pháp lý: Trung tâm tư vấn pháp luật muốn tham gia thực hiện trợ giúp pháp lý phải đăng ký với Sở Tư pháp nơi đã cấp Giấy đăng ký hoạt động. Hồ sơ đăng ký bao gồm: đơn đăng ký tham gia trợ giúp pháp lý; danh sách Tư vấn viên pháp luật; bản sao Giấy đăng ký hoạt động. Đơn đăng ký tham gia trợ giúp pháp lý có các nội dung chính sau đây:

- Tên, địa chỉ trụ sở, số điện thoại của tổ chức đăng ký tham gia trợ giúp pháp lý;

- Dự kiến diện người được trợ giúp pháp lý, hình thức, phạm vi, lĩnh vực đăng ký trợ giúp pháp lý.

Trong thời hạn bảy ngày làm việc, kể từ ngày nhận được hồ sơ đăng ký, Sở Tư pháp cấp Giấy đăng ký tham gia trợ giúp pháp lý cho tổ chức đã đề nghị và thông báo cho Trung tâm trợ giúp pháp lý nhà nước để phối hợp hoạt động. Trong trường hợp từ chối phải thông báo rõ lý do bằng văn bản.

Trong thời hạn bảy ngày làm việc, kể từ ngày được cấp Giấy đăng ký tham gia trợ giúp pháp lý, tổ chức được cấp Giấy đăng ký thực hiện công bố công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng ở địa phương về các nội dung của Giấy đăng ký tham gia trợ giúp pháp lý. Việc thực hiện trợ giúp pháp lý được tính từ khi đã thực hiện việc công bố công khai Giấy đăng ký tham gia trợ giúp pháp lý. Việc đăng ký tham gia trợ giúp pháp lý không phải trả lệ phí.

Điều 16 Luật trợ giúp pháp lý cũng quy định khi có thay đổi liên quan đến nội dung của Giấy đăng ký tham gia trợ giúp pháp lý, Trung tâm tư vấn pháp luật gửi đơn đề nghị thay đổi kèm theo Giấy đăng ký tham gia trợ giúp pháp lý đã cấp đến Sở Tư pháp nơi đã đăng ký. Trong thời hạn bảy ngày làm việc, kể từ ngày nhận được đơn đề nghị, Sở Tư pháp cấp mới Giấy đăng ký tham gia trợ giúp pháp lý. Trong trường hợp từ chối phải thông báo rõ lý do bằng văn bản. Việc cấp mới Giấy đăng ký tham gia trợ giúp pháp lý không phải trả lệ phí.

Trong trường hợp Trung tâm tư vấn pháp luật gây hậu quả nghiêm trọng hoặc đã bị xử phạt hành chính mà còn vi phạm thì không được tiếp tục tham gia trợ giúp pháp lý và bị thu hồi Giấy đăng ký tham gia trợ giúp pháp lý. Việc thu hồi Giấy đăng ký tham gia trợ giúp pháp lý do Giám đốc Sở Tư pháp quyết định và được thông báo công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng ở địa phương để nhân dân biết.

Khi bị thu hồi Giấy đăng ký tham gia trợ giúp pháp lý Trung tâm tư vấn pháp luật không được tiếp tục thực hiện trợ giúp pháp lý và không được cấp lại Giấy đăng ký tham gia trợ giúp pháp lý. Các vụ việc trợ giúp pháp lý đang thực hiện phải được chuyển giao cho Trung tâm ở địa phương nơi đã đăng ký tham gia trợ giúp pháp lý.

Quyền lợi và trách nhiệm của Trung tâm tư vấn pháp luật khi tham gia trợ giúp pháp lý: Trung tâm tư vấn pháp luật khi tham gia trợ giúp pháp lý được hưởng quyền lợi và phải chịu trách nhiệm đối với công việc của mình như sau:

- Được thực hiện trợ giúp pháp lý trong phạm vi Giấy đăng ký tham gia trợ giúp pháp lý; phối hợp với Trung tâm trợ giúp pháp lý nhà nước hoặc Chi nhánh của Trung tâm để thực hiện có hiệu quả vụ việc trợ giúp pháp lý.

- Được đề nghị cơ quan, tổ chức hữu quan cung cấp thông tin, tài liệu liên quan đến vụ việc trợ giúp pháp lý để phục vụ thực hiện trợ giúp pháp lý.

- Được giới thiệu người có yêu cầu trợ giúp pháp lý đến Trung tâm trợ giúp pháp lý nhà nước hoặc Chi nhánh của Trung tâm để được trợ giúp pháp lý; từ chối hoặc không tiếp tục thực hiện trợ giúp pháp lý theo quy định của Luật Trợ giúp pháp lý.

- Được Nhà nước hỗ trợ bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ và kỹ năng trợ giúp pháp lý cho đội ngũ người tham gia trợ giúp pháp lý.

- Được kiến nghị với cơ quan nhà nước có thẩm quyền về những vấn đề liên quan đến thi hành pháp luật phát sinh trong quá trình thực hiện trợ giúp pháp lý.

- Giải quyết tranh chấp trong trợ giúp pháp lý theo quy định của Luật Trợ giúp pháp lý và quy định khác của pháp luật có liên quan.

- Được biểu dương, khen thưởng khi có thành tích trong hoạt động trợ giúp pháp lý hoặc có đóng góp, hỗ trợ tích cực cho việc mở rộng và phát triển công tác trợ giúp pháp lý ở địa phương.

- Bảo đảm tuân thủ các nguyên tắc hoạt động trợ giúp pháp lý và các quy định của pháp luật về trợ giúp pháp lý khi người của tổ chức mình tham gia trợ giúp pháp lý.

- Chịu trách nhiệm trước pháp luật về việc thực hiện trợ giúp pháp lý của Luật sư, Tư vấn viên pháp luật thuộc quyền quản lý của mình và chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại do lỗi của mình gây ra trong quá trình thực hiện trợ giúp pháp lý cho người được trợ giúp pháp lý.

- Chịu sự quản lý của cơ quan nhà nước có thẩm quyền; thực hiện chế độ báo cáo, thống kê về trợ giúp pháp lý cho Sở Tư pháp nơi đăng ký.

Chấm dứt tham gia trợ giúp pháp lý của Trung tâm tư vấn pháp luật: Trung tâm tư vấn pháp luật chấm dứt tham gia trợ giúp pháp lý trong các trường hợp sau đây:

- Tự chấm dứt tham gia trợ giúp pháp lý;

- Không được tiếp tục tham gia trợ giúp pháp lý trong trường hợp gây hậu quả nghiêm trọng hoặc đã bị xử phạt hành chính mà còn vi phạm theo quy định tại khoản 2 Điều 48 của Luật Trợ giúp pháp lý;

- Chấm dứt hoạt động theo quy định của pháp luật.

Khi chấm dứt tham gia trợ giúp pháp lý Trung tâm tư vấn pháp luật phải thông báo cho Sở Tư pháp nơi đăng ký tham gia trợ giúp pháp lý và chuyển hồ sơ vụ việc trợ giúp pháp lý đang thực hiện trợ giúp đến Trung tâm trợ giúp pháp lý nhà nước ở địa phương nơi đăng ký tham gia trợ giúp pháp lý để tiếp tục thực hiện.

Những điểm cần lưu ý đối với tư vấn viên pháp luật khi thực hiện trợ giúp pháp lý

- Tư vấn viên pháp luật chỉ tham gia trợ giúp pháp lý bằng hình thức tư vấn pháp luật, các hình thức tham gia tố tụng và đại diện ngoài tố tụng chỉ áp dụng đối với cộng tác viên là luật sư.

- Khi thụ lý vụ việc trợ giúp pháp lý, tư vấn viên phải lưu ý chỉ thụ lý những vụ việc liên quan đến quyền, lợi ích hợp pháp của người được trợ giúp pháp lý và không thuộc lĩnh vực kinh doanh, thương mại, ngoài ra cũng cần phải kiểm tra các điều kiện về đối tượng, phạm vi trợ giúp pháp lý, nếu yêu cầu của người được trợ giúp pháp lý phù hợp với quy định thì phải thụ lý, nếu người được trợ giúp pháp lý còn thiếu những giấy tờ chứng minh là người được trợ giúp pháp lý hoặc giấy tờ, tài liệu có liên quan đến vụ việc trợ giúp pháp lý thì người tiếp nhận yêu cầu phải hướng dẫn họ cung cấp các giấy tờ, tài liệu đó.

- Tư vấn pháp luật được thực hiện bằng miệng hoặc bằng văn bản; tư vấn trực tiếp, bằng thư tín, điện tín hoặc thông qua phương tiện thông tin khác; thông qua trợ giúp pháp lý lưu động, sinh hoạt chuyên đề pháp luật, Câu lạc bộ trợ giúp pháp lý và các phương thức khác. Đối với vụ việc đơn giản, người thực hiện trợ giúp pháp lý phải tư vấn ngay và ghi chép những nội dung chính trong phiếu thực hiện trợ giúp pháp lý. Phiếu thực hiện trợ giúp pháp lý được lập thành hai bản, một bản giao cho người được trợ giúp pháp lý, một bản được lưu giữ trong hồ sơ vụ việc. Đối với vụ việc phức tạp, cần có thời gian nghiên cứu, xác minh hoặc vụ việc thiếu những giấy tờ, tài liệu có liên quan thì người thực hiện trợ giúp pháp lý phải viết phiếu hẹn hoặc yêu cầu bổ sung các giấy tờ, tài liệu còn thiếu. Trong thời hạn không quá mười lăm ngày, kể từ ngày thụ lý vụ việc hoặc nhận đủ các giấy tờ, tài liệu cần bổ sung, người thực hiện trợ giúp pháp lý có trách nhiệm nghiên cứu và trả lời bằng văn bản cho người được trợ giúp pháp lý; trong trường hợp vụ việc cần có thời gian để xác minh thì thời hạn này có thể kéo dài nhưng không quá ba mươi ngày. Đối với vụ việc yêu cầu tư vấn được chuyển đến bằng thư tín, người thực hiện trợ giúp pháp lý có trách nhiệm trả lời bằng văn bản trong thời hạn không quá mười lăm ngày, kể từ ngày nhận được yêu cầu trợ giúp pháp lý.

- Lập và lưu trữ hồ sơ trợ giúp pháp lý, hồ sơ vụ việc được coi là căn cứ đầy đủ, xác thực nhất để đánh giá chất lượng vụ việc mà tư vấn viên pháp luật đã thực hiện, do vậy việc lập và lưu trữ hồ sơ trợ giúp pháp lý cũng phải được thực hiện theo quy trình chặt chẽ. Một hồ sơ vụ việc trợ giúp pháp lý phải có các loại giấy tờ sau:

+ Đơn yêu cầu trợ giúp pháp lý;

+ Giấy tờ chứng minh là người được trợ giúp pháp lý;

+ Các giấy tờ, tài liệu có liên quan đến vụ việc trợ giúp pháp lý.

Ngoài ra, trong hồ sơ vụ việc trợ giúp pháp lý còn phải có phiếu thực hiện trợ giúp pháp lý hoặc văn bản tư vấn pháp luật.

 Trong thời hạn không quá mười lăm ngày, kể từ ngày hoàn thành vụ việc, người thực hiện trợ giúp pháp lý phải bàn giao hồ sơ vụ việc trợ giúp pháp lý cho tổ chức thực hiện trợ giúp pháp lý. Hồ sơ từng vụ việc trợ giúp pháp lý được phân loại, đánh số, sắp xếp theo thứ tự thời gian, hình thức, lĩnh vực pháp luật trợ giúp pháp lý và được lưu trữ trong thời hạn năm năm, kể từ ngày hồ sơ được bàn giao.

- Có quyền từ chối hoặc tiếp tục thực hiện trợ giúp pháp lý trong các trường hợp sau:

+ Người có yêu cầu trợ giúp pháp lý không thuộc đối tượng được trợ giúp pháp lý

+ Người được trợ giúp pháp lý cố tình cung cấp thông tin, tài liệu sai sự thật về vụ việc;

+ Người được trợ giúp pháp lý vi phạm nghiêm trọng nội quy hoặc có hành vi làm mất trật tự nơi thực hiện trợ giúp pháp lý; xâm phạm danh dự, nhân phẩm của người thực hiện trợ giúp pháp lý;

+ Người được trợ giúp pháp lý rút yêu cầu trợ giúp pháp lý;

+ Vụ việc đang được một tổ chức thực hiện trợ giúp pháp lý khác trợ giúp;

+ Vụ việc trợ giúp pháp lý không liên quan đến quyền, lợi ích hợp pháp của người được trợ giúp pháp lý và thuộc lĩnh vực kinh doanh, thương mại;

+ Vụ việc trợ giúp pháp lý thuộc trường hợp phải chuyển cho Trung tâm trợ giúp pháp lý nhà nước ở địa phương khác theo quy định của pháp luật.

Ngoài ra, Luật cũng quy định Tư vấn viên pháp luật phải từ chối hoặc không được tiếp tục thực hiện vụ việc trợ giúp pháp lý khi thuộc một trong các trường hợp sau đây:

+ Đã hoặc đang thực hiện trợ giúp pháp lý cho người được trợ giúp pháp lý là một bên có quyền lợi đối lập nhau trong cùng một vụ việc, trừ trường hợp hoà giải, giải đáp pháp luật;

+ Có quyền, lợi ích hợp pháp hoặc có người thân thích liên quan đến vụ việc trợ giúp pháp lý;

+ Người thực hiện trợ giúp pháp lý đã từng là người giải quyết vụ việc đó;

+ Có căn cứ khác cho rằng người thực hiện trợ giúp pháp lý có thể không khách quan trong thực hiện trợ giúp pháp lý.

Trường hợp từ chối hoặc không tiếp tục thực hiện trợ giúp pháp lý, tổ chức thực hiện trợ giúp pháp lý, người thực hiện trợ giúp pháp lý phải thông báo rõ lý do bằng văn bản cho người được trợ giúp pháp lý.

- Tuân thủ quy tắc nghề nghiệp trợ giúp pháp lý, thực hiện trợ giúp pháp lý phải tuân theo những chuẩn mực nhất định về hành vi ứng xử, yêu cầu nghiệp vụ... bởi nó không chỉ thể hiện tinh thần trách nhiệm của người thực hiện mà còn là cách thức quản lý hoạt động trợ giúp pháp lý. Quy tắc nghề nghiệp trợ giúp pháp lý đòi hỏi người thực hiện trợ giúp pháp lý nói chung và tư vấn viên pháp luật tham gia vào hoạt động này phải giữ gìn và không ngừng nâng cao uy tín nghề nghiệp; trung thực, khách quan; tuân thủ và tôn trọng pháp luật; bảo vệ tốt nhất quyền và lợi ích hợp pháp của người được trợ giúp pháp lý; bảo đảm bí mật thông tin về vụ việc trợ giúp pháp lý; tác phong, thái độ và hành vi ứng xử đúng mực; không phân biệt đối xử vì bất kỳ lý do về dân tộc, tôn giáo, tín ngưỡng, trình độ học vấn, địa vị xã hội, giới tính, độ tuổi, thể chất hoặc vụ việc trợ giúp pháp lý; tôn trọng, hợp tác và giúp đỡ đồng nghiệp; tôn trọng, phối hợp với các cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng trong việc làm rõ sự thật khách quan của vụ án; cộng tác, phối hợp chặt chẽ với cơ quan thông tin đại chúng; cộng tác, hỗ trợ chính quyền cơ sở; phối hợp, cộng tác với các cơ quan, tổ chức, cá nhân

- Tuân thủ đạo đức nghề nghiệp, những yêu cầu về đạo đức nghề nghiệp phản ánh sự tiến bộ của xã hội. Trước đây, khi nói đến đạo đức nghề nghiệp người ta chỉ nghỉ đến một số ngành nghề như ngành y, ngành giáo dục… nhưng ngày nay, vấn đề này được đặt ra với hầu hết các nghề, yêu cầu về đạo đức nghề nghiệp chính là sự đòi hỏi về chất lượng của các dịch vụ. Chính vì vậy, hầu hết các ngành nghề đều đưa ra cho mình những quy tắc đạo đức nghề nghiệp, những quy tắc này được xây dựng dựa trên các yêu cầu mang tính đặc thù riêng và bắt buộc người hành nghề phải tuân theo. Tuy nhiên, khác với những ngành nghề khác, tiêu chí đánh giá về đạo đức nghề nghiệp của người thực hiện trợ giúp pháp lý có sự khác biệt so với những ngành nghề khác và được đánh giá là khắt khe hơn, điều này xuất phát từ bản chất của trợ giúp pháp lý là thực hiện trách nhiệm của nhà nước trong việc đảm bảo quyền lợi cho những công dân đặc biệt. Do vậy, người thực hiện trợ giúp pháp lý ngoài việc tuân thủ các quy định của pháp luật nói chung với tư cách là một công dân, tuân thủ quy định dành riêng cho từng đối tượng cụ thể (như Luật luật sư, Pháp lệnh cán bộ công chức…) còn phải tuân thủ quy tắc nghề nghiệp và quy tắc đạo đức xã hội.

Đối với người được trợ giúp pháp lý thì trợ giúp pháp lý là một sự lựa chọn hợp lý khi có vướng mắc đến pháp luật, tuy nhiên sự hạn chế về kiến thức, thiếu thốn về tình cảm, tiền bạc, bệnh tật, cô đơn làm họ dễ mặc cảm, thiếu tự tin trong các mối quan hệ với những người xung quanh, đặc biệt là với người, cơ quan có quyền lực nhà nước, vì vậy rất khó khăn để họ trình bày sự việc cũng như nguyện vọng của mình. Do vậy, người thực hiện phải hiểu rõ trạng thái tình cảm này để khi tiếp xúc cần có thái độ thân thiện, thể hiện sự gần gủi, đồng cảm, dần dần gợi mở cho họ trình bày sự việc và nguyện vọng của mình, Luật trợ giúp pháp lý quy định người thực hiện trợ giúp pháp lý không được xúc phạm danh dự, nhân phẩm của người được trợ giúp pháp lý một phần cũng xuất phát từ đặc điểm đặc này. Việc xây dựng mối quan hệ thân thiện với người được trợ giúp pháp lý không những để tạo dựng uy tín của tư vấn viên pháp luật mà còn để xây dựng hình ảnh trợ giúp pháp lý là một địa chỉ đáng tin cậy trong lòng nhân dân.

TTT