Sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Điện ảnh: Người nước ngoài được sản xuất phim tại Việt Nam

13/03/2009
Sau 4 ngày làm việc, hôm qua 12/3, Hội nghị thường trực Hội đồng dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội đã kết thúc. Trước đó, Hội nghị đã thảo luận về Dự án sửa đổi một số điều của Luật Điện ảnh.

Phim “đen”, xử lý thế nào?

Báo cáo 2 năm thi hành Luật điện ảnh của Bộ Văn hóa, thể thao và du lịch cho biết: hiện nay trên cả nước đã có 3 đơn vị nhập khẩu và phát hành phim liên doanh với nước ngoài. Chỉ trong 2 năm 2007, 2008 tỷ lệ phim nhập của các Công ty này đã chiếm khoảng gần 40% thị phần nhập phim trong cả nước. Hiện nay, do Luật Điện ảnh hiện hành cho phép tổ chức, cá nhân nước ngoài, người VN định cư ở nước ngoài được đầu tư thành lập doanh nghiệp phát hành phim và phổ biến phim, không hạn chế hình thức đầu tư và tỷ lệ góp vốn nhưng lại chưa cho phép được đầu tư thành lập doanh nghiệp sản xuất phim riêng. Do đó, khi thành lập liên doanh, thông thường tỷ lệ vốn góp rất cao. Điều này dẫn đến họ chiếm lĩnh thị phần và chi phối mọi hoạt động.

Nhằm tạo điều kiện cho tổ chức, cá nhân nước ngoài, người VN định cư ở nước ngoài được tham gia sản xuất phim tại VN, Luật điện ảnh sửa đổi đã quy định, cho phép những đối tượng nêu trên được đầu tư cả trong lĩnh vực sản xuất phim, nhưng hạn chế tỷ lệ vốn pháp định của họ không được quá 51%.

Phần lớn các đại biểu Quốc hội đồng ý về việc hạn chế tỷ lệ vốn góp, tuy nhiên việc cho phép cả người nước ngoài được sản xuất phim tại VN thì còn nhiều ý kiến khác nhau.  Băn khoăn lớn nhất của các đại biểu là nếu như phim sản xuất trong nước lại có nội dung xấu mà VN không cho phép phổ biến nhưng người nước ngoài lại cứ mang ra ngoài lãnh thổ để chiếu thì chúng ta làm thế nào. Lý giải điều này, đại diện Bộ VHTTDL khẳng định: cơ quan có thẩm quyền sẽ tịch thu, và không được xuất khẩu theo quy định của pháp luật về xuất nhập khẩu văn hóa phẩm. Nếu phim vẫn được đem ra nước ngoài trình chiếu thì giải quyết bằng con đường ngoại giao. Tuy nhiên đối với những phim sản xuất không hợp pháp mà được mang ra nước ngoài, Bộ VHTTDL thừa nhận sẽ rất khó xử lý vì không thể áp dụng pháp luật VN.

Hội đồng thẩm định: cẩn thận kẻo quá tải

Đối với những phim đặt hàng sử dụng ngân sách nhà nước, Luật Điện ảnh hiện nay đang quy định chủ đầu tư dự án sản xuất phim phải tuyển chọn kịch bản văn học trên cơ sở ý kiến thẩm định kịch bản văn học và chọn doanh nghiệp sản xuất phim theo quy định của Luật Đấu thầu. Hội đồng thẩm định sẽ do chủ đầu tư dự án sản xuất phim thành lập…Quy định là vậy song hơn 2 năm thực hiện Luật Điện ảnh nhiều trường hợp sản xuất phim bằng ngân sách nhà nước vẫn áp dụng hình thức chỉ định thầu.

Lý do khó khăn trong việc thực hiện quy định về đấu thầu là việc tuyển chọn kịch bản để đấu thầu chỉ thực hiện được trong trường hợp tác giả kịch bản không đồng thời là đạo diễn hoặc quay phim của một tổ chức sản xuất phim. Thực tế ở VN (và nhiều nước trên thế giới) tác giả kịch bản đồng thời là đạo diễn hoặc đồng thời là đạo diễn và quay phim trong cùng tổ chức sản xuất phim. Nếu kịch bản có nội dung tốt nhưng tác giả kịch bản không làm đạo diễn hoặc không làm quay phim thì kịch bản đó cũng không thể đưa ra đấu thầu. Như vậy sẽ hạn chế khả năng tham gia đấu thầu của nhiều doanh nghiệp sản xuất phim. Khắc phục tình trạng này, Luật Điện ảnh quy định: đối với phim đặt hàng sử dụng ngân sách nhà nước, chủ đầu tư dự án phải thành lập hội đồng tư vấn tuyển chọn kịch bản để đấu thầu lựa chọn doanh nghiệp sản xuất phim hoặc lập phương án lựa chọn dự án của doanh nghiệp sản xuất phim, đảm bảo chất lượng tác phẩm..

Tuy nhiên, ông Nguyễn Quang Xuân, Phó chủ nhiệm Ủy ban đối ngoại của Quốc hội nêu vấn đề :việc bung ra để thành lập các hội đồng tuyển chọn như vậy liệu có duyệt hết được không? Ông Xuân đề nghị thành lập Hội đồng cần phải đi kèm với các điều kiện cấm, như các điều cấm khi nhập khẩu phim để hạn chế các phim độc hại. Có như vậy, hội đồng duyệt phim mới có thể đảm đương hết trọng trách của mình.

Thu Hằng

Sau hơn 2 năm thi hành Luật điện ảnh, đã có gần 20 cơ sở sản xuất phim tư nhân được thành lập, trong đó có 1 hàng phim đã có dự án tham gia sản xuất phim đặt hàng từ ngân sách nhà nước.

Hiện nay trên cả nước đã có 3 đơn vị nhập khẩu và phát hành phim liên doanh với nước ngoài.Chỉ trong 2 năm 2007, 2008 tỷ lệ phim nhập của các đơn vị này đã chiếm khoảng gần 40% thị phần nhập phim trong cả nước.