Ông Nguyễn Trọng An - Phó Vụ trưởng Vụ Chăm sóc và bảo vệ trẻ em – Bộ Lao động- Thương binh và xã hội: Nên có chế tài tước quyền nuôi con đối với những cha mẹ ngược đãi, bạo lực con mình

08/01/2009
Năm 2008 đã khép lại với biết bao chuyện vui buồn liên quan đến những phận người trong xã hội. Nhưng, có lẽ năm qua là một trong những năm khiến cho những người có lương tri ở nước ta đau lòng nhất khi hoàng loạt các vụ xâm hại, bạo lực đối với trẻ em xảy ra liên tục và mức độ phạm tội ngày càng dã man, kinh hoàng. Trẻ em bị xâm hại - nguyên nhân thì có nhiều và một trong những nguyên nhân đó chính là sự bất cập của pháp luật. Dưới góc độ của cơ quan quản lý Nhà nước về chăm sóc và giáo dục trẻ em, Phó Vụ trưởng Vụ Chăm sóc và bảo vệ trẻ em – Bộ Lao động- Thương binh và xã hội – ông Nguyễn Trọng An đã có những phân tích rất xác đáng về vấn đề này

* Thưa ông, như ông đã biết, trong thời gian gần đây, con số trẻ em là nạn nhân các vụ bạo hành ngày càng tăng lên. Đau lòng hơn, thủ phạm của những vụ việc đó lại chính là người thân, thậm chí là cha mẹ ruột của các em. Đã có nhiều năm gắn bó với công tác liên quan tới trẻ em, hẳn ông có thể lý giải nguyên nhân của hiện tượng này?

- Ông Nguyễn Trọng An: Về vấn đề xâm hại và bạo lực đối với trẻ em có thể kể đến một số nguyên nhân chính. Trước tiên, đó là vì nhận thức của toàn xã hội nói chung và ý thức của người dân nói riêng về vấn đề này còn nhiều hạn chế. Điều này thể hiện qua những biểu hiện như: công tác truyền thông, vận động, giáo dục và tư vấn  về bảo vệ trẻ em và phòng ngừa bạo lực, xâm hại trẻ em chưa được quan tâm đúng mức cả về đầu tư nguồn lực tài chính cũng như nhân lực nên chưa đủ sức đề kháng trước những ảnh hưởng của mặt trái nền kinh tế thị trường, trước sự xâm nhập ồ ạt của văn hoá bạo lực, tình dục. Bên cạnh đó, kiến thức, trách nhiệm của những người chăm sóc trẻ, của gia đình và cộng đồng chưa được hướng dẫn kịp thời nên năng lực bảo vệ trẻ của môi trường gia đình, cộng đồng và những người chăm sóc trẻ giảm sút, thậm chí xuất hiện nguy cơ ngay chính trong môi trường và những người chăm sóc trẻ. Mặt khác, sự nguy hại nhiều mặt của tình trạng xâm hại, bạo lực đối với trẻ em  cũng chưa được phát hiện, cảnh báo đúng mức và phòng ngừa kịp thời

            Tiếp đến, hệ thống pháp luật, chính sách của nước ta về lĩnh vực này còn quá nhiều điểm cần phải hoàn thiện, dù rằng Việt Nam đã tham gia Công ước LHQ về quyền trẻ em cũng như đã phê chuẩn các Nghị định tư bổ sung, ở trong nước hệ thống pháp luật về bảo vệ chăm sóc giáo dục trẻ em đã được điều chỉnh để đáp ứng những vấn đề nảy sinh và hài hoà với pháp luật quốc tế. Các “kẽ hở pháp luật” ở lĩnh vực này thể hiện qua việc thiếu những quy định, chế tài cụ thể về phòng ngừa, ngăn chặn và xử lý các hành vi xâm hại, bạo lực đối với trẻ em. Pháp luật cũng chưa có được quy định nhằm ràng buộc rõ trách nhiệm của các cơ quan nhà nước, các tổ chức xã hội, nhà trường, gia đình và các cá nhân trong việc bảo vệ trẻ em nói chung và phòng ngừa cũng như xử lý các vi phạm quyền trẻ em, xâm hại, bạo hành trẻ em nói riêng. Bên cạnh đó, cơ cấu tổ chức, các thủ tục và quy trình phòng ngừa, trợ giúp và giải quyết các trường hợp trẻ em bị xâm hại, bạo lực chưa được quy định rõ ràng...

            Về mặt kinh tế - xã hội, chính những thay đổi xã hội, nổi lên là sự phân hoá giàu nghèo, mức sống chênh lệch giữa các tầng lớp dân cư, giữa các vùng đã dẫn đến sự gia tăng các đối tượng trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt như trẻ em lang thang kiếm sống, trẻ em bị lạm dụng, bóc lột sức lao động và các hình thức bóc lột vì các mục đích thương mại khác (mại dâm, khiêu dâm, buôn bán người…). Một số giá trị văn hoá, đạo đức truyền thống tốt đẹp chưa được phát huy. Sự thay đổi quan niệm về một số giá trị đạo đức và lối sống theo hướng tiêu cực: vị kỷ, nhân cách bị đồng tiền làm tha hoá, gia tăng các tệ nạn xã hội, không coi trọng các mối quan hệ ruột thịt, gia đình, dòng họ… dẫn đến coi thường sinh mạng, phẩm giá con người. Bên cạnh đó, những lúng túng trong xác lập cơ chế vận hành hệ thống dịch vụ cơ bản: y tế, giáo dục, dịch vụ xã hội công ích khi rời bỏ cơ chế quản lý kế hoạch tập trung, bao cấp một mặt tạo ra những thiếu hụt dịch vụ, mặt khác làm cho một bộ phận dân cư nghèo không đủ điều kiện đáp ứng những nhu cầu chăm sóc, giáo dục, bảo vệ tối thiểu cho trẻ em cũng làm gia tăng nguy cơ và số lượng trẻ em bị xâm hại, nhất là nhóm trẻ em nghèo,vùng sâu, vùng xa. ..

*Có thể thấy một trong những nguyên nhân của tình trạng bạo lực gia đình nói chung và bạo lực trẻ em nói riêng gia tăng trong thời gian gần đây là do các chế tài của pháp luật trong lĩnh vực này còn bất cập, chưa đủ tính răn đe. Theo ý kiến của ông để ngăn chặn, tiến tới xoá bỏ hoàn toàn tình trạng này, cần có những sửa đổi gì ở góc độ pháp luật?

- Ông Nguyễn Trọng An: Nếu ta chỉ nói rằng chế tài của pháp luật còn bất cập, chưa đủ tính răn đe thì chưa đầy đủ. Như tôi đã phân tích ở trên, một trong những nguyên nhân của tình trạng này là do hệ thống pháp luật, chính sách của nước ta còn nhiều chưa hoàn thiện, cần thiết phải tiếp tục rà soát, chỉnh sửa và bổ sung cho hoàn thiện và phù hợp với tình hình xã hội hiện nay của nước ta, đặc biệt trong lĩnh vực bảo vệ và chăm sóc trẻ em. Ví dụ như, hiện nay, tác dụng phòng ngừa các hành vi xâm hại, bạo lực đối với trẻ em của pháp luật chưa cao, văn bản pháp luật lại không quy định rõ quyền hạn để thực hiện chức năng thanh tra, kiểm tra các hành vi  xâm hại trẻ em. Đơn cử, khi tiếp nhận thông tin, tố cáo trường hợp trẻ em bị xâm hại, cơ quan quản lý Nhà nước cũng chỉ có quyền xác minh sự việc, kiến nghị với cơ quan công an tiến hành các biện pháp để ngăn chặn hành vi vi phạm hoặc áp dụng biện pháp bảo vệ trẻ em  như: hạn chế quyền của cha mẹ, gửi trẻ cho cá nhân hoặc cơ sở chăm sóc. Chưa có những quy định cụ thể về bảo vệ người làm công tác bảo vệ chăm sóc trẻ em hoặc những chế tài về tước quyền nuôi con đối với những cha mẹ ngược đãi, bạo lực con mình. Ngay cả cơ quan quản lý Nhà nước về bảo vệ,chăm sóc trẻ em cũng không có quyền tiến hành các biện pháp khẩn cấp để ngăn chặn hành vi xâm hại trẻ trước khi tình hình trở nên trầm trọng hơn

Theo tôi, để hoá giải vấn đề này, cần phải có lộ trình cụ thể, trước mắt phải có ngay những văn bản hướng dẫn, chỉ đạo hoặc quyết định về mặt pháp lý “lấp bớt những kẽ hở luật pháp”, tiếp theo dựa trên kết quả đánh giá phân tích để bổ sung các điều khoản, chế tài của luật về vấn đề này.

* Có nhiều ý kiến cho rằng đã đến lúc phải liên tục đưa ra xét xử  một số vụ bạo lực đối với trẻ em điển hình đề đề cao tác dụng răn đe. Xin ông cho biết ý kiến của cá nhân ông về vấn đề này?

- Ông Nguyễn Trọng An: Trẻ em do non nớt về thể chất và tinh thần, sức tự đề kháng yếu nên bao giờ cũng là đối tượng dễ bị xâm hại, bạo lực, bóc lột, lạm dụng. Nhất là khi gia đình bị xô lệch, rạn vỡ hoặc cha mẹ không có nhận thức, kỹ năng bảo vệ trẻ, thậm chí còn xâm hại, ngược đãi trẻ, thì các khả năng bảo vệ trẻ khỏi bị xâm hại, phục hồi, hoà nhập cho trẻ đã bị xâm hại trở nên khó khăn, trẻ bị tổn hại nặng nề và lâu dài hơn. Chính vì thế, tôi tán thành việc các cơ quan pháp luật phải đảm bảo sự nghiêm minh, xử lý rất nghiêm khắc những vụ việc xâm hại nghiêm trọng quyền trẻ em. Tuy nhiên,  theo tôi vấn đề giáo dục, phòng ngừa cũng rất quan trọng và cần thiết.

* Xin trân trọng cảm ơn ông về cuộc nói chuyện này!

Hồng Phương