Ngày 3/3/2008, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã phối hợp với Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) và Bộ Kinh tế, Thương Mại và Công nghiệp (METI) Nhật Bản tổ chức diễn đàn hợp tác Nhà nước - Tư nhân(PPP) về phát triển cơ sở hạ tầng nhằm tìm hiểu chính sách PPP của OECD Nhật Bản trong lĩnh vực cung cấp nước sạch và năng lượng, hai sản phẩm rất quan trọng cấu thành và ảnh hưởng đến chi phí của mọi hoạt động sản xuất, kinh doanh cũng như sinh hoạt của mọi người dân.
Theo ông Bùi Quốc Trung, Phó Cục trưởng, Cục Đầu tư nước ngoài - Bộ Kế hoạch và Đầu tư, môi trường đầu tư của Việt Nam ngày càng trở nên hấp dẫn hơn với các nhà đầu tư nước ngoài. Ngoài yếu tố tăng trưởng kinh tế nhanh còn được cộng đồng các nhà đầu tư, trong đó có các nhà đầu tư Nhật Bản, đánh giá cao về nhiều mặt, đó là sự ổn định chính trị, dân số 85 triệu người, một thị trường lớn với nhiều lao động trẻ, chi phí lao động cạnh tranh so với các nước trong khu vực; Việt Nam có vị trí địa lý thuận lợi cho giao thông đường hàng không, đường biển, hệ thống pháp luật ngày càng hoàn chỉnh, phù hợp với thông lệ quốc tế và Luật Đầu tư mang tính hấp dẫn và cạnh tranh cao.
Chính phủ Việt Nam hiểu rõ rằng để duy trì tăng trưởng kinh tế ở tốc độ cao và thu hút lượng vốn lớn đầu tư trực tiếp nước ngoài từ các nước thì vấn đề cấp bách là phải nhanh chóng khắc phục những hạn chế, trong đó vấn đề cơ sở hạ tầng là rất quan trọng. Đây là lĩnh vực đòi hỏi vốn đầu tư rất lớn, ngoài vốn đầu tư của Nhà nước, cần huy động và sử dụng có hiệu quả vốn ODA, cũng như huy động ccầu tư tư nhân trong và ngoài nước cho đầu tư cơ sở hạ tầng trong đó sự hợp tác giữa Nhà nước và tư nhân giữ vai trò rất quan trọng dẫn đến thành công.
Huy động thêm vốn đầu tư, tăng hiệu quả đầu tư, gia tăng giá trị cho người tiêu dùng là ba lý do cơ bản để các chính phủ đẩy mạnh áp dụng các mô hình PPP. Theo ông Kensuke Tanaka, giám đốc Chương trình OECD, hiện nay đa số các dự án đã thực hiện đều thuộc lĩnh vực giao thông vận tải, mới chỉ có một số dự án thực hiện trong lĩnh vực công ích như cung cấp nước sạch, giáo dục... Để đảm bảo sự thành công cho mô hình PPP nói chung và mô hình PPP trong phát triển cơ sở hạ tầng nói riêng cần hội đủ hai yếu tố cơ bản sau: "hợp đồng hiệu quả" để tăng giá trị vốn đầu tư và "môi trường thuận lợi" để quản lý PPP, trong đó một trong những nội dung cơ bản nhất của nhân tố môi trường chính là khung thể chế, pháp lý đầy đủ và ổn định. Điều này sẽ góp phần giảm chi phí giao dịch, tăng tính minh bạch cho các mô hình PPP và khuyến khích các nhà đầu tư tư nhân tham gia tích cực hơn. Bên cạnh đó, cần xác định rõ các loại rủi ro như: rủi ro toàn cầu, rủi ro cơ bản, rủi ro chính trị, rủi ro dự án... từ đó xác định cách chia sẻ rủi ro. Trong đó, cách thức chia sẻ rủi ro phù hợp nhất là khu vực tư nhân sẽ chịu rủi ro thương mại và nhà nước chịu rủi ro chính trị, pháp lý.
Cùng với việc giới thiệu các chính sách của OECD về PPP trong phát triển cơ sở hạ tầng, các chuyên gia của OECD còn giới thiệu mô hình cụ thể của một số nước thành viên của OECD như Hoa Kỳ, Ai-len, Thổ Nhĩ kỳ, Hàn quốc về thực hiện các dự án PPP trong lĩnh vực cung cấp nước sạch và năng lượng điện. Bên cạnh đó, các chuyên gia cũng đã điểm lại kinh nghiệm của 30 nước đang phát triển và trỗi dậy nhằm đưa ra một đánh giá chung mang tính quốc gia về phát triển mô hình PPP cũng như chính sách để thu hút sự tham gia của khu vực tư nhân.
Tại Diễn đàn, các chuyên gia Nhật Bản đã khẳng định chính phủ Nhật Bản luôn sẵn sàng hỗ trợ các dự án PPP tại Việt Nam thông qua ODA, bao gồm hợp tác kỹ thuật và các nghiên cứu khả thi. Đây là một tín hiệu đáng mừng, góp phần đảm bảo tính khả thi cao của các dự án PPP tại Việt Nam, đặc biệt là các dự án PPP trong việc phát triển cơ sở hạ tầng, từng bước tăng hiệu quả đầu tư và cải thiện việc cung cấp dịch vụ.
Thu Phương