Tổ chức và hoạt động trợ giúp pháp lý của các nước trên thế giới ra đời và phát triển từ nhiều năm nay, như Na uy và Đa Mạch là hai quốc gia có hoạt động trợ giúp pháp lý đã ra đời từ thế kỷ 17, ở đó, ban đầu hoạt động trợ giúp pháp lý thực hiện dưới hình thức từ thiện của các luật sư như bào chữa cho bị can, bị cáo, bào vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho đương sự miễn phí trước toà án. Ở Việt nam, hoạt động về trợ giúp pháp lý cho người nghèo và đối tượng chính sách tuy mới ra đời gần 10 năm trở lại đây, nhưng bước đầu đã đem lại nhiều kết quả và khẳng định vị trí, vai trò của công tác trợ giúp pháp lý cho người nghèo và đối tượng chính sách là không thể thiếu được trong đời sống pháp luật của xã hội Việt nam hiện nay.
Trên cơ sở hệ thống pháp luật về trợ giúp pháp lý được hình thành, mà cao nhất là Luật trợ giúp pháp lý ra đời, làm cơ sở củng cố, nâng cao và mở rộng tổ chức trợ giúp pháp lý ở nước ta được từ Trung ương đến địa phương, gồm Cục Trợ giúp pháp lý thuộc Bộ Tư pháp và 64 Trung tâm trợ giúp pháp lý của Nhà nước tỉnh, thành phố và các chi nhánh trợ giúp pháp lý, Câu lạc bộ trợ giúp pháp lý cấp xã. Hình thành đội ngũ cán bộ, viên chức làm công tác trợ giúp pháp lý, cùng một lực lượng cộng tác viên trợ giúp pháp lý cùng tham gia hoạt động. Hoạt động trợ giúp pháp lý của các tổ chức trợ giúp pháp lý thật sự đóng vai trò quan trọng trong việc đáp ứng nhu cầu trợ giúp pháp lý cho người được trợ giúp pháp lý, chủ yếu người nghèo và đối tượng chính sách và hàng triệu lượt người được phổ biến, giáo dục pháp luật miễn phí, kịp thời hòa giải nhiều vụ việc xích mích, tư vấn và hướng dẫn cho người thực hiện trợ giúp pháp lý và kịp thời bài chữa, đại diện hàng nghìn vụ việc của người dân.
Nghiên cứu tổ chức và hoạt động trợ giúp pháp lý ở nước ta hiện nay, bước đầu cho thấy trợ giúp pháp lý có vai trò quan trọng đối với đời sống kinh tế xã hội, nhất là trong điều kiện xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa ở nước ta hiện nay. Cụ thể là:
Thứ nhất, tổ chức và hoạt động trợ giúp pháp lý cho người được trợ giúp pháp lý nói chung và cho người nghèo và đối tượng chính sách nói riêng góp phần xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân. Tư tưởng Nhà nước pháp quyền ở Việt Nam được hình thành từ lâu, nó được thể hiện và ghi nhận trong 4 bản Hiến pháp (1946, 1959, 1980, 1992). Đặc biệt, tư tưởng Nhà nước pháp quyền được tiếp tục khẳng định và làm rõ hơn qua các kỳ Đại hội đảng toàn quốc lần thứ VII, VIII, và IX và nhất là Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ X Đảng ta tiếp tục nhấn mạnh chủ trương xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN: “Nhà nước ta là Nhà nước pháp quyền XHCN. Cần có cơ chế vận hành của Nhà nước, bảo đảm nguyên tắc tất cả quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân. Quyền lực nhà nước là thống nhất, có sự phân công và phối hợp giữa các cơ quan nhà nước trong việc thực hiện quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp” [1]. Điều 2 Hiến pháp (sửa đổi, bổ sung năm 2001) quy định: “Nhà nước Cộng hòa XHCN Việt Nam là Nhà nước pháp quyền XHCN của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân. Tất cả quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân…” [2]. Về bản chất, Nhà nước pháp quyền là nhà nước dân chủ, quản lý mọi mặt đời sống xã hội bằng pháp luật và không ngừng tăng cường pháp chế XHCN. Trong Nhà nước pháp quyền mọi công dân điều phải bình đẳng trước pháp luật, ở đó các quyền con người được tôn trọng và bảo đảm thực thi. Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam có nhiệm vụ phục vụ cho sự nghiệp đổi mới của đất nước, thực hiện mục tiêu: “Dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh”. Cho nên tổ chức và hoạt động trợ giúp pháp lý với mục tiêu là nâng cao hiểu biết pháp luật, nâng cao dân trí pháp lý, tạo điều kiện cho người yếu thế trong xã hội, mà cụ thể người nghèo và đối tượng chính sách vươn lên trong việc tiếp cận pháp luật, tạo ra cơ chế công bằng trong mỗi công dân khi thực hiện quyền và nghĩa vụ theo quy định pháp luật, do đó quá trình tổ chức và hoạt động trợ giúp pháp lý đã làm bộc lộ được bản chất và những nguyên tắc cơ bản của Nhà nước pháp quyền XHCN.
Ngoài ra, tổ chức và hoạt động trợ giúp pháp lý sẽ góp phần mở rộng việc thực thi dân chủ ở cơ sở, nhất là mở rộng dân chủ trực tiếp; thông qua nhận thức pháp luật của người được trợ giúp pháp lý (chủ yếu người nghèo và đối tượng chính sách), họ biết sử dụng pháp luật để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình, bảo đảm sự bình đẳng của công dân trước pháp luật. Thông qua việc tuân thủ, chấp hành, sử dụng và áp dụng pháp luật của các chủ thể thực hiện pháp luật về trợ giúp pháp lý sẽ tạo ra một môi trường pháp lý rộng rãi cho người được trợ giúp pháp lý có những hành vi ứng xử hợp pháp; bảo đảm cho các đối tượng được trợ giúp pháp lý sử dụng các quy định của pháp luật để bảo vệ tốt nhất quyền, lợi ích hợp pháp của mình, thực hiện tốt nguyên tắc “mọi công dân bình đẳng trước pháp luật”.
Thứ hai, tổ chức và hoạt động trợ giúp pháp lý góp phần vào công cuộc cải cách tư pháp, cải cách hành chính nước ta hiện nay: Nghị quyết 48-NQ/TW của Bộ Chính trị ngày 24.5.2005 về Chiến lược xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật Việt Nam đến năm 2010, định hướng đến năm 2020 khẳng định: "Khuyến khích các tổ chức, cá nhân đầu tư phát triển dịch vụ thông tin, tư vấn, hỗ trợ pháp luật đáp ứng các nhu cầu đa dạng của nhân dân và phù hợp pháp luật. Đẩy mạnh hoạt động trợ giúp pháp lý cho người nghèo và đối tượng chính sách…”. Với tính cách là một hoạt động bổ trợ tư pháp, tổ chức và hoạt động trợ giúp pháp lý còn nhằm nâng cao trình độ hiểu biết pháp luật trong nhân dân, tránh sự tùy tiện lạm quyền từ phía cơ quan, cán bộ, công chức nhà nước trong việc thực thi nhiệm vụ, góp phần quan trọng trong việc giữ vững ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội, đồng thời tạo cơ chế hữu hiệu thực thi nguyên tắc bình đẳng giữa các công dân trước pháp luật không phân biệt vị thế xã hội. Nó còn đóng vai trò là người hướng dẫn pháp luật cho người nghèo và đối tượng chính sách, bảo đảm cho người được trợ giúp pháp lý miễn phí đều được tiếp cận, sử dụng pháp luật trong việc bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình, tạo ra điều kiện để công lý và công bằng xã hội được thực thi, thúc đẩy công tác phổ biến, giáo dục pháp luật cho người dân biết quyền và nghĩa vụ của họ theo pháp luật trợ giúp pháp lý...đó là bảo đảm quyền bình đẳng của mọi công dân trước pháp luật, mà trước hết là quyền bào chữa và nhờ người khác bào chữa cho mình thông qua tổ chức trợ giúp pháp lý. Chính vì vậy, hoạt động trợ giúp pháp lý đã có những đóng góp quan trọng cho công cuộc cải cách tư pháp .
Thông qua tổ chức và hoạt động trợ giúp pháp lý sẽ giúp cho người dân hiểu hơn các trình tự, thủ tục hành chính cần thiết, tránh đi lại nhiều lần, tốn kém tiền bạc và công sức của người dân, mà trước hết là người được trợ giúp pháp lý. Những vụ việc liên quan đến pháp lý của người nghèo, đối tượng chính sách, người già cô đơn, trẻ em không nơi nương tựa, dân tộc thiểu số, phụ nữ trong gia đình bạo lực... được những người thực hiện trợ giúp pháp lý tư vấn, đại diện, kiến nghị với cơ quan nhà nước có thẩm quyền giải quyết vụ việc nhanh chóng, đúng pháp luật, góp phần rất lớn vào công cuộc cải cách hành chính ở nước ta hiện nay. Đồng thời, tổ chức và hoạt động trợ giúp pháp lý còn làm cầu nối giúp chính quyền các cấp tháo gỡ, khắc phục những vướng mắc và tạo ra diễn đàn đối thoại giữa chính quyền với dân. Ngoài ra tổ chức và hoạt động trợ giúp pháp lý còn giúp cho các cơ quan tiến hành tố tụng, các cơ quan Nhà nước giải quyết công việc một cách chính xác, khách quan, công bằng và đúng pháp luật; góp phần tích cực thực hiện cải cách tư pháp, mở rộng điều kiện để thực hiện nguyên tắc tranh tụng trước toà, bảo đảm cho người nghèo, đối tượng chính sách, người già cô đơn, trẻ em không nơi nương tựa, dân tộc thiểu số, phụ nữ trong gia đình bạo lực... không có điều kiện thuê luật sư cũng có luật sư (với tư cách cộng tác viên) hoặc Trợ giúp viên pháp lý bảo vệ, bào chữa miễn phí quyền và lợi ích hợp pháp cho họ trước các cơ quan tố tụng.
Thứ ba, tổ chức và hoạt động trợ giúp pháp lý góp phần quan trọng trong công tác xóa đói, giảm nghèo, đền ơn, đáp nghĩa, thực hiện chính sách dân tộc của Đảng và Nhà nước. Chiến lược toàn diện về tăng trưởng và xóa đói giảm nghèo đến năm 2010 của Việt nam(Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Văn bản số 2685/VPCP ngày 21/5/2002) là chương trình hành động thực hiện định hướng tăng trưởng kinh tế và xóa đói giảm nghèo, kết hợp hài hòa giữa tăng trưởng kinh tế và giải quyết các vấn đề xã hội. Để phục vụ cho mục đích chung của Chiến lược là "tạo môi trường tăng trưởng nhanh, bền vững và xóa đói giảm nghèo", công tác trợ giúp pháp lý được coi là một trong những chính sách của Chiến lược trong đó xác định: "Hoàn thiện khuôn khổ pháp luật, tăng cường trợ giúp pháp lý và khả năng tiếp cận pháp lý cho người nghèo. Mở rộng mạng lưới trợ giúp pháp luật để người nghèo ở nông thôn, vùng sâu, vùng xa có thể tiếp cận với các dịch vụ trợ giúp pháp luật”. Đồng thời, Tổ chức và hoạt động trợ giúp pháp lý cho người được trợ giúp pháp lý góp phần còn thực hiện một số chính sách hỗ trợ các dịch vụ, cải thiện và nâng cao đời sống nhân dân, trợ giúp pháp lý để nâng cao nhận thức pháp luật thuộc Chương trình Phát triển kinh tế - xã hội các xã đặc biệt khó khăn vùng đồng bào dân tộc và miền núi giai đoạn 2006 – 2010. Theo đó, tổ chức và hoạt động trợ giúp pháp lý sẽ hỗ trợ về trợ giúp pháp lý, nâng cao nhận thức pháp luật cho người nghèo: hỗ trợ một số hoạt động tổ chức sinh hoạt câu lạc bộ trợ giúp pháp lý tại xã; tổ chức trợ giúp pháp lý lưu động tại xã, thôn, bản đặc biệt khó khăn; cung cấp thông tin pháp luật (tờ gấp, băng catset) miễn phí cho người nghèo.
Thực tế qua gần 10 năm tổ chức và hoạt động trợ giúp pháp lý đã góp phần nâng cao hiểu biết pháp luật cho người nghèo, đối tượng chính sách, người già cô đơn, trẻ em không nơi nương tựa, dân tộc thiểu số, phụ nữ trong gia đình bạo lực... Nó góp phần tăng cường khả năng tiếp cận pháp lý cho đồng bào dân tộc thiểu số ở vùng sâu, vùng xa. Hoạt động trợ giúp pháp lý thời gian qua không ngừng mở rộng mạng lưới trợ giúp pháp luật về cơ sở thông qua các hình thức và phương pháp tiến hành như thực hiện trợ giúp pháp lý lưu động, trợ giúp pháp lý qua các phương tiện thông tin đại chúng…để người nghèo, đối tượng chính sách ở nông thôn, vùng sâu, vùng xa có thể tiếp cận với các dịch vụ trợ giúp pháp luật miễn phí. Chính vì vậy, hoạt động trợ giúp pháp lý góp phần đẩy mạnh công tác xóa đói, giảm nghèo, nâng cao mức sống của đồng bào dân tộc thiểu số, không phân biệt dân tộc, địa bàn sinh sống…Chính vai trò này đã góp phần nâng cao vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế trong việc bảo vệ nhân quyền, phù hợp xu thế phát triển của thế giới, trước hết chú trọng người nghèo và các đối tượng bị thiệt thòi khác trong xã hội.
Thứ tư, tổ chức và hoạt động trợ giúp pháp lý người được trợ giúp pháp lý còn làm cho các chủ trương, chính sách của Đảng và pháp luật của Nhà nước được triển khai và thực thi trên thực tế. Tổ chức thực hiện các hoạt động về trợ giúp pháp lý cho người được trợ giúp pháp lý là quá trình hiện thực hóa các quy định pháp luật về trợ giúp pháp lý trên thức tế, mà pháp luật về trợ giúp pháp lý là sự cụ thể hóa các chủ trương, chính sách của Đảng, nên quá trình thực hiện trợ giúp pháp lý cũng là quá trình triển khai các chủ trương của Đảng, pháp luật của Nhà nước đi vào thực tế cuộc sống. Hay nói cách khác, hoạt động trợ giúp pháp lý cho người được trợ giúp pháp lý nhằm bảo đảm thực hiện chính sách nhất quán của Đảng ta là đặc biệt quan tâm đến người nghèo, đối tượng chính sách, trong đó có việc “xóa mù, xóa nghèo” về mặt pháp lý.
Pháp luật về trợ giúp pháp lý được ban hành trong thời gian qua sẽ làm cơ sở cho việc tiếp tục triển khai và thực hiện có hiệu quả công tác trợ giúp pháp lý trên phạm vi toàn quốc, tạo ra cơ chế đưa chủ trương, chính sách xóa đói giảm nghèo, đền ơn đáp nghĩa, bảo đảm thực hiện bình đẳng dân tộc và công bằng xã hội của Đảng và Nhà nước đi vào cuộc sống, đáp ứng kịp thời nhu cầu cần được giúp đỡ pháp luật miễn phí của người nghèo, đối tượng chính sách và đồng bào dân tộc thiểu số trong thời gian tới.
Thứ năm, tổ chức và hoạt động trợ giúp pháp lý sẽ góp phần đắc lực vào việc hoàn thiện hệ thống pháp luật Việt Nam. Thông qua tổ chức và hoạt động trợ giúp pháp lý sẽ giúp cho các tổ chức trợ giúp pháp lý đã phát hiện những vướng mắc, bất cập từ các quy định pháp luật, nhất là những quy định pháp luật liên quan đến người được trợ giúp pháp lý, để kiến nghị cơ quan chức năng sửa đổi, bổ sung nhằm làm hoàn thiện hơn trong việc xây dựng cơ chế, chính sách và pháp luật. Đồng thời, tổ chức và hoạt động trợ giúp pháp lý còn thúc đẩy cho đội ngũ Trợ giúp viên pháp lý, cộng tác viên trợ giúp pháp lý hoạt động chuyên nghiệp hơn, cũng như nâng cao kỹ năng, nghiệp vụ và tu dưỡng đạo đức phẩm chất của người thực hiện trợ giúp pháp lý...thực tế gần 10 năm thực hiện pháp luật về trợ giúp pháp lý ở Việt Nam đã cung cấp nhiều luận cứ khoa học từ thực tiễn để xây dựng cơ chế, chính sách cho việc nâng cao hoạt động trợ giúp pháp lý; nhất là việc hoàn thiện chức năng, tiêu chuẩn, điều kiện của từng người thực hiện trợ giúp pháp lý, người được trợ giúp pháp lý, cơ quan quản lý nhà nước đối hoạt động trợ giúp pháp lý..
Thứ sáu, tổ chức và hoạt động trợ giúp pháp lý có vai trò củng cố, bảo vệ và phát triển các giá trị đạo đức, thuần phong mỹ tục của dân tộc. Tâm lý chung của người Việt Nam chúng ta ngại tham gia kiện tụng, hoạt động hòa giải cơ sở là hình thức do pháp luật trợ giúp pháp lý cho phép đã vận động, thuyết phục các bên tranh chấp tự giải quyết vướng mắc trên cơ sở pháp luật và đạo đức xã hội. Tổ chức và hoạt động trợ giúp pháp lý còn đóng vai trò bảo vệ tính công bằng, tự do và nhân đạo, lòng tin vào công lý của con người. Các nghĩa vụ của người thực hiện trợ giúp pháp lý được ghi nhận trong Luật trợ giúp pháp lý sẽ chống lại các biểu hiện vi phạm trách nhiệm nghề nghiệp, không tuân thủ pháp luật và quy tắc trợ giúp pháp lý, hoặc việc quy định phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về nội dung trợ giúp pháp lý, tôn trọng sự thật khách quan, không thu phí, thù lao từ người được trợ giúp pháp lý...cho thấy, hoạt động trợ giúp pháp lý đóng vai trò giúp cho người nghèo, đối tượng chính sách, và đối tượng khác... nắm bắt những giá trị đạo đức, thuần phong mỹ tục của dân tộc Việt nam, đồng thời củng cố bảo vệ và làm cho nó không ngừng phát triển trong cuộc sống xã hội....
Tóm lại, từ những vấn đề trên, có thể nói, tổ chức và hoạt động trợ giúp pháp lý có vai trò quan trọng trong công cuộc xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN của dân, do dân, vì dân. Nó không những đem lại nhiều lợi ích cho người nghèo và đối tượng chính sách và một số đối tượng yếu thế khác, mà còn giúp cho các cơ quan chức năng nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của người dân từ cơ sở, nhất là những nguyện vọng chính đáng của người nghèo và đối tượng chính sách, qua đó, Nhà nước sẽ có những chủ trương, quyết sách đúng đắn trong việc thực hiện các chức năng xã hội của mình. Do vậy, tổ chức và hoạt động trợ giúp pháp lý có vai trò quan trọng trong công cuộc xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
Huỳnh Huyện