Chưa nên bỏ Nghị định độc lập

18/04/2008
Hôm qua (17/4), Uỷ ban thường vụ Quốc hội đã khai mạc phiên họp thứ 8 dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng và các Phó Chủ tịch Quốc hội. Ngay trong buổi sáng ngày 17/4, Uỷ ban thường vụ Quốc hội đã dành thời gian để thảo luận về những nội dung còn ý kiến khác nhau của 5 dự án Luật: Ban hành Văn bản quy phạm pháp luật (VBQPPL) sửa đổi; Quản lý, sử dụng tài sản nhà nước; Trưng mua, trưng dụng tài sản; Hoạt động chữ thập đỏ; Năng lượng nguyên tử.

Nghị định độc lập: tồn tại là cần thiết

Uỷ ban Pháp luật cho biết, mặc dù đã được Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp thứ 2, Quốc hội khoá XII, nhưng đến thời điểm này, vẫn còn một số nội dung quy định tại dự thảo Luật Ban hành VBQPPL còn ý kiến khác nhau. Về việc ban hành nghị định quy định những vấn đề mới, cần thiết để đáp ứng yêu cầu quản lý nhà nước nhưng chưa đủ điều kiện xây dựng thành luật, pháp lệnh, có ý kiến cho rằng không nên vì quy định này chỉ phù hợp trong điều kiện hệ thống pháp luật còn thiếu nhiều văn bản điều chỉnh các lĩnh vực của đời sống kinh tế, xã hội, nhất là khả năng thông qua luật của Quốc hội, pháp lệnh của Uỷ ban thường vụ Quốc hội chưa đáp ứng được yêu cầu. Ý kiến khác lại cho rằng, trong điều kiện phát triển kinh tế, xã hội của đất nước hiện nay, khó tránh khỏi sẽ phát sinh những vấn đề mới cần thiết phải có quy định của pháp luật điều chỉnh, nếu đợi ban hành luật hoặc pháp lệnh để điều chỉnh thì không kịp thời và sẽ phải liên tiếp sửa đổi vì các quan hệ này chưa ổn định. Vì vậy, chưa nên bỏ việc ban hành Nghị định loại này.

Bày tỏ quan điểm của Chính phủ về vấn đề này, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Hoàng Thế Liên khẳng định, về mặt lý thuyết, pháp luật là những quy định tĩnh, còn cuộc sống luôn vận động, nên muôn thuở nảy sinh mâu thuẫn và Nghị định là một trong những giải pháp để lựa chọn. Mặt khác, thực tế đã chứng minh, những vấn đề mới nảy sinh trong xã hội nếu được điều chỉnh bằng văn bản thấp, rồi tổng kết, kiểm nghiệm, nâng lên thành văn bản cao hơn  thì chắc chắn văn bản pháp luật đó có đời sống lâu hơn. “Vì những lý do này, theo tôi, dù hệ thống pháp luật có tốt đến mấy cũng không nên bỏ nghị định độc lập” – Thứ trưởng Hoàng Thế Liên nói. Thứ trưởng Liên cũng cho rằng, quá trình xây dựng, thực thi những nghị định độc lập (hay còn gọi là nghị định “không mũ”, tức là trên nó không có Luật, Pháp lệnh – PV) từ trước đến nay không những không có gì vướng mắc mà còn rất hữu ích cho quá trình tổng kết, xây dựng luật, pháp lệnh.

Đồng tình với quan điểm này, Bộ trưởng Tài chính Vũ Văn Ninh chia sẻ: “Nói hệ thống pháp luật của ta đã cơ bản tiến tới hoàn thiện nhưng đúng là quá trình thực thi vẫn còn nảy sinh rất nhiều bất cập. Cách đây không lâu chúng ta xây dựng Luật Chứng khoán. Đó là một lĩnh vực mới và lần đầu tiên có Luật Chứng khoán, nhiều quy định bây giờ thực hiện thấy vô cùng bất cập. Bởi vậy, nếu chúng ta bỏ qua khâu nghị định mà làm luôn luật, pháp lệnh thì quá trình thực hiện sẽ vô cùng khó khăn”. Ông Hà Văn Hiền, Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế của Quốc hội cũng đề nghị: “Trong một số năm trước mắt nên để hình thức nghị đinh độc lập. Nếu chúng ta quá lý tưởng hoá  hệ thống pháp luật thì sẽ dễ vấp trong quá trình điều hành”.

Bỏ Thông tư liên tịch là bỏ một công cụ điều hành hữu hiệu

Tương tự vấn đề nghị định độc lập, việc bỏ hay giữ hình thức VBQPPL liên tịch giữa các bộ, cơ quan ngang bộ cũng nhận được sự quan tâm thảo luận của Uỷ ban thường vụ Quốc hội. Uỷ ban Pháp luật cho biết, đối với hình thức văn bản này, loại ý kiến thứ nhất đề nghị nên bỏ vì có bỏ mới xác định được rạch ròi trách nhiệm của từng cơ quan ban hành văn bản. Tuy nhiên, luồng ý kiến thứ hai cho rằng, vẫn nên giữ loại hình thức VBQPPL này vì không phải trong trường hợp nào cũng phân định được rạch ròi trách nhiệm trong quản lý giữa các bộ, cơ quan ngang bộ. Việc giao các cơ quan này phối hợp ban hành văn bản liên tịch không có nghĩa là không xác định rõ trách nhiệm của từng cơ quan. Đây chỉ là việc phối hợp trong ban hành VBQPPL, còn trách nhiệm của từng bộ, cơ quan ngang bộ đã được xác định rõ trong các nghị định quy định chức năng, nhiệm vụ của các cơ quan này cũng như chính ngay trong văn bản liên tịch. Hơn nữa, không phải trong mọi trường hợp, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đều có thể ban hành VBQPPL để điều chỉnh những vấn đề thuộc phạm vi điều chỉnh của thông tư. Thứ trưởng Hoàng Thế Liên đưa ra chính kiến: “Hoạt động điều hành của Chính phủ hiện nay đã có nhiều cải tiến, tuy nhiên, thông tư liên tịch vẫn là một cách làm tốt. Nhiều việc đòi hỏi phải có sự phối hợp của các Bộ, cơ quan ngang bộ, nếu chia cắt ra sẽ rất khó cho điều hành. Mặt khác, những việc thuộc thẩm quyền của thông tư thì không nên nâng lên thành nghị định, không nên đẩy lên Chính phủ. Nếu bỏ thông tư liên tịch thì Chính phủ sẽ bỏ đi một công cụ điều hành hữu hiệu”.

Cũng trong quá trình thảo luận về dự án Luật Ban hành VBQPPL sửa đổi, nhiều ý kiến cho rằng, hệ thống văn bản của chúng ta hiện nay có nhiều loại văn bản khác nhau và với số lượng rất lớn nhưng chưa được tập hợp theo từng chủ đề nên gây rất nhiều khó khăn cho công tác tra cứu văn bản, nhất là khó có thể biết được văn bản có còn hiệu lực hay không. Kinh nghiệm của các nước cho thấy, việc tập hợp các văn bản pháp luật đang còn  hiệu lực theo từng chủ đề sẽ tạo điều kiện rất thuận lợi cho việc tra cứu, áp dụng pháp luật được chính xác cũng như qua đó có thể phát hiện được các quy định pháp luật còn chồng chéo để tiến hành sửa đổi, bổ sung, bảo đảm tính thống nhất của hệ thống pháp luật. Chính vì vậy, vấn đề này cần được luật hoá cụ thể trong Luật Ban hành VBQPPL.

Hồng Thuý