Vai trò Trang thông tin điện tử, Mạng xã hội trong công tác PBGDPL–Qua thực tiễn Cục PBGDPL, Bộ Tư phápNhằm tăng cường công tác chỉ đạo, quản lý Trang thông tin điện tử, Mạng xã hội, tạo điều kiện để phát triển lành mạnh, đúng định hướng, đồng thời quản lý tốt hệ thống truyền thông phục vụ sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Trang thông tin điện tử, Mạng xã hội có bước phát triển mạnh mẽ, tác động lớn đến đời sống xã hội ở hầu hết các quốc gia trên thế giới, trong đó có Việt Nam. Nếu như trước đây, khi phương tiện công nghệ chưa phát triển, công tác phổ biến, giáo dục pháp luật (PBGDPL) chủ yếu sử dụng phương thức chuyển tải thông tin bằng phương pháp trực tiếp, truyền miệng là chủ yếu, chưa có “yếu tố công nghệ” để kết nối thế giới đến từng cá nhân, làm cho việc tiếp cận thông tin pháp luật hạn chế. Hiện nay, vai trò của hoạt động Trang thông tin điện tử, Mạng xã hội trong công PBGDPL hiện nay đều tham gia vào quá trình tương tác, cung cấp, chia sẻ thông tin PBGDPL, tạo ra môi trường thông tin đa chiều với nội dung thông tin phong phú, đa dạng. Bài viết này, được đúc kết trên cơ sở quan điểm tác giả người làm công tác quản lý nhà nước về PBGDPL và nghiên cứu khoa học.1. Nhận diện quan điểm pháp lý về Trang thông tin điện tử, Mạng xã hội hiện nay
Theo quy định Nghị định 72/2013/NĐ-CP và Nghị định 27/2018/NĐ-CP; Trang thông tin điện tử (website) là hệ thống thông tin dùng để thiết lập một hoặc nhiều trang thông tin được trình bày dưới dạng ký hiệu, số, chữ viết, hình ảnh, âm thanh và các dạng thông tin khác phục vụ cho việc cung cấp và sử dụng thông tin trên Internet[1]. Như vậy, Trang thông tin điện tử có nhiều loại như: (i) Báo điện tử dưới hình thức trang thông tin điện tử; (ii) Trang thông tin điện tử tổng hợp; (iii) Trang thông tin điện tử nội bộ; (iv) Trang thông tin điện tử cá nhân; (v) Trang thông tin điện tử ứng dụng chuyên ngành. Còn Mạng xã hội(social network) là hệ thống thông tin cung cấp cho cộng đồng người sử dụng mạng các dịch vụ lưu trữ, cung cấp, sử dụng, tìm kiếm, chia sẻ và trao đổi thông tin với nhau, bao gồm dịch vụ tạo trang thông tin điện tử cá nhân, diễn đàn (forum), trò chuyện (chat) trực tuyến, chia sẻ âm thanh, hình ảnh và các hình thức dịch vụ tương tự khác[2]. Dựa trên định nghĩa mạng xã hội là gì ở trên, hiện nay, tại Việt Nam phổ biến có các mạng gồm: Facebook, Zalo, Instagram, Twitter, Youtube…
2. Vai trò của hoạt động Trang thông tin điện tử, Mạng xã hội trong công tác phổ biến, giáo dục pháp luật
Ảnh minh hoạ: Cổng Thông tin điện tử Phổ biến, giáo dục pháp luật/Nguồn: Internet)
Tính lan toả của thông tin PBGDPL được nhanh, nhạy, nhiều chiều: Khi Trang thông tin điện tử, Mạng xã hội PBGDPL phát triển, những phương pháp đó chưa đáp ứng được tính nhanh, nhạy, đa chiều của thông tin. Nguồn thông tin PBGDPL trên Trang thông tin điện tử, Mạng xã hội vốn nhanh, nhạy, nhiều chiều, giúp cho việc nắm, phân tích, cập nhật thông tin pháp luật kịp thời, đa dạng, khách quan hơn, nhất là việc nắm bắt những thông tin trái chiều. Do đó, cần có sự nhận thức “mạnh dạn và đúng đắn” cả mặt tính cực và tiêu cực của Trang thông tin điện tử, Mạng xã hội để nâng tầm văn hóa sử dụng Trang thông tin điện tử, Mạng xã hội chính là điều kiện tiên quyết để cơ quan quản lý và Nhân dân có thể tận dụng công cụ công nghệ để nâng cao chất lượng, hiệu quả trong công tác PBGDPL, đặc biệt là PBGDPL trên mạng xã hội.
Tạo ra sự thay đổi toàn diện quá trình tổ chức quản lý và thực hiện hoạt động cung cấp thông tin pháp luật, giáo dục ý thức pháp luật mà trong đó người dân được đặt vào vị trí trung tâm thông qua nền tảng, công nghệ số từ việc xây dựng dữ liệu đến kết nối, chia sẻ, khai thác, sử dụng thông tin pháp luật chính thống, đầy đủ, kịp thời, thuận lợi trên môi trường internet[3] Khai thác thế mạnh của công nghệ thông tin, việc tăng cường PBGDPL qua trang thông tin điện tử của cơ quan, đơn vị, địa phương và trang mạng xã hội cũng được quan tâm. Trong đó, tăng cường giới thiệu văn bản luật mới; tổ chức nhiều hội nghị, hội thảo, các cuộc thi tìm hiểu pháp luật trực tuyến; khuyến khích nhân dân tra cứu thông tin pháp luật qua các kênh, nhằm kết nối, chia sẻ thông tin. Nhờ đó, công tác quản lý, chỉ đạo, điều hành triển khai công tác PBGDPL thuận lợi, hiệu quả, tiết kiệm thời gian, góp phần bảo vệ quyền, nghĩa vụ và lợi ích hợp pháp của nhân dân.
Góp phần phát triển nhận thức các chủ thể khi tham gia vào công tác PBGDPL: Trang thông tin điện tử, Mạng xã hội có thể chính là người dân có thể chia sẻ cũng như tiếp nhận các kiến thức từ bên ngoài một cách nhanh chóng. Chỉ cần một vài thao tác đơn giản bạn sẽ dễ dàng nhận được các kiến thức về mọi lĩnh vực, phục vụ cho nhu cầu sinh hoạt làm việc. Kinh nghiệm của Nhật Bản cho thấy rằng thực hiện xã hội số tại Nhật Bản, Quốc hội đã ban hành Luật cơ bản về hình thành xã hội số (Luật số 35 năm 2021), trong đó nêu lên những triết lí cơ bản về xã hội số là tạo ra một xã hội mà mọi công dân đều được hưởng những lợi ích của công nghệ thông tin truyền thông; thúc đẩy cải cách cơ cấu kinh tế và tăng cường năng lực cạnh tranh quốc tế của ngành công nghệ số; mang lại cuộc sống dư dả, sung túc cho người dân; tạo ra cộng đồng dân cư năng động; tạo ra xã hội mà mọi người được sống yên bình, an toàn; khắc phục sự cách biệt về cơ hội sử dụng; bảo vệ quyền và lợi ích của cá nhân và pháp nhân; đáp ứng sự tiến bộ của công nghệ thông tin và truyền thông và ứng phó với những thách thức mới đi kèm với thay đổi trong cơ cấu xã hội và kinh tế[4]
Thúc đẩy sự phát triển của văn hóa pháp luật thông qua việc kết nối hoạt động PBGDPL: Nhờ việc có thể chia sẻ thông tin pháp luật của mọi người, vai trò của Trang thông tin điện tử và Mạng xã hội đã thúc đẩy sự kết nối của cộng đồng được nhanh chóng. Tuy nhiên, hoạt động Trang thông tin điện tử, Mạng xã hội khi tham gia vào công tác PBGDPL là một trong những yếu tố đóng vai trò lớn trong việc phát triển của một xã hội. Tuy nhiên bên cạnh những lợi ích tích cực, sự phát triển cũng tồn tại một số yếu tố ảnh hưởng tiêu cực cần ngăn chặn các thông tin xấu độc, vi phạm pháp luật.
3. Thực tiễn hoạt động Trang thông tin điện tử, Mạng xã hội trong công tác phổ biến, giáo dục pháp luật – Qua thực tiễn Cục Phổ biến, giáo dục pháp luật, Bộ Tư pháp
a. Kết quả thực hiện
- Xây dựng, vận hành, quản lý, khai thác Cổng/Trang thông tin điện tử phổ biến, giáo dục pháp luật. Cổng Thông tin PBGDPL quốc gia được Bộ Tư pháp xây dựng đáp ứng yêu cầu về chuyển đổi số trong công tác phổ biến, giáo dục pháp luật (PBGDPL) theo định hướng lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm phục vụ, bảo đảm tính tương tác, gắn kết giữa cơ quan quản lý nhà nước với người dân, doanh nghiệp, chia sẻ dữ liệu dùng chung trong công tác PBGDPL; hoạt động trên nhiều nền tảng thiết bị; hướng tới các giải pháp ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) trong PBGDPL; giao diện Cổng Thông tin điện tử PBGDPL được thiết kế khoa học, thân thiện; ưu tiên vị trí nổi bật để bố trí các chuyên mục, chức năng phục vụ thông tin PBGDPL đáp ứng nhu cầu người dân và doanh nghiệp.
(Ảnh minh hoạ: Cổng Thông tin điện tử pháp điển /Nguồn: Internet)
- Xây dựng các chương trình, sản phẩm, tài liệu, ấn phẩm PBGDPL để đăng tải trên Cổng PBGDPL quốc gia, Trang Thông tin điện tử PBGDPL. Cục tập trung quản trị, vận hành Trang thông tin điện tử PBGDPL; cập nhật thường xuyên các văn bản hướng dẫn, chỉ đạo, điều hành. Việc xây dựng các chương trình, sản phẩm, tài liệu, ấn phẩm để đăng tải lên Trang thông tin điện tử PBGDPL phục vụ nhu cầu tìm hiểu pháp luật của Nhân dân được thực hiện với hình thức phong phú, đa dạng (bài giảng điện tử, video tiểu phẩm pháp luật, câu hỏi đáp pháp luật, tờ gấp pháp luật, tài liệu giới thiệu các luật, pháp lệnh mới ban hành…); xây dựng các ấn phẩm, bài viết về pháp luật mà dư luận xã hội quan tâm hoặc cần định hướng dư luận xã hội và đăng tải trên Trang thông tin điện tử PBGDPL, Cổng thông tin PBGDPL quốc gia. Để phục vụ việc xây dựng nội dung Cổng Thông tin điện tử PBGDPL quốc gia, đang xây dựng dữ liệu hỏi - đáp pháp luật phục vụ xây dựng ứng dụng (App) về PBGDPL trên thiết bị di động trên cơ sở tổng hợp các tình huống hỏi - đáp về một số lĩnh vực pháp luật (hôn nhân - gia đình; phòng, chống tệ nạn xã hội; phòng, chống Covid-19; xử phạt vi phạm hành chính trong một số lĩnh vực; pháp luật về lao động; bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp…). Các bộ, ngành, đoàn thể trung ương đã biên soạn và đăng tải nhiều tin bài, bài viết, tài liệu PBGDPL lên Cổng/Trang/Chuyên mục PBGDPL thuộc phạm vi quản lý. Từ 01/01/2023 đến 13/11/2023, Cổng Thông tin PBGDPL Quốc gia đăng tải được: 847 tin bài.
- Đa dạng hóa các hình thức PBGDPL khác trên mạng xã hội thông qua Fanpage Phổ biến, giáo dục pháp luật để đăng tải thông tin PBGDPL; thí điểm thực hiện PBGDPL trên tài khoản Zalo “Phổ biến giáo dục pháp luật”. Để đa dạng hóa các hình thức PBGDPL, đã thực hiện PBGDPL trên mạng xã hội (thông qua Fanpage Phổ biến, giáo dục pháp luật để đăng tải thông tin PBGDPL; thí điểm thực hiện PBGDPL trên tài khoản Zalo “Phổ biến giáo dục pháp luật”. Sử dụng mạng xã hội Facebook. Trong giai đoạn tổ chức Hội thi Hòa viên giỏi toàn quốc lần thứ IV fanpage đã tích cực đăng tải những bài viết truyền thông về Hội thi và đạt được những hết quả đáng ghi nhận, cụ thể: số lượng bài viết: 86; số lượt tiếp cận: 370 nghìn người; lượt tương tác bài viết: 150 nghìn người. Đồng thời, Cục PBGDPL đã xây dựng kế hoạch phát triển fanpage, không chỉ tập trung vào việc đăng tải thông tin, chính sách pháp luật mới mà còn đăng tải nội dung mang tính thời sự, những thông tin quan trọng,... Từ đó thu hút nhiều sự chú ý và tăng lượt theo dõi cho fanpage. Cục PBGDPL đã phối hợp với Cục CNTT để hoàn thiện các thủ tục và hồ sơ xin dấu xác nhận (tick xanh) cho fanpage. Đặc biệt, thí điểm thực hiện PBGDPL trên tài khoản Zalo “Phổ biến giáo dục pháp luật” thì nội dung đã phong phú, đa dạng, tiếp cận đến nhiều người xem hơn và dần khắc phục được những hạn chế.
- Đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ tin học cho đội ngũ làm công tác PBGDPL, trang thông tin điện tử, mạng xã hội. Để nắm bắt về nhu cầu, thực trạng, hiệu quả ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác PBGDPL, đã tổ chức các khóa bồi dưỡng, tập huấn kỹ năng PBGDPL, trong đó có kỹ năng ứng dụng công nghệ thông tin trong PBGDPL cho cán bộ tham mưu công tác PBGDPL, báo cáo viên pháp luật và chuyên viên công nghệ thông tin của các bộ, ngành. Hàng năm, các địa phương đã tổ chức tập huấn, nâng cao trình độ tin học cho cán bộ làm công tác PBGDPL.
b.Tồn tại, hạn chế, nguyên nhân
- Tồn tại, hạn chế: (i) Một số bộ, ngành, địa phương còn chưa quan tâm đúng mức đến việc tăng cường công tác chỉ đạo, quản lý chấn chỉnh hoạt động trang thông tin điện tử, mạng xã hội trong công tác PBGDPL, chưa ban hành Kế hoạch thực hiện; tình hình triển khai một số hoạt động của còn chậm; (ii) Các chương trình, sản phẩm, tài liệu, ấn phẩm PBGDPL để đăng tải trên Cổng hoặc Trang thông tin điện tử PBGDPL còn thiếu phong phú; các Cổng/Trang Thông tin PBGDPL chưa có phần mềm, ứng dụng công nghệ trực tuyến trong PBGDPL như: Diễn đàn trao đổi trực tuyến; tư vấn, hỏi đáp pháp luật trực tuyến để phục vụ hiệu quả, thuận tiện hơn nhu cầu tìm hiểu pháp luật của người dân; (iii) Cơ sở hạ tầng về công nghệ thông tin còn hạn chế, chưa được đầu tư đúng mức; công tác phối hợp triển khai thực hiện giữa các đơn vị liên quan trong phạm vi một bộ, ngành, địa phương có lúc thiếu chặt chẽ, ảnh hưởng đến hiệu quả thực hiện và (iv) Nguồn nhân lực triển khai về việc tăng cường công tác chỉ đạo, quản lý chấn chỉnh hoạt động trang thông tin điện tử, mạng xã hội trong công tác PBGDPL còn hạn chế, đặc biệt mạng xã hội.
- Nguyên nhân: (i) Một bộ phận người dân thiếu chủ động tìm hiểu pháp luật trên môi trường mạng; đội ngũ những người phụ trách hoạt động trang thông tin điện tử, mạng xã hội phục vụ công tác PBGDPL chưa có thói quen chủ động, chất lượng chưa cao; (ii) Kinh phí triển khai thực hiện chưa được bố trí kịp thời, chưa bảo đảm theo yêu cầu nhiệm vụ dẫn đến một số nhiệm vụ, giải pháp của chưa được thực hiện đầy đủ, kịp thời, toàn diện; (iii) Thực hiện xây dựng chính quyền số, số hóa các lĩnh vực quản lý nhà nước mới được triển khai ở giai đoạn đầu, trong đó có công tác PBGDPL nên còn nhiều bất cập.
4. Gợi mở một số kiến nghị, đề xuất về việc nâng cao vai trò Trang thông tin điện tử, Mạng xã hội trong công tác phổ biến, giáo dục pháp luật trong gian tới
Thứ nhất, chú trọng rà soát xây dựng, hoàn thiện thể chế về quản lý nhà nước về chỉ đạo, quản lý chấn chỉnh hoạt động trang thông tin điện tử, mạng xã hội; tăng cường chỉ đạo, hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện; kịp thời sơ kết, tổng kết, động viên, khen thưởng kịp thời đối với những tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong chỉ đạo, quản lý chấn chỉnh hoạt động trang thông tin điện tử, mạng xã hội trong công tác PBGDPL; phát hiện các mô hình, cách làm hiệu quả trong thực tiễn để rút kinh nghiệm, nhân ra diện rộng.
Thứ hai, việc ứng dụng công nghệ thông tin trong PBGDPL cần có tư duy đổi mới, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm và có sự trao đổi kinh nghiệm; ứng dụng các thành tựu, công nghệ mới để đáp ứng yêu cầu tương tác, trực tuyến phục vụ nhu cầu tìm hiểu pháp luật của người dân, doanh nghiệp.
Thứ ba, chú trọng hướng dẫn, chỉ đạo, kiểm tra các hoạt động truyền thông chính sách, PBGDPL của trang thông tin điện tử, mạng xã hội, tăng cường phối hợp giữa các bộ, ngành, cơ quan, đơn vị là yếu tố quyết định cho thành công trong triển khai, từ đó có những giải pháp nâng cao hiệu quả công tác chỉ đạo, quản lý chấn chỉnh hoạt động trang thông tin điện tử, mạng xã hội trong công tác PBGDPL.
Thứ tư, tăng cường nguồn nhân lực thực hiện công tác truyền thông, PBGDPL trong hoạt động trang thông tin điện tử, mạng xã hội.
Thứ năm, phát huy đầy đủ trách nhiệm của Hội đồng phối hợp PBGDPL các cấp trong chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ này ở ngành, lĩnh vực quản lý chỉ đạo, quản lý chấn chỉnh hoạt động trang thông tin điện tử, mạng xã hội trong công tác PBGDPL./.TS. CVC Trần Văn Duy – Bộ Tư pháp [1] Xem thêm: Khoản 21 Điều 3 Nghị định 72/2013/NĐ-CP về Nghị định quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ Internet và thông tin trên mạng.[2] Xem thêm: Khoản 22 Điều 3 Nghị định 72/2013/NĐ-CP về Nghị định quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ Internet và thông tin trên mạng.[3] Phan Hồng Nguyên (2023), Tham luận Đẩy mạnh chuyển đổi số trong phổ biến, giáo dục pháp luật và truyền thông chính sách, Hội thảo trao đổi kinh nghiệm của Nhật Bản về chuyển đổi số trong phổ biến, giáo dục pháp luật và truyền thông dự thảo chính sách, Hà Nội.[4] Xem thêm: Onishi Hiromichi (2023), Chuyên gia pháp luật từ Bộ Tư pháp Nhật Bản, Hội thảo trao đổi kinh nghiệm của Nhật Bản về chuyển đổi số trong phổ biến, giáo dục pháp luật và truyền thông dự thảo chính sách, Hà Nội.