1. Hình thức xử phạt vi phạm hành chính
Kế thừa quy định của Luật cạnh tranh năm 2004
[1], Luật cạnh tranh năm 2018 quy định hình thức xử phạt cảnh cáo và hình thức xử phạt tiền là hai hình thức xử phạt chính
[2]. Quy định này cũng phù hợp, thống nhất với quy định của Luật xử lý vi phạm hành chính (XLVPHC), đó là hình thức xử phạt cảnh cáo và phạt tiền chỉ được quy định và áp dụng là hình thức xử phạt chính
[3].
Bên cạnh việc quy định về việc áp dụng hình thức xử phạt chính, Luật cạnh tranh năm 2018 cũng quy định về các hình thức xử phạt bổ sung. Đồng thời với việc kế thừa về các hình thức xử phạt bổ sung được quy định tại Luật cạnh tranh năm 2004: Tước quyền sử dụng giấy phép, chứng chỉ hành nghề; Tịch thu tang vật, phương tiện được sử dụng để vi phạm pháp luật về cạnh tranh. Luật cạnh tranh năm 2018 sửa đổi hình thức xử phạt bổ sung được quy định tại Luật cạnh tranh năm 2004 “
Thu hồi giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh” thành
“Thu hồi Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp hoặc văn bản tương đương”. Đồng thời, bổ sung hình thức xử phạt bổ sung
“Tịch thu khoản lợi nhuận thu được từ việc thực hiện hành vi vi phạm”. Tuy nhiên, đây là hình thức xử phạt bổ sung được luật hóa từ quy định của Nghị định số 71/2014/NĐ-CP ngày 21/7/2014 của Chính phủ quy định chi tiết Luật cạnh tranh về xử lý vi phạm pháp luật trong lĩnh vực cạnh tranh
[4].
Trong các hình thức xử phạt bổ sung nêu trên, hình thức xử phạt bổ sung: Thu hồi Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp hoặc văn bản tương đương là hình thức xử phạt không được quy định là hình thức xử phạt bổ sung theo quy định của Luật XLVPHC
[5]. Khoản 4 Điều 80 Luật XLVPHC quy định
“Trường hợp phát hiện giấy phép, chứng chỉ hành nghề được cấp không đúng thẩm quyền hoặc có nội dung trái pháp luật thì người có thẩm quyền xử phạt phải tiến hành thu hồi ngay theo thẩm quyền, đồng thời phải thông báo bằng văn bản cho cơ quan đã cấp giấy phép, chứng chỉ hành nghề đó biết; trường hợp không thuộc thẩm quyền thu hồi thì phải báo cáo với cơ quan có thẩm quyền để xử lý”. Theo quy định của Luật XLVPHC thì tùy từng trường hợp, thẩm quyền thu hồi giấy phép, chứng chỉ hành nghề thuộc về người có thẩm quyền xử phạt hoặc cơ quan khác có thẩm quyền. Luật XLVPHC chưa có quy định cụ thể ai/những người nào là người vừa có thẩm quyền xử phạt vừa có thẩm quyền thu hồi giấy phép, chứng chỉ hành nghề. Luật XLVPHC cũng không có quy định cụ thể việc thu hồi giấy phép, chứng chỉ hành nghề là hình thức xử phạt hay biện pháp khắc phục hậu quả. Trong khi đó, theo quy định của Luật cạnh tranh thì thu hồi Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh
[6]/Thu hồi giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp hoặc văn bản tương đương
[7] là hình thức xử phạt bổ sung. Hình thức xử phạt bổ sung
“Tịch thu khoản lợi nhuận thu được từ việc thực hiện hành vi vi phạm” là hình thức xử phạt mới được quy định theo Luật cạnh tranh. Qua nghiên cứu, rà soát với quy định của Luật XLVPHC, tác giả thấy rằng, hình thức xử phạt này có sự tương đồng với biện pháp khắc phục hậu quả được quy định trong Luật XLVPHC
“Buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện vi phạm hành chính”[8].
Quá trình xây dựng dự thảo Luật cạnh tranh, có ý kiến cho rằng dự thảo Luật quy định về xử lý vi phạm pháp luật về cạnh tranh giống như một hình thức xử phạt mới chưa có trong hệ thống pháp luật. Đề nghị rà soát lại, không nên quy định một loại trách nhiệm pháp lý mới mà chưa từng được quy định. Về vấn đề này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng: Xử lý vi phạm pháp luật về cạnh tranh về bản chất giống như một hình thức xử lý vi phạm hành chính. Tuy nhiên, các vụ việc vi phạm pháp luật về cạnh tranh có khả năng gây tác động lớn đến môi trường cạnh tranh, ảnh hưởng đến sự phát triển kinh tế, lợi ích người tiêu dùng, do đó, mức độ xử lý phải tương xứng với mức độ tác động, ảnh hưởng do hành vi vi phạm gây ra. Quy định về xử lý đối với các vi phạm pháp luật về cạnh tranh có sự khác biệt so với các quy định trong pháp luật về xử lý vi phạm hành chính…. Ngoài hình thức phạt tiền, dự thảo Luật còn quy định các hình thức xử phạt bổ sung và các biện pháp khắc phục hậu quả….
[9]. Theo đó, Luật cạnh tranh năm 2018 quy định, tùy theo tính chất, mức độ vi phạm, tổ chức, cá nhân vi phạm pháp luật về cạnh tranh còn có thể bị áp dụng một hoặc một số hình thức xử phạt bổ sung
[10]:
“a) Thu hồi Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp hoặc văn bản tương đương, tước quyền sử dụng giấy phép, chứng chỉ hành nghề;
b) Tịch thu tang vật, phương tiện được sử dụng để vi phạm pháp luật về cạnh tranh;
c) Tịch thu khoản lợi nhuận thu được từ việc thực hiện hành vi vi phạm”.
2. Về các biện pháp khắc phục hậu quả
Trên cơ sở kế thừa các biện pháp khắc phục hậu quả được quy định tại Luật cạnh tranh năm 2004
[11] như biện pháp cơ cấu lại doanh nghiệp lạm dụng vị trí thống lĩnh thị trường; cải chính công khai; loại bỏ những điều khoản vi phạm pháp luật ra khỏi hợp đồng hoặc giao dịch kinh doanh. Luật cạnh tranh năm 2018 đã quy định cụ thể hơn về các biện pháp khắc phục hậu quả, cụ thể:
- Biện pháp khắc phục hậu quả “
Cơ cấu lại doanh nghiệp lạm dụng vị trí thống lĩnh thị trường” theo Luật cạnh tranh năm 2004
[12] được quy định trong Luật cạnh tranh năm 2018 thành “
Cơ cấu lại doanh nghiệp lạm dụng vị trí thống lĩnh thị trường, lạm dụng vị trí độc quyền”[13] .
- Biện pháp khắc phục hậu quả “
Chia, tách doanh nghiệp đã sáp nhập, hợp nhất; buộc bán lại phần doanh nghiệp đã mua” theo Luật cạnh tranh năm 2004
[14] được quy định trong Luật cạnh tranh năm 2018 thành “
Chia, tách, bán lại một phần hoặc toàn bộ vốn góp, tài sản của doanh nghiệp hình thành sau tập trung kinh tế”[15].
- Giữ nguyên biện pháp khắc phục hậu quả “
Cải chính công khai” quy định trong Luật cạnh tranh năm 2004
[16].
- Biện pháp khắc phục hậu quả “
Loại bỏ những điều khoản vi phạm pháp luật ra khỏi hợp đồng hoặc giao dịch kinh doanh” theo Luật cạnh tranh năm 2004
[17] được quy định trong Luật cạnh tranh năm 2018 thành “
Loại bỏ điều khoản vi phạm pháp luật ra khỏi hợp đồng, thỏa thuận hoặc giao dịch kinh doanh”[18].
- Biện pháp khắc phục hậu quả “
Các biện pháp cần thiết khác để khắc phục tác động hạn chế cạnh tranh của hành vi vi phạm” theo Luật cạnh tranh năm 2004
[19] được quy định trong Luật cạnh tranh năm 2018 thành “
Các biện pháp cần thiết khác để khắc phục tác động của hành vi vi phạm”[20].
- Luật cạnh tranh năm 2018 bổ sung biện pháp khắc phục hậu quả “
Chịu sự kiểm soát của cơ quan nhà nước có thẩm quyền về giá mua, giá bán hàng hóa, dịch vụ hoặc các điều kiện giao dịch khác trong hợp đồng của doanh nghiệp hình thành sau tập trung kinh tế”[21]
Các biện pháp khắc phục hậu quả nêu trên hầu hết là những biện pháp khắc phục hậu quả nằm ngoài 09 biện pháp khắc phục hậu quả được quy định trong Luật XLVPHC
[22]. Bên cạnh đó, tại khoản 5 Điều 110 Luật cạnh tranh năm 2018, Quốc hội cũng giao
“Chính phủ quy định chi tiết các hình thức xử phạt và biện pháp khắc phục hậu quả đối với từng hành vi vi phạm quy định của pháp luật về cạnh tranh”.
3. Về mức phạt tiền đối với hành vi vi phạm pháp luật về cạnh tranh
Trên cơ sở kế thừa quy định của Luật cạnh tranh năm 2004
[23], phù hợp với thông lệ quốc tế
[24]; đồng thời, trên cơ sở tách bạch việc xử lý đối với các nhóm hành vi có tính chất khác nhau (gồm: cạnh tranh không lành mạnh; vi phạm quy định về tập trung kinh tế; hạn chế cạnh tranh và các hành vi khác vi phạm pháp luật cạnh tranh
[25]), Luật cạnh tranh năm 2018 đã quy định cụ thể các mức phạt tiền tối đa khác nhau đối với các hành vi vi phạm pháp luật về cạnh tranh
[26], cụ thể như sau:
- Mức phạt tiền tối đa đối với hành vi vi phạm quy định về thỏa thuận hạn chế cạnh tranh, lạm dụng vị trí thống lĩnh thị trường, lạm dụng vị trí độc quyền là 10% tổng doanh thu của doanh nghiệp có hành vi vi phạm trên thị trường liên quan trong năm tài chính liền kề trước năm thực hiện hành vi vi phạm, nhưng thấp hơn mức phạt tiền thấp nhất đối với các hành vi vi phạm được quy định trong Bộ luật Hình sự.
- Mức phạt tiền tối đa đối với hành vi vi phạm quy định về tập trung kinh tế là 05% tổng doanh thu của doanh nghiệp vi phạm trên thị trường liên quan trong năm tài chính liền kề trước năm thực hiện hành vi vi phạm.
- Mức phạt tiền tối đa đối với hành vi vi phạm quy định về cạnh tranh không lành mạnh là 2.000.000.000 đồng.
- Mức phạt tiền tối đa đối với hành vi khác vi phạm quy định của Luật này là 200.000.000 đồng.
Luật cạnh tranh năm 2018 cũng quy định, mức phạt tiền tối đa quy định tại các nội dung nêu trên là mức áp dụng đối với hành vi vi phạm của tổ chức; đối với cá nhân có cùng hành vi vi phạm pháp luật về cạnh tranh, mức phạt tiền tối đa bằng một phần hai mức phạt tiền tối đa đối với tổ chức. Đồng thời, Luật cạnh tranh năm 2018 giao Chính phủ quy định chi tiết mức phạt tiền đối với hành vi vi phạm quy định của Luật này.
Quy định về mức phạt tiền đối với hành vi vi phạm pháp luật về cạnh tranh trong Luật cạnh tranh năm 2018 phù hợp với quy định của Luật XLVPHC. Khoản 3 Điều 24 Luật XLVPHC quy định
“Mức phạt tiền tối đa trong các lĩnh vực thuế; đo lường; … hạn chế cạnh tranh theo quy định tại các luật tương ứng”. Điểm e khoản 1 Điều 3 Luật XLVPHC cũng quy định
“Đối với cùng một hành vi vi phạm hành chính thì mức phạt tiền đối với tổ chức bằng 02 lần mức phạt tiền đối với cá nhân”.
4. Về miễn, giảm tiền phạt (chính sách khoan hồng)
Điểm mới trong quy định của Luật cạnh tranh năm 2018 so với Luật cạnh tranh năm 2004 là bổ sung quy định về chính sách khoan hồng (miễn hoặc giảm mức xử phạt theo chính sách khoan hồng). Theo bản thuyết minh chi tiết Dự thảo Luật cạnh tranh (sửa đổi)
[27] việc bổ sung quy định này là yêu cầu cấp thiết, xuất phát từ những lý do sau:
Luật cạnh tranh năm 2004 chưa có quy định về chương trình khoan hồng, gây khó khăn cho cơ quan cạnh tranh trong việc phát hiện và xử lý kịp thời đối với các hành vi thỏa thuận hạn chế cạnh tranh. Thực tiễn thực thi pháp luật cạnh tranh cho thấy, các hành vi thoả thuận hạn chế cạnh tranh ngày càng có xu hướng “ngầm hoá” do các bên tham gia thoả thuận luôn muốn che giấu hành vi vi phạm nhằm né tránh trách nhiệm pháp lý. Việc phát hiện và thu thập thông tin, chứng cứ về hành vi thoả thuận hạn chế cạnh tranh ngày càng trở nên khó khăn hơn, trở thành thách thức lớn đối với cơ quan cạnh tranh.
Kinh nghiệm của nhiều quốc gia trên thế giới như Hoa Kỳ, EU, Nhật Bản, Hàn Quốc, Úc… cho thấy, chương trình khoan hồng là một công cụ hữu hiệu nhằm kịp thời phát hiện và xử lý các hành vi thoả thuận hạn chế cạnh tranh, góp phần nâng cao hiệu quả thực thi pháp luật cạnh tranh, bởi vì chương trình khoan hồng cho phép miễn hoặc giảm mức phạt đối với một hoặc một số bên tham gia thoả thuận với những điều kiện nhất định đã tạo động cơ, thúc đẩy các doanh nghiệp này tự nguyện khai báo và hợp tác tích cực với cơ quan cạnh tranh trong quá trình điều tra vụ việc. Trên thực tế,phần lớn các vụ việc thoả thuận hạn chế cạnh tranh được các cơ quan cạnh tranh phát hiện và điều tra thông qua chương trình khoan hồng, thậm chí cả các vụ thoả thuận hạn chế cạnh tranh xuyên biên giới.
Luật cạnh tranh năm 2004 không quy định về chính sách khoan hồng, mà mới chỉ có quy định về các tình tiết giảm nhẹ mức độ xử lý vi phạm. Xét về bản chất, các tình tiết giảm nhẹ không thể thay thế cho chính sách khoan hồng và ngược lại, mặc dù có một số điểm giống nhau như đều trên cơ sở tự nguyện hợp tác của các đối tượng và cùng được giảm mức độ xử lý vi phạm. Tuy nhiên, tình tiết giảm nhẹ không tạo đủ động lực cho sự khai báo và phát hiện các hành vi thoả thuận hạn chế cạnh tranh. Đồng thời, thực tiễn 12 năm thi hành Luật cạnh tranh cho thấy, quy định về tình tiết giảm nhẹ không giúp khám phá ra nhiều vụ việc vi phạm do chưa tạo được động cơ và áp lực lớn để doanh nghiệp tham gia thỏa thuận trình báo và cung cấp thông tin về thỏa thuận mà họ tham gia. Vì vậy, cần phải bổ sung các quy định về chính sách khoan hồng để tăng cường hiệu quả thực thi pháp luật.
Xuất phát từ sự cần thiết nêu trên, Luật cạnh tranh năm 2018 đã bổ sung quy định về chính sách khoan hồng. Việc bổ sung quy định này sẽ tạo cơ chế thúc đẩy doanh nghiệp vi phạm tự nguyện khai báo và cung cấp thông tin về hành vi vi phạm, phối hợp chặt chẽ với cơ quan cạnh tranh trong điều tra, tăng khả năng phát hiện, điều tra và xử lý đối với các hành vi thoả thuận hạn chế cạnh tranh bị cấm, nâng cao hiệu quả thực thi pháp luật cạnh tranh, cụ thể:
Điều 112 Luật cạnh tranh năm 2018 quy định doanh nghiệp tự nguyện khai báo giúp Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia phát hiện, điều tra và xử lý hành vi thỏa thuận hạn chế cạnh tranh bị cấm quy định tại Điều 12
[28] của Luật này được miễn hoặc giảm mức xử phạt theo chính sách khoan hồng. Quy định này không áp dụng đối với doanh nghiệp có vai trò ép buộc hoặc tổ chức cho các doanh nghiệp khác tham gia thỏa thuận.
Việc miễn hoặc giảm mức xử phạt được thực hiện trên cơ sở đáp ứng đủ các điều kiện sau đây:
Thứ nhất, đã hoặc đang tham gia với vai trò là một bên của thỏa thuận hạn chế cạnh tranh quy định tại Điều 11
[29] của Luật này;
Thứ hai, tự nguyện khai báo hành vi vi phạm trước khi cơ quan có thẩm quyền ra quyết định điều tra;
Thứ ba, khai báo trung thực và cung cấp toàn bộ các thông tin, chứng cứ có được về hành vi vi phạm, có giá trị đáng kể cho việc phát hiện, điều tra và xử lý hành vi vi phạm;
Thứ tư, hợp tác đầy đủ với cơ quan có thẩm quyền trong suốt quá trình điều tra và xử lý hành vi vi phạm.
Chính sách khoan hồng áp dụng cho không quá 03 doanh nghiệp đầu tiên nộp đơn xin hưởng khoan hồng đến Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia đáp ứng đủ các điều kiện theo quy định. Căn cứ xác định danh nghiệp được hưởng khoan hồng được quy định như sau: (i) Thứ tự khai báo; (ii) Thời điểm khai báo; (iii) Mức độ trung thực và giá trị của các thông tin, chứng cứ đã cung cấp.
Việc miễn, giảm mức phạt tiền được thực hiện như sau: Doanh nghiệp đầu tiên có đơn xin hưởng khoan hồng và đáp ứng đủ các điều kiện quy định được miễn 100% mức phạt tiền. Doanh nghiệp thứ hai và thứ ba có đơn xin hưởng khoan hồng và đáp ứng đủ điều kiện quy định lần lượt được giảm 60% và 40% mức phạt tiền. Chủ tịch Ủy ban cạnh tranh quốc gia quyết định việc miễn hoặc giảm mức xử phạt theo chính sách khoan hồng.
Khác với quy định của Luật cạnh tranh, Luật XLVPHC chỉ quy định việc giảm, miễn tiền phạt đối với cá nhân vi phạm hành chính, không quy định việc giảm, miễn tiền phạt đối với tổ chức. Theo đó, cá nhân thuộc trường hợp bị phạt tiền từ 3.000.000 đồng trở lên đang gặp khó khăn đặc biệt, đột xuất về kinh tế do thiên tai, thảm họa, hỏa hoạn, dịch bệnh, bệnh hiểm nghèo, tai nạn và có xác nhận của Ủy ban nhân dân cấp xã nơi người đó cư trú hoặc cơ quan, tổ chức nơi người đó học tập, làm việc
[30] mà không có khả năng thi hành quyết định thì có thể được xem xét giảm, miễn phần còn lại tiền phạt ghi trong quyết định xử phạt
[31]. Để được giảm, miễn tiền phạt,
[32] cá nhân phải có đơn đề nghị giảm, miễn phần còn lại hoặc toàn bộ tiền phạt gửi người đã ra quyết định xử phạt. Trong thời hạn 03 ngày, kể từ ngày nhận được đơn, người đã ra quyết định xử phạt phải chuyển đơn kèm hồ sơ vụ việc đến cấp trên trực tiếp. Trong thời hạn 05 ngày kể từ ngày nhận được đơn, cấp trên trực tiếp phải xem xét quyết định và thông báo cho người đã ra quyết định xử phạt, người có đơn đề nghị giảm, miễn biết; nếu không đồng ý với việc giảm, miễn thì phải nêu rõ lý do. Đối với trường hợp Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh đã ra quyết định xử phạt thì Ủy ban nhân dân cấp tỉnh đó xem xét, quyết định việc giảm, miễn tiền phạt. Cá nhân được giảm, miễn tiền phạt được nhận lại giấy tờ, tang vật, phương tiện đang bị tạm giữ theo quy định tại khoản 6 Điều 125
[33] của Luật XLVPHC.
Có thể thấy, quy định về xử phạt đối với các vi phạm pháp luật về cạnh tranh theo quy định của Luật cạnh tranh năm 2018 bên cạnh việc kế thừa các quy định của Luật cạnh tranh năm 2004, có những quy định có sự thống nhất, phù hợp với quy định của Luật XLVPHC, thì cũng có những điểm mới so với Luật cạnh tranh năm 2004, sự khác biệt so với các quy định pháp luật về xử lý vi phạm hành chính. Hiện nay, việc xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực cạnh tranh được thực hiện theo quy định của nhiều văn bản quy phạm pháp luật khác nhau: Nghị định số 71/2014/NĐ-CP ngày 21/7/2014 của Chính phủ quy định chi tiết Luật cạnh tranh về xử lý vi phạm pháp luật trong lĩnh vực cạnh tranh; Nghị định số 185/2013/NĐ-CP ngày 15/11/2013 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng; Nghị định số 124/2015/NĐ-CP ngày 19/11/2015 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 185/2013/NĐ-CP và Nghị định số 141/2018/NĐ-CP ngày 08/10/2018 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của các Nghị định quy định xử lý vi phạm pháp luật trong hoạt động kinh doanh theo phương thức đa cấp. Do đó, để tạo thuận lợi trong quá trình thực hiện pháp luật của các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan, trên cơ sở quy định của Luật cạnh tranh năm 2018, đề nghị Chính phủ sớm ban hành một Nghị định quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực cạnh tranh (sửa đổi, bổ sung, thay thế các Nghị định nêu trên) để quy định cụ thể hành vi vi phạm hành chính, hình thức xử phạt, mức xử phạt, biện pháp khắc phục hậu quả đối với từng hành vi vi phạm hành chính; thẩm quyền xử phạt, mức phạt tiền cụ thể theo từng chức danh và thẩm quyền lập biên bản đối với vi phạm hành chính trong lĩnh vực cạnh tranh./.
4. Nghị định số 71/2014/NĐ-CP ngày 21/7/2014 của Chính phủ quy định chi tiết Luật Cạnh tranh về xử lý vi phạm pháp luật trong lĩnh vực cạnh tranh.
5. Báo cáo số 277/BC-UBTVQH14 ngày 21/5/2018 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật Cạnh tranh (sửa đổi) – Tài liệu trình bày tại kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XIV (
). Truy cập ngày 10/10/2018.
6. Báo cáo thuyết minh chi tiết Dự thảo Luật Cạnh tranh (sửa đổi) – Tài liệu kèm theo Dự thảo trình tại phiên họp thứ 14 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội tháng 9/2017 (
). Truy cập ngày 10/10/2018
7. Tờ trình số 377/TTr-CP ngày 06/9/2017 của Chính phủ trình Quốc hội về dự án Luật cạnh tranh (sửa đổi) – Tài liệu kèm theo Dự thảo trình tại phiên họp thứ 14 của Uỷ ban thường vụ Quốc hội, tháng 9/2017. (
). Truy cập ngày 10/10/2018.
[1] Khoản 1 Điều 117 Luật cạnh tranh năm 2004 quyđịnh: “Đối với mỗi hành vi vi phạm pháp luật về cạnh tranh, tổ chức, cá nhân vi phạm phải chịu một trong các hình thức xử phạt chính sau đây:
a) Cảnh cáo;
b) Phạt tiền”
[2] Khoản 2 Điều 110 Luật cạnh tranh năm 2018 quy định: “Đối với mỗi hành vi vi phạm pháp luật về cạnh tranh, tổ chức, cá nhân vi phạm phải chịu một trong các hình thức xử phạt c hính sau đây:
a) Cảnh cáo;
b) Phạt tiền.”
[3] Xem khoản 2 Điều 21 Luật XLVPHC.
[4] Xem điểm b khoản 2 Điều 3 Nghị định số 71/2014/NĐ-CP ngày 21/7/2014 của Chính phủ quy định chi tiết Luật cạnh tranh về xử lý vi phạm pháp luật trong lĩnh vực cạnh tranh.
[5] Theo quy định tại Điều 21 Luật XLVPHC, có ba hình thức xử phạt bổ sung: (i) Tước quyền sử dụng giấy phép, chứng chỉ hành nghề có thời hạn hoặc đình chỉ hoạt động có thời hạn; (ii) Tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính; (iii) Trục xuất.
[6] Xem điểm a khoản 2 Điều 117 Luật cạnh tranh năm 2004.
[7] Xem điểm a khoản 3 Điều 110 Luật cạnh tranh năm 2018.
[8] Xem điểm i khoản 1 Điều 28, Điều 37 Luật XLVPHC.
[10] Xem khoản 3 Điều 110 Luật cạnh tranh năm 2018.
[11] Xem khoản 3 Điều 117 Luật cạnh tranh năm 2004.
[12] Xem điểm a khoản 3 Điều 117 Luật cạnh tranh năm 2004.
[13] Xem điểm a khoản 4 Điều 110 Luật cạnh tranh năm 2018.
[14] Xem điểm b khoản 3 Điều 117 Luật cạnh tranh năm 2004.
[15] Xem điểm c khoản 4 Điều 110 Luật cạnh tranh năm 2018.
[16] Xem điểm c khoản 3 Điều 117 Luật cạnh tranh năm 2004 và điểm đ khoản 4 Điều 110 Luật cạnh tranh năm 2018.
[17] Xem điểm d khoản 3 Điều 117 Luật cạnh tranh năm 2004.
[18] Xem điểm b khoản 4 Điều 110 Luật cạnh tranh năm 2018.
[19] Xem điểm đ khoản 3 Điều 117 Luật cạnh tranh năm 2004.
[20] Xem điểm e khoản 4 Điều 110 Luật cạnh tranh năm 2018.
[21] Xem điểm d khoản 4 Điều 110 Luật cạnh tranh năm 2018.
[22] Khoản 1 Điều 28 Luật XLVPHC quy định:
“1. Các biện pháp khắc phục hậu quả bao gồm:
a) Buộc khôi phục lại tình trạng ban đầu;
b) Buộc tháo dỡ công trình, phần công trình xây dựng không có giấy phép hoặc xây dựng không đúng với giấy phép;
c) Buộc thực hiện biện pháp khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường, lây lan dịch bệnh;
d) Buộc đưa ra khỏi lãnh thổ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam hoặc tái xuất hàng hóa, vật phẩm, phương tiện;
đ) Buộc tiêu hủy hàng hóa, vật phẩm gây hại cho sức khỏe con người, vật nuôi, cây trồng và môi trường, văn hóa phẩm có nội dung độc hại;
e) Buộc cải chính thông tin sai sự thật hoặc gây nhầm lẫn;
g) Buộc loại bỏ yếu tố vi phạm trên hàng hóa, bao bì hàng hóa, phương tiện kinh doanh, vật phẩm;
h) Buộc thu hồi sản phẩm, hàng hóa không bảo đảm chất lượng;
i) Buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện vi phạm hành chính hoặc buộc nộp lại số tiền bằng trị giá tang vật, phương tiện vi phạm hành chính đã bị tiêu thụ, tẩu tán, tiêu hủy trái quy định của pháp luật’
k) Các biện pháp khắc phục hậu quả khác do Chính phủ quy định”.
[23] Điều 118. Mức phạt tiền đối với hành vi vi phạm pháp luật về cạnh tranh.
[26] Xem Điều 111 Luật cạnh tranh năm 2018.
[28] Điều 12 Luật cạnh tranh quy định về thỏa thuận hạn chế cạnh tranh bị cấm
:
“1. Thỏa thuận hạn chế cạnh tranh giữa các doanh nghiệp trên cùng thị trường liên quan quy định tại các khoản 1, 2 và 3 Điều 11 của Luật này.
2. Thỏa thuận hạn chế cạnh tranh giữa các doanh nghiệp quy định tại các khoản 4, 5 và 6 Điều 11 của Luật này.
3. Thỏa thuận hạn chế cạnh tranh giữa các doanh nghiệp trên cùng thị trường liên quan quy định tại các khoản 7, 8, 9, 10 và 11 Điều 11 của Luật này khi thỏa thuận đó gây tác động hoặc có khả năng gây tác động hạn chế cạnh tranh một cách đáng kể trên thị trường.
4. Thỏa thuận hạn chế cạnh tranh giữa các doanh nghiệp kinh doanh ở các công đoạn khác nhau trong cùng một chuỗi sản xuất, phân phối, cung ứng đối với một loại hàng hóa, dịch vụ nhất định quy định tại các khoản 1, 2, 3, 7, 8, 9, 10 và 11 Điều 11 của Luật này khi thỏa thuận đó gây tác động hoặc có khả năng gây tác động hạn chế cạnh tranh một cách đáng kể trên thị trường”.
[29] Xem Điều 11 về thỏa thuận hạn chế cạnh tranh.
[30] Xem khoản 1 Điều 76 Luật XLVPHC.
[31] Xem khoản 1 Điều 77 Luật XLVPHC.
[32] Xem khoản 2, khoản 3 Điều 77 Luật XLVPHC.
[33] Khoản 6 Điều 125 Luật XLVPHC quy định: Trong trường hợp chỉ áp dụng hình thức phạt tiền đối với cá nhân, tổ chức vi phạm hành chính thì người có thẩm quyền xử phạt có quyền tạm giữ một trong các loại giấy tờ theo thứ tự: giấy phép lái xe hoặc giấy phép lưu hành phương tiện hoặc giấy tờ cần thiết khác có liên quan đến tang vật, phương tiện cho đến khi cá nhân, tổ chức đó chấp hành xong quyết định xử phạt. Nếu cá nhân, tổ chức vi phạm không có giấy tờ nói trên, thì người có thẩm quyền xử phạt có thể tạm giữ tang vật, phương tiện vi phạm hành chính, trừ trường hợp quy định tại khoản 10 Điều này.
Khoản 10 Điều 125 Luật XLVPHC quy định: Đối với phương tiện giao thông vi phạm hành chính thuộc trường hợp bị tạm giữ để bảo đảm thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính, nếu tổ chức, cá nhân vi phạm có địa chỉ rõ ràng, có điều kiện bến bãi, bảo quản phương tiện hoặc khả năng tài chính đặt tiền bảo lãnh thì có thể được giữ phương tiện vi phạm dưới sự quản lý của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.