Hạn chế áp dụng hình phạt tù
Bộ luật hình sự năm 2015 (BLHS) đã thể hóa chủ trương về hạn chế áp dụng hình phạt tù, mở rộng áp dụng hình phạt ngoài tù theo hướng phạt tiền là hình phạt chính, không chỉ được áp dụng đối với người phạm tội ít nghiêm trọng như BLHS năm 1999 mà cả trường hợp phạm các tội nghiêm trọng.
Bên cạnh đó, BLHS đã mở rộng nội hàm của hình phạt cải tạo không giam giữ. Theo đó, trong trường hợp người bị phạt cả tạo không giam giữ không có việc làm hoặc bị mất việc làm trong thời gian chấp hành hình phạt này thì phải thực hiện một số công việc lao động phục vụ cộng đồng trong thời gian cải tạo không giam giữ với thời gian lao động phục vụ cộng đồng không quá 04 giờ/ngày và không quá 05ngày/tuần. Biện pháp này không áp dụng đối với người già yếu, phụ nữ có thai. BLHS năm 2015 đã mở rộng phạm vi áp dụng hình phạt cải tạo không giam giữ. Theo đó, hình phạt này được áp dụng cả đối với người từ đủ 16 đến dưới 18 tuổi phạm tội rất nghiêm trọng do vô ý hoặc người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi phạm tội rất nghiêm trọng.
Đồng thời, đối với hình phạt tù, BLHS năm 2015 cũng khẳng định nguyên tắc không áp dụng hình phạt tù đối với người lần đầu phạm tội ít nghiêm trọng do vô ý (khoản 2 Điều 37). Theo đó, tại Phần các tội phạm, số lượng các khoản không quy định hình phạt tù tăng từ 06 khoản lên 31 khoản so với quy định của BLHS năm 1999.
Hạn chế áp dụng hình phạt tử hình
BLHS năm 2015 tiếp tục thể hóa chủ trương hạn chế áp dụng hình phạt tử hình được khẳng định tại các Nghị quyết của Đảng về cải cách tư pháp, đặc biệt là Nghị quyết số 49/NQ-TW và bám sát tinh thần nội dung quy định của Hiến pháp năm 2013 về quyền sống của con người. Theo đó, điều 40 của BLHS năm 2015 đã xác định tử hình là hình phạt đặc biệt chỉ áp dụng đối với người phạm tội đặc biệt nghiêm trọng thuộc một trong các tội xâm phạm an ninh quốc gia, xâm phạm tính mạng con người, các tội phạm về ma túy, tham nhũng và một số tội phạm đặc biệt nghiêm trọng khác do bộ luật này quy định.
So với BLHS năm 1999, Bộ luật này đã bổ sung thêm trường hợp không áp dụng hình phạt tử hình đối với người đủ 75 tuổi trở lên khi phạm tội hoặc khi xét xử; Bộ luật năm 2015 cũng bổ sung thêm 02 trường hợp không thi hành án tử hình là: người đủ 75 tuổi trở lên và người bị kết án tử hình về tội tham ô tài sản, tội nhận hối lộ mà sau khi bị kết án đã chủ động nộp lại ít nhất ba phần tư tài sản tham ô, nhận hối lộ mà và hợp tác tích cực với cơ quan chức năng trong việc phát hiện, điều tra, xử lý tội phạm hoặc lập công lớn thì không thi hành án tử hình đối với họ.
BLHS năm 2015 đã bỏ tử hình ở 07 tội danh: 1. Cướp tài sản; 2. sản xuất buôn bán hàng cấm là lương thực, thực phẩm; 3. tàng trữ trái phép chất ma túy; 4. chiếm đoạt chất ma túy; 5. phá hủy công trình, cơ sở, phương tiện quan trọng về an ninh quốc gia; 6. chống mệnh lệnh; 7. đầu hàng địch. Đồng thời, BLHS năm 2015 đã bỏ tội danh hoạt động phỉ trước đây có quy định hình phạt tử hình.
Như vậy, BLHS năm 2015 vẫn còn duy trì hình phạt tử hình đối với 18 tội danh trong số 314 tội danh được quy định trong BLHS năm 2015 (chiểm tỷ lệ 5,37%) thuộc 07/14 nhóm tội phạm, giảm 11 tội danh (gần 06%) so với BLHS năm 1999 và giảm 04 tội danh (gần 03%) so với BLHS sửa đổi năm 2009 (
BLHS năm 2009 có 29/263 tội danh có quy định hình phạt tử hình, chiểm tỷ lệ 11% thuộc 9/14 nhóm tội phạm; BLHS năm 1999 sửa đổi năm 2009 có 22/272 tọi danh có quy định hình phạt tử hình, chiểm tỷ lệ 8% thuộc 09/14 nhóm tội phạm).
Thu hẹp phạm vi trách nhiệm hình sự đối với người chưa thành niên phạm tội
BLHS năm 2015 điều chỉnh mạnh mẽ chính sách hình sự đối với người chưa thành niên phạm tội, đặc biệt là đối với các em từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi theo hướng đảm bảo lợi ích tốt nhất cho các em trên tinh thần đảm bảo yêu cầu đấu tranh phòng, chống tội phạm trong lứa tuổi thanh thiếu niên, cụ thể:
Đối với người từ đủ 14 tuổi đến duới 16 tuổi, BLHS đã thu hẹp đánh kể phạm vi trách nhiệm hình sự của đối tượng này. Theo đó, các em chỉ phải chịu trách nhiệm hình sự về tội phạm rất nghiêm trọng hoặc tội phạm đặc biệt nghiêm trọng thuộc 28 tội danh trong số 314 tội danh được quy định trong BLHS năm 2015 (chiếm tỷ lệ 8.91%) thuộc 04 nhóm tội phạm: 1. các tội xâm phạm tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm con người; 2. các tội xâm phạm sở hữu; 3. các tội phạm về ma túy; 4. các tội xâm phạm an toàn công cộng. Ngoài ra các em cũng chỉ chịu trách nhiệm hình sự đối với hành vi chuẩn bị phạm 02 tội danh trong số 314 tội danh của Bộ luật này (chiếm tỉ lệ 0.63%) là tội giết người và cướp tài sản.
Như vậy, có thể thấy trên cơ sở cân nhắc mức độ, tính chất nghiêm trọng và tính chất phổ biến của hành vi phạm tội do người từ đủ 14 đến dưới 16 tuổi gây ra trong thời gian qua cũng như dự báo trong thời gian tới, BLHS năm 2015 đã xác định nhóm các tội danh mà các em trong độ tuổi này phải chịu trách nhiệm hình sự (kể cả trường hợp chuẩn bị phạm tội) chủ yếu taaoh trung vào các tội gây hậu quả cho tính mạng, sức khỏe con người và an toàn công cộng.
BLHS năm 2015 cũng cụ thể hóa các điều kiện miễn trách nhiệm hình sự áp dụng riêng cho từng đối tượng người chưa thành niên (người tử đủ 14 đến dưới 16 tuổi và người từ đủ 16 đến dưới 18 tuổi), đồng thời bổ sung 03 biện pháp giám sát, giáo dục áp dụng trong trường hợp các em được miễn trách nhiệm hình sự, đó là: 1. khiển trách; 2. hòa giải tại cộng đồng; 3. biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn. Bộ luật cũng quy định rõ điều kiện áp dụng từng biện pháp cụ thể.
Điểm mới đáng lưu ý trong chính sách hình sự đối với người chưa thành niên là BLHS năm 2015 quy định rõ 03 trường hợp người chưa thành bị kết án được coi là không có án tích: 1. người bị kết án là người đủ 14 đến dưới 16 tuổi; 2. người bị kết án là người đủ 16 đến dưới 18 tuổi bị kết án do lỗi vô ý về tội ít nghiêm trọng, tội nghiêm trọng hoặc tội rất nghiêm trọng; 3. người chưa thành niên bị áp dụng biện pháp tư pháp (giáo dục tại trường giáo dưỡng). Ngoài 03 trường hợp nêu trên, theo điều 69 của BLHS năm 2015, người chưa thành niên bị kết án nhưng được miễn hình phạt cũng không bị coi là có án tích.
Thu hẹp phạm vi chịu trách nhiệm hình sự đối với hành vi chuẩn bị pham tội
BLHS năm 2015 đã thu hẹp đáng kể phạm vi xử lý hình sự đối với người có hành vi chuẩn bị phạm tội. Theo đó, người có hành vi chuẩn bị phạm tội chỉ phải chịu trách nhiệm hình sự đối với hành vi chuẩn bị phạm 25 tội danh trong số 314 tội danh của Bộ luật này (chiểm tỉ lệ 7.96%) thuộc 05 nhóm tội phạm (các tội xâm phạm an ninh quốc gia; các tội xâm phạm tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm con người; các tội xâm phạm sở hữu; các tội xâm phạm trật tự quản lý kinh tế; các tội xâm phạm an toàn công cộng).
Tha tù trước hạn có điều kiện
BLHS năm 2015 đã bổ sung chế định tha tù trước hạn có điều kiện với các quy định hết sức chặt chẽ nhằm tạo cơ hội cho những phạm nhân tích cực cải tạo tốt trong quá trình chấp hành án ở các cơ sở giam giữ được sớm trở về với gia đình và tiếp tục chứng tỏ sự cải tạo của mình trong môi trường xã hội bình thường có sự giám sát của chính quyền địa phương và xã hội. Nếu trong thời gian thử thách mà người được tha tù trước thời hạn cố ý vi phạm nghĩa vụ hoặc phạm tội mới thì phải trở lại cơ sở giam giữ để tiếp tục chấp hành tiếp hình phạt tù còn lại chưa chấp hành. Quy định này góp phần thực hiện chủ trưởng của Đảng về giáo dục, cải tạo người phạm tội trong môi trường xã hội.
Giảm nhẹ trách nhiệm hình sự đối với đối tượng chính sách, yếu thế
BLHS năm 2015 đã kế thừa và phát triển những quy định nhằm bảo vệ lợi ích chính đáng của các đối tượng chính sách, đối tượng yếu thế trong xã hội. Theo đó, Bộ luật quy định giảm nhẹ trách nhiệm hình sự đối với các đối tượng phạm tội: 1. người đủ 70 tuổi trở lên; 2. phụ nữ có thai; 3. người khuyết tật nặng hoặc khuyết tật đặc biệt nặng; 4. người có bệnh bị hạn chế khả năng nhận thức hoặc khả năng điều khiển hành vi của mình; 5. cha, mẹ, vợ, chồng, con của liệt sĩ, người có công với cách mạng. Đồng thời, BLHS cũng có chính sách tăng nặng trách nhiệm hình sự đối với trường hợp vi phạm tội xâm hại đến những đối tượng như: 1. người ở trong tình trạng không thể tự vệ được; 2. người khuyết tật nặng hoặc khuyết tật đặc biệt nặng; 3. người bị hạn chế khả năng nhận thức; 4. người lệ thuộc mình về mặt vật chất, tinh thần, công tác hoặc các mặt khác; 5. người dưới 16 tuổi, phụ nữ có thai, người đủ 70 tuổi trở nên.