Bộ máy nhà nước là hệ thống cơ quan nhà nước từ trung ương đến địa phương, được tổ chức theo nguyên tắc tập trung thống nhất tạo thành một cơ chế đồng bộ thực hiện chức năng, nhiệm vụ của nhà nước. Bộ máy nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là hệ thống cơ quan nhà nước từ trung ương đến địa phương, có tính chất độc lập tương đối về cơ cấu tổ chức, được thành lập và có thẩm quyền theo quy định của pháp luật, nhân danh nhà nước thực hiện chức năng, nhiệm vụ của mình bằng hình thức, phương pháp đặc thù. Nếu căn cứ vào tính chất, vị trí, chức năng của các cơ quan nhà nước thì bộ máy nước ta hiện nay gồm có hệ thống các cơ quan đại diện, hệ thống các cơ quan chấp hành, hệ thống các cơ quan xét xử & hệ thống các cơ quan kiểm sát.Trong đó,hệ thống các cơ quan xét xử nói chung và Tòa án nhân dân nói riêng nằm trong hệ thống cơ quan xét xử đó có vị trí và vai trò đặc biệt quan trọng. Tổ chức và hoạt động của Tòa án nhân dân được tiến hành theo một số những nguyên tắc nhất định theo quy định của pháp luật.
Sự hình thành và phát triển của Tòa án nhân dân luôn gắn liền với quá trình hình thành và phát triển của bộ máy nhà nước. Cùng với các cơ quan nhà nước khác, Tòa án nhân dân đã và đang góp phần quan trọng vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa. Trong giai đoạn hiện nay, việc nâng cao hiệu quả chức năng xét xử của Tòa án nhân dân là một vấn đề đáng được quan tâm.
1. Khái quát về Tòa án nhân dân qua các bản Hiến pháp của Việt Nam.
1.1.Vị trí, vai trò của Tòa án nhân dân
Ở nước ta, bộ máy nhà nước được tổ chức theo nguyên tắc tập trung quyền lực có sự phân công và phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan nhà nước trong việc thực hiện ba quyền: lập pháp, hành pháp, tư pháp. Thực hiện quyền tư pháp mà chủ yếu là quyền xét xử là một trong những chức năng rất quan trọng của Nhà nước Việt Nam và nhiệm vụ này được giao cho Tòa án nhân dân. Do vậy, Tòa án nhân dân có vị trí rất quan trọng trong bộ máy nhà nước. Điều 102 Hiến pháp năm 2013 quy định:
“Tòa án nhân dân là cơ quan xét xử của nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam, thực hiện quyền tư pháp”. Theo đó, Tòa án nhân dân có nhiệm vụ bảo vệ công lý, bảo vệ quyền con người, quyền công dân, bảo vệ chế độ xã hội chủ nghĩa, bảo vệ lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân. Tòa án nhân dân gồm Tòa án nhân dân tối cao và các Tòa án khác do luật định.
Tổ chức Tòa án nhân dân gồm có: Tòa án nhân dân tối cao; Tòa án nhân dân cấp cao; Tòa án nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương; Tòa án nhân dân huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh và tương đương và Tòa án quân sự (Luật tổ chức Tòa án nhân dân năm 2014). Đây là những cơ quan xét xử đảm bảo tính pháp chế, công bằng, duy trì trật tự xã hội, bảo vệ công lý, bảo vệ quyền con người, quyền công dân, bảo vệ chế độ xã hội chủ nghĩa, bảo vệ lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân. Bằng hoạt động của mình, Tòa án nhân dân góp phần giáo dục công dân trung thành với Tổ quốc, nghiêm chỉnh chấp hành pháp luật, tôn trọng những quy tắc của cuộc sống xã hội, ý thức đấu tranh phòng, chống tội phạm, các vi phạm pháp luật khác.
1.2. Tòa án nhân dân qua các bản Hiến pháp
Điều 63 và 64 Hiến pháp năm 1946 quy định: “
Cơ quan tư pháp của nước Việt Nam dân chủ công hòa gồm có: Tòa án tối cao, các tòa án phúc thẩm, các tòa án đệ nhị cấp và sơ cấp”; “Các thẩm phán đều do chính phủ bổ nhiệm” nhưng trong khi xét xử "
các viên thẩm phán chỉ tuân theo pháp luật, các cơ quan khác không được can thiệp" (Điều 69 Hiến pháp năm 1946). Theo đó thì hệ thống Tòa án được tổ chức theo cấp xét xử chứ không theo nguyên tắc lãnh thổ như hiện nay và vai trò độc lập xét xử của Tòa án được bảo đảm. Với mục đích dân chủ hóa trong tổ chức và hoạt động của hệ thống Tòa án, bảo đảm cho Tòa án xét xử được nhanh chóng, kịp thời thì Nhà nước ta đã ban hành Sắc lệnh số 85 ngày 22/5/1950 trong đó Tòa án sơ cấp đổi thành Tòa án nhân dân huyện, Tòa án đệ nhị cấp gọi là Tòa án nhân dân tỉnh..v..v.
Tiếp đó, Hiến pháp năm 1959 và Luật tổ chức Tòa án nhân dân năm 1960 đã quy định lại vị trí của Tòa án nhân dân là do Quốc hội thành lập và chịu trách nhiệm trước Quốc hội chứ không trực thuộc Chính phủ nữa, nó được tổ chức theo đơn vị hành chính - lãnh thổ. Kế thừa những quy định của Hiến pháp năm 1959, Hiến pháp năm 1980 và Luật Tổ chức Tòa án nhân dân năm 1981 đã có nhiều quy định mới về quyền hạn, chức năng của Tòa án nhân dân.
Tiếp tục kế thừa và phát huy những hiệu quả trong tổ chức và hoạt động của Tòa án nhân dân trong Hiến pháp năm 1980 và Luật Tổ chức Tòa án nhân dân năm 1981 thì Hiến pháp năm 1992 và Luật Tổ chức Tòa án nhân dân năm 1992 ra đời đã có thêm một số điểm mới đáng chú ý. Khác với những quy định trước đây thì nay chức vụ thẩm phán đã được thực hiện theo chế độ bầu cử chứ không theo chế độ bổ nhiệm như trước và các thẩm phán của Tòa án nhân dân các cấp đều do Chủ tịch nước bổ nhiệm, miễn nhiệm, cách chức. Ngoài ra, có thể thành lập thêm các tòa án khác theo luật định (Điều 127, 128 Hiến pháp năm 1992).
Quy định của Hiến pháp năm 2013 về Tòa án nhân dân được thực hiện trên cơ sở quán triệt quan điểm của Đảng về Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa và Cải cách tư pháp ở nước ta trong công cuộc đổi mới toàn diện đất nước.
Điều 102 của Hiến pháp năm 2013 quy định:
“
1. Tòa án nhân dân là cơ quan xét xử của nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam, thực hiện quyền tư pháp.
2. Tòa án nhân dân gồm Tòa án nhân dân tối cao và các Tòa án khác do luật định.
3. Tòa án nhân dân có nhiệm vụ bảo vệ công lý, bảo vệ quyền con người, quyền công dân, bảo vệ chế độ xã hội chủ nghĩa, bảo vệ lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân”.
Có thể thấy, cũng như Hiến pháp năm 1992, Hiến pháp năm 2013 khẳng định chỉ Tòa án nhân dân tối cao, các Tòa án khác do luật định là những cơ quan duy nhất thực hiện quyền tư pháp, tức có chức năng xét xử các vụ án, giải quyết các việc có tranh chấp theo thẩm quyền quy định. Ngoài Tòa án nhân dân không có cơ quan nào khác được giao phán xử về các vi phạm pháp luật, các tranh chấp trong xã hội. Quy định này phù hợp với việc phân công thực hiện quyền lực trong Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa ở nước ta. Đồng thời, Hiến pháp năm 2013 tiếp tục khẳng định bản chất nhân dân của Tòa án nước ta thông qua tên gọi và các nguyên tắc tổ chức, hoạt động. Tuy nhiên, khác với Hiến pháp năm 1992, Hiến pháp năm 2013 có quy định mới về hệ thống tổ chức và nhiệm vụ của Tòa án nhân dân. Khoản 2 Điều 102 quy định khái quát, theo nguyên tắc mở về hệ thống Tòa án nhân dân. Ngoài Tòa án nhân dân tối cao, Hiến pháp năm 2013 không liệt kê cụ thể các Tòa án khác, mà giao cho luật định. Điều này bảo đảm tính khái quát, ổn định lâu dài của Hiến pháp và tính linh hoạt của luật phù hợp nhu cầu phát triển của đất nước trong từng thời khác nhau. Hiến pháp năm 2013 không quy định về Tòa án đặc biệt để phù hợp với bản chất của Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, với yêu cầu bảo vệ quyền con người, hội nhập quốc tế hiện nay, đồng thời bỏ quy định về tổ chức hòa giải ở cơ sở. Bởi vì, dù việc thành lập các tổ chức ở cơ sở để giải quyết những việc vi phạm pháp luật và tranh chấp nhỏ trong nhân dân là cần thiết, nhưng lại không thuộc chức năng tư pháp của Tòa án nhân dân, không thuộc hệ thống Tòa án nhân dân và không cần thiết ở mức hiến định.
2. Chức năng, nhiệm vụ của Tòa án nhân dân
2.1. Chức năng của Tòa án nhân dân
Tòa án nhân dân- đại diện của quyền lực tư pháp khác với cơ quan lập pháp và hành pháp ở chỗ không giải quyết các vấn đề ở tầm vĩ mô, không hoạch định chính sách kinh tế - xã hội mà có chức năng giải quyết các vấn đề rất cụ thể, từng tình huống, từng sự kiện cụ thể trong đời sống xã hội như xét xử các vụ án hình sự, dân sự, hôn nhân và gia đình, lao động, kinh tế, hành chính...Vì vậy, cách thức tổ chức và hoạt động khác với cơ quan lập pháp và hành pháp. Nói cách khác, so với hai cơ quan nói trên, “
Tòa án nhân dân "thụ động" hơn, phải "chờ" có việc thì mới xét xử”. Nó đóng vai trò chủ yếu là một bộ máy “quyền lực” chứ không sản sinh ra “công lực” mới, nó thực hiện việc áp dụng pháp luật, đưa việc thực hiện quyền lực tư pháp vào cuộc sống. Bởi vì thông qua quyền lực tư pháp mà pháp luật tác động đến những quan hệ xã hội. Đây không phải là phương tiện duy nhất nhưng là phương tiện chủ yếu trong việc giải quyết các trường hợp xung đột giữa các quan hệ pháp luật. Như vậy, có thể thấy rằng xét xử là thẩm quyền duy nhất được giao cho Tòa án nhân dân hay nói cách khác thì đây chính là chức năng của Tòa án nhân dân . Đặc biệt, nó khác với việc giải quyết các đơn thư khiếu nại, tố cáo của các cơ quan nhà nước khác. Hiện nay, hệ thống Tòa án nhân dân nước ta bao gồm: (i) Tòa án nhân dân tối cao; (ii) Tòa án nhân dân cấp cao; (iii) Tòa án nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương; (iv) Tòa án nhân dân huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh và tương đương và (v) Tòa án quân sự.
2.2. Nhiệm vụ của Tòa án nhân dân
Luật Tổ chức Tòa án nhân dân năm 2014 quy đinh: Tòa án nhân danh nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam xét xử các vụ án hình sự, dân sự, hôn nhân và gia đình, kinh doanh, thương mại, lao động, hành chính và giải quyết các việc khác theo quy định của pháp luật; xem xét đầy đủ, khách quan, toàn diện các tài liệu, chứng cứ đã được thu thập trong quá trình tố tụng; căn cứ vào kết quả tranh tụng ra bản án, quyết định việc có tội hoặc không có tội, áp dụng hoặc không áp dụng hình phạt, biện pháp tư pháp, quyết định về quyền và nghĩa vụ về tài sản, quyền nhân thân. Bản án, quyết định của Tòa án nhân dân có hiệu lực pháp luật phải được cơ quan, tổ chức, cá nhân tôn trọng; cơ quan, tổ chức, cá nhân hữu quan phải nghiêm chỉnh chấp hành.
Tòa án nhân dân với hoạt động xét xử của mình góp phần bảo đảm cho pháp luật được thực hiện nghiêm minh, thống nhất và nguyên tắc pháp chế XHCN được tôn trọng...Mọi hành vi xâm phạm lợi ích về quyền làm chủ và tài sản của công dân, của nhà nước, của tập thể phải được tòa án nhân dân xử lý kịp thời, đúng người, đúng tội, không để lọt tội phạm là xử oan người vô tội...Hơn nữa, điều quan trọng là thông qua việc xét xử nghiêm minh các hành vi vi phạm pháp luật thi Tòa án nhân dân góp phần giáo dục& răn đe công dân phải luôn tôn trọng và thực hiện tốt các quy định của pháp luật.
3. Các nguyên tắc tổ chức và hoạt động của Tòa án nhân dân theo quy định pháp luật hiện hành
3.1. Những nguyên tắc chung
Như đã nói ở trên, Tòa án nhân dân là một trong bốn hệ thống cơ quan hợp thành bộ máy nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và thực hiện chức năng xét xử của Nhà nước. Chính vì điều đó cho nên Tòa án nhân dân cũng tổ chức và hoạt động theo những nguyên tắc chung trong tổ chức và hoạt động của bộ máy nhà nước. Đó là những nguyên tắc sau: nguyên tắc tất cả quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân, nguyên tắc Đảng lãnh đạo Nhà nước và xã hội, nguyên tắc tập trung dân chủ, nguyên tắc pháp chế xã hội chủ nghĩa...
3.2. Những nguyên tắc riêng( nguyên tắc đặc thù)
a) Nguyên tắc xét xử kịp thời, công bằng, công khai
Ngay từ Hiến pháp năm 1946, nguyên tắc này đã được quy định. Hiện nay nguyên tắc này được quy đinh tại Điều 11 Luật Tổ chức Tòa án nhân dân năm 2014:
“1. Tòa án nhân dân xét xử kịp thời trong thời hạn luật định, bảo đảm công bằng. 2. Tòa án nhân dân xét xử công khai. Trường hợp đặc biệt cần giữ bí mật nhà nước, thuần phong, mỹ tục của dân tộc, bảo vệ người chưa thành niên hoặc giữ bí mật đời tư theo yêu cầu chính đáng của đương sự thì Tòa án nhân dân có thể xét xử kín”.
Theo nguyên tắc này, các Tòa án nhân dân trước hết phải lập kế hoạch xét xử các vụ án và tiến hành niêm yết chúng tại các trụ sở tòa án và thông báo cho chính quyền nơi cư trú và làm việc của bị cáo; phải thông báo cho bị cáo, người bị hại và những người liên quan biết thời gian, địa điểm xử án. Đối với những vụ án đặc biệt quan trọng thì tòa án phải thông báo cả ở trên những phương tiện thông tin đại chúng như tivi, sách báo, các phương tiện truyền thanh... để đông đảo quần chúng nhân dân được biết. Tính công khai được thể hiện khi pháp luật quy định mọi công dân đủ 16 tuổi trở lên có quyền tham dự các phiên tòa được tổ chức tại phòng xử án của tòa án. Tuy nhiên, đối với những trường hợp đặc biệt thì Tòa án nhân dân có thể xử kín để giữ bí mật quốc gia, thuần phong mĩ tục của dân tộc... nhưng việc công khai luôn thể hiện ở chỗ: khi tuyên án, cho dù xử công khai hay kín thì tòa cũng phải đọc công khai bản án cho tất cả mọi người đều được biết.
b) Nguyên tắc thực hiện chế độ xét xử có hội thẩm tham gia
Đây là nguyên tắc quan trọng thể hiện tính chất dân chủ trong hoạt động xét xử của các Tòa án Việt Nam. Thành viên Hội thẩm nhân dân chiếm số lượng lớn trong Hội đồng xét xử, thể hiện tính chất dân chủ trong hoạt động tố tụng Việt Nam. Nguyên tắc này được ghi nhận trong Hiến pháp năm 1946 và tiếp tục được khẳng định trong các Hiến pháp năm 1959, 1980,1992 và được cụ thể hóa trong Bộ luật tố tụng hình sự và trong Pháp lệnh ngày 14.5.1993 về thẩm phán và hội thẩm toà án nhân dân. Hội thẩm tham gia vào hoạt động xét xử của tòa án là biểu hiện của việc nhân dân thực hiện quyền lực của mình, tham gia trực tiếp vào quản lý công việc của nhà nước và của xã hội. Điều 8 Luật tổ chức Tòa án nhân dân 2014 quy định rõ: “
Việc xét xử sơ thẩm của Tòa án có Hội thẩm tham gia theo quy định của luật tố tụng, trừ trường hợp xét sử theo thủ tục rút gọn”. Hội thẩm là người được bầu hoặc cử theo quy định của pháp luật để làm nhiệm vụ xét xử những vụ án thuộc thẩm quyền của tòa án. Hội thẩm nhân dân chịu trách nhiệm trước pháp luật về việc thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của mình, nếu có hành vi vi phạm pháp luật thì tùy theo tính chất, mức độ sai phạm và hậu quả mà bị xử lí kỉ luật hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự
.
c) Nguyên tắc Thẩm phán, Hội thẩm xét xử độc lâp và chỉ tuân theo pháp luật (còn gọi là nguyên tắc độc lập xét xử)
Trong số các nguyên tắc cơ bản về tổ chức và hoạt động của Tòa án nhân dân thì nguyên tắc độc lập xét xử là nguyên tắc rất đặc trưng. Nhìn lại lịch sử, có thể thấy ngay từ khi thành lập nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà, nguyên tắc độc lập xét xử đã được khẳng định tại văn bản có hiệu lực pháp lý cao nhất là Hiến pháp. Điều 69 Hiến pháp Việt Nam năm 1946 quy định: “
Trong khi xét xử, các viên thẩm phán chỉ tuân theo pháp luật, các cơ quan khác không được can thiệp”. Trong các Hiến pháp tiếp theo được ban hành vào các năm 1959, 1980, 1992, 2013 và trong các Luật tổ chức Tòa án nhân dân được ban hành vào các năm 1960, 1981, 1992 , 2002, 2014 nguyên tắc này đã luôn luôn được khẳng định. Điều đó càng chứng tỏ rằng đây là nguyên tắc rất quan trọng. Luật tổ chức Tòa án nhân dân năm 2014 quy định tại điều 9:
“1. Thẩm phán, Hội thẩm xét xử độc lập và chỉ tuân theo pháp luật; nghiêm cấm cơ quan, tổ chức, cá nhân can thiệp vào việc xét xử của Thẩm phán, Hội thẩm dưới bất kỳ hình thức nào. 2. Cá nhân, cơ quan tổ chức có hành vi can thiệp vào việc xét xử của Thẩm phán, Hội thẩm thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý kỷ luật, xử phạt hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật”. Khi xét xử thì Thẩm phán và Hội thẩm nhân dân chỉ căn cứ vào chứng cứ và các quy phạm pháp luật và ra các bản án, quyết định cụ thể, không phụ thuộc vào bất cứ sự can thiệp của ai và các thành viên trong Hội đồng xét xử cũng độc lập với nhau. Việc xét xử phải tuân theo các nguyên tắc Hiến định cũng như nguyên tắc tố tụng. Các Tòa án nhân dân về nguyên lý không tổ chức theo nguyên tắc tập trung thống nhất mà tổ chức thành từng cấp, độc lập với nhau khi xét xử. Nguyên tắc độc lập xét xử là một giá trị phổ biến khi nói về một nền tư pháp công bằng, là một trong những đặc thù của việc thực hiện quyền tư pháp, được bắt nguồn từ nguyên tắc pháp chế xã hội chủ nghĩa.
d) Nguyên tắc bảo đảm quyền bình đẳng trước Tòa án nhân dân
Đây là nguyên tắc quan trọng của chế định quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân. Nó khẳng định công dân chính là những người làm chủ mọi công việc của đất nước. Điều 12 Luật Tổ chức Tòa án nhân dân năm 2014 quy định: “
Toà án xét xử theo nguyên tắc mọi người đều bình đẳng trước pháp luật, không phân biệt dân tộc, giới tính, tín ngưỡng, tôn giáo, thành phần xã hội, địa vị xã hội; cá nhân, cơ quan, tổ chức đều bình đẳng trước Tòa án”. Thực hiện nguyên tắc này nhằm bảo vệ quyền lợi của đương sự và bảo đảm quyền bình đẳng của mọi thành phần kinh tế. Theo quy định thì mọi tội phạm đều do Toa án nhân dân xét xử công bằng, không thiên vị đối với bất kì ai và phải đảm bảo sự bình đẳng của công dân về quyền và nghĩa vụ khi họ tham gia vào các thủ tục tố tụng mà pháp luật quy định.
đ) Nguyên tắc quyền dùng tiếng nói, chữ viết của dân tộc mình trước tòa án
Nguyên tắc này đã thể hiện được chính sách của Đảng và Nhà nước ta về đoàn kết và bình đẳng giữa các dân tộc. Trên lãnh thổ Việt Nam ta có 54 dân tộc anh em cùng sinh sống, thực hiện nguyên tắc này trong hoạt động của Tòa án nhân dân sẽ giúp cho Tòa án xét xử được chính xác, đúng thực tiễn khách quan và nó đảm bảo cho các chủ thể tham gia tố tụng tại phiên tòa thể hiện một cách đúng đắn và chính xác ý chí, nguyện vọng của mình và trong trường hợp người tham gia tố tụng trình bày bằng ngôn ngữ dân tộc của họ thì tòa án phải chỉ định người phiên dịch…Qua đó, nó cũng thể hiện chế định quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân. Nguyên tắc này được quy định tại Điều 15 Luật Tổ chức Tòa án nhân dân năm 2014:
“Tiếng nói, chữ viết dùng trước Tòa án là tiếng Việt. Toà án bảo đảm cho những người tham gia tố tụng quyền dùng tiếng nói, chữ viết của dân tộc mình trước Toà án nhân dân, trường hợp này phải có phiên dịch”.
e) Nguyên tắc bảo đảm quyền bào chữa của bị can, bị cáo, quyền bảo vệ lợi ích hợp pháp của đương sự
Điều 14 Luật Tổ chức Tòa án nhân dân năm 2014 quy định về t
rách nhiệm chứng minh tội phạm và việc bảo đảm quyền bào chữa của bị can, bị cáo, quyền bảo vệ lợi ích hợp pháp của đương sự như sau: “Người bị buộc tội được coi là không có tội cho đến khi được chứng minh theo trình tự luật định và có bản án kết tội của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật.
Quyền bào chữa của bị can, bị cáo, quyền bảo vệ lợi ích hợp pháp của đương sự được bảo đảm. Bị can, bị cáo có quyền tự bào chữa, nhờ luật sư hoặc người khác bào chữa; đương sự khác trong vụ án có quyền tự mình hoặc nhờ người bảo vệ lợi ích hợp pháp của mình.
Tòa án có trách nhiệm bảo đảm quyền bào chữa của bị can, bị cáo, quyền bảo vệ lợi ích hợp pháp của đương sự”.
Để thực hiện quyền bào chữa, nguyên tắc này quy định bị cáo hoặc đương sự có thể tự mình bào chữa hoặc nhờ luật sư, người đại diện hợp pháp bào chữa cho mình. Những trường hợp cần thiết, cho dù bị cáo không yêu cầu nhưng tòa án vẫn phải yêu cầu đoàn luật sư cử người bào chữa cho bị cáo.
f) Nguyên tắc Tòa án nhân dân xét xử tập thể
Bắt đầu từ Hiến pháp năm 1980 mới quy định điều này. Hiện nay, nguyên tắc này được quy định tại Điều 10 Luật Tổ chức Tòa án nhân dân năm 2014:
“Tòa án nhân dân xét xử tập thể và quyết định theo đa số, trừ trường hợp xét xử theo thủ tục rút gọn. Thành phần Hội đồng xét xử ở mỗi cấp xét xử do luật tố tụng quy định”. Như ta đã biết, xét xử là hoạt động đặc thù của Tòa án, chỉ có tòa án mới được thực hiện hoạt động này. Chính vì lẽ đó, việc xét xử của Tòa án phải đúng pháp luật; cho nên đòi hỏi phải có sự tập trung phát huy trí tuệ tập thể trong công việc. Vì vậy, nguyên tắc này đã được quy định và thực hiện nhằm đảm bảo cho Tòa án nhân dân xét xử khách quan, toàn diện, chống chuyên quyền, độc đoán; theo đó khi xét xử tất cả các vụ án ở tất cả các trình tự tố tụng đều phải thành lập hội đồng xét xử, tức là hoạt động xét xử và những quyết định cuối cùng của tòa án là của tập thể chứ không phải của riêng bất kỳ cá nhân nào.
g) Nguyên tắc bảo đảm tranh tụng trong xét xử
Đây là nguyên tắc mới, được quy định tại Điều 13 Luật Tổ chức Tòa án nhân dân năm 2014
: “Nguyên tắc tranh tụng trong xét xử được bảo đảm. Tòa án có trách nhiệm bảo đảm cho những người tham gia tố tụng thực hiện quyền tranh tụng trong xét xử. Việc thực hiện nguyên tắc tranh tụng trong xét xử theo quy định của luật tố tụng”. Việc đổi mới thủ tục tranh tụng tại phiên tòa của TAND coi là khâu đột phá để nâng cao công tác xét xử, đảm bảo những phán quyết của Tòa án đúng luật, mang lại công lý, niềm tin cho nhân dân và xã hội. Việc đổi mới thủ tục xét hỏi và tranh luận không chỉ ở các phiên tòa xét xử hình sự mà được áp dụng đối với cả các phiên tòa xét xử dân sự, hành chính.
Ngoài những nguyên tắc trên còn có nguyên tắc b
ảo đảm chế độ xét xử sơ thẩm, phúc thẩm; nguyên tắc về chế độ bổ nhiệm Thẩm phán; bầu, cử Hội thẩm; nguyên tắc bảo đảm hiệu lực, hiệu quả hoạt động của Tòa án nhân dân. Thực hiện những nguyên tắc trên trong tổ chức và hoạt động của Tòa án nhân dân sẽ bảo đảm cho tòa án xét xử khách quan, toàn diện, chống độc đoán và quyền lực tập trung vào tay cá nhân nào đó. Hơn nữa, những nguyên tắc này còn góp phần thu hút đông đảo nhân dân tham gia kiểm tra, giám sát đối với hoạt động xét xử, qua đó, thể hiện quyền làm chủ của nhân dân trong hoạt động của bộ máy nhà nước nói chung và trong hệ thống Tòa án nhân dân nói riêng. Đổi mới tổ chức và hoạt động của Tòa án nhân dân là yêu cầu bức thiết trong giai đoạn hiện nay nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động của Toà án. Do đó, trong tổ chức và hoạt động của Tòa án nhân dân phải luôn luôn chú trọng tới tất cả các nguyên tắc trên... ./.
LNT