Cơ chế đánh giá thực thi Công ước Phòng, chống tham nhũng và một số kiến nghị để hoàn thiện

21/11/2017
Công ước Phòng, chống tham nhũng (sau đây gọi là Công ước) được thông qua ngày 01.10.2003 và là một trong 19 điều ước quốc tế trực tiếp về các vấn đề hình sự được đăng ký lưu chiểu tại Liên Hợp quốc. Công ước được mở cho tất cả các nước thành viên Liên hợp quốc ký từ ngày 09 đến ngày 11.12.2003 tại Merida, Mexico, và sau đó là tại Trụ sở Liên hợp quốc ở New York đến ngày 09.12.2005. Ngày 10.12.2003, Việt Nam đã ký Công ước với bảo lưu gửi kèm theo Văn kiện phê chuẩn ngày 19 tháng 8 năm 2009.
Để đánh giá quá trình thực thi Công ước của các quốc gia thành viên, Hội nghị các quốc gia thành viên đã thống nhất sử dụng cơ chế đánh giá chung đối với tất cả quốc gia. Cho đến nay, cơ chế đánh giá đã cơ bản hoàn thành chu trình thứ nhất, hiện nay, các quốc gia thành viên (trong đó có Việt Nam) đang tiến hành chu trình đánh giá thứ hai. Dưới đây, xin cung cấp một số thông tin và kiến nghị để hoàn thiện cơ chế đánh giá thực thi Công ước.
 1. Về cơ chế đánh giá thực thi Công ước
Cơ chế đánh giá thực thi Công ước (sau đây gọi là Cơ chế đánh giá) là một quá trình liên chính phủ, là công cụ để tăng cường việc thực thi Công ước của các quốc gia thành viên cũng như sự hợp tác giữa các quốc gia thành viên; tạo cơ hội trao đổi các quan điểm, ý tưởng và các hoạt động thực tiễn tốt, qua đó góp phần tăng cường hợp tác giữa các quốc gia thành viên trong công tác phòng, chống tham nhũng. Cơ chế đánh giá được áp dụng đối với tất cả các quốc gia thành viên và dần được áp dụng để đánh giá việc thực thi toàn bộ Công ước.
Hội nghị các quốc gia thành viên Công ước đã thông qua Nghị quyết 3/1 về cơ chế đánh giá tại Phiên họp thứ ba, vào tháng 11/2009. Theo Nghị quyết 3/1, quá trình đánh giá gồm các giai đoạn, mỗi giai đoạn gồm 2 chu trình, mỗi chu trình được thực hiện trong 5 năm. Trong 4 năm đầu, mỗi năm, một phần tư các quốc gia thành viên sẽ được đánh giá. Chu trình đầu tiên sẽ đánh giá Chương III (Hình sự hóa và thực thi pháp luật) và Chương IV (Hợp tác quốc tế) và chu trình thứ 2 sẽ đánh giá các Chương II (Các biện pháp phòng ngừa) và Chương V (Thu hồi tài sản).
Các bước cơ bản để đánh giá quốc gia thành viên bao gồm:
Bước 1: Rút thăm
Theo khoản 19 và 20 của các điều khoản tham chiếu, việc rút thăm sẽ được tiến hành nhằm quyết định quốc gia thành viên nào sẽ tham gia vào các cuộc đánh giá. Theo khoản 14 của điều khoản tham chiếu, số quốc gia của mỗi khu vực tham gia vào quá trình đánh giá trong 1 năm phải tỉ lệ thuận với diện tích của khu vực và số lượng quốc gia là thành viên Công ước trong khu vực đó. Quốc gia được đánh giá có thể đề nghị rút thăm lại, tối đa là 2 lần để lựa chọn quốc gia đi đánh giá mình.
Bước 2: Xây dựng chương trình đánh giá
Sau khi rút thăm và chốt các cặp quốc gia đánh giá và được đánh giá, Ban Thư ký sẽ xây dựng chương trình đánh giá dựa trên các điều khoản tham chiếu, thời gian của mỗi cuộc đánh giá không kéo dài quá 6 tháng.
Trong vòng một tháng sau khi bốc thăm, Ban Thư ký sẽ chính thức thông báo cho quốc gia được đánh giá và các quốc gia đi đánh giá về việc bắt đầu một cuộc đánh giá quốc gia và về những vấn đề liên quan khác.
Trong vòng hai tháng kể từ khi được thông báo chính thức về việc bắt đầu cuộc đánh giá, quốc gia được đánh giá phải cung cấp cho Ban Thư ký các thông tin cần thiết về việc tuân thủ và thực thi Công ước thông qua sử dụng danh mục tự đánh giá. Trong vòng một tháng kể từ khi nhận được trả lời theo danh mục tự đánh giá, Ban Thư ký phải đưa đi dịch thuật và chuyển cho các chuyên gia chính phủ.
Bước 3. Tiến hành đánh giá
Trong vòng một tháng kể từ khi quốc gia được đánh giá được thông báo chính thức về việc bắt đầu đánh giá, họ sẽ tham gia vào một cuộc hội nghị điện thoại hay hội nghị truyền hình do Ban thư ký tổ chức với mục đích giới thiệu ban đầu về các quốc gia đánh giá, quốc gia được đánh giá và cán bộ của Ban thư ký được cử tham gia nhóm đánh giá cụ thể.
Trong vòng một tháng kể từ khi nhận được danh mục tự đánh giá và bất kỳ thông tin bổ sung nào từ quốc gia được đánh giá, các chuyên gia chính phủ phải nộp cho Ban thư ký kết quả đánh giá tại chỗ của mình để Ban thư ký chuyển cho quốc gia được đánh giá.
Sau khi quốc gia được đánh giá nhận được kết quả đánh giá tại chỗ, Ban Thư ký sẽ tổ chức một hội nghị điện thoại hay hội nghị truyền hình giữa các chuyên gia của các quốc gia đi đánh giá và quốc gia được đánh giá. Nếu quốc gia được đánh giá đồng ý, việc đánh giá tại chỗ sẽ được hỗ trợ bởi bất kỳ hình thức đối thoại trực tiếp nào, chẳng hạn như tổ chức chuyến thăm và làm việc quốc gia hoặc tổ chức cuộc họp hỗn hợp tại trụ sở của Liên hợp quốc tại Viên.
Như vậy, trên thực tế, quá trình đánh giá có sự tham gia của quốc gia thành viên, Nhóm Đánh giá việc thực thi Công ước (sau đây gọi là Nhóm Đánh giá) và Ban thư ký Công ước. Nghĩa vụ của các chủ thể tham gia vào quá trình đánh giá Công ước được quy định cụ thể. Trong đó, một số kết quả của việc thực hiện cơ chế đánh giá đã được ghi nhận như sau:
- Trong giai đoạn 2010 và 2015, 177 quốc gia đã phê chuẩn Công ước, trong đó 172 quốc gia được đánh giá ở chu kỳ đầu tiên. Các quốc gia đồng ý rằng không thể hoàn thành chu kỳ đánh giá thứ nhất vào cuối năm 2015.[1]
- Để hỗ trợ các quốc gia thành viên thực hiện báo cáo quốc gia của cũng như hỗ trợ các chuyên gia chính phủ đánh giá quốc gia khác, Cơ quan phòng chống ma túy và tội phạm của Liên hợp quốc (UNODC) đã đào tạo hơn 1500 chuyên gia về chống tham nhũng. Những khóa đào tạo này được chia thành nhiều lần được tổ chức cùng hoặc thông qua Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP) và một số tổ chức xã hội dân sự khác.
- Nhóm Đánh giá sẽ xem xét “Danh mục tự đánh giá” do các quốc gia thành viên nộp bằng bất kỳ thứ tiếng Liên hợp quốc nào (Anh, Pháp, Nga, Trung, Ả rập, Tây Ban Nha). Việc sử dụng đa ngôn ngữ đóng vai trò quan trọng cho phép các chuyên gia và các quốc gia tự do lựa chọn ngôn ngữ để thể hiện báo cáo của mình. Khi hết thời hạn đánh giá của chu trình đầu tiên, UNODC nhận được 154 phản hồi đối với Danh mục tự đánh giá. Phần lớn trong số này có yêu cầu dịch thuật.
- Nội dung báo cáo quốc gia gồm những thành công, thực tiễn tốt cũng như những thách thức và giải pháp để tăng cường việc thực thi Công ước. Tóm tắt Hành chính bao gồm giới thiệu tổng quan về hệ thống pháp luật của quốc gia thành viên cũng như các khuyến nghị và giải pháp được các chuyên gia đánh giá đưa ra.
- UNODC cũng lưu ý rằng ngày càng nhiều quốc gia công khai toàn bộ báo cáo quốc gia của mình, đây được coi là xu hướng minh bạch hóa các thông tin liên quan.
Đối với chu trình đầu tiên, cho đến nay có 170 quốc gia thành viên được đánh giá đã hoàn thành phần trả lời Danh mục tự đánh giá; các nước đã tổ chức 161 cuộc đối thoại trực tiếp và hoàn thành 144 Tóm tắt Hành chính trình lên Hội nghị. Có 7 Tóm tắt Hành chính đang được hoàn thiện và 66 quốc gia được đánh giá đã yêu cầu Ban Thư ký công bố toàn văn báo cáo của quốc gia mình trên trang web của UNODC.[2]
- Hiện nay, khoảng 100 Tóm tắt Hành chính được đăng tải công khai trên trang web của UNODC.
1.1. Tác động của Cơ chế đánh giá 
1.1.1. Các tác động toàn cầu
Việc thông qua và vận hành Cơ chế đánh giá đã thúc đẩy các quốc gia chưa phải thành viên tiếp tục tham gia vào Công ước: đã có 32 nước gia nhập Công ước từ năm 2010, so với 2 quốc gia gia nhập vào năm 2009[3].
Cơ chế đánh giá cũng là diễn đàn quan trọng cho toàn bộ các quốc gia thành viên trong việc trao đổi các vấn đề thực tế về chống tham nhũng trên tinh thần xây dựng, cả quốc gia được đánh giá và các chuyên gia đánh giá của chính phủ. Tính minh bạch, hiệu quả, không can thiệp của Cơ chế đánh giá, cũng như tính đa ngôn ngữ của nó đã mang đến cho tất cả các quốc gia cơ hội được đánh giá công bằng. 
Kể từ khi thực hiện Cơ chế đánh giá, khoảng 40 quốc gia thành viên đã được UNODC hỗ trợ trong việc xây dựng các dự thảo văn bản quy phạm pháp luật mới và có ý kiến góp ý và các dự thảo Luật đối với việc thực thi Công ước. Việc hỗ trợ ở phạm vi rộng cung cấp cho việc nâng cấp năng lực của các quốc gia thành viên trong ngăn chặn, nhận diện, điều tra và truy tố tham nhũng, bao gồm việc phát triển các chiến lược quốc gia, thành lập và tăng cường khung thể chế, chính sách, quy trình và thủ tục ngăn chặn, điều tra, truy tố, xét xử của các tổ chức liên quan, thông qua các hoạt động mang tầm quốc gia và khu vực.
Thông qua các cuộc họp của Nhóm Đánh giá, việc nhấn mạnh và phân tích các thông tin, dữ liệu trong báo cáo và các Tóm tắt Hành chính, Ban thư ký sẽ hệ thống hóa các nỗ lực của các quốc gia thành viên trong việc ngăn chặn tham nhũng. Các văn bản được ban hành bởi Ban thư ký cung cấp bức tranh toàn cầu về các xu hướng, thách thức, thực tiễn tốt và các nhu cầu hỗ trợ kỹ thuật, đây là những yếu tố quan trọng để Ban thư ký phát triển các công cụ khác nhau nhằm mục tiêu hỗ trợ kỹ thuật cho các quốc gia thành viên.
Mạng lưới tham gia Nhóm Đánh giá là rộng rãi gồm thành viên từ các tổ chức xã hội và khối tư nhân. Trong 80-90% các đánh giá, các nhân tố thuộc khối ngoài nhà nước đã được tham gia theo các cách khác nhau. Hơn nữa, 40% các đánh giá có sự tham gia từ khối tư nhân.[4]
1.1.2. Tác động đối với các quốc gia
Theo quy định tại Điều 4 Công ước, trên cơ sở tôn trọng nguyên tắc về bình đẳng và chủ quyền của các quốc gia thành viên, Cơ chế đánh giá là một công cụ:
- Minh bạch, hiệu lực, không xâm phạm chủ quyền quốc gia, toàn diện và khách quan;
- Không tạo ra bất kỳ hình thức phân chia thứ bậc nào;
- Tạo cơ hội để chia sẻ các thực tiễn tốt và các thách thức;
- Hỗ trợ các quốc gia thành viên thực thi Công ước có hiệu quả;
- Có tính đến phương pháp tiếp cận cân bằng về địa lý;
- Không gây thù địch, không trừng phạt và thúc đẩy sự tham gia toàn cầu vào Công ước;
- Hoạt động trên cơ sở các hướng dẫn rõ ràng để tập hợp, xây dựng và phổ biến thông tin, có tính đến các vấn đề về bảo mật, và báo cáo trước Hội nghị.
- Xác định sớm khó khăn mà các quốc gia thành viên gặp phải trong quá trình thực hiện các nghĩa vụ và các thực tiễn tốt trong việc thực thi Công ước của các quốc gia thành viên.
- Mang tính chuyên môn kỹ thuật và thúc đẩy hợp tác xây dựng trong các biện pháp phòng ngừa, thu hồi tài sản và hợp tác quốc tế.
Trong quá trình triển khai đánh giá Công ước, các quốc gia thành viên ghi nhận tác động tích cực của việc đánh giá này đối với Chính phủ và xã hội khi tham gia đánh giá, đặc biệt trong hỗ trợ hoàn thiện khuôn khổ pháp luật phòng chống tham nhũng, củng cố thể chế, thúc đẩy sự tham gia của toàn xã hội trong cuộc chiến chống tham nhũng, xây dựng và hoàn thiện cơ chế thu thập và chia sẻ thông tin, minh bạch hóa trong quá trình ra chính sách thực thi,….Cụ thể, báo cáo của chuyên gia chính phủ chỉ ra những thành công, thực tiễn tốt và những thách thức, đồng thời đưa ra nhận định về việc thực thi Công ước; xác định những nhu cầu hỗ trợ kỹ thuật nhằm hỗ trợ việc thực thi hiệu quả Công ước; nhận định về việc nội luật hóa các điều khoản của Công ước, cung cấp những lý giải về biện pháp đối phó với các thách thức đã được nhận định để quốc gia được đánh giá có thể thực hiện đầy đủ và hiệu quả các điều khoản liên quan của Công ước.
1.2. Thực thi Cơ chế đánh giá tại Việt Nam
Cho đến thời điểm hiện nay, Việt Nam là quốc gia tham gia cả hai chu kỳ đánh giá của Công ước. Trong chu kỳ đầu tiên, Việt Nam là một trong số các quốc gia chủ động đề nghị được tiến hành đánh giá thực thi Công ước sớm và hoàn thành đúng thời hạn các yêu cầu đặt ra đối với quá trình đánh giá (giai đoạn 2011 - 2012). Đồng thời, Việt Nam cũng tích cực tham gia hoạt động đánh giá thực thi Công ước đối với các quốc gia thành viên khác như đối với Cộng hòa Áo, Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa (trong giai đoạn 2012 – 2015) và đang tiếp tục đánh giá Cộng hòa Công Gô. Về kết quả đánh giá của Việt Nam, có thể tóm lược như sau:
- Việt Nam được lựa chọn đánh giá trong chu trình đầu tiên vào năm 2011. Chu trình này tập trung vào đánh giá các quy định tại Chương III và Chương IV Công ước, gồm 35 điều, 180 nội dung cụ thể, trong đó có 145 nội dung về mức độ tuân thủ, 35 nội dung về nhu cầu hỗ trợ kỹ thuật. Trong 145 nội dung về mức độ tuân thủ (tương ứng với 145 yêu cầu của Công ước): có 96 yêu cầu mang tính bắt buộc phải áp dụng, quy định hoặc thực hiện; 28 yêu cầu mang tính bắt buộc phải xem xét để áp dụng, thực hiện hoặc thông qua và 21 yêu cầu có thể xem xét để thực hiện hoặc áp dụng
 - Kết quả tự đánh giá cho thấy, Việt Nam đã ban hành, tuân thủ và thực hiện đầy đủ 102/145 yêu cầu của Công ước; đã ban hành, tuân thủ và thực hiện nhưng chưa đầy đủ 29/145 yêu cầu của Công ước; chưa ban hành và chưa thực hiện đầy đủ 14 yêu cầu của Công ước (chủ yếu là các nội dung Việt Nam đã bảo lưu hoặc tuyên bố không bị ràng buộc trong quá trình thực hiện). Việc lựa chọn phương án 2 đối với 29 yêu cầu và phương án 3 đối với 14 yêu cầu đã phản ánh đúng thực trạng hệ thống pháp luật, nhất quán với nội dung bảo lưu và tuyên bố của Việt Nam khi phê chuẩn Công ước. Nhìn chung, Việt Nam đã đáp ứng tương đối đầy đủ các yêu cầu của Công ước trong phạm vi nội dung chu trình đánh giá đầu tiên. Tuy nhiên, Việt Nam cũng đã nhận diện được các nội dung còn chưa phù hợp và những khó khăn, thách thức đặt ra trong việc đáp ứng đầy đủ, toàn diện hơn các yêu cầu của Công ước, đặc biệt là các yêu cầu về hoàn thiện pháp luật trong lĩnh vực hình sự, tố tụng hình sự và tương trợ tư pháp.
- Kết quả đánh giá của Nhóm Đánh giá (bao gồm chuyên gia của I-ta-lia, Li-băng, với sự hỗ trợ của Ban thư ký) cũng đưa ra những bình luận cơ bản tương đồng với kết quả đánh giá của Việt Nam. Việt Nam đã tuân thủ đầy đủ các yêu cầu đặt ra về quy trình đánh giá và là một trong số những quốc gia đầu tiên hoàn thành quá trình đánh giá trong năm thứ hai. Về đánh giá kết quả thực thi, các chuyên gia cơ bản thống nhất với phương án lựa chọn của Việt Nam, trên cơ sở đó có phân tích và so sánh cụ thể hơn về mức độ đáp ứng các yêu cầu của Công ước ở cả khía cạnh các quy định pháp luật, thực tiễn thi hành, cũng như nhận diện cụ thể về nhu cầu hỗ trợ kỹ thuật. [5]
Theo kết quả rút thăm tại cuộc họp lần thứ 6 của Nhóm Đánh giá được tổ chức tài thành phố Viên, Cộng hòa Áo từ ngày 20/6-24/6/2016, Việt Nam được lựa chọn là quốc gia được đánh giá trong năm 2017. Thực hiện nghị quyết về Cơ chế đánh giá lần thứ 6 tổ chức tại Liên bang Nga và một số văn bản hiện hành về pháp luật phòng, chống tham nhũng, Thanh tra Chính ban hành kế hoạch Tổ chức đánh giá việc thực thi Công ước theo chu trình đánh giá thứ 2 (đánh giá việc thực hiện Chương II và Chương V).
Trong kế hoạch này, nội dung và quy trình tổ chức đánh giá được tiến hành theo 7 bước sau đây: Bước 1, dịch tài liệu; bước 2, trả lời Danh mục tự đánh giá; bước 3, lấy ý kiến đóng góp của các cơ quan, tổ chức có liên quan; bước 4, trình phê duyệt nội dung báo cáo; bước 5, gửi báo cáo quốc gia cho Ban thư ký Hội nghị các quốc gia thành viên Công ước; bước 6, tiếp nhận, xử lý các phản hồi và yêu cầu, đề nghị từ Ban thư ký Hội nghị; bước 7, bảo vệ Báo cáo quốc gia.
Trong chu trình đánh giá thứ hai, bên cạnh việc là quốc gia được đánh giá, Việt Nam cùng với Hàn Quốc sẽ là các quốc gia đánh giá đối với quốc đảo Solomon.
2. Một số kiến nghị để hoàn thiện cơ chế đánh giá
Sau Chu trình đánh giá đầu tiên, có thể khẳng định rằng, Công ước và cơ chế đánh giá là thành tố quan trọng và thiết yếu, góp phần tạo ra được những chuyển biến tích cực trong nỗ lực phòng, chống tham nhũng của các quốc gia ở phạm vi toàn cầu, vì vậy, cần được tiếp tục ghi nhận, cam kết và thúc đẩy thực hiện trong thời gian tới. Tuy nhiên, thực tế áp dụng cơ chế đánh giá có quan điểm cho rằng, cơ chế đánh giá cần được tiếp tục đổi mới và hoàn thiện hơn nữa để trở thành một công cụ đơn giản, hiệu quả và thiết thực trong việc đánh giá thực trạng phòng, chống tham nhũng và thúc đẩy cơ chế trao đổi, chia sẻ thông tin, hợp tác thực chất hơn trong phòng, chống tham nhũng ở phạm vi toàn cầu. 
Cơ chế đánh giá hiện nay tương đối đồ sộ, phức tạp, tốn kém và đôi khi kéo dài. Đây cũng là cơ chế đánh giá chéo đầu tiên trong phạm vi công ước quốc tế. Sau khi triển khai chu trình đánh giá thứ nhất, có một số ý kiến cho rằng cần tiếp tục hoàn thiện cơ chế đánh giá, cụ thể như sau:
- Về khối lượng công việc của cơ chế đánh giá: Do khối lượng các câu hỏi tự đánh giá tương đối nhiều, thời gian chuẩn bị báo cáo đôi khi kéo dài nên cần thiết đề cao mục tiêu tiết kiệm trong đánh giá, giảm sức ép về khối lượng công việc lên các chuyên gia đánh giá, giảm khối lượng trả lời các câu hỏi tự đánh giá.
- Về một số vấn đề liên quan đến tài chính để tổ chức các cuộc họp bổ sung, chi phí và khả năng tham gia của chuyên gia kỹ thuật từ các cơ chế khác của Công ước vào Nhóm đánh giá… Hiện nay do khó khăn về tài chính, các quốc gia mới đóng góp khoảng 1/3 so với nhu cầu để triển khai chu trình đánh giá thứ hai. Một số quốc gia như Đức, Hà Lan, Bỉ cho biết đang tích cực thuyết phục Chính phủ tiếp tục cam kết hỗ trợ kỹ thuật, tuy nhiên, các khoản đóng góp phải chờ đến năm tài khóa 2017.
Theo ước tính của Ban thư ký, chi phí hành chính ước tính cho năm đầu tiên của chu kỳ đánh giá thứ hai là 2.798.100.000USD, năm thứ hai của chu kỳ đánh giá thứ hai là 2.810.500.000USD[6]. Tuy nhiên, tổng nguồn đóng góp tự nguyện từ các quốc gia thành viên tính đến 31/7/2016 là 4.376.900.000USD[7], là chưa đáp ứng được nhu cầu chi phí hành chính của hai năm đầu tiên chu kỳ đánh giá thứ hai nêu trên.
- Về sự tham gia của các tầng lớp xã hội và công khai thông tin: Một số nước thành viên đề nghị cần tiếp thu kinh nghiệm đánh giá từ chu trình một, đặc biệt liên quan đến sự tham gia rộng rãi của các tầng lớp xã hội nhằm thúc đẩy thực thi cam kết; tăng cường minh bạch trong công tác đánh giá cũng như sau đánh giá (bao gồm công khai báo cáo quốc gia và các thông tin liên quan) nhằm nâng cao hiệu quả của cơ chế đánh giá.
- Đối với Việt Nam, để thực hiện tốt cơ chế đánh giá cần tiếp tục thực hiên một số nhiệm vụ sau:
Thứ nhất, tiếp tục hoàn thiện pháp luật trong lĩnh vực hình sự, tố tụng hình sự và tương trợ tư pháp trên cơ sở báo cáo quốc gia và báo cáo của Nhóm Đánh giá sau chu trình thứ nhất. Đồng thời, nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung Luật Phòng, chống tham nhũng (dự kiến được thông qua tại Quốc hội khóa IX), đảm bảo phù hợp hơn với quy định của Công ước và các luật liên quan nêu trên. Từ đó, góp phần hoàn thiện khuôn khổ pháp lý chung, tạo điều kiện thuận lợi cho Việt Nam trong quá trình thực hiện cơ chế đánh giá trong các chu trình tiếp theo.
Thứ hai, cần nghiên cứu xây dựng khuôn khổ pháp lý cho việc thực hiện cơ chế đánh giá tại Việt Nam trong đó quy định cụ thể về việc thực hiện nghĩa vụ đánh giá và tự đánh giá theo yêu cầu của Công ước, trách nhiệm của các Bộ, ngành, các chuyên gia đánh giá cũng như việc đáp ứng nguồn lực tài chính cho quá trình đánh giá nhằm tạo cơ sở pháp lý rõ ràng, góp phần giúp Việt Nam thực hiện tốt hơn các quy định của Công ước và đàm bảo việc thực hiện hiệu quả hơn cơ chế đánh giá./.
 
Th.s. Nguyễn Thị Tuyết Giang, Vụ Pháp luật quốc tế
 
 
 
[1] CTOC/COP/WG.8/2015/CRP.3, page 2
[2] http://www.unodc.org/unodc/en/treaties/CAC/IRG-session7-resumed.html
[3] CTOC/COP/WG.8/2015/CRP.3, page 3
[4] CTOC/COP/WG.8/2015/CRP.3, page 3
[5] http://gi-poscis.org.vn/userpages/news/detail/tabid/73/newsid/222/seo/THONG-CAO-BAO-CHI-DANH-GIA-VIEC-THUC-HIEN-CONG-UOC-LIEN-HOP-QUOC-VE-CHONG-THAM-NHUNG-CUA-VIET-NAM/language/vi-VN/Default.aspx