Khi luật chờ văn bản dưới luật

10/07/2006
Theo báo cáo của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, trong lĩnh vực hành chính, tư pháp, có 167 văn bản (trong tổng số 255 văn bản) được ban hành sau ngày luật có hiệu lực từ bảy tháng đến hơn ba năm. Thậm chí có luật ban hành từ nhiệm kỳ QH khóa X mà đến QH khóa XI mới có văn bản hướng dẫn thi hành.

Tình trạng chậm ban hành các văn bản hướng dẫn thi hành luật, pháp lệnh, nghị quyết (gọi tắt là luật) đang là căn bệnh trầm kha của các cơ quan quản lý Nhà nước.

Đến hết tháng 6-2006, Văn phòng Chính phủ đã phải ra công văn do Bộ trưởng, Chủ nhiệm Đoàn Mạnh Giao ký, để "nhắc nhở" các bộ, cơ quan ngang bộ rằng, có bảy văn bản quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành luật đã hết thời hạn trình Chính phủ ban hành (tháng 6-2006) nhưng vẫn chưa hoàn thành xong dự thảo.

Đó là các dự thảo: Nghị định quy định về tổ chức, nhiệm vụ, quyền hạn của đơn vị chuyên trách về chống tham nhũng ở Bộ Công an do Bộ Công an chủ trì soạn thảo; Nghị định của Chính phủ ban hành Quy chế quản lý khu du lịch, tuyến, điểm du lịch và Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về thành lập Quỹ hỗ trợ phát triển du lịch do Tổng cục Du lịch soạn thảo; Nghị định về tổ chức tín dụng nước ngoài góp vốn, mua cổ phần của tổ chức cổ phần Việt Nam do Ngân hàng Nhà nước soạn thảo; Nghị định về quản lý Nhà nước đối với giấy phép kinh doanh do Bộ Kế hoạch và Đầu tư soạn thảo; Nghị định quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật phòng, chống tham nhũng và Nghị định quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Khiếu nại, tố cáo do Thanh tra Chính phủ xây dựng.

Các văn bản hướng dẫn thi hành luật chậm từ vài tháng đến vài năm là... bình thường. Theo báo cáo của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, trong lĩnh vực hành chính, tư pháp, có 167 văn bản (trong tổng số 255 văn bản) được ban hành sau ngày luật có hiệu lực từ bảy tháng đến hơn ba năm. Thậm chí có luật ban hành từ nhiệm kỳ QH khóa X mà đến QH khóa XI mới có văn bản hướng dẫn thi hành. Bộ luật dân sự năm 1995 có hiệu lực từ 1-7-1996 nhưng 10 năm sau vẫn còn thiếu 20 văn bản hướng dẫn, trong thời gian đó Bộ luật này đã kịp sửa đổi cơ bản vào tháng 6-2005.

Việc chậm ban hành các văn bản hướng dẫn thi hành làm cho các quy định của luật chậm đi vào cuộc sống; các cơ quan, tổ chức áp dụng không thống nhất; làm giảm hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước, gây khó khăn cho các cơ quan thực thi pháp luật; ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, công dân. Trách nhiệm này trước hết thuộc về các cơ quan được phân công soạn thảo, chưa chỉ đạo sát sao, tập trung nguồn lực thời gian để thực hiện.

Rà soát quy trình soạn thảo, ban hành các văn bản quy phạm pháp luật mới thấy rằng ở tất cả các khâu, khi thực hiện đều "có vấn đề".

Vấn đề đầu tiên là hoạt động của Ban soạn thảo. Lẽ ra việc soạn thảo phải là trách nhiệm của tập thể Ban soạn thảo, nhưng nhiều trường hợp gần như "khoán" cho cơ quan chủ trì, mà thực chất là do tổ biên tập thực hiện. Ở khâu thẩm định, cơ quan soạn thảo thường gửi dự thảo đến cơ quan thẩm định quá muộn, văn bản thẩm định, trong nhiều trường hợp, chưa mang tính phản biện, còn việc tiếp thu của cơ quan soạn thảo lại mang tính tùy nghi. Nhưng cũng có trường hợp dự thảo đã gửi trình nhiều tháng (thậm chí hàng năm) nhưng chưa được ban hành do Văn phòng Chính phủ chưa nghiên cứu kịp thời để đưa vào chương trình làm việc của Chính phủ.

Một nguyên nhân khác làm cho việc ban hành các văn bản hướng dẫn chậm là kinh phí khó khăn, chỉ mang tính "hỗ trợ". Phương thức cấp phát kinh phí cũng chưa hợp lý ở chỗ việc ban hành văn bản đòi hỏi phải nghiên cứu, khảo sát trong nhiều năm nhưng lại chỉ cấp cho năm ban hành. Ở các bộ, ngành thì kinh phí này không được dự toán một khoản riêng mà được trích ra từ nguồn kinh phí hoạt động thường xuyên. Do kinh phí chưa được quy định cụ thể nên ảnh hưởng đến quá trình nghiên cứu, soạn thảo, ban hành.

Tuy nhiên, việc chậm ban hành các văn bản hướng dẫn còn bởi khối lượng các văn bản hướng dẫn cần ban hành quá lớn. Nhiều luật, pháp lệnh được ban hành chưa cụ thể, mang tính "luật khung" nên có nhiều nội dung cần hướng dẫn. Có những đạo luật cần tới hơn 10 văn bản hướng dẫn. Trong khi đó, Quốc hội, UBTVQH khi xem xét, thông qua các dự án luật, pháp lệnh lại chưa xác định cụ thể những nội dung cần được hướng dẫn cũng như số lượng văn bản, cơ quan chịu trách nhiệm soạn thảo, cơ quan ban hành, thời gian ban hành.

Khắc phục tình trạng chờ văn bản hướng dẫn thì luật mới có hiệu lực, nhiều dự án luật trong thời gian gần đây đã được cơ quan soạn thảo trình kèm theo dự thảo Nghị định quy định chi tiết, như vậy đảm bảo được tính thống nhất và kịp thời của văn bản hướng dẫn. Tuy nhiên, xu hướng chung là giảm dần các pháp lệnh, nghị định, Quốc hội sẽ tăng cường ban hành luật, đảm bảo tính cụ thể, chi tiết để sau khi ban hành có thể thi hành ngay.

Một điểm nữa mà nhiều đại biểu QH đã nhấn mạnh là dẫu sao, cũng không thể lấy lý do chưa có văn bản hướng dẫn mà "ách" việc thi hành cả đạo luật.

(Theo Nhân dân)