Một số giải pháp nhằm thúc đẩy sự phát triển của các doanh nghiệp nhỏ và vừa tại Việt Nam

10/08/2017
Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) vừa được Quốc Hội thông qua vào 12/6/2017, có hiệu lực kể từ ngày 01/01/2018. Đây được xem là một văn bản pháp lý cần thiết dành riêng cho cộng đồng DNNVV tại Việt Nam. DNNVV có vị trí đặc biệt quan trọng trong nền kinh tế quốc dân bởi hoạt động của loại hình doanh nghiệp này sẽ quyết định tới việc tăng ngân sách cho đất nước, thúc đẩy phát triển kinh tế và giải quyết triệt để các vấn đề xã hội như tạo việc làm, xoá đói, giảm nghèo... Do đó, nhằm tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ doanh nghiệp đầu tư, mở rộng phát triển sản xuất - kinh doanh cần phải đưa ra các giải pháp hỗ trợ từ pháp lý đến thực tiễn cho cộng đồng doanh nghiệp này.
1. Nhu cầu phát triển của các doanh nghiệp nhỏ và vừa tại Việt Nam
Doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV), hay còn gọi là Small and Medium-sized Enterprises (SMEs) tại Việt Nam được xác định là những doanh nghiệp có quy mô vốn nhỏ, lao động ít và doanh thu, lợi nhuận thường ở mức hạn chế. Theo Luật hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, loại hình doanh nghiệp này được chia thành 3 loại: Doanh nghiệp siêu nhỏ; Doanh nghiệp nhỏ và Doanh nghiệp vừa. Tiêu chí xác định loại hình DNNVV được liệt kê cụ thể tại Điều 4, Luật hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa:
“Điều 4. Tiêu chí xác định doanh nghiệp nhỏ và vừa
1. Doanh nghiệp nhỏ và vừa bao gồm doanh nghiệp siêu nhỏ, doanh nghiệp nhỏ và doanh nghiệp vừa, có số lao động tham gia bảo hiểm xã hội bình quân năm không quá 200 người và đáp ứng một trong hai tiêu chí sau đây:
a) Tổng nguồn vốn không quá 100 tỷ đồng;
b) Tổng doanh thu của năm trước liền kề không quá 300 tỷ đồng.
2. Doanh nghiệp siêu nhỏ, doanh nghiệp nhỏ và doanh nghiệp vừa được xác định theo lĩnh vực nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy sản; công nghiệp và xây dựng; thương mại và dịch vụ.
3. Chính phủ quy định chi tiết Điều này.”
Hiện nay, hầu hết các DNNVV tại Việt Nam đang phải đối mặt với nhiều trở ngại cho sự phát triển trong hoạt động kinh doanh, điển hình như: các khó khăn về vốn, tài chính; thiếu phân hóa quản trị trong doanh nghiệp; tiếp cận công nghệ thông tin hạn chế; ít cơ hội hòa nhập với thị trường nước ngoài;... Những trở ngại về nội tại kết hợp với những khó khăn, sức ép bên ngoài thị trường (như sự đánh giá của người tiêu dùng; các trách nhiệm xã hội và trách nhiệm kinh doanh mà doanh nghiệp buộc phải gánh vác; các yếu tố về vị trí, môi trường pháp lý, sự khuyến khích đầu tư và hỗ trợ từ Nhà nước...) đã khiến cho nhiều DNNVV ngày càng “đuối sức” khi tham gia vào hoạt động kinh doanh trong bối cảnh kinh tế mới.
Nhiều đánh giá, nhận định về “sức chịu đựng” của các SMEs tại Việt Nam cho thấy loại hình doanh nghiệp này rất nhạy cảm với thời cuộc và có thể thay đổi nhanh chóng, càng hội nhập quốc tế càng khiến cho các doanh nghiệp gặp nhiều thách thức, bất lợi lớn khi kinh doanh nếu không có sự hỗ trợ từ cơ chế, chính sách và sự chuẩn bị từ nội tại của chính mỗi doanh nghiệp. Tuy nhiên, rõ ràng thấy rằng, các SMEs tại Việt Nam hiện nay lại có những yếu tố phù hợp để phát triển trong bối cảnh toàn cầu hóa như: lợi thế về ý tưởng khởi nghiệp, các ưu điểm về sự kiên trì, sáng tạo của chủ doanh nghiệp, tư duy kinh doanh tốt hay những sản phẩm đặc thù, khác biệt... Bởi vậy, nhu cầu phát triển của nhiều DNNVV luôn được xác định là yếu tố “sống còn” của mỗi doanh nghiệp khi bước chân vào một thương trường cạnh tranh khốc liệt[1].
Thị trường Việt Nam trong bối cảnh gia nhập các Hiệp định Thế hệ mới (FTAs) đã khiến cho quan niệm về đòi hỏi của khách hàng (người tiêu dùng) đối với các SMEs thay đổi[2]. Từ chỗ trước đây khách hàng luôn xem xét giá cả trước khi sử dụng các sản phẩm của doanh nghiệp thì ngày nay khách hàng lại quan tâm nhiều hơn đến các vấn đề về chất lượng sản phẩm, thương hiệu của doanh nghiệp. Bởi vậy, các SMEs muốn phát triển trong thị trường thương mại cần nâng cao chất lượng sản phẩm cung cấp cho thị trường nhằm làm hài lòng tâm lý, nhu cầu của người tiêu dùng, đồng thời cũng cần phải cố gắng xây dựng thương hiệu của chính doanh nghiệp mình tới khách hàng trên phạm vi rộng lớn. Thực tế, việc nâng cao chất lượng sản phẩm và phát triển uy tín, thương hiệu đối với các SMEs không hề đơn giản nhưng nếu thực hiện được điều này, bài toán hóc búa về sự phát triển cho các SMEs đã được giải quyết một cách triệt để. Điều đó có nghĩa rằng nhu cầu phát triển của cộng đồng SMEs tại Việt Nam luôn hiện hữu, thường trực ở mỗi doanh nghiệp, tuy nhiên, để thực hiện mục đích đó cho mỗi doanh nghiệp cần loại trừ các rào cản về mặt pháp lý cũng như các khó khăn, hạn chế trên thực tế áp dụng.
2. Các giải pháp từ Nhà nước và xã hội
Cộng đồng SMEs muốn phát triển được ngoài việc tự thay đổi, nâng cao những nội lực của chính mình còn cần phải có sự hỗ trợ, giúp đỡ từ cơ quan Nhà nước và xã hội cũng như chính người tiêu dùng. Khắc phục được những khó khăn, hạn chế cho sự phát triển của DNNVV cần áp dụng đồng thời nhiều giải pháp từ Nhà nước và xã hội, bao gồm:
Thứ nhất, các giải pháp liên quan đến xây dựng, hoàn thiện thể chế, chính sách, pháp luật: nhóm giải pháp này nhằm mục đích cải thiện đáng kể môi trường pháp lý kinh doanh cho doanh nghiệp, tạo thuận lợi tối đa cho các doanh nghiệp khi tham gia vào thị trường trong nước và ngoài nước, đồng thời, đây cũng là nhóm giải pháp hỗ trợ trực tiếp cho sự phát triển của DNNVV tại Việt Nam.
Một là, xác định rõ các chủ trương, định hướng chiến lược phát triển của cộng đồng SMEs trong các Văn kiện của Đại hội Đảng toàn quốc, các Nghị quyết về phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng nền kinh tế thị trường của Chính phủ, Quốc Hội, với những nội dung quan trọng như: thúc đẩy sự  phát triển kinh tế tư nhân, nâng cao năng lực sản xuất của doanh nghiệp; tập trung giải quyết các vấn đề về thuế, hải quan, nhân lực, quản trị, sản phẩm; nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia...
Hai là, hoàn thiện khung pháp lý và phạm vi hỗ trợ SMEs phát triển trong nước, hội nhập quốc tế, với những nội dung như: (i) Xác định rõ khuôn khổ về gia nhập, hoạt động và giải thể, phá sản của DNVVN; (ii) Hỗ trợ DNNVV tiếp cận tài chính, tín dụng và nâng cao hiệu quả sử dụng vốn; (iii) Hỗ trợ công nghệ, khoa học kỹ thuật cho DNVVN; (iv) Phát triên nguồn nhân lực cho các DNNVV, tập trung vào nâng cao năng lực quản trị; (v) Đẩy mạnh hình thành nhóm DNVVN; (vi) Cung cấp thông tin hỗ trợ DNNVV và xúc tiến mở rộng thị trường; (vii) Xây dựng hệ thống tổ chức trợ giúp phát triển; (viii) Quản lý thực hiện Kế hoạch phát triển, thành lập Quỹ hỗ trợ; (ix) Tổ chức thực hiện các Chương trình liên quan đến sự phát triển như DNVVN...[3]
Thứ hai, các giải pháp liên quan đến sự hỗ trợ của xã hội, của các tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội nghề nghiệp nhằm thúc đẩy sự phát triển của DNVVN: nhóm giải pháp này nhằm chủ động tháo gỡ các khó khăn cho cộng đồng SMEs, đồng thời nâng cao ý thức của cộng đồng xã hội đối với sự phát triển của các DNNVV tại Việt Nam.
Một là, nâng cao vai trò, năng lực của các Hiệp hội ngành hàng, Hiệp hội DNVVN, Hiệp hội nghề nghiệp bằng các giải pháp tích cực như: tổ chức Hội thảo uy tín về phát triển doanh nghiệp; xây dựng các Bộ quy chế, quy tắc riêng dành cho SMEs trong ứng xử kinh doanh; tích cực tuyển chọn các Hội viên, thành viên ưu tú trong các tổ chức, Hiệp hội để xây dựng mối quan hệ tốt đẹp với các cơ quan Nhà nước; tăng cường chức năng tham vấn và phản biện xã hội...
Hai là, tiếp nhận các phản hồi, ý kiến, nhu cầu từ người tiêu dùng sử dụng sản phẩm của DNNVV để tự hoàn thiện doanh nghiệp hơn trong hoạt động kinh doanh, cung cấp hàng hóa, dịch vụ đến khách hàng bằng các giải pháp cụ thể như: nâng cao trách nhiệm xã hội, trách nhiệm kinh doanh của doanh nghiệp đối với người tiêu dùng; cân bằng lợi ích của thương nhân – người tiêu dùng; đảm bảo quyền lợi cho người tiêu dùng về chất lượng, giá cả sản phẩm; tiếp nhận thông tin và phản hội thông tin kịp thời từ người tiêu dùng;....
Nhìn chung, các giải pháp từ Nhà nước và xã hội, cộng đồng, người tiêu dùng có sự tác động trực tiếp hoặc gián tiếp tới chính loại hình DNNVV tại Việt Nam. Tuy nhiên, để những giải pháp này thực sự có hiệu quả đối với loại hình doanh nghiệp này cần có sự áp dụng đồng bộ của nhiều giải pháp cùng một thời điểm. Thiết nghĩ, sự kết hợp một cách hài hòa các giải pháp này sẽ tạo những thuận lợi vô cùng lớn cho các DNNVV trong quá trình hội nhập kinh tế quốc tế và tự phát triển nội lực cho chính mỗi doanh nghiệp.
  1. Các giải pháp từ cộng đồng DNVVN
Hiện nay, SMEs tại Việt Nam có rất nhiều lợi thế về kinh doanh, về phạm vi thị trường, về khách hàng để tham gia vào hoạt động thương mại trong nước, khu vực và quốc tế. Đặc biệt, trong bối cảnh Việt Nam là thành viên của Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC) thì việc tận dụng những lợi thế vốn có của SMEs tại Việt Nam sẽ thúc đẩy sự phát triển lớn mạnh về kinh tế Việt Nam trong khu vực Đông Nam Á. Các DNNVV cần có những giải pháp phù hợp để nâng cao những lợi thế vốn có và góp phần thúc đẩy sự phát triển của cộng đồng DNVVN.
Thứ nhất, trong cạnh tranh thương mại, các SMEs luôn phải nhận thức được tầm quan trọng của việc bảo vệ thương hiệu, sản phẩm, trí tuệ kinh doanh, bí mật kinh doanh của doanh nghiệp mình. Thực tế cho thấy, nhiều doanh nghiệp của Việt Nam đã đối mặt với các vấn đề về bản quyền, sở hữu trí tuệ, kiểu dáng công nghiệp... dẫn tới hàng loạt các vụ tranh chấp, mâu thuẫn gây phiền hà cho hoạt động sản phẩm kinh doanh. Bởi vậy, tuân thủ quy tắc hoạt động của doanh nghiệp và biết bảo vệ các “nguồn tài nguyên” của doanh nghiệp sẽ giúp cho chính mỗi DNNVV phát triển thật sự.
Thứ hai, trong kinh doanh, khách hàng hay người tiêu dùng của mỗi doanh nghiệp luôn được coi là “thượng đế”. Các “thượng đế” luôn đòi hỏi nhiều DNNVV phải đáp ứng các nhu cầu mong muốn của mình. Do vậy, bằng việc cung cấp sản phẩm tốt, chất lượng, phù hợp với thị hiếu của người tiêu dùng, thỏa mãn nhu cầu khách hàng thì các doanh nghiệp đã tự tạo dựng được vị thế riêng cho mình. Việc nắm bắt nhu cầu, tâm lý của khách hàng hoặc nhóm khách hàng phù hợp với loại hình, ngành nghề kinh doanh của mỗi doanh nghiệp cũng chính là một giải pháp mà các DNNVV có thể thực hiện được và tạo ra những kết quả vô cùng khả quan.
Thứ ba, mỗi DNNVV cần có phương hướng phát triển thông qua các kế hoạch, chiến lược, tầm nhìn, sứ mệnh hoạt động cụ thể. Đây được coi là cẩm nang cho sự phát triển của doanh nghiệp, đồng thời đây cũng chính là những hướng đi phù hợp nhất để mỗi doanh nghiệp nhanh chân bước tới thành công. Rõ thấy, một giải pháp cũng được áp dụng đối với DNNVV đó là xây dựng tầm nhìn ngắn, trung và dài hạn trong sự phát triển của doanh nghiệp mình bằng việc xác định rõ các vấn đề về kinh tế, khách hàng, sự cạnh tranh, định hướng tương lai, triển vọng của doanh nghiệp, tính chuyên môn hóa cao trong việc tiếp xúc với khách hàng, uy tín, thương hiệu và giá trị cốt lõi mà mỗi doanh nghiệp cung cấp cho thị trường, xã hội...
Thứ tư, để hạn chế tối đa các thất bại như buộc phải giải thể, tự giải thế, tình trạng kinh doanh bị trì trệ, tạm, ngưng hoạt động thì các DNNVV cần thiết phải xác định được phạm vi và đối tượng mà doanh nghiệp mình hướng tới. Nói cách khác, trên cơ sở quy mô, tiềm lực của loại hình doanh nghiệp mình, các DNNVV cần có chiến lược phù hợp trong việc lựa chọn thị trường, phân khúc thị trường để khai thác, kinh doanh. Có thể nói, chọn lựa phân khúc thị trường phù hợp là một giải pháp và đồng thời cũng là sự chuẩn bị kỹ lưỡng, an toàn cho sự phát triển ổn định của mỗi doanh nghiệp.
Thứ năm, chính mỗi doanh nghiệp cần khai thác hiệu quả các nguồn lực hỗ trợ, thúc đẩy cho sự phát triển của DNNVV như: các giải pháp hỗ trợ từ nhà đầu tư trong và ngoài nước; các chính sách, kế hoạch hỗ trợ của Nhà nước về nguồn vốn, tài chính, công nghệ, quản trị, kinh doanh... Đồng thời, sự liên minh, liên kết của nhóm doanh nghiệp kinh doanh, hoạt động cùng ngành nghề dưới các hình thức như hợp tác kinh doanh, liên doanh, liên danh...cũng là một giải pháp phù hợp nhằm phát huy vai trò, thế mạnh của mỗi doanh nghiệp.
Thứ sáu, tận dụng tối đa những tiềm lực về vốn, nhân lực, thị trường, văn hóa, kinh nghiệm kinh doanh của các doanh nghiệp lớn để từ đó có nền tảng giúp các DNNVV học tập hoặc nhận được sự giúp đỡ trực tiếp từ các doanh nghiệp lớn. Đây cũng chính là sự tự thân vận động quan trọng của mỗi DNNVV trong kế hoạch thực hiện các chiến lược, mục tiêu kinh doanh của mình cùng với các đối thủ nặng ký trên thị trường. Hiểu về đối thủ và cân bằng hài hòa được các lợi ích với đối thủ trong kinh doanh sẽ tạo những cơ hội phát triển ổn định cho các DNVVN. Điều đó đồng nghĩa rằng các DNNVV cần biết cách giữ mối quan hệ tốt đẹp với các doanh nghiệp lớn trong bối cảnh thị trường cạnh tranh khốc liệt.
Trong những năm gần đây, xu thế kinh tế của quốc tế và khu vực Đông Nam Á đã có tác động không nhỏ đến sự phát triển kinh tế của Việt Nam. Chính điều này đã kéo theo một thực tế là các DNNVV bất ngờ phải đối mặt với sự khác biệt về nhiều khía cạnh liên quan đến hoạt động kinh doanh, thương mại như tư duy kinh doanh, nhận thức, niềm tin, tâm lý khách hàng, văn hóa ứng xử.... Do vậy, cách thức để phát triển mỗi doanh nghiệp nói riêng và nâng cao năng lực cạnh tranh của cộng đồng DNNVV nói chung chính là việc sử dụng có hiệu quả các giải pháp của Nhà nước, của cộng đồng xã hội và của chính các DNVVN. Việc áp dụng hiệu quả các giải pháp này không chỉ góp phần thúc đẩy sự phát triển của mỗi doanh nghiệp mà còn góp phân nâng cao vị thế của nền kinh tế Việt Nam trong khu vực và trên quốc tế.
Ngô Thu Trang, Bộ Tư pháp
Nguyễn Sỹ Anh, Công ty TNHH Tư vấn Legal & Partner
 
 
 
 
[1] Tham khảo các ý kiến của TS. Cao Sỹ Kiêm – Chủ tịch Hiệp hội DNNVV Việt Nam; TS. Vũ Tiến Lộc – Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam; Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan....trong một số Hội thảo về phát triển doanh nghiệp vừa và nhỏ tại Việt Nam.
[2] Các FTA mà Việt Nam gia nhập như: FTA Việt Nam-EU (EVFTA); Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP); Hiệp định Đối tác thương mại và đầu tư xuyên Đại Tây Dương (T-TIP);các hiệp định thành lập EU; FTA Bắc Mỹ (NAFTA); Thị trường chung Nam Mỹ (MERCOSUR); các FTA ASEAN+1; FTA Australia-Hoa Kỳ (AUSFTA);...
 
[3] Triển khai thực hiện các Chương trình như: Chương trình đổi mới công nghệ quốc gia đến năm 2020; Chương trình quốc gia phát triển công nghệ cao đến năm 2020; Chương trình phát triển sản phẩm quốc gia đến năm 2020; thí điểm xây dựng vườn ươm doanh nghiệp; thí điểm xây dựng mô hình hỗ trợ toàn diện cho DNNVV trong một số lĩnh vực; thúc đẩy các liên kết kinh tế, cụm liên kết ngành.