Các đại biểu Quốc hội tán thành Dự thảo Luật Chứng khoán

21/06/2006
Các đại biểu Quốc hội tán thành Dự thảo Luật Chứng khoán
Ngày 20/6 Quốc hội làm việc tại Hội trường, dưới sự điều khiển của Phó Chủ tịch Quốc hội Trương Quang Được, Quốc hội đã nghe và cho ý kiến vào báo cáo tiếp thu giải trình, chỉnh lý Dự thảo Luật Chứng khoán; báo cáo tiếp thu giải trình, chỉnh lý Dự thảo Nghị quyết về các dự án, công trình quan trọng quốc gia.

Dự thảo Luật Chứng khoán đã được Quốc hội thảo luận tại hội trường ngày 26/5/2006.

Sáng 20/6, sau khi nghe báo cáo giải trình của UBTV Quốc hội, các đại biểu thảo luận nhấn mạnh sự cần thiết phải ban hành Luật Chứng khoán. Đó là cơ sở pháp lý vững chắc để hình thành mô hình thị trường vốn, tạo lập và vận hành kênh huy động vốn trung và dài hạn cho nền kinh tế; tạo cơ sở cho thị trường chứng khoán phát triển nhanh và ổn định; tạo tâm lý yên tâm cho các tổ chức, cá nhân khi tham gia kinh doanh, đầu tư vào thị trường chứng khoán và bảo đảm lợi ích hợp pháp của nhà đầu tư; giúp cho công dân dễ dàng hiểu biết về chứng khoán, thị trường chứng khoán, cơ sở pháp lý để công chúng tham gia thị trường chứng khoán khi có điều kiện.

Mặt khác, trước yêu cầu của cam kết quốc tế trong quá trình hội nhập, đặc biệt là các cam kết về hệ thống pháp luật phục vụ cho tiến trình gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới WTO thì việc ban hành Luật Chứng khoán là rất cần thiết. 

Để bổ sung, hoàn thiện Luật Chứng khoán có 16 đại biểu Quốc hội phát biểu và một số đại biểu gửi ý kiến bằng văn bản thông qua Đoàn thư ký kỳ họp

Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTV) đã chỉ đạo Cơ quan thẩm tra, Ban soạn thảo, các cơ quan hữu quan nghiên cứu, tiếp thu, chỉnh sửa. 

Về mô hình địa vị pháp lý của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) còn có một số ý kiến khác nhau, song đa số các đại biểu Quốc hội nhất trí với giải trình của Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng, qua hai năm thực hiện mô hình UBCKNN thuộc Bộ Tài chính, mô hình này đang phát huy hiệu quả. Mặt khác, hiện nay, đồng thời sự phát triển của thị trường chứng khoán gắn chặt với tiến trình cổ phần hóa các doanh nghiệp nhà nước,  vì vậy UBCKNN trực thuộc Bộ Tài chính là phù hợp với thực tiễn.

Kết thúc phiên thảo luận sáng nay, Phó Chủ tịch Quốc hội Trương Quang Được kết luận: 12 đại biểu phát biểu, những ý kiến xác đáng, Ban soạn thảo sẽ nghiên cứu dưới sự chỉ đạo của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, Uỷ ban Kinh tế ngân sách cùng với các cơ quan hữu quan tiếp thu để hoàn chỉnh, giải trình báo cáo với Quốc hội trong phiên họp ngày 23/6 tới, để các đại biểu Quốc hội cho ý kiến và thông qua.

Chiều 20/6, Quốc hội nghe Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế và Ngân sách của Quốc hội Nguyễn Đức Kiên trình bày báo cáo tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Nghị quyết về các dự án, công trình quan trọng quốc gia trình Quốc hội xem xét, quyết định chủ trương đầu tư.

Dự thảo Nghị quyết này đã được Quốc hội thảo luận, cho ý kiến tại phiên họp ngày 29/5/2006, có 29 ý kiến tham gia đề cập hầu hết đến các nội dung trong Dự thảo Nghị quyết. Ngay sau phiên thảo luận, UBTV Quốc hội đã chỉ đạo các cơ quan liên quan nghiên cứu, tiếp thu và chỉnh lý Dự thảo Nghị quyết.

Đa số ý kiến nhất trí về sự cần thiết phải sửa đổi Nghị quyết 05/1997/QH10, ban hành Nghị quyết mới của Quốc hội về dự án, công trình quan trọng quốc gia trình Quốc hội xem xét, quyết định chủ trương đầu tư. Có ý kiến đề nghị, cần tổng kết 9 năm thực hiện Nghị quyết 05/1997/QH10 và nâng lên thành Luật, trình Quốc hội thông qua. UBTV Quốc hội cho rằng, qua gần 9 năm thực hiện Nghị quyết 05/1997/QH10 đến nay, tình hình kinh tế - xã hội của đất nước có nhiều thay đổi… Bên cạnh đó, sự biến động của giá cả, tỷ giá hối đoái giữa các đồng tiền trong khu vực và trên thế giới ngày càng biến động, thay đổi… đòi hỏi phải sửa đổi, bổ sung Nghị quyết 05/1997/QH10 và thay bằng một Nghị quyết mới cho phù hợp với tình hình là cần thiết. Việc nâng thành luật cần được tiếp tục nghiên cứu, chuẩn bị, nếu đủ điều kiện sẽ trình Quốc hội vào thời điểm thích hợp.

Về phạm vi điều chỉnh của Nghị quyết, các đại biểu Quốc hội nhất trí với dự thảo - chỉ điều chỉnh dự án, công trình quan trọng quốc gia. Có ý kiến đề nghị, cần ghi rõ dự án, công trình xây dựng cơ bản và ngoài các công trình, dự án trọng điểm quốc gia, cần điều chỉnh cả các chương trình kinh tế - xã hội quan trọng quốc gia. UBTV Quốc hội cho rằng, có nhiều loại dự án trong các lĩnh vực khác nhau, nhưng Nghị quyết chỉ điều chỉnh các dự án liên quan đến đầu tư, và do dự án đó quan trọng nên Quốc hội phải “quyết định chủ trương đầu tư”. Còn các chương trình kinh tế - xã hội đều được Chính phủ trình Quốc hội trong Báo cáo về nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội hằng năm, 5 năm và được Quốc hội xem xét, bố trí vốn trong cân đối ngân sách nhà nước. Vì vậy, đề nghị giữ phạm vi điều chỉnh của Nghị quyết là dự án, công trình như đề nghị của Chính phủ và đã được đa số các ý kiến tán thành. Dự thảo Nghị quyết cũng không phân biệt loại dự án về kinh tế, xây dựng hay văn hóa - xã hội.

Có ý kiến cho rằng, những năm gần đây, việc giám sát của Quốc hội đối với các dự án, công trình quan trọng quốc gia đã được quan tâm, nhưng chưa thường xuyên, hiệu quả chưa cao. Do vậy cần tăng cường hơn nữa hoạt động này và có thể thành lập các đoàn hoặc Ủy ban của Quốc hội thực hiện giám sát chuyên đề đối với dự án, công trình quan trọng quốc gia.  UBTV Quốc hội khẳng định, hoạt động giám sát nói chung của Quốc hội và giám sát dự án, công trình quan trọng quốc gia cần phải tăng cường hơn, thường xuyên hơn và thiết thực hơn theo Luật Tổ chức Quốc hội và Luật về hoạt động giám sát của Quốc hội./.

(Theo website Chính phủ)