Bất cập trong xử phạt hành chính hành vi hút thuốc lá nơi quy định cấm và kiến nghị

25/02/2016

Tác hại của hút thuốc lá, dù là hút thuốc lá thụ động cũng là một nguy cơ lớn ảnh hưởng tới sức khoẻ. Khói toả ra từ đầu điếu thuốc lá đang cháy độc hại hơn khói thuốc lá do người hút hít vào vì có chứa nhiều chất độc hại hơn gấp 26 lần do cháy ở nhiệt độ cao và không qua bộ phận lọc. Công trình nghiên cứu của các nhà khoa học trên phạm vi quốc tế trong 20 năm gần đây về ảnh hưởng của khói thuốc lá thụ động đã chỉ ra rằng: Khói thuốc lá thụ động là một trong các tác nhân gây nhiều bệnh về tim mạch, phổi, làm suy giảm chức năng hô hấp và ảnh hưởng tới chức năng sinh sản của nam và nữ. Người thường xuyên hít phải khói thuốc tăng nguy cơ mắc bệnh mạch vành lên 25-30%, mắc bệnh phổi lên 20-30% và tăng nguy cơ đột quỵ lên 82%. Trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ thường xuyên hít phải khói thuốc lá sẽ làm tăng tỷ lệ viêm đường hô hấp dưới (như viêm phế quản, viêm phổi) và viêm tai giữa; làm tăng các triệu chứng của đường hô hấp mãn tính như hen; làm giảm sự phát triển của phổi và tăng nguy cơ đột tử ở trẻ sơ sinh. Phụ nữ mang thai hít phải khói thuốc lá trong quá trình mang thai có thể gây biến đổi sự phát triển của bào thai, dễ sảy thai, đẻ non hoặc sinh con nhẹ cân.

Trên thực tế, mặc dù mức độ tuyên truyền về những tác hại từ thuốc lá đối với người hút trực tiếp và người hút thụ động đã phủ khá dày đặc trên các phương tiện thông tin đại chúng nhưng tình trạng hút thuốc lá nơi công cộng vẫn diễn ra nhiều nơi. Đáng nói hơn, Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá năm 2012 (viết tắt Luật Phòng, chống THCTL) và việc xử phạt hành vi hút thuốc lá ở những nơi bị cấm đã được quy định tại Nghị định 176/2013/NĐ-CP ngày 14/11/2013 của Chính phủ, quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế (viết tắt Nghị định 176/2013/NĐ-CP), nhưng hầu như việc thực hiện quy định xử phạt vi phạm nhìn chung chưa được thực hiện triệt để.

Thứ nhất, thực hiện quy định xử phạt hành vi vi phạm hút thuốc lá chưa triệt để

Thực tế cho thấy, vi phạm liên quan đến hút thuốc lá nơi công cộng là rất phổ biến, ngay cả những địa điểm theo quy định tại Điều 11 của Luật Phòng, chống THCTL, bị cấm hút thuốc lá hoàn toàn, như: Cơ sở y tế; Cơ sở giáo dục; Cơ sở chăm sóc, nuôi dưỡng, vui chơi, giải trí dành riêng cho trẻ em; Khu vực có nguy cơ cháy, nổ cao và địa điểm cấm hút thuốc lá trong nhà (nhưng được phép có nơi dành riêng cho người hút thuốc lá) như: khu vực cách ly của sân bay, quán bar, karaoke, vũ trường, khách sạn; cơ sở lưu trú du lịch, phương tiện giao thông công cộng là tàu thủy, tàu hỏa, ô tô… rất nhiều người vẫn thản nhiên hút thuốc lá nơi có biển “Cấm hút thuốc”. Tại các bệnh viện, người dân vẫn  cứ vô tư hút thuốc lá tại khu vực chờ khám bệnh, trong nhà WC, khuôn viên vườn hoa,... Khi bị nhắc nhở, một số người tìm sang khu vực khác khuất tầm nhìn để tiếp tục hút thuốc, hoặc hút trở lại sau khi nhân viên đi khỏi. Điều đáng nói là tại nhiều khu vực công cộng, mà theo quy định bắt buộc đến thời điểm này vẫn chưa bố trí khu vực dành riêng cho người hút thuốc lá. Mặt khác, tình trạng các doanh nghiệp sử dụng lực lượng nữ xinh đẹp để tiếp thị thuốc lá trực tiếp tới người tiêu dùng tại các quán ăn, nhà hàng vẫn phổ biến. Chính vì vậy, dường như quy định cấm và xử phạt vi phạm hành chính đối với người hút thuốc lá ở nơi công cộng gần như chỉ được thực hiện ở khâu tuyên truyền trên các phương tiện truyền thông đại chúng. Hàng loạt nguyên nhân được nêu ra như đối tượng sử dụng thuốc lá rất nhiều và đa dạng, không gian lại rộng trong khi cơ quan, đơn vị chức năng thiếu lực lượng làm nhiệm vụ kiểm tra để xử phạt hoặc người vi phạm không có tiền nộp phạt,…. Một điểm nữa cũng phải thấy đó là thuốc lá điếu hiện nay được bán với giá quá rẻ, việc mua cũng rất dễ dàng, nên đấy cũng là nguyên nhân dẫn đến người hút thuốc nhiều và hút ở mọi nơi. Bên cạnh đó, lực lượng thanh tra chuyên ngành y tế và UBND các cấp là những đơn vị có thẩm quyền xử phạt người hút thuốc lá nơi công cộng, nhưng với lực lượng thanh tra y tế ít ỏi hiện nay, việc xử lý các trường hợp vi phạm là điều vô cùng nan giải. Trong khi đó, lãnh đạo các cấp chính quyền nhất chính quyền cấp xã, phường gần như buông lỏng công tác đôn đốc, kiểm tra, tiến hành xử phạt vi phạm hành chính theo thẩm quyền phân cấp. Còn việc xây dựng những phòng dành riêng cho người hút thuốc ở nơi công cộng, tuy pháp luật có quy định, nhưng với tình hình quỹ đất như hiện nay, chẳng mấy ai muốn thực hiện quy định đó, còn việc xử lý sai phạm của các cơ quan chức năng về việc này đa phần chỉ dừng lại ở mức nhắc nhở! Một thực tế khác, theo quy định đối tượng là cán bộ, người lao động trong cơ quan hành chính nhà nước, đơn vị lực lượng vũ trang vi phạm quy định cấm hút thuốc tại nơi làm việc vẫn bị xử phạt vi phạm hành chính như các cá nhân khác khi có hành vi vi phạm. Tuy nhiên, theo phân cấp về thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính và áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả theo quy định tại Chương II Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2012 (viết tắt Luật Xử lý VPHC) từ Điều 38 đến Điều 51, mà theo đó, rất nhiều chủ thể là người đứng đầu cơ quan hành chính nhà nước, đơn vị lực lượng vũ trang lại không được giao thẩm quyền xử phạt này nên không thể tiến hành biện pháp xử phạt vi phạm hành chính về về hành vi hút thuốc lá tại nơi làm việc, trong phạm vi khuôn viên cơ quan, đơn vị lực lượng vũ trang. Trong khi đó các chủ thể khác có thẩm quyền, như chiến sĩ công an nhân dân khi thi hành công vụ, Chủ tịch UBND xã phường,…lại không thể tiến hành xử phạt vi phạm, áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả do không thuộc phạm vi quản lý của cấp mình! Đây là bất cập, tạo nên sự bất bình đẳng, dù cùng là hành vi vi phạm hành chính hút thuốc lá tại nơi cấm hút thuốc lá, nhưng với người dân bình thường thì chịu chế tài hành chính, trong khi đó với đối tượng là cán bộ, công chức, người lao động trong cơ quan hành chính nhà nước, đơn vị lực lượng vũ trang chỉ bị nhắc nhỡ rút kinh nghiệm theo quy chế nội bộ. Như vậy, nếu quy chế của cơ quan, đơn vị có quy định về các hình thức xử lý kỷ luật đối với cán bộ, người lao động vi phạm quy định cấm hút thuốc thì người đứng đầu có thẩm quyền xử lý kỷ luật, nhưng nếu lãnh đạo, chỉ huy cơ quan, đơn vị đó không kiên quyết đưa việc cấm hút thuốc lá tại nơi làm việc, trong phạm vi khuôn viên quản lý của cơ quan, đơn vị mình thì tình trạng hút thuốc lá tại những nơi đó vẫn cứ tồn tại như chưa từng có quy định cấm!.

Để khắc phục tình trạng hút thuốc nơi công cộng, theo quan điểm của người nghiên cứu thì Việt Nam nên học tập kinh nghiệm các nước đã thành công trong việc cấm hút thuốc nơi công cộng. Ở các nước này, bên cạnh việc phạt tiền người vi phạm quy định nơi cấm hút thuốc, cần xử phạt chủ cả nhà hàng, quán bar, khách sạn, quán ăn, quán cà phê,… người có trách nhiệm quản lý nơi công cộng vì đã để việc này xảy ra. Như vậy, những người có trách nhiệm mới tích cực nhắc nhở người dân không hút thuốc tại nơi có quy định cấm. Hiếm có thành phố nào trên thế giới này mà thuốc lá và lệnh cấm hút thuốc lá lại được thực hiện nghiêm như ở Singapore. Điều này là một thực tế đã được kiểm chứng nếu ai đã có một lần đến hòn đảo này và xung quanh câu chuyện về thuốc lá ở đây có vô số điều để nói. Đầu tiên là chuyện xử phạt.Vứt đầu mẩu thuốc lá không đúng nơi qui định nếu bị phát hiện, người vi phạm lập tức bị lập biên bản tại chỗ và xử phạt ngay với mức phạt tùy theo hành vi và thái độ sau vi phạm của người vi phạm. Tuyệt đối không có nhắc nhở hay khiển trách mà chỉ có phạt và phạt. Mức phạt cho lần đầu không kể người vi phạm là ai và từ đâu đến là từ 200 đến 300 SGD. Trường hợp không nộp phạt trong vòng 7 ngày, người vi phạm sẽ bị đưa ra tòa án để xét xử. Và 100% là người vi phạm sẽ bị giữ nguyên mức phạt hay thậm chí là tăng thêm vì như cách giải thích của dân Singapore là xử phạt cao hơn cho người vi phạm nhớ và hơn nữa tăng mức phạt vì  làm mất thời gian của nhân viên công vụ. Cũng theo quy định pháp luật Singapore, người bán thuốc lá điếu phải xin giấy phép được bán thuốc lá từ cơ quan quản lý môi trường quốc gia và không được bán thuốc lá cho người dưới 18 tuổi. Nếu vi phạm, sẽ bị phạt 500 SGD và bị đóng cửa một tháng.

Thứ hai, những trở ngại trong áp dụng thẩm quyền xử phạt liên quan đến hút thuốc lá 

Theo quy định pháp luật thì khi phát hiện vi phạm liên quan đến thuốc lá thì người có thẩm quyền phải đình chỉ ngay. Đình chỉ vi phạm là công việc đầu tiên cần làm nhằm đảm bảo ngăn chặn kịp thời vi phạm tiếp diễn. Tuy nhiên, lực lượng chủ yếu phát hiện các vi phạm này là nhân viên làm nhiệm vụ bảo vệ tại những nơi công cộng; nhân viên y tế tại các bệnh viện; chiến sĩ công an nhân dân đang thi hành công vụ,… Điểm đặc biệt trong Nghị định 176/2013/NĐ-CP, mà theo đó, tất cả các chiến sỹ công an nhân dân đang thi hành công vụ đều có quyền phạt cảnh cáo; phạt tiền đối với các hành vi vi phạm nhưng theo quy định tại điểm b khoản 1 Điều 39 Luật Xử lý VPHC, lực lượng này không có quyền xử phạt trên mức 500.000 đồng. Trong khi đó, mức tiền phạt đối với nhiều hành vi vi phạm liên quan đến hút thuốc lá thường lên đến từ vài triệu đến vài chục triệu đồng. Ví dụ: Một người vừa có hành vi hút thuốc lá tại địa điểm có quy định cấm vừa có hành vi bỏ mẩu, tàn thuốc lá bừa bãi thì rõ ràng vượt quá thẩm quyền xử phạt tại chỗ không cần lập biên bản vi phạm của  chiến sỹ công an nhân dân khi làm nhiệm vụ. Hay với các hành vi như bán thuốc lá cho người chưa đủ 18 tuổi; bán thuốc lá không ghi nhãn, không in cảnh báo sức khỏe trên bao bì thuốc lá… đều có mức tiền phạt từ 1.000.000 đồng đến 2.000.000 đồng. Nếu phát hiện hành vi này thì chiến sĩ công an hoặc kiểm soát viên thị trường chỉ có thể lập biên bản rồi chuyển lên cấp trên để ra quyết định xử phạt. Một khi chưa ra được quyết định xử phạt thì không thể áp dụng các hình thức phạt bổ sung và biện pháp khắc phục hậu quả như: tịch thu tang vật vi phạm, buộc thu hồi sản phẩm, khắc phục hậu quả vi phạm. Điều đó có nghĩa là những hành vi này vẫn có khả năng được tiếp diễn. Đây là bất cập cần được xem xét để sửa đổi cho phù hợp với tình hình thực tế.

Mặt khác, tại điểm đ khoản 1 Điều 3 Luật Xử lý VPHC quy định: “Người có thẩm quyền xử phạt có trách nhiệm chứng minh vi phạm hành chính. Cá nhân, tổ chức bị xử phạt có quyền tự mình hoặc thông qua người đại diện hợp pháp chứng minh mình không vi phạm hành chính”. Đối với vi phạm hành chính liên quan đến thuốc lá thì nguyên tắc này được hiểu rằng, các cơ quan nhà nước có nghĩa vụ chứng minh lỗi của người vi phạm. Nếu các cơ quan nhà nước không chứng minh được cá nhân, tổ chức có lỗi thì không được xử phạt họ. Không thể phủ nhận đây là một nguyên tắc rất nhân văn và là đảm bảo pháp lý quan trọng trong việc bảo vệ quyền con người, quyền công dân, tuy nhiên, đối với nhiều hành vi vi phạm liên quan đến thuốc lá thì nguyên tắc này lại tạo ra những khó khăn cho người thực thi công vụ. Cụ thể, để xử phạt hành vi hút thuốc lá tại địa điểm có quy định cấm, điều cần thiết là phải bắt quả tang. Thế nhưng, người ta chỉ hút thuốc trong thời gian rất ngắn là xong. Thậm chí có người châm lửa đốt điếu thuốc lá chủ yếu để ngửi mùi khói thuốc một lúc là đủ mà không cần hút. Hành động này thường bắt gặp nhiều nhất ở các quán bar, vũ trường, khi mà các cô gái muốn tạo dáng, tay cầm bật lửa, tay cầm điếu thuốc đưa lên đốt rất “sành điệu”, nhưng rất ít khi nhìn thấy họ hút thuốc lá thật sự. Vậy trong trường hợp này liệu có đủ căn cứ để áp dụng quy định tại điểm a khoản 1 Điều 23 Nghị định 176/2013/NĐ-CP để ra quyết định xử phạt vi phạm không? Hoặc khi phát hiện lực lượng chức năng, họ vứt luôn điếu thuốc đang cầm trên tay nên trong những trường hợp như thế, lực lượng chức năng rất khó khăn trong việc chứng minh vi phạm, điều này một phần do phương tiện chuyên dụng phục vụ cho việc ghi hình (camera), máy chụp ảnh trang bị cho lực lượng thi hành công vụ còn thiếu nhiều. Do vậy chỉ khi nào tại nơi có biển cấm hút thuốc lá, bắt quả tang người vi phạm trên tay đang cầm điếu thuốc lá đang cháy và miệng còn phì phà khói thuốc lá thì mới có thể xử phạt vi phạm về hành vi này. Bởi, theo quy định hiện hành chỉ cấm hành vi hút thuốc lá tại một số nơi, chứ không cấm việc đốt thuốc lá nơi công cộng. Khi lực lượng chức năng tiến hành xử phạt mà việc chứng minh vi phạm trở nên phức tạp, khó khăn thì điều rất dễ nhận thấy là đa số sẽ lựa chọn cách hành xử nhẹ nhàng nhất là “cho qua”. Điều đó có nghĩa, vi phạm liên quan đến thuốc lá vẫn tiếp diễn ra và ngang nhiên thách thức các chế tài xử phạt.

Thứ ba, các quy định pháp luật về xử phạt vi phạm hành chính về thuốc còn nhiều bất cập.

Theo khoản 2 Điều 9 Luật PCTH của thuốc lá năm 2012 quy định hành vi bị cấm là: “Quảng cáo, khuyến mại thuốc lá; tiếp thị thuốc lá trực tiếp tới người tiêu dùng dưới mọi hình thức” nhưng chế tài xử lý vi phạm lại được quy định trong 03 nghị định khác nhau. Cụ thể, hành vi quảng cáo thuốc lá bị xử phạt theo quy định tại điểm a khoản 1 Điều 50 Nghị định 158/2013/NĐ-CP ngày 12/11/2013 của Chính phủ, quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực văn hóa, thể thao, du lịch và quảng cáo với mức phạt tiền từ 40.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng; Phạt tiền từ 2.000 000 đồng đến 3.000.000 đồng đối với hành vi không thực hiện đúng quy định về trưng bày thuốc lá tại điểm bán hàng.”, theo quy định tại khoản 3 Điều 32 Nghị định 185/2013/NĐ-CP ngày 15/11/2013 của Chính phủ, quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng; riêng về hành vi “Tiếp thị thuốc lá trực tiếp tới người tiêu dùng dưới mọi hình thức;” quy định tại điểm b khoản 3 Điều 27 Nghị định 176/2013/NĐ-CP, chế tài xử phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng. Theo quan điểm của người nghiên cứu, xét về kỹ thuật lập pháp thì việc thiết kế các chế tài như trên là không hợp lý, thật sự gây khó khăn cho người dân khi tìm hiểu các quy định của pháp luật liên quan đến hoạt động quảng cáo, kinh doanh mặt hàng thuốc lá điếu. Mặt khác, thực tế đó cũng là trở ngại trong quá trình xem xét, xử lý cũng như công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật của cơ quan chức năng, chính quyền địa phương.

Một bất cập khác cũng đang tồn tại, đó là: Tại khoản 6 Điều 9 Luật Phòng, chống THCTL có quy định hành vi bị cấm là: “Bán, cung cấp thuốc lá cho người chưa đủ 18 tuổi”. Hành vi bán thuốc lá cho người chưa đủ 18 tuổi nếu bị phát hiện có thể  bị phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 2.000.000 đồng theo quy định tại điểm a khoản 2 Điều 32 Nghị định 185/2013/NĐ-CP. Tuy nhiên, hành vi “cung cấp thuốc lá cho người chưa đủ 18 tuổi” thì lại không tìm thấy chế tài tương ứng trong các nghị định của Chính phủ. Theo Từ điển Tiếng Việt do nhà xuất bản Đà Nẵng – Trung tâm Từ điển học ấn hành năm 1998, tại trang 29 và trang 216 có giải thích từ bán và cung cấp như sau: Bán (đg) Đổi vật (thường là hàng hóa) lấy tiền. Bán hàng; Bán sức lao động. Cung cấp (đg) Đem lại cho, làm cho có thứ cần dùng. Cung cấp tài liệu. Như vậy có thể thấy rằng, hành vi “cung cấp thuốc lá cho người chưa đủ 18 tuổi” không thể đồng nhất với hành vi “bán thuốc lá cho người chưa đủ 18 tuổi” vì “bán thuốc lá cho người chưa đủ 18 tuổi” phải kèm theo yếu tố trao đổi ngang giá giữa vật – tiền. Trong khi đó, “cung cấp thuốc lá cho người chưa đủ 18 tuổi” thì không cần yếu tố này. Do đó, nếu một người có hành vi cung cấp thuốc lá điếu cho người dưới 18 tuổi để hút thì căn cứ vào quy định nào để xử phạt? Đây có lẽ là nội dung rất cần được các cơ quan nhà nước có thẩm quyền sớm nghiên cứu bổ sung vào chế tài quy định hiện hành, nhằm tạo thuận lợi hơn cho việc áp dụng pháp luật vào thực tiễn ngày càng chính xác và chặt chẽ hơn, bởi thực tế hiện nay nhiều cơ sở thu mua đóng gói nông sản; cơ sở chế biến của các làng nghề truyền thống; …tại đó thu hút lượng lớn lao động trẻ dưới 18 tuổi nhất là ở các vùng ven đô thị, vùng nông thôn vào cao điểm mùa vụ, để “giữ” người làm, chủ cơ sở sẵn sàng phục vụ miễn phí 24/24 các loại bánh hộp, mì ăn liền, nước uống đóng chai kể cả thuốc lá điếu. Vậy trong trường hợp này, hành vi của chủ cơ sở cung cấp thuốc lá cho người chưa đủ 18 tuổi để hút là vi phạm pháp luật, nhưng lại thiếu chế tài để xử phạt vi phạm.

Một số kiến nghị

Một là, để phát huy trách nhiệm của người đứng đầu các cơ quan công sở hành chính nhà nước, đơn vị lực lượng vũ trang nói chung trong việc thực hiện nghiêm quy định cấm hút thuốc lá theo Điều 11 Luật Phòng, chống THCTL trong khâu tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật cũng như đề ra các biện pháp quản lý chặt chẽ hơn, kiên quyết hơn, mạnh mẽ hơn với tình trạng vi phạm quy định hút thuốc lá tại nơi làm việc, trong phạm vi khuôn viên cơ quan đơn vị thuộc quyền quản lý của họ, cần có chế tài phạt hành chính hoặc chế tài kỷ luật cụ thể hơn đối với người đứng đầu những cơ quan, đơn vị nói trên nếu thông qua cơ quan truyền thông hoặc người dân cung cấp được bằng chứng, chứng minh rằng cán bộ, công chức, người lao động thuộc quyền của họ đã có hành vi hút thuốc lá tại nơi làm việc, trong phạm vi khuôn viên cấm hút thuốc lá do họ quản lý. Bên cạnh đó, lực lượng chức năng cần tăng cường công tác kiểm tra nếu phát hiện có người hút thuốc lá hoặc có nhiên viên đang tiếp thị thuốc lá cho khách hàng tại những nơi, như tàu hỏa, quán bar, khách sạn, nhà hàng, quán ăn,… thì ngoài việc xử phạt người vi phạm, căn cứ vào điểm b khoản 2 Điều 23 Nghị định 176/2013/NĐ-CP lập biên bản xử phạt chủ cơ sở hoặc người trực tiếp quản lý doKhông yêu cầu người vi phạm chấm dứt việc hút thuốc lá trong cơ sở của mìnhlà mới bảo đảm tính công bằng và nghiêm minh của pháp luật.

Hai là, để đảm bảo tính khả thi hơn trong thực tiễn áp dụng, đề nghị:

+ Bổ sung hành vi “sử dụng thuốc lá” tại nơi có quy định cấm vào quy định tại điểm a khoản 1 Điều 23 Nghị định 176/2013/NĐ-CP. Mà theo đó, sau khi bổ sung điểm a khoản 1 Điều 23 Nghị định 176/2013/NĐ-CP được viết lại như sau: Hút, sử dụng thuốc lá tại địa điểm có quy định cấm. Trường hợp hút thuốc lá trên tàu bay thực hiện theo quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực hàng không dân dụng;”

+ Sửa đổi mức phạt tiền hiện hành đối với hành vi bán thuốc lá cho người chưa đủ 18 tuổi (điểm a khoản 2 Điều 32 Nghị định 185/2013/NĐ-CP) lên mức từ 2.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng thay vì từ 1.000.000 đồng đến 2.000.000 đồng như hiện nay.

+ Bổ sung hành vi bị coi là vi phạm hành chính “cung cấp thuốc lá điếu cho người chưa đủ 18 tuổi” và mức phạt tiền tương ứng với hành vi bán thuốc lá cho người chưa đủ 18 tuổi (sau khi đã được sửa đổi) vào điểm a khoản 2 Điều 32 Nghị định 185/2013/NĐ-CP.

+ Bổ sung quy định mới về cấm bán thuốc lá tại các quầy, căn –tin trong khuôn viên của các cơ sở y tế; cơ sở giáo dục; cơ sở chăm sóc, nuôi dưỡng, vui chơi, giải trí dành riêng cho trẻ em , vào điểm c khoản 2 Điều 24 Nghị định 176/2013/NĐ-CP. Đồng thời bổ sung biện pháp tạm đình chỉ hoạt động cơ sở vi phạm thời gian từ 01 đến 03 tháng vào khoản 3 Điều 24 của Nghị định này, nếu số lượng vi phạm từ dưới 100 gói trở xuống .

Ba  , do tính phổ biến của loại hành vi vi phạm này có thể diễn ra ở mọi lúc mọi nơi, do vậy để góp phần nâng cao hiệu quả công tác xử phạt hành chính liên quan đến hút thuốc lá thì rất cần việc đầu tư phương tiện kỹ thuật hiện đại, như: Camera, máy chụp ảnh, máy quay phim,...nhằm phục vụ cho lực lượng thực thi công vụ khi tác nghiệp. Bởi nhờ có các trang thiết bị hỗ trợ đó mà những chủ thể làm công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát sẽ nhanh chóng phát hiện ra các vi phạm để kịp thời xử lý nghiêm minh. Có thể lắp đặt máy ghi hình cố định tại những nơi thường xuyên xảy ra việc vi phạm hút thuốc lá. Thiết nghĩ, nếu có sự hỗ trợ của các phương tiện nghiệp vụ kỹ thuật hiện đại này thì việc chứng minh các vi phạm của cá nhân, tổ chức sẽ trở nên thuận lợi, minh bạch hơn.

Bốn lànhư đã trình bày, hiện nay các chế tài xử phạt liên quan đến thuốc lá nằm trong quá nhiều các văn bản pháp luật khác nhau. Điều này là không hợp lý và không tạo điều kiện thuận lợi cho công tác giáo dục, phổ biến, tuyên truyền, xử lý các vi phạm liên quan đến thuốc lá. Do vậy, rất cần văn bản hợp nhất của cơ quan nhà nước có thẩm quyền tập hợp các quy định liên quan đến quản lý thuốc lá, nhằm tạo điều kiện cho người dân có nhu cầu tiếp cận khi tìm hiểu cũng như cán bộ thực thi nhiệm vụ cũng dễ tra cứu, trả lời thắc mắc của người dân.

Năm là, đối với hầu hết các vi phạm liên quan đến hút thuốc lá thì hình thức xử phạt là cảnh cáo hoặc phạt tiền. Tuy nhiên, như đã trình bày với tình trạng xử phạt cảnh cáo thì không có tác dụng răn đe, còn phạt tiền thì nhiều người vi phạm đưa ra đủ mọi lý do để né tránh việc nộp tiền phạt. Do vậy, để bảo đảm tính răn đe phòng ngừa vi phạm, tác giả đề xuất biện pháp bảo đảm tính nghiêm minh và công bằng trong xử phạt sau:

+ Trường hợp người vi phạm bị bắt quả tang và không có tiền nộp phạt tại chỗ theo quy định tại Điều 56 Luật XLVPHC, thì người có thẩm quyền xử phạt được quyền tạm giữ bất kỳ một loại giấy tờ tùy thân của người vi phạm để bảo đảm việc thi hành quyết định xử phạt sau này. Việc cơ quan có thẩm quyền xử phạt vi phạm sẽ trả lại cho người vi phạm giấy tờ đã tạm giữ sẽ được thực hiện sau khi thi hành xong quyết định xử phạt vi phạm.

+ Trường hợp người vi phạm bị bắt quả tang, không có tiền nộp phạt và cũng không mang theo người bất kỳ giấy tờ tùy thân nào, thì người thi hành công vụ được quyền chụp ảnh, lấy dấu vân tay và những thông tin cần thiết của người vi phạm. Ảnh, dấu vân tay và những thông tin của người vi phạm đó được cơ quan chức năng chuyển về địa phương nơi cư trú, đưa lên phương tiện truyền thông và cổng thông tin điện tử của địa phương. Việc gỡ bỏ những nội dung này chỉ được cơ quan có thẩm quyền thực hiện chậm nhất là 24 giờ kể từ khi người vi phạm thực hiện xong quyết định xử phạt vi phạm.

+ Trường hợp người vi phạm bị phát hiện qua hệ thống camera giám sát, cơ quan chức năng được quyền trích xuất hình ảnh người vi phạm đưa lên phương tiện truyền thông, như: Các Đài truyền hình địa phương, Đài truyền hình các khu vực Cần Thơ, Thành phố Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Hà Nội. Việc gỡ bỏ hình ảnh người vi phạm khi đã hoàn thành xong việc nộp phạt theo quyết định xử phạt vi phạm. Với trường hợp này, nếu người vi phạm vẫn cố tình không nộp phạt quá thời hạn 03 tháng, kể từ ngày hình ảnh vi phạm được đưa lên các phương tiện phát sóng, thì được áp dụng tình tiết tăng nặng quy định tại điểm k khoản 1 Điều 10 Luật Xử lý VPHC, khi ban hành quyết định xử phạt vi phạm.

Những biện pháp này tuy cũng chưa thật sự là triệt để trong việc khắc phục khó khăn trong việc xử phạt người vi phạm hành chính do hút thuốc lá nơi có quy định cấm mà vì nhiều lý do họ chưa thể nộp phạt ngay tại chỗ. Nhưng theo tác giả rất kỳ vọng vì sẽ góp phần đáng kể thể hiện tính quyết liệt nhằm hạn chế và tiến đến chấm dứt tình trạng vi phạm quy định hút thuốc lá nơi có quy định cấm như hiện nay, đồng thời khắc phục tình trạng nhờn luật của người vi phạm.

Th.S Lê Văn Sua

Tòa án quân sự Khu vực 1 – QK 9