Trộm cắp tài sản là một trong những hành vi vi phạm pháp luật hình sự xuất hiện rất sớm trong đời sống xã hội. Điều này được thể hiện qua các văn bản của nhà nước phong kiến điều chỉnh các hành vi trộm cắp tài sản. Tiếp nối các quy định của các triều đại phong kiến, Bộ luật Hình sự năm 1985 và sau này là Bộ luật Hình sự năm 1999 (viết tắt là BLHS) đã quy định tội trộm cắp tài sản (viết tắt là TTCTS) là một trong các tội thuộc chương các tội xâm phạm sở hữu. Để cụ thể hóa quy định về TTCTS tại Điều 138 BLHS năm 1999, Liên ngành Trung ương gồm Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Bộ Công an, Bộ Tư pháp đã ban hành Thông tư liên tịch số 02/2001/TTLT-TANDTC-VKSNDTC-BCA-BTP ngày 25/12/2001 về việc hướng dẫn áp dụng các quy định tại Chương XIV “Các tội xâm phạm sở hữu” của BLHS (viết tắt là Thông tư liên tịch số 02) và Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao còn ban hành Nghị quyết số 01/2006/NQ-HĐTP ngày 12/5/2006 hướng dẫn áp dụng một số quy định của BLHS (mục 6 và mục 7) quy định chi tiết một số nội dung nhằm áp dụng một cách thống nhất tội này trong thực tiễn. Tuy nhiên, việc hiểu, áp dụng các quy định của BLHS cũng như các văn bản hướng dẫn về TTCTS trong thực tiễn còn chưa thống nhất. Bên cạnh đó, một số quy định của BLHS và các văn bản hướng dẫn còn bộc lộ một số bất cập nhất định. Chính vì vậy, việc hiểu thấu đáo quy định của pháp luật hình sự về TTCTS là nhu cầu cấp thiết. Trong phạm vi bài viết này, tác giả tập trung làm rõ một số dấu hiệu thuộc cấu thành cơ bản của TTCTS; một số vướng mắc, bất cập trong các quy định của pháp luật hình sự về TTCTS từ đó nêu lên một số kiến nghị hoàn thiện.
I. MỘT SỐ DẤU HIỆU THUỘC CẤU THÀNH CƠ BẢN CỦA TỘI TRỘM CẮP TÀI SẢN
Cấu thành cơ bản của TTCTS được quy định tại khoản 1 Điều 138 BLHS như sau: “Người nào trộm cắp tài sản của người khác có giá trị từ năm trăm nghìn đồng đến dưới năm mươi triệu đồng hoặc dưới năm trăm nghìn đồng nhưng gây hậu quả nghiêm trọng hoặc đã bị xử phạt hành chính về hành vi chiếm đoạt hoặc đã bị kết án về tội chiếm đoạt tài sản, chưa được xoá án tích mà còn vi phạm, thì …”. Mặc dù, Điều 138 BLHS không nêu rõ các dấu hiệu thuộc cấu thành cơ bản của TTCTS nhưng qua các quy định của BLHS, các văn bản hướng dẫn BLHS có liên quan và thực tiễn áp dụng Điều 138 Bộ luật Hình sự, cấu thành cơ bản của TTCTS được xem xét ở các khía cạnh sau:
1. Khách thể và đối tượng tác động của tội trộm cắp tài sản
1.1. Khách thể của tội trộm cắp tài sản
Theo khoa học luật hình sự, khách thể của tội phạm là quan hệ xã hội được luật hình sự bảo vệ và bị tội phạm xâm hại. Đối với TTCTS, theo đa số ý kiến các nhà nghiên cứu, hoạt động thực tiễn thì khách thể của TTCTS là quan hệ sở hữu. Tuy nhiên, bên cạnh đó, một vài ý kiến còn cho rằng, khách thể của TTCTS còn có trật tự an toàn xã hội hoặc là quan hệ về trật tự trị an, an toàn xã hội, trật tự pháp luật xã hội chủ nghĩa trong trường hợp tài sản bị mất là tài sản do phạm tội mà có (như tài sản có được do đánh bạc, do trộm cắp, cướp giật, tham ô…), hoặc do chiếm hữu bất hợp pháp (như cố ý mua lại tài sản của kẻ gian, tài sản có được do dùng thủ đoạn gian dối…).
Chúng tôi cho rằng, bên cạnh quan hệ sở hữu, TTCTS còn có khách thể khác (trật tự an toàn xã hội) là không chính xác. Bởi vì, theo khoa học luật hình sự thì khách thể của tội phạm được phân chia thành 03 mức độ khái quát khác nhau là khách thể chung, khách thể loại và khách thể trực tiếp. Trong đó, khách thể chung là tổng thể các quan hệ xã hội được pháp luật hình sự bảo vệ được thể hiện tại Điều 1 và Điều 8 BLHS; khách thể loại là nhóm các quan hệ xã hội cùng tính chất được pháp luật hình sự bảo vệ đó là nhóm tội được BLHS chia thành từng chương, mục; còn khách thể trực tiếp là quan hệ xã hội cụ thể bị tội phạm cụ thể xâm phạm. Từ đó, chúng ta thấy rằng, trong nhóm các tội có tính chất chiếm đoạt thuộc Chương XXIV BLHS (từ Điều 133 đến Điều 140) thì có một số tội bên cạnh quan hệ sở hữu còn có quan hệ xã hội khác được xác định được pháp luật hình sự bảo vệ như quan hệ nhân thân (tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm của con người), xâm phạm đến trật tự an toàn xã hội, xâm phạm đến hoạt động của các cơ quan, tổ chức. Riêng đối với TTCTS thì khách thể chỉ có thể là quan hệ sở hữu mà không thể kèm theo các quan hệ khác như một vài ý kiến nêu trên. Bởi vì, khi thực hiện hành vi trộm cắp tài sản thì người phạm tội chỉ thực hiện lén lút chiếm đoạt tài sản mà họ không có bất kỳ hành vi nào xâm hại đến các quan hệ hệ xã hội khác. Bên cạnh đó, trật tự trị an ngoài việc là khách thể loại, khách thể trực tiếp của một vài nhóm tội, chúng còn được xem là một trong bộ phận tạo thành khách thể chung nên dù ở mức độ nào thì hành vi lén lút chiếm đoạt tài sản trong TTCTS cũng xâm phạm đến khách thể chung này.
1.2. Đối tượng tác động của TTCTS
Theo mô tả của khoản 1 Điều 138 BLHS thì đối tượng tác động của TTCTS có thể khẳng định là tài sản. Tuy nhiên, pháp luật hình sự lại không quy định tài sản là đối tượng tác động của các tội trong BLHS nói chung, TTCTS nói riêng cho nên cần vận dụng quy định của Bộ luật Dân sự năm 2005 (viết tắt là BLDS) về nội dung này. Theo quy định tại Điều 163 BLDS thì “Tài sản bao gồm vật, tiền, giấy tờ có giá và các quyền tài sản”.
Tuy nhiên, do dấu hiệu chiếm đoạt trong cấu thành tội phạm TTCTS được thực tiễn xét xử từ trước đến nay hiểu là chiếm đoạt được nên đối tượng tác động của TTCTS có một số đặc điểm riêng biệt như sau:
Thứ nhất, không phải mọi loại tài sản đều là đối tượng tác động của TTCTS
Do xuất phát từ tính chất chiếm đoạt trong hành vi khách quan của TTCTS là chiếm đoạt được và thủ đoạn khi thực hiện hành vi chiếm đoạt nên không phải mọi tài sản thuộc phạm vi của Điều 163 BLDS là đối tượng tác động của TTCTS.
Chẳng hạn, đối với vật thì không phải mọi loại vật mà chỉ những vật có giá trị, ý nghĩa nhất định. Bởi vì, theo từ điển tiếng Việt, vật được hiểu là “cái có hình khối, tồn tại trong không gian, có thể nhận biết được”. Thông qua khái niệm về “vật”, ta có thể hiểu cái có hình khối tức có kích thước, có trọng lượng mà con người có thể nhận biết được thông qua các giác quan như mắt nhìn, tay sờ, cầm, nắm; qua đó, chúng ta cảm giác được nặng, nhẹ, to, nhỏ. Cho nên vật có muôn hình, muôn vẽ. Khi phát sinh ý định chiếm đoạt tài sản thì người phạm tội đều nhắm đến những đặc điểm mà tài sản đó có và vật cũng không ngoại lệ. Đó có thể là giá trị tiềm ẩn của vật, ý nghĩa về một khía cạnh nào đó được nhiều người thừa nhận… Cho nên, một vật chỉ có thể là đối tượng tác động của TTCTS khi nó có giá trị, ý nghĩa nhất định.
Đối với giấy tờ có giá, việc xác định các giấy tờ có giá phải dựa vào quy định tại Quy chế phát hành giấy tờ có giá trong nước của tổ chức tín dụng ban hành kèm theo Quyết định số 07/2008/QĐ-NHNN ngày 24/3/2008 của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (viết tắt là Quy chế số 07). Theo đó, các khoản 1, 4 và 5 Điều 4 Quy chế số 07 quy định như sau: “Giấy tờ có giá là chứng nhận của tổ chức tín dụng phát hành để huy động vốn trong đó xác nhận nghĩa vụ trả nợ một khoản tiền trong một thời hạn nhất định, điều kiện trả lãi và các điều khoản cam kết khác giữa tổ chức tín dụng và người mua”. Và giấy tờ có giá chia làm 02 loại là giấy tờ có giá ghi danh và giấy tờ có giá hữu danh. Trong đó, “Giấy tờ có giá ghi danh là giấy tờ có giá phát hành theo hình thức chứng chỉ hoặc ghi sổ có ghi tên người sở hữu” và “Giấy tờ có giá vô danh là giấy tờ có giá phát hành theo hình thức chứng chỉ không ghi tên người sở hữu. Giấy tờ có giá vô danh thuộc quyền sở hữu của người nắm giữ giấy tờ có giá”.
Bên cạnh đó, theo quy định tại khoản 1 Điều 8 Quy chế số 07 thì giấy tờ có giá có các tên gọi sau: kỳ phiếu, tín phiếu, chứng chỉ tiền gửi ngắn hạn, chứng chỉ tiền gửi dài hạn, trái phiếu … và một trong các nội dung mà giấy tờ có giá phải thể hiện là giấy tờ có giá ghi danh hay giấy tờ có giá vô danh. Trường hợp là giấy tờ có giá ghi danh thì phải ghi rõ: Tên tổ chức, số giấy phép thành lập hoặc giấy phép đăng ký kinh doanh, địa chỉ của tổ chức mua giấy tờ có giá (nếu người mua là tổ chức); Tên, số chứng minh nhân dân hoặc hộ chiếu, địa chỉ của người mua giấy tờ có giá (nếu người mua là cá nhân).
Với quy định trên thì chỉ giấy tờ có giá vô danh mới có thể là đối tượng tác động của TTCTS bởi vì khi chiếm đoạt được các loại giấy tờ có giá vô danh thì quyền sở hữu của chủ sở hữu mới bị ảnh hưởng và có khả năng xác lập quyền sở hữu cho người phạm tội. Đối với giấy tờ có giá hữu danh do quyền sở hữu các loại giấy tờ này gắn liền với cá nhân, tổ chức có tên trong chính giấy tờ có giá đó. Cho nên về nguyên tắc chỉ người có tên trên giấy tờ có giá mới xác lập được quyền sở hữu đối với loại tài sản này.
Đối với quyền về tài sản cũng không phải là đối tượng tác động của TTCTS, bởi vì, Điều 181 BLDS quy định về quyền tài sản như sau: “Quyền tài sản là quyền trị giá được bằng tiền và có thể chuyển giao trong giao dịch dân sự, kể cả quyền sở hữu trí tuệ”. Các quyền tài sản thông thường là quyền tác giả, quyền sở hữu công nghiệp, quyền đối với giống cây trồng, quyền đòi nợ, quyền được nhận số tiền bảo hiểm đối với vật bảo đảm, quyền tài sản đối với phần vốn góp trong doanh nghiệp, quyền tài sản phát sinh từ hợp đồng, quyền sử dụng đất, quyền khai thác tài nguyên thiên nhiên và các quyền tài sản khác. Các quyền này thường gắn liền với nhân thân con người hoặc được thể hiện qua các giấy tờ có xác nhận của cơ quan có thẩm quyền. Cho nên, cũng như giấy tờ có giá ghi danh thì người phạm tội không thể xác lập quyền sở hữu đối với các quyền tài sản của chủ sở hữu.
Bên cạnh đó, BLDS còn phân chia tài sản thành động sản và bất động sản. Với tính chất hành vi chiếm đoạt của TTCTS thì chỉ có động sản mới là đối tượng tác động của TTCTS. Tuy nhiên, trong những trường hợp nếu bất động sản lại thuộc vật đồng bộ (như: các bộ phận được lắp vào khung căn nhà, các vật dụng, thiết bị gắn liền với quyền sử dụng đất…) có thể tách rời được thì những tài sản tách rời được có thể là đối tượng tác động của TTCTS.
Thứ hai, tài sản đó có thể là hợp pháp hoặc không hợp pháp
Tài sản là đối tượng tác động của TTCTS có thể là tài sản hợp pháp tức là những loại tài sản được xác lập quyền sở hữu cho chủ sở hữu theo các căn cứ: do lao động, do hoạt động sản xuất, kinh doanh hợp pháp; được chuyển quyền sở hữu; thu hoa lợi, lợi tức; được thừa kế tài sản; chiếm hữu trong các điều kiện do pháp luật quy định đối với vật vô chủ, vật bị đánh rơi, bị bỏ quên…; chiếm hữu tài sản không có căn cứ pháp luật nhưng ngay tình, liên tục, công khai phù hợp với thời hiệu do BLDS quy định … hoặc có thể là tài sản bất hợp pháp như do phạm tội, vi phạm pháp luật hành chính, vi phạm pháp luật dân sự mà có. Tuy nhiên, do pháp luật hình sự không loại trừ tính chất hợp pháp hoặc bất hợp pháp của đối tượng tác động của TTCTS. Vì vậy, tài sản hợp pháp hay bất hợp pháp đều có thể là đối tượng tác động của TTCTS.
Chẳng hạn, Nguyễn Văn A lái xe mô tô chở Lê Văn N ngồi phía sau áp sát vào xe của chị K để N giật sợi dây chuyền mà chị N đeo trên cổ. Do trời tối nên cả 02 thỏa thuận, A sẽ giữ sợi dây chuyền, đến sáng hôm sau sẽ mang đi bán chia nhau tiêu xài. Tuy nhiên, tối hôm đó, do A ngủ say nên không cất sợi dây chuyền cẩn thận để Trần Văn L chiếm đoạt. Do hàng xóm phát hiện nên L bị bắt giữ cùng tang vật. Theo định giá của cơ quan chuyên môn, sợi dây chuyền có giá 12 triệu đồng. Trong trường hợp này, rõ ràng sợi dây chuyền là tài sản bất hợp pháp (do phạm tội mà có) nhưng L vẫn bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo Điều 138 BLHS.
Thứ ba, những loại tài sản đặc biệt là đối tượng tác động của một số tội riêng biệt cũng không thể trở thành đối tượng tác động của TTCTS
Mặc dù, một người có hành vi lén lút chiếm đoạt tài sản nhưng những tài sản đó có giá trị đặc biệt hoặc có ý nghĩa quan trọng, đặc biệt thì họ không phạm TTCTS mà phạm tội khác tương ứng do BLHS quy định. Chẳng hạn, người có hành vi lén lút chiếm đoạt thư, điện báo, telex, fax hoặc các văn bản khác được truyền đưa bằng phương tiện viễn thông và máy tính thì không bị truy cứu trách nhiệm hình sự về TTCTS mà bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội xâm phạm bí mật hoặc an toàn thư tín, điện thoại, điện tín của người khác (Điều 125 BLHS). Tương tự như vậy, người có hành vi chiếm đoạt các tài sản sau cũng không phạm TTCTS mà phạm tội tương ứng với hành vi mà BLHS quy định như: chất ma túy (Điều 194. Tội chiếm đoạt chất ma túy); tiền chất dùng vào việc sản xuất trái phép chất ma túy (Điều 195. Tội chiếm đoạt tiền chất dùng vào việc sản xuất trái phép chất ma túy); tàu thủy, tàu bay (Điều 221. Tội chiếm đoạt tàu bay, tàu thuỷ); vũ khí quân dụng, phương tiện kỹ thuật quân sự (Điều 230. Tội chiếm đoạt vũ khí quân dụng, phương tiện kỹ thuật quân sự); vật liệu nổ (Điều 232. Tội chiếm đoạt vật liệu nổ); vũ khí thô sơ hoặc công cụ hỗ trợ (Điều 233. Tội chiếm đoạt vũ khí thô sơ hoặc công cụ hỗ trợ); chất phóng xạ (Điều 236. Tội chiếm đoạt chất phóng xạ); những đồ vật để ở trong mộ, trên mộ (Điều 246. Tội xâm phạm thi thể, mồ mả, hài cốt); tài liệu bí mật nhà nước (Điều 263. Tội chiếm đoạt tài liệu bí mật nhà nước); con dấu, tài liệu của cơ quan nhà nước, tổ chức xã hội (Điều 268. Tội chiếm đoạt con dấu, tài liệu của cơ quan nhà nước, tổ chức xã hội); tài liệu bí mật công tác (Điều 286. Tội chiếm đoạt tài liệu bí mật công tác).
Thứ tư, tài sản bị chiếm đoạt không phải của người phạm tội theo ý thức chủ quan của người phạm tội khi thực hiện hành vi phạm tội
Khoản 1 Điều 138 BLHS quy định, đối tượng tác động của TTCTS phải là tài sản của người khác. Một người có hành vi lén lút chiếm đoạt tài sản thuộc quyền sở hữu của mình thì không phạm tội. Tuy nhiên, khi xác định đặc điểm này cần lưu ý các vấn đề sau:
Điều 172 BLDS quy định các loại hình thức sở hữu bao gồm: sở hữu nhà nước, sở hữu tập thể, sở hữu tư nhân, sở hữu chung, sở hữu của tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, sở hữu của tổ chức chính trị xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp.
Trong trường hợp tài sản bị chiếm đoạt thuộc thuộc các hình thức sở hữu nhà nước, sở hữu tập thể, sở hữu tư nhân và sở hữu của tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, sở hữu của tổ chức chính trị xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp thì việc xác định chúng thuộc quyền sở hữu người khác hay của người phạm tội tương đối đơn giản. Nhưng đối với hình thức sở hữu chung thì cần lưu ý khi xác định tài sản bị chiếm đoạt có phải là tài sản của người khác hay không. Bởi vì, theo quy định của BLDS thì tài sản thuộc hình thức sở hữu chung là tài sản chung và sở hữu chung bao gồm sở hữu chung theo phần và sở hữu chung hợp nhất. Trong đó, đối với sở hữu chung theo phần thì phần quyền sở hữu của mỗi chủ sở hữu được xác định đối với tài sản chung. Mỗi chủ sở hữu chung theo phần có quyền, nghĩa vụ đối với tài sản thuộc sở hữu chung tương ứng với phần quyền sở hữu của mình. Còn sở hữu chung hợp nhất là hình thức sở hữu mà trong đó phần quyền sở hữu của mỗi chủ sở hữu chung không được xác định đối với tài sản chung. Sở hữu chung hợp nhất bao gồm sở hữu chung hợp nhất có thể phân chia và sở hữu chung hợp nhất không phân chia. Các chủ sở hữu chung hợp nhất có quyền, nghĩa vụ ngang nhau đối với tài sản thuộc sở hữu chung. Sở hữu chung của vợ chồng thuộc hình thức sở hữu chung hợp nhất. Như vậy, đối với hình thức sở hữu chung thì hình thức sở hữu chung hợp nhất không thể là đối tượng tác động của TTCTS. Riêng sở hữu chung theo phần thì có thể là đối tượng tác động của TTCTS nhưng phần đó rõ ràng tách bạch với phần sở hữu của các chủ sở hữu khác.
Trong thực tiễn, do không nắm được nội dung này mà có trường hợp đã xác định người có hành vi lén lút chiếm đoạt tài sản chung của vợ chồng là tội phạm. Chẳng hạn, vợ chồng anh C, chị B đang ly thân nhưng vẫn ở cùng một nhà. Ngày nọ, C kêu chị B đưa tiền mổ mắt nhưng vợ chẳng đưa. Lợi dụng lúc vợ vắng nhà, C qua phòng vợ, cưa két sắt lấy tiền và vàng (tổng trị giá hơn 1 tỉ đồng) đem đi chôn giấu. Với hành vi trên, C đã bị Tòa án nhân dân tỉnh T tuyên phạt bảy năm tù về TTCTS. Tuy nhiên, bản án của Tòa án nhân dân tỉnh T đã bị hủy do chưa làm rõ tài sản chiếm đoạt có phải là tài sản riêng của vợ C hay không. Bởi vì, nếu là tài sản chung thì không thể truy cứu trách nhiệm hình sự hành vi của C.
Tuy nhiên, cần lưu ý trong một số trường hợp người phạm tội chiếm đoạt tài sản thuộc sở hữu của mình vẫn phạm TTCTS khi tài sản đó đã được người phạm tội chuyển giao cho người khác quản lý (cho thuê, cho mượn, cầm cố…) và người phạm tội đã có hành vi lén lút chiếm đoạt tài sản đó. Chẳng hạn, A cầm xe cho mô tô cho B với số tiền 5 triệu đồng. Sau đó, A mang tiền đến nhà B chuộc xe nhưng không thấy ai nên A đẽ lén lút dẫn xe đi đến địa phương khác bán. Khi quay trở về, A vẫn đến nhà B yêu cầu được chuộc lại xe. Do xe đã mất nên B phải trả cho A giá trị chiếc xe mà A đã cầm trước đó. Trong trường hợp này, mặc dù, A có hành vi lén lút chiếm đoạt tài sản thuộc sở hữu của mình nhưng A vẫn phạm TTCTS. Xét hành vi phạm tội trong trường hợp này, thấy rằng, tuy người phạm tội tác động đến tài sản thuộc quyền sở hữu của mình nhưng thực chất lại nhằm gây thiệt hại về tài sản cho người khác.
Ngoài ra, nếu tài sản thuộc quyền sở hữu của người phạm tội không được chuyển giao cho người khác quản lý nhưng vì một lý do nào đó mà thoát khỏi (có thể chỉ là tạm thời) sự quản lý của người phạm tội và khi thực hiện hành vi người phạm tội hoàn toàn không biết đó là tài sản của bản thân thì người đó vẫn phạm TTCTS. Ví dụ: T là người mê cờ bạc, rượu chè nên bị nợ nần chồng chất. Các chủ nợ liên tục xiết nợ T. Để có tiền trả nợ, T rủ D đi trộm tài sản nhà ông M. Nhân lúc ông M đang ngủ, T và D đã lẻn vào nhà lấy trộm được một hộp bên trong đựng 01 chiếc nhẫn vàng 2 chỉ. Sau khi chiếm đoạt được, T và D thỏa thuận T sẽ mang chiếc nhẫn này đi bán, tiền kiếm được sẽ chia đôi. Nhưng khi về nhà, T nhận ra đó là chiếc nhẫn của mình. Sáng hôm sau, T ra hiệu cầm đồ để cầm chiếc nhẫn, đang đi trên đường thì bị Công an bắt về hành vi trộm cắp tài sản, tang vật lại chính là chiếc nhẫn của T. Trong trường hợp này, mặc dù, chiếc nhẫn vàng là của T bị thất lạc nhưng T vẫn bị truy cứu trách nhiệm hình sự về TTCTS. Bởi vì, dấu hiệu “tài sản của người khác” chỉ có giá trị đối với mặt chủ quan của người phạm tội. Họ cho rằng đó là tài sản của người khác nên mới lén lút chiếm đoạt, chứ không bắt buộc bản chất tài sản phải là của người khác. Cho nên, việc T chiếm đoạt được chính chiếc nhẫn của mình chỉ là sự ngẫu nhiên chứ không phải là việc mà T đã ý thức được trước đó. Việc xác định nguồn gốc tài sản chỉ có giá trị đối với vấn đề xử lý tài sản đó.
Thứ năm, tài sản là đối tượng tác động của TTCTS vẫn chưa thoát ly khỏi chủ sở hữu theo quy định của pháp luật dân sự
Đặc điểm quan trọng tiếp theo của tài sản là đối tượng tác động của TTCTS là tài sản đó vẫn còn nằm trong sự quản lý của chủ sở hữu (trực tiếp hoặc gián tiếp), chưa thoát ly khỏi chủ sở hữu. Đó là các loại tài sản chưa bị chấm dứt quyền sở hữu của chủ sở hữu theo quy định tại các khoản 2, 7 Điều 171 BLDS như: Chủ sở hữu từ bỏ quyền sở hữu của mình; vật bị đánh rơi, bị bỏ quên, gia súc, gia cầm bị thất lạc, vật nuôi dưới nước di chuyển tự nhiên. Trong các trường hợp này, nếu một người có hành vi lén lút chiếm đoạt các tài sản này cũng không phạm TTCTS. Bởi vì, chỉ khi tài sản còn đang do chủ tài sản, người quản lý tài sản chiếm hữu thì hành vi phạm tội mới có thể làm mất khả năng chiếm hữu của chủ tài sản, người quản lý tài sản.
Thứ sáu, tài sản đó chưa được chủ sở hữu hoặc người quản lý tài sản chuyển giao cho người thực hiện hành vi chiếm đoạt
Việc người có hành vi chiếm đoạt lén lút chiếm đoạt tài sản mà có được chủ sở hữu, người quản lý tài sản chuyển giao hay không chuyển giao cho họ đều là hành vi phạm tội. Tuy nhiên, dấu hiệu có chuyển giao hay không là một trong các dấu hiệu quan trọng để phân biệt TTCTS với tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản. Trong trường hợp việc chuyển giao không rõ ràng thì cần dựa vào tính chất, địa điểm đặt tài sản để định tội. Trong trường hợp những tài sản được đặt ở nơi mà ai cũng có tiếp cận (như xe mô tô, điện thoại bàn, máy vi tính, tivi…), không có sự cất giấu thì người thực hiện hành vi lén lút chiếm đoạt vẫn phạm tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản. Trường hợp, tài sản được chủ sở hữu cất giấu cẩn thận (như: các vật trang sức, vàng bạc, tiền…) thì người có hành vi lén lút chiếm đoạt tài sản sẽ phạm TTCTS.
Chẳng hạn, A làm công cho nhà chị H. Do nhà vừa để ở vừa làm cửa hàng mua bán hàng nên chị H thuê rất nhiều người làm phụ giúp. A được giao cùng với một người làm công khác trông coi việc mua bán hàng, chiều tối nấu ăn cho cả nhà. Làm được một thời gian, A lợi dụng những lúc người làm công đi vệ sinh đã lấy thùng sữa tươi nhiều nhãn hiệu khác nhau đem ra ngoài. Ngày 19/01/2012, khi A đang lén đưa hai thùng sữa thì bị phát hiện. Ngoài ra, A còn khai nhận lấy 16 thùng sữa, trị giá gần 4,8 triệu đồng. Tuy nhiên, giữa Viện kiểm sát và Tòa án xác định tội danh khác nhau. Trong khi, Viện kiểm sát truy tố bị cáo về TTCTS nhưng Tòa án lại cho rằng bị cáo phạm tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản. Trong trường hợp này, phải xác định A phạm tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản vì phải xác định các tài sản trên đã được chị H giao cho A quản lý và chúng không được chủ sở hữu cất giấu cẩn thận.
Đối với trường hợp một người có hành vi lén lút chiếm đoạt tài sản do người khác phạm tội mà có nếu người thực hiện hành vi chiếm đoạt không được người phạm tội chuyển giao tài sản thì người có hành vi lén lút chiếm đoạt tài sản phạm TTCTS chứ không phải tội tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có.
2. Mặt khách quan của TTCTS
2.1. Hành vi thuộc mặt khách quan của TTCTS
Dựa vào bản chất của TTCTS nên thực tiễn cũng như lý luận đều xác định hành vi thuộc mặt khách quan của TTCTS là hành vi chiếm đoạt tài sản của người khác một cách lén lút. Trong đó, chiếm đoạt được hiểu là “hành vi cố ý chuyển dịch trái pháp luật tài sản đang được sự quản lí của chủ sở hữu tài sản thành tài sản của mình”. Hành vi chiếm đoạt làm cho chủ tài sản mất khả năng thực hiện quyền chiếm hữu, sử dụng, định đoạt tài sản của mình và tạo cho người chiếm đoạt có thể thực hiện được việc chiếm hữu, sử dụng, định đoạt tài sản đó. Tuy nhiên, chủ sở hữu không mất quyền sở hữu của mình mà chỉ mất khả năng thực tế thực hiện các quyền cụ thể. Cho nên, hành vi chiếm đoạt trong TTCTS xâm phạm các quyền năng của chủ sở hữu, làm cho chủ sở hữu mất khả năng thực hiện quyền sở hữu của mình.
Đối với TTCTS thì hành vi chiếm đoạt đã thể hiện mục đích chiếm đoạt của người phạm tội và dấu hiệu chiếm đoạt trong cấu thành cơ bản của TTCTS là chiếm đoạt được. Chính vì vậy, TTCTS hoàn thành từ thời điểm người phạm tội đã chiếm đoạt được tài sản. Việc đánh giá người phạm tội đã chiếm đoạt được hay chưa phải dựa vào đặc điểm, vị trí tài sản bị chiếm đoạt. Nếu tài sản chiếm đoạt gọn nhỏ thì coi là đã chiếm đoạt được khi người phạm tội đã dấu được tài sản trong người; nếu vật chiếm đoạt không thuộc loại nói trên thì coi chiếm đoạt được khi đã mang được tài sản ra khỏi khu vực bảo quản; nếu vật chiếm đoạt là tài sản để ở những nơi không hoàn thành khu vực bảo quản riêng thì coi là đã chiếm đoạt được khi đã dịch chuyển tài sản khỏi vị trí ban đầu.
Trong trường hợp, người phạm tội chưa chiếm đoạt được tài sản hoặc đã chiếm đoạt được tài sản, nhưng đã bị người bị hại hoặc người khác giành lại, mà người phạm tội tiếp tục dùng vũ lực, đe doạ dùng vũ lực ngay tức khắc tấn công người bị hại hoặc người khác nhằm chiếm đoạt cho được tài sản, thì hành vi của người phạm tội chuyển hóa từ TTCTS sang tội cướp tài sản.
2.2. Về thủ đoạn thuộc mặt khách quan của TTCTS
Theo khoa học luật hình sự thì “thủ đoạn phạm tội là cách thức thực hiện hành vi phạm tội”. Vì vậy, có thể khẳng định thủ đoạn của TTCTS là thủ đoạn lén lút. Cho nên, không thể chấp nhận ý kiến cho rằng tính lén lút trong TTCTS là hành vi.
Để chiếm đoạt được tài sản của người khác thì người phạm tội phải thực hiện hành vi chiếm đoạt. Tuy nhiên, điểm khác biệt cơ bản giữa hành vi chiếm đoạt của TTCTS với các tội có tính chất chiếm đoạt khác là tình lén lút (hoặc thủ đoạn lén lút).
Theo Từ điển tiếng Việt, lén lút có nghĩa “vụng trộm, không để lộ ra” và lén là “bí mật, bất ngờ, không để ai thấy, ai biết”. Tuy nhiên, trong thực tiễn điều tra, truy tố, xét xử TTCTS thì việc xác định chủ thể mà người phạm tội phải che dấu hành vi phạm tội của mình cũng có nhiều dạng khác nhau. Thông thường thủ đoạn lén lút được thể hiện qua các dạng sau: (1) Che dấu hành vi chiếm đoạt đối với mọi người như: thực hiện hành vi vào lúc đêm khuya khi mọi người đã ngủ; chờ khi nơi giữ tài sản không còn ai trực tiếp trông coi; tìm những chỗ ít hoặc không có người qua lại để thực hiện hành vi phạm tội; (2) Chỉ che dấu hành vi chiếm đoạt đối với chủ sở hữu, người quản lý tài sản nhưng công khai hành vi chiếm đoạt của mình đối với những người khác. Việc xác định đối tượng bị người phạm tội che dấu hành vi chiếm đoạt trong trường hợp (1) tương đối đơn giản. Tuy nhiên, việc xác định đối tượng bị người phạm tội che dấu hành vi chiếm đoạt trong trường hợp (2) không hề đơn giản, ngược lại còn rất phức tạp. Thông thường việc công khai hành vi chiếm đoạt đối với những người khác thể hiện qua 02 hình thức sau:
Một là, công khai sự vi phạm pháp luật của hành vi. Đó là trường hợp, người phạm tội chỉ thực hiện việc che giấu hành vi chiếm đoạt đối với chủ tài sản; còn những người khác, người phạm tội không che giấu hành vi phạm tội của mình. Chẳng hạn, người phạm tội lợi dụng chỗ đông người để chen lấn, xô đẩy rồi thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản của chủ sở hữu.
Hai là, công khai thực hiện hành vi, nhưng bản chất chiếm đoạt của hành vi đã được che đậy. Đó là trường hợp, người phạm tội đã sử dụng các thủ đoạn khác nhau để che giấu bản chất tội phạm của hành vi nhưng việc thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản của họ lại công khai như: giả là nhân viên của của các đơn vị mang tính công cộng (như: điện lực, bưu điện, công trình công cộng…) đi bảo trì, sửa tài sản được đặt ở những nơi công cộng rồi chiếm đoạt các tài sản đó; giả vờ xin ngủ nhờ, xin làm thuê để có điều kiện tiếp cận tài sản thực hiện hành vi chiếm đoạt…
Ví dụ: Khoảng 16 giờ ngày 23/3/2011, chị Trần Thị T. T cùng ba người bạn ngồi uống nước chung một bàn tại căng tin Trường chính trị thành phố C. Một lúc sau, chị T đi lên Phòng đào tạo của Nhà trường và có để lại một túi xách màu đen trên chiếc ghế chị vừa ngồi. Lúc này, Nguyễn Hoàng N điều khiển xe mô tô chở Nguyễn Thanh H chạy ngang qua, nhìn vào căng tin thì thấy túi xách của chị T nên quay xe lại dừng phía trước cổng căn tin để H đi bộ vào lấy chiếc túi xách trên. Khi H đi bộ vào căn tin thì thấy ba người phụ nữ đang nhìn về phía mình nên H giả vờ đi thẳng vào quầy hỏi mua thuốc lá. Hỏi xong H đi ngược trở ra. Lợi dụng lúc ba người phụ nữ không để ý, H lấy chiếc túi xách của chị T rồi chạy ra xe của N đang chờ sẵn tẩu thoát. Nghe tiếng tri hô, anh Nguyễn Hoàng L đi cùng chiều với N và H vừa điều khiển xe ô tô đuổi theo vừa điện thoại báo cho tổ Cảnh sát giao thông tuần tra đến áp sát, bắt giữ N và H cùng tang vật. Tài sản mà N, H chiếm đoạt là 01 túi xách màu đen bên trong có 01 máy tính xách tay hiệu ASUS trị giá 7.750.000 đồng, 03 tờ 01 USD, 01 tờ 2 USD, 300.000 đồng, 01 USB và một số giấy tờ tùy thân khác.
Việc định tội danh đối với hành vi của H, N có 03 ý kiến khác nhau: Ý kiến thứ nhất cho rằng, N, H đã phạm tội công nhiên chiếm đoạt tài sản. Ý kiến thứ hai lại cho rằng, hành vi của N và H đã cấu thành tội cướp giật tài sản. Ý kiến thứ ba thì xác định, hành vi của N và H phạm TTCTS. Chúng tôi cho rằng, hành vi của N và H phạm TTCTS. Bởi vì, khi H thực hiện hành vi chiếm đoạt chiếc túi xách của chị T thì chiếc túi xách vẫn thuộc quyền sở hữu và quản lý của chị T, do chị T không chuyển giao cho ai trông giữ, quản lý chiếc túi xách này cho chị. Như vậy, ba người bạn của chị T không ai có trách nhiệm, nghĩa vụ phải trông giữ, quản lý chiếc túi xách. Do đó, hành vi chiếm đoạt chiếc túi xách của H và N không phải là hành vi công nhiên trước mặt chủ sở hữu hay người được ủy quyền quản lý, trông giữ tài sản. Hơn nữa, trong trường hợp, nếu xác định vì mối quan hệ bạn bè mà 03 người bạn của chị T có trách nhiệm quản lý túi xách dùm chị T thì hành vi của N, H vẫn phạm TTCTS vì khi thực hiện hành vi chiếm đoạt, H đã lợi dụng lúc ba người phụ nữ không để ý để thực hiện hành vi chiếm đoạt. Vì vậy, hành vi của H vừa lén lút với cả chủ sở hữu và vơi cả người quản lý tài sản. Cho nên việc xác định H, N phạm TTCTS là phù hợp nhất.
Như vậy, hành vi chiếm đoạt tài sản của người khác trong TTCTS được thực hiện một cách lén lút nhưng tính lén lút của hành vi có thể che giấu mọi người nhưng có thể chỉ che giấu đối với chủ sở hữu, người quản lý tài sản, còn đối với những người khác thì không cần che giấu.
Ngoài dấu hiệu hành vi phạm tội, thủ đoạn phạm tội, trong mặt khách quan của tội phạm còn có công cụ, phương tiện phạm tội. Đối với cấu thành cơ bản của TTCTS, công cụ, phương tiện phạm tội không phải là yếu tố bắt buộc. Tuy nhiên, cần lưu ý, trường hợp một người có hành vi lén lút chiếm đoạt tài sản người khác nhưng sử dụng công cụ, phương tiện tinh vi như: mạng máy tính, mạng viễn thông, mạng internet hoặc thiết bị số thì người thực hiện hành vi chiếm đoạt không phạm TTCTS mà phạm tội sử dụng mạng máy tính, mạng viễn thông, mạng internet hoặc thiết bị số thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản theo Điều 226b BLHS.
3. Mặt chủ quan của tội trộm cắp tài sản
3.1. Về yếu tố lỗi
Có thể khẳng định lỗi của người có hành vi chiếm đoạt là lỗi cố ý trực tiếp. Người thực hiện hành vi chiếm đoạt biết tài sản chiếm đoạt là tài sản đang thuộc quyền sở hữu của người khác hoặc đang có người quản lý nhưng vẫn mong muốn biến tài sản đó thành tài sản của mình khi thực hiện hành vi chiếm đoạt.
Trong trường hợp, ban đầu ý thức chủ quan của người thực hiện hành vi chiếm đoạt là sẽ chiếm đoạt tài sản có giá trị nhưng khi chiếm đoạt được kiểm tra lại là tài sản giả thì việc truy cứu trách nhiệm hình sự người đã thực hiện hành vi chiếm đoạt cần căn cứ vào hướng dẫn tại mục 2 Phần II Thông tư liên tịch số 02 thì, “Trong trường hợp có đầy đủ cằn cứ chứng minh rằng người có hành vi xâm phạm sở hữu có ý định xâm phạm đến tài sản có giá trị cụ thể theo ý thức chủ quan của họ, thì lấy giá trị tài sản đó để xem xét việc truy cứu trách nhiệm hình sự đối với người có hành vi xâm phạm”. Ví dụ: Nguyễn Văn C ở cạnh nhà bà Nguyễn Thị L. Do thường xuyên sang nhà bà L chơi nên để ý biết được nơi bà L cất vàng. Vào ngày 01/3/2012, do cần tiền tiêu xài, C đã lén sang nhà bà L chiếm đoạt 01 sợi dây chuyền vàng, mang về nhà cất giấu. Đến ngày 03/3/2012, C sợi dây chuyền đến một tiệm để bán. Tuy nhiên, khi chủ tiệm vàng tiến hành kiểm tra thì xác định sợi dây chuyền có trọng lượng 05 chỉ nhưng là vàng giả. Việc mất trộm được bà L báo đến cơ quan chức năng. Qua điều tra, C đã khai nhận việc chiếm đoạt vàng của bà L. Tại thời điểm xảy ra vụ án, giá vàng được xác định là 4.000.000 đồng/chỉ. Dựa vào hướng dẫn trên, cần xác định giá trị của 5 chỉ vàng mà C chiếm đoạt tương đương với giá trị của 5 chỉ vàng thật rồi xem xét truy cứu trách nhiệm hình sự đối C về TTCTS.
3.2. Về mục đích chiếm đoạt
Mục đích phạm tội là kết quả trong ý thức chủ quan mà người phạm tội đặt ra phải đạt được khi thực hiện hành vi phạm tội. Theo khoa học luật hình sự, mục đích phạm tội không được phản án trong tất cả các cấu thành tội phạm. Thông thường, mục đích phạm tội là yếu tố bắt buộc phải có trong cấu thành tội phạm trong 02 trường hợp. Một là, trường hợp dấu hiệu hậu quả chưa phản ánh được mục đích phạm tội chính của người phạm tội. Hai là, trường hợp dấu hiệu hành vi khách quan không phản ánh được mục đích phạm tội.
Đối với TTCTS, hiện nay, có 02 quan điểm khác nhau về việc mục đích phạm tội có phải là yếu tố bắt buộc trong cấu thành tội phạm hay không. Ý kiến thứ nhất cho rằng, mục đích chiếm đoạt tài sản của người khác là yếu tố bắt buộc trong cấu thành tội phạm. Ý kiến khác lại cho rằng, đúng là người phạm tội có mục đích chiếm đoạt (vụ lợi, tư lợi) nhưng mục đích chiếm đoạt không là yếu tố bắt buộc trong cấu thành cơ bản của TTCTS.
Chúng tôi thống nhất với quan điểm thứ hai bởi vì, bản chất hành vi trong mặt khách quan của TTCTS là chiếm đoạt được và hành vi chiếm đoạt đã thể hiện được bản chất của tội này (bao hàm cả mục đích chiếm đoạt), đồng thời là căn cứ phân biệt TTCTS với các tội khác, nhất là đối với các tội xâm phạm sở hữu có tính chất chiếm đoạt.
Trong thực tiễn, chính vì cho rằng mục đích chiếm đoạt là yếu tố bắt buộc phải có trong cấu thành cơ bản của TTCTS mà trong một số trường hợp do không chứng minh được mục đích chiếm đoạt của người phạm tội nên cơ quan tiến hành tố tụng không truy cứu trách nhiệm hình sự mặc dù các yếu tố khác đã đảm bảo. Ví dụ: Ngày 14/9/2012, anh S (thầu xây dựng Trường mẫu giáo A tại huyện T) có thuê Đ lắp đặt đường dân điện của Trường. Trong khoảng thời gian thực hiện công việc, Đ chưa được trả công nên có yêu cầu anh S cho ứng trước. Do anh S không ứng tiền trước nên khuya ngày 05/10/2012, Đ lén đột nhập vào kho của Công trình lấy 09 cuộn dây điện có tổng trị giá 20 triệu đồng mang về nhà cất giữ. Sáng ngày 05/10/2012, anh T (công nhân thực hiện việc khóa kho) phát hiện bị mất tài sản nên báo cho anh S biết. Anh S nói lại cho anh K (người làm công) biết việc mất trộm. Anh K gọi cho Đ thì được Đ cho biết Đ đã lấy các cuộn dây điện đó nhằm mục đích để anh S trả tiền công cho Đ.
Liên ngành tư pháp ở địa phương họp để thống nhất đường lối xử lý và kết quả là không truy cứu trách nhiệm hình sự Đ vì cho rằng khi lấy tài sản Đ không có mục đích chiếm đoạt. Tuy nhiên, chúng tôi cho rằng, cần phải truy cứu trách nhiệm hình sự của Đ bởi vì TTCTS không bắt buộc phải chứng minh mục đích chiếm đoạt của người phạm tội do hành vi (chiếm đoạt) và thủ đoạn thực hiện đã phản ánh đầy đủ bản chất cũng như dấu hiệu cơ bản của tội này và là cơ sở để phân biệt TTCTS với các tội phạm khác. Trong ví dụ trên, Đ có hành vi lén lút chiếm đoạt 09 cuộn dây điện và tội phạm đã hoàn thành khi Đ mang 09 cuộn dây điện ra khỏi kho của công trình. Rõ ràng hành vi của Đ là hành vi chiếm đoạt. Một điểm cần ưu ý là, việc đánh giá ý thức chiếm đoạt của người phạm tội phải dựa vào thời điểm họ thực hiện hành vi chiếm đoạt (thông qua hành vi đã thực hiện) chứ không phải theo sự thừa nhận của người phạm tội khi hành vi của họ bị phát hiện. Hơn nữa, sau khi lấy tài sản Đ không hề cho ai biết. Trong trường hợp nếu anh S không báo công an và anh S không trả tiền công cho Đ thì liệu Đ có trả lại số tài sản đã chiếm đoạt hay không. Không những thế nếu không truy cứu trách nhiệm hình sự của Đ thì chẳng khác nào tiếp tay cho những hành vi chiếm đoạt tài sản kiểu này diễn ra trong thực tiễn.
Bên cạnh đó, nếu không truy cứu trách nhiệm hình sự của người thực hiện hành vi chiếm đoạt như Đ sẽ tạo ra sự không công bằng trong việc áp dụng pháp luật. Chúng ta thấy rằng, khi chủ nợ đến đòi nợ nhưng con nợ không trả và họ có hành vi dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực lấy tài sản để trừ nợ thì bị truy cứu về tội cướp tài sản. Trong khi đó, hành vi lén lút chiếm đoạt trong ví dụ trên còn dễ làm cho chủ sở hữu mất quyền sở hữu của mình vì họ không có điều kiện giữ lại tài sản của mình như trong trường hợp xác định phạm tội cướp tài sản. Tuy nhiên, người thực hiện hành vi chiếm đoạt như ví dụ trên lại không bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
Ngoài ra, khi xem xét mục đích chiếm đoạt của TTCTS cần lưu ý trường hợp mặc dù không có mục đích chiếm đoạt nhưng người thực hiện hành vi lén lút vẫn tiếp nhận ý thức chiếm đoạt của đồng phạm khác trong vụ án hoặc vì mục đích khác thì họ vẫn phạm TTCTS. Ví dụ: Nguyễn Văn Th được Uỷ ban nhân dân xã P thuê trông giữ 03 chiếc ghe và tài sản trên ghe (là tài sản bị tạm giữ hành chính) theo hợp đồng do hai bên ký kết. T được trả tiền công mỗi ngày 100.000 đồng. Ngày 06/9/2009, khi T đến nhà gặp Th để bàn bạc việc lấy tài sản trên 3 chiếc ghe bị tạm giữ, Th đã đồng ý và kêu T chờ đến tối rồi đến lấy. Trong khi đồng bọn lấy tài sản, Th cùng T ngồi trên bờ sông để canh chừng. Tổng trị giá tài sản bị chiếm đoạt là 31.800.000 đồng. Sau khi lấy được tài sản, Th lại cho T mượn chiếc ghe chở toàn bộ số tài sản trộm cắp được đến chiếc ghe T thuê rồi chở về nhà T. Việc định tội danh của Th có nhiều ý kiến khác nhau. Ý kiến thứ nhất cho rằng, Th cùng đồng bọn phạm tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản. Ý kiến thứ hai lại cho rằng, Th cùng đồng bọn phạm TTCTS. Chúng tôi thống nhất với quan điểm thứ hai bởi vì, nếu Th một mình thực hiện hành vi lén lút chiếm đoạt thì Th phạm tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản. Tuy nhiên, người chủ xướng là T và Th thống nhất với ý kiến của T về việc chờ đêm tối chiếm đoạt tài sản mà mình có trách nhiệm trông coi. Trong trường hợp này, Th đã có hành vi giúp sức để T thực hiện hành vi lén lút chiếm đoạt tài sản. Vì vậy, việc định tội danh Th cùng đồng bọn phạm TTCTS là phù hợp quy định của pháp luật.
4. Về chủ thể của TTCTS
Chủ thể của TTCTS là chủ thể thường. Những người có năng lực chịu trách nhiệm hình sự và đạt độ tuổi luật định đều có thể trở thành chủ thể của TTCTS. Tuy nhiên, do khung hình phạt của khoản 1 Điều 138 đến 3 năm tù và khoản 2 Điều 138 đến 7 năm tù nên những người từ dưới 16 tụổi không là chủ thể của TTCTS theo quy định tại các khoản 1, 2 Điều 138 BLHS.
BLHS không quy định chủ thể của TTCTS là chủ thể đặt biệt. Tuy nhiên, cần lưu ý trong trường hợp người có hành vi lén lút chiếm đoạt tài sản nhưng là người có những dấu hiệu đặc biệt được quy định trong Điều 278 BLHS và lợi dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản mà mình có trách nhiệm quản lý thì hành vi người đó không phạm TTCTS mà phạm tội tham ô tài sản theo Điều 278 BLHS. Trường hợp, người có các dấu hiệu được quy định tại Điều 315 BLHS mà có hành vi lén lút chiếm đoạt tài sản là tài liệu bí mật công tác quân sự thì không phạm TTCTS mà phạm tội chiếm đoạt tài liệu bí mật công tác quân sự (theo Điều 327 BLHS); nếu tài sản là di vật của tử sĩ thì phạm tội vi phạm chính sách đối với thương binh, tử sĩ trong chiến đấu (Điều 336 BLHS); nếu tài sản là chiến lợi phẩm mà hành vi lén lút chiếm đoạt được thực hiện trong chiến đấu hoặc trong khi thu dọn chiến trường thì phạm tội chiếm đoạt chiến lợi phẩm (Điều 337 BLHS).
II. MỘT SỐ BẤT CẬP, VƯỚNG MẮC VÀ KIẾN NGHỊ HOÀN THIỆN
1. Về khái niệm tội trộm cắp tài sản và tên điều luật
Trong số các tội có tính chất chiếm đoạt từ Điều 133 đến Điều 140 BLHS thì TTCTS là 01 trong 03 tội chưa được nêu khái niệm (mô tả hành vi) trong Điều luật. Đây cũng là nguyên nhân có nhiều ý kiến khác nhau khi đánh giá hành vi chiếm đoạt trong thực tiễn liên quan đến 03 tội này và có sự nhầm lẫn giữa TTCTS với một số tội có tính chất chiếm đoạt khác.
Cho nên, nhu cầu là phải nêu khái niệm của TTCTS trong Điều 138 BLHS là cần thiết. Vấn đề đặt ra là khái niệm về TTCTS cần đảm bảo những nội dung nào? Nghiên cứu khái niệm của các tội khác mà BLHS quy định, chúng tôi thấy rằng, khái niệm của một tội cần phải nêu được những đặc trưng của tội đó mà từ đó có thể phân biệt tội đó với các tội khác có những dấu hiệu tương tự nhau. Các dấu hiệu đó có thể là hành vi, thủ đoạn thuộc mặt khách quan của tội phạm; chủ thể đặc biệt của tội phạm; lỗi, mục đích, động cơ phạm tội thuộc mặt chủ quan của tội phạm hoặc khách thể, đối tượng tác động của tội phạm. Theo quan điểm thống nhất trong thực tiễn hiện nay thì việc phân biệt TTCTS với các tội khác (chủ yếu là các tội có tính chất chiếm đoạt) là dựa vào hành vi và thủ đoạn thuộc mặt khách quan của tội phạm. Đó là tính lén lút và hành vi chiếm đoạt.
Tuy nhiên, thực tiễn có nhiều quan điểm khác nhau về khái niệm của TTCTS nhưng đa phần các ý kiến đều dựa vào hành vi thuộc mặt chủ quan của tội phạm để định nghĩa và đều thống nhất nhau về hành vi chiếm đoạt, đặc điểm của tài sản bị chiếm đoạt là “có chủ”. Tuy nhiên, đối với tính lén lút thì có 02 quan điểm khác nhau cơ bản sau: (1) Quan điểm thứ nhất cho rằng, tính lén lút là thủ đoạn phạm tội. Đó là các định nghĩa: Trộm cắp tài sản là hành vi chiếm đoạt tài sản của người khác một cách lén lút”, hoặc là “trộm cắp tài sản là hành vi chiếm đoạt tài sản của người khác một cách lén lút”; (2) Quan điểm thứ hai cho rằng, tính lén lút là thuộc tính của hành vi chiếm đoạt. Đó là các định nghĩa: Trộm cắp tài sản là hành vi lén lút chiếm đoạt tài sản đang có chủ, trộm cắp tài sản là hành vi lén lút chiếm đoạt tài sản của người khác, hoặc là trộm cắp là hành vi lén lút chiếm đoạt tài sản của người khác một cách trái pháp luật.
Ngoài ra, cón có ý kiến cho rằng, “trộm cắp là dùng thủ đoạn lén lút nhằm chiếm đoạt tài sản đang do người khác quản lý”. Tuy nhiên, quan điểm này chưa phù hợp bởi vì, mặc dù, có nêu đúng thủ đoạn của người phạm tội khi thực hiện hành vi nhưng chưa nêu được bản chất của TTCTS là hành vi chiếm đoạt mà chỉ cho rằng việc chiếm đoạt tài sản là mục đích của thủ đoạn lén lút.
Theo Từ điển tiếng Việt, “trộm cắp” là “trộm và lấy cắp của cải nói chung”; trong đó, “trộm” là “lấy của người khác một cách lén lút, nhân lúc không ai để ý” và “cắp” là “lấy của người khác một cách lén lút, vụng trộm”.
Như vậy, việc sử dụng tính lén lút là tính chất của hành vi chiếm đoạt hay là thủ đoạn thực hiện hành vi chiếm đoạt đều không sai. Tuy nhiên, việc sử dụng tính lén lút là thủ đoạn thực hiện hành vi chiếm đoạt sẽ chuẩn sát hơn và tách bạch được hành vi phạm tội với thủ đoạn phạm tội. Bên cạnh đó, hai từ “trộm” và “cắp” đều có nghĩa là lấy tài sản của người khác một cách lén lút cho nên việc tên điều luật và nội dung của Điều 138 BLHS dùng cả 02 từ “trộm” và “cắp” là trùng lắp, không cần thiết. Ngoài ra, việc dùng thuật ngữ “trộm” hoặc “cắp” tại Điều 138 BLHS cũng không gây nhầm lẫn với bất kỳ tội nào khác (như tội cướp tài sản và cướp giật tài sản chẳng hạn) mà BLHS quy định. Tuy nhiên dùng thật ngữ trộm sẽ thông dụng hơn.
Từ các phân tích trên, chúng tôi mạnh dạn kiến nghị sửa đổi thuật ngữ “trộm cắp” trong tên tên và nội dung điều luật thành “trộm” và bổ sung vào Điều 138 BLHS khái niệm của tội phạm như sau:
“Điều 138. Tội trộm tài sản
Người nào chiếm đoạt tài sản của người khác một cách lén lút có giá trị từ hai triệu đồng đến dưới năm mươi triệu đồng hoặc dưới hai triệu đồng nhưng gây hậu quả nghiêm trọng hoặc đã bị xử phạt hành chính về hành vi chiếm đoạt hoặc đã bị kết án về tội chiếm đoạt tài sản, chưa được xoá án tích mà còn vi phạm, thì …”.
2. Một số vấn đề liên quan đến hướng dẫn áp dụng Điều 138 BLHS
Chúng ta thấy rằng, TTCTS (theo quy định hiện nay) là tội chiếm số lượng lớn trong số các tội mà các Tòa án giải quyết hàng năm và hầu như trải đều ở mọi địa phương. Với tính phổ biến của tội này nên yêu cầu đấu tranh, phòng chống đặc ra là cần thiết. Vì lẽ đó, bên cạnh quy định tại Điều 138 BLHS, Thông tư liên tịch số 02 còn hướng dẫn một số vấn đề liên quan đến Điều 138 BLHS nhằm nâng cao công tác đấu tranh, phòng chống loại tội phạm này.
Tuy nhiên, một số quy định của Thông tư liên tịch số 02 đã thể hiện một vài vướng mắc, bất cập khi áp dụng trên thực tiễn. Đó là,
Thứ nhất, mở rộng phạm vi truy cứu trách nhiệm hình sự vượt quá quy định của BLHS
Một là, trường hợp bị coi là “đã bị xử phạt hành chính về hành vi chiếm đoạt” tại khoản 1 Điều 138 BLHS.
Theo tiểu mục 1.1 mục 1 Phần I Thông tư liên tịch số 02 thì bị coi là “đã bị xử phạt hành chính về hành vi chiếm đoạt”, nếu trước đó đã bị xử lý bằng một trong các hình thức sau đây về hành vi chiếm đoạt, nhưng chưa hết thời hạn để được coi là chưa bị xử lý mà lại thực hiện hành vi trộm cắp tài sản: a) Đã bị xử phạt vi phạm hành chính theo đúng quy định của Pháp lệnh xử lý vi phạm hành chính; b) Đã bị xử lý kỷ luật theo đúng quy định của Điều lệnh, Điều lệ của lực lượng vũ trang nhân dân; c) Đã bị xử lý kỷ luật theo đúng quy định của cơ quan có thẩm quyền.
Việc quy định đã bị xử lý kỹ luật cũng được xem là đã bị xử phạt vi phạm hành chính đã vượt quá quy định của BLHS và gây bất lợi cho người phạm tội. Bởi vì, khoản 1 Điều 12 Pháp lệnh xử lý vi phạm hành chính (viết tắt là Pháp lệnh) thì “Đối với mỗi vi phạm hành chính, cá nhân… vi phạm phải chịu một trong các hình thức xử phạt chính sau đây: a) Cảnh cáo; b) Phạt tiền”. Bên cạnh đó, các khoản 2, 3 Điều 12 Pháp lệnh quy định việc áp dụng hình phạt bổ sung và biện pháp khắc phục hậu quả.
Ngoài ra, theo khoản 2 Điều 2 Luật xử lý vi phạm hành chính (sẽ có hiệu lực vào ngày 01/01/2013) quy định, “xử phạt vi phạm hành chính là việc người có thẩm quyền xử phạt áp dụng hình thức xử phạt, biện pháp khắc phục hậu quả đối với cá nhân, tổ chức thực hiện hành vi vi phạm hành chính theo quy định của pháp luật về xử phạt vi phạm hành chính” và trong các hình thức xử phạt được quy định tại Điều 21 và các biện pháp khắc phục hậu quả quy định tại Điều 28 không quy định hình thức đã bị xử lý kỷ luật (của Điều lệnh, Điều lệ của lực lượng vũ trang nhân dân và quy định của cơ quan có thẩm quyền).
Hai là, đối với 03 trường hợp tại mục 5 Phần II Thông tư liên tịch số 02
Mục 5 Phần II Thông tư liên tịch số 02 hướng dẫn trường hợp một người thực hiện nhiều lần hành vi lén lút chiếm đoạt tài sản, nhưng mỗi lần giá trị tài sản bị xâm phạm dưới mức 2 triệu đồng và không thuộc một trong các trường hợp gây hậu quả nghiêm trọng; đã bị xử phạt hành chính; đã bị kết án nhưng chưa được xoá án tích...; đồng thời, các hành vi đó chưa có lần nào bị xử phạt hành chính và chưa hết thời hiệu xử phạt hành chính, nếu tổng giá trị tài sản của các lần bị xâm phạm bằng hoặc trên mức 2 triệu đồng, thì người thực hiện nhiều lần hành vi chiếm đoạt phải bị truy cứu trách nhiệm hình sự về TTCTS theo tổng giá trị tài sản của các lần bị xâm phạm, nếu: a) Các hành vi xâm phạm sở hữu được thực hiện một cách liên tục, kế tiếp nhau về mặt thời gian; b) Việc thực hiện các hành vi xâm phạm sở hữu có tính chất chuyên nghiệp, lấy tài sản do việc xâm phạm sở hữu mà có làm nguồn sống chính; c) Với mục đích xâm phạm sở hữu, nhưng do điều kiện hoàn cảnh khách quan nên việc xâm phạm sở hữu phải được thực hiện nhiều lần cho nên giá trị tài sản bị xâm phạm mỗi lần dưới 2 triệu đồng.
Chúng tôi cho rằng, mục 5 Phần II Thông tư liên tịch số 02 quy định 03 trường hợp trên làm căn cứ truy cứu trách nhiệm hình sự người phạm tội rõ ràng là nới rộng phạm vi truy cứu trách nhiệm hình sự người có hành vi lén lút chiếm đoạt tài sản người khác. Đối với trường hợp c) đã xác định hành vi chiếm đoạt trong TTCTS là tội kéo dài không đúng với sự xác định của khoa học luật hình sự. Bởi vì, tội kéo dài được hiểu là tội phạm mà hành vi khách quan có khả năng diễn ra không gián đoạn trong khoảng thời gian dài và việc xác định này dựa vào từng tội do Bộ luật Hình sự quy định chứ không phải được nới rộng vì nhu cầu phòng chống tội phạm cụ thể. Đối với trường hợp a), nếu tách từng lần lén lút chiếm đoạt của người phạm tội thì người phạm thực hiện nhiều lần hành vi chiếm đoạt và trong trường hợp các lần này đều dưới mức 2 triệu đồng thì không có dấu hiệu nào của BLHS quy định họ phải bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Đối với trường hợp b), việc sử dụng dấu hiệu nhân thân (có tính chất chuyên nghiệp) để làm căn cứ truy cứu trách nhiệm hình sự rõ ràng cũng không được quy định tại khoản 1 Điều 138 BLHS.
Trong khi đó, theo Điều 2 Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2008 thì Thông tư liên tịch số 02 có hiệu lực thấp hơn so với BLHS do Quốc hội ban hành. Trong khi đó, một trong những dấu hiệu quan trọng để xác định một hành vi có phải là tội phạm hay không là hành vi đó phải được BLHS quy định. Các hành vi bên trên rõ ràng không được quy định trong BLHS. Như vậy, hướng dẫn tại tiểu mục 1.1 mục 1 Phần I và các điểm a, b mục 5 Phần II Thông tư liên tịch số 02 là trái, vượt quá phạm vi quy định của BLHS.
Chúng tôi cho rằng, với tình hình phạm TTCTS như hiện nay, việc quy định các căn cứ tại tiểu mục 1.1 mục 1 Phần I và các điểm a, b, c mục 5 Phần II Thông tư liên tịch số 02 để truy cứu trách nhiệm hình sự người có hành vi lén lút chiếm đoạt tài sản dưới mức định lượng khởi điểm mà khoản 1 Điều 138 BLHS là phù hợp. Tuy nhiên, theo quy định của BLHS về cơ sở của trách nhiệm hình sự thì “Chỉ người nào phạm một tội đã được BLHS quy định mới phải chịu trách nhiệm hình sự”. Vì vậy, muốn phòng chống TTCTS có hiệu quả mà không trái nguyên tắc cơ bản của BLHS, chúng tôi cho rằng cần bổ sung các căn cứ tại tiểu mục 1.1 mục 1 Phần I và các điểm a, b, c mục 5 Phần II Thông tư liên tịch số 02 làm căn cứ định tội vào khoản 1 Điều 138 BLHS.
Thứ hai, việc áp dụng hướng dẫn tình tiết “hành hung để tẩu thoát” và chuyển hóa từ TTCTS sang tội cướp tài sản
Theo quy định tại mục 6 Phần I Thông tư liên tịch số 02 thì khi áp đụng tình tiết “hành hung để tẩu thoát” tại điểm đ khoản 2 Điều 138 BLHS cần chú ý với với trường hợp chuyển hóa từ TTCTS sang tội cướp tài sản. Trường hợp, người phạm tội chưa chiếm đoạt được tài sản hoặc đã chiếm đoạt được tài sản, nếu bị phát hiện và bị bắt giữ hoặc bị bao vây bắt giữ thì đã có những hành vi chống trả lại người bắt giữ hoặc người bao vây bắt giữ như đánh, chém, bắn, xô ngã... nhằm tẩu thoát là trường hợp “hành hung để tẩu thoát”; nếu đã bị người bị hại hoặc người khác giành lại, mà người phạm tội tiếp tục dùng vũ lực, đe doạ dùng vũ lực ngay tức khắc tấn công người bị hại hoặc người khác nhằm chiếm đoạt cho được tài sản, thì chuyển hóa từ TTCTS thành tội cướp tài sản.
Quy định này nhằm xử lý hành vi của người phạm tội cố ý giữ tài sản chiếm đoạt mặc dù đã bị phát hiện và giữ lại tài sản. Tuy nhiên, việc áp dụng quy định này có một số vướng mắc như sau:
Một là, trường hợp người phạm tội đã chiếm đoạt được tài sản thì khoảng thời gian từ khi chiếm đoạt được đến khi bị phát hiện, bắt giữ hoặc bị bao vây bắt giữ hoặc bị giành lại là bao lâu? Trường hợp người phạm tội đã bỏ đi vài giờ thì mới bị phát hiện, có được xem xét, áp dụng tình tiết này không? Chúng tôi cho rằng, chỉ áp dụng các quy định tại mục 6 Phần I Thông tư liên tịch số 02 khi thời gian từ khi chiếm đoạt được đến khi bị phát hiện, bắt giữ hoặc bị bao vây bắt giữ hoặc bị giành lại không được kéo dài, bởi vì khi đó, tội phạm đã hoàn thành và hành vi chống trả của người phạm tội đối với việc bị phát hiện, bắt giữ hoặc bị bao vây bắt giữ hoặc bị giành lại không còn ý nghĩa. Do đó, đề xuất một trong hai cách sau: (1) thay cụm từ “đã chiếm đoạt được tài sản” bằng cụm từ “ngay sau khi chiếm đoạt tài sản” hoặc là (2) bỏ hẳn cụm từ “đã chiếm đoạt được tài sản” để tránh gây khó khăn trong việc áp dụng.
Hai là, quy định tại tiểu mục 6.2 mục 6 Phần I Thông tư liên tịch số 02 gây khó hiểu bởi vì sau khi chiếm đoạt được tài sản thì người phạm tội bị giành lại tài sản thì trong trường hợp này người phạm tội dùng vũ lực, đe doạ dùng vũ lực ngay tức khắc nhằm “giữ cho được tài sản chiếm đoạt được và tẩu thoát” chứ không phải “chiếm đoạt cho được tài sản” vì hành vi chiếm đoạt đã thực hiện xong. Hơn nữa, việc sử dụng thuật ngữ “tiếp tục” dùng vũ lực, đe doạ dùng vũ lực ngay tức khắc cũng chưa phù hợp bởi vì trong TTCTS thì người phạm tội không có hành vi dùng vũ lực, đe doạ dùng vũ lực ngay tức khắc nên việc người phạm tội bị bắt giữ mà dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực chỉ mới lần đầu chứ không phải lần thứ 2.
Ba là, quy định của tiểu mục 6.1 và tiểu mục 6.2 mục 6 Phần I Thông tư liên tịch số 02 gây khó khăn cho việc vận dụng. Chúng ta thấy rằng, việc chia mục 6 thành tiểu mục 6.1 và tiểu mục 6.2 thực chất là để phân biệt trường hợp người phạm tội vì sợ bị bắt giữ nên “bỏ của chạy lấy người” với trường hợp người phạm tội ngoan cố, cố tình chống trả nhằm giữ cho được tài sản mà minh chiếm đoạt được. Thực tiễn chỉ ra rằng, cả trường hợp tẩu thoát và cố giữ tài sản để tẩu thoát thì người phạm tội có thể dùng vũ lực, đe doạ dùng vũ lực ngay tức khắc. Cho nên, việc quy định có những hành vi chống trả … như đánh, chém, bắn, xô ngã... (tiểu mục 6.1) và dùng vũ lực, đe doạ dùng vũ lực ngay tức khắc (tiểu mục 6.2) thực chất đều là hành vi dùng vụ lực, đe dọa dùng vũ lực.
Để khắc phục các vướng mắc bên trên, kiến nghị sửa đổi, bổ sung mục 6 Phần I Thông tư liên tịch số 02 như sau:
“6.1. Phạm tội thuộc trường hợp “hành hung để tẩu thoát” là trường hợp mà người phạm tội chưa chiếm đoạt được tài sản hoặc ngay sau khi chiếm đoạt được tài sản, nhưng bị phát hiện và bị bắt giữ hoặc bị bao vây bắt giữ thì đã có những hành vi dùng vũ lực, đe doạ dùng vũ lực ngay tức khắc chống trả lại người bắt giữ hoặc người bao vây nhằm tẩu thoát.
6.2. Nếu người phạm tội chưa chiếm đoạt được tài sản hoặc ngay sau khi chiếm đoạt được tài sản, nhưng đã bị người bị hại hoặc người khác giành lại, mà người phạm tội có hành vi dùng vũ lực, đe doạ dùng vũ lực ngay tức khắc tấn công người bị hại hoặc người khác nhằm giữ cho được tài sản chiếm đoạt được và tẩu thoát thì trường hợp này không phải là “hành hung để tẩu thoát” mà đã có đầy đủ các dấu hiệu cấu thành tội cướp tài sản”. Hoặc bỏ hẳn cụm từ “hoặc ngay sau khi chiếm đoạt được tài sản” trong 02 tiểu mục này.
Thứ ba, đối với hướng dẫn tình tiết gây hậu nghiêm trọng, rất nghiêm trọng hoặc đặc biệt nghiêm trọng
Mục 4 Phần I Thông tư liên tịch số 02 hướng dẫn như sau, trong trường hợp tài sản bị lén lút chiếm đoạt dưới 2.000.000 đồng nếu gây hậu quả rất nghiêm trọng hoặc đặc biệt nghiêm trọng, thì cũng chỉ bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo khoản 1 Điều 138 BLHS, nếu không có tình tiết định khung hình phạt khác. Chúng tôi cho rằng, hướng dẫn này chưa phù hợp bởi lẽ, tiểu mục 3.4 mục 3 Phần I Thông tư liên tịch số 02 hướng dẫn các trường hợp “gây hậu quả nghiêm trọng” quy định tại khoản 1 (trường hợp tài sản chiếm đoạt dưới mức định lượng) và điểm g khoản 2 Điều 138; “gây hậu quả rất nghiêm trọng” quy định tại điểm b khoản 3 Điều 138 và “gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng” quy định tại điểm b khoản 4 Điều 138. Theo đó, mức độ hậu quả cho hành vi phạm tội tăng lên rất đáng kể theo mức độ là “nghiêm trọng”, “rất nghiêm trọng” hoặc “đặc biệt nghiêm trọng”. Chẳng hạn, nếu lấy thiệt hại về tính mạng thì thiệt hại lần lượt là làm chết 01 người, làm chết 02 người và làm chết 03 người trở lên. Tuy nhiên, các mức thiệt hại đều được đánh đồng bằng nhau khi tài sản chiếm đoạt dưới mức định lượng.
Để khắc phục hạn chế này, chúng tôi kiến nghị bỏ hướng dẫn tại mục 4 Phần I Thông tư liên tịch số 02 và bổ sung vào khoản 3 Điều 138 điểm c có nội dung như sau: “c) chiếm đoạt tài sản có giá trị dưới hai trăm triệu đồng nhưng gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng” và bổ sung vào khoản 2 Điều 138 điểm c có nội dung như sau: “c) chiếm đoạt tài sản có giá trị dưới năm mươi triệu đồng nhưng gây hậu quả rất nghiêm trọng”.
Tóm lại, với tính phổ biến của TTCTS thì hành vi phạm tội sẽ diễn ra muôn hình, muôn vẻ. Nếu không nắm vững, hiểu rõ các quy của pháp luật hình sự đối với loại tội phạm này sẽ gặp nhiều khó khăn trong thực tiễn tiến hành các hoạt động điều tra, truy tố, xét xử và sẽ không phân biệt được hành vi phạm TTCTS với các tội khác, đặc biệt là các tội có tính chất chiếm đoạt. Hơn nữa, do nhu cầu của thực tiễn thì việc tìm ra các quy định còn bất cập, vướng mắc để hoàn thiện quy định của pháp luật hình sự về TTCTS luôn đặt ra góp phần đấu tranh phòng chống loại tội phạm này càng phát huy hiệu quả và bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của công dân. Với những nội dung mà bài viết thể hiện góp phần hiểu thống nhất quy định pháp luật hình sự về TTCTS và là căn cứ để cơ quan có thẩm quyền xem xét sửa đổi, bổ sung quy định của pháp luật hình sự đối với TTCTS trong thời gian tới.
Ths. Thái Chí Bình - Tòa án nhân dân Tp. Châu Đốc, tỉnh An Giang
Đỗ Văn Tạo, Nguyễn Hoàng Nam, “Nguyễn Thanh Hiền phạm tội gì?”, Tạp chí Kiểm sát số Tân Xuân (tháng 02/2012)