Một số vấn đề về Quy định của Pháp lệnh Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ về sản xuất, kinh doanh “tiền chất thuốc nổ”

10/05/2012
Ngày 30/6/2011, Ủy ban thường vụ Quốc hội đã thông qua Pháp lệnh số 16/2011/UBTVQH12 về quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ do Chính phủ trình. Pháp lệnh này bắt đầu có hiệu lực từ 01/01/2012. Tuy nhiên, ngay sau khi Pháp lệnh này được công bố, nhiều cơ quan, tổ chức, cá nhân đã có ý kiến phản hồi về tính hợp lý của một số quy định của Pháp lệnh này, đặc biệt là phản hồi của các doanh nghiệp kinh doanh tiền chất thuốc nổ - đối tượng chịu sự tác động trực tiếp của văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến Điều 25 của Pháp lệnh.

Điều 25 của Pháp lệnh quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ quy định như sau:

Điều 25. Nghiên cứu, sản xuất, kinh doanh vật liệu nổ

1. Việc nghiên cứu, sản xuất vật liệu nổ quân dụng thực hiện theo quy định của pháp luật về công nghiệp quốc phòng.

2. Việc nghiên cứu vật liệu nổ công nghiệp thực hiện theo quy định sau đây:

a) Việc nghiên cứu, phát triển, thử nghiệm vật liệu nổ công nghiệp do các tổ chức khoa học, công nghệ hoặc doanh nghiệp sản xuất vật liệu nổ công nghiệp thực hiện trên cơ sở đề án nghiên cứu được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt;

b) Việc triển khai sản xuất hoặc chuyển giao công nghệ sản xuất quy mô công nghiệp được thực hiện tại các cơ sở sản xuất vật liệu nổ công nghiệp có đủ điều kiện theo quy định và có giấy phép của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

3. Sản xuất vật liệu nổ công nghiệp thực hiện theo quy định sau đây:

a) Tổ chức sản xuất vật liệu nổ công nghiệp phải là doanh nghiệp 100% vốn nhà nước được Thủ tướng Chính phủ giao nhiệm vụ theo đề nghị của Bộ Công thương, Bộ Công an, Bộ Quốc phòng;

b) Chủng loại sản phẩm, quy mô sản xuất phải phù hợp với quy hoạch phát triển vật liệu nổ công nghiệp và đáp ứng các tiêu chuẩn, quy chuẩn về chất lượng và kỹ thuật an toàn;

c) Nhà xưởng, kho chứa vật liệu nổ công nghiệp phải bảo đảm các điều kiện về an ninh, trật tự, bảo đảm khoảng cách an toàn đối với các công trình, đối tượng cần bảo vệ. Nhà xưởng, kho chứa công nghệ, thiết bị, phương tiện phục vụ sản xuất phải được thiết kế, xây dựng phù hợp, đáp ứng các yêu cầu về phòng cháy và chữa cháy, phòng nổ, chống sét, kiểm soát tĩnh điện, an toàn và bảo vệ môi trường;

d) Người quản lý, công nhân, người phục vụ liên quan đến sản xuất vật liệu nổ công nghiệp phải đáp ứng các yêu cầu về an ninh, trật tự; có trình độ chuyên môn phù hợp và được huấn luyện về kỹ thuật an toàn, phòng cháy và chữa cháy, ứng phó sự cố trong các hoạt động liên quan đến sản xuất vật liệu nổ công nghiệp;

đ) Tổ chức sản xuất vật liệu nổ công nghiệp được sản xuất, bán sản phẩm đúng chủng loại cho các doanh nghiệp kinh doanh vật liệu nổ công nghiệp; việc nhập khẩu hoặc ủy thác nhập khẩu, mua tiền chất thuốc nổ chỉ được thực hiện giữa các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh vật liệu nổ công nghiệp;

e) Sản phẩm vật liệu nổ công nghiệp phải có ký hiệu, nơi sản xuất, năm sản xuất hạn sử dụng.

4. Kinh doanh vật liệu nổ công nghiệp thực hiện theo quy định sau đây:

a) Tổ chức kinh doanh vật liệu nổ công nghiệp và tiền chất thuốc nổ phải là doanh nghiệp 100% vốn nhà nước được Thủ tướng Chính phủ giao nhiệm vụ theo đề nghị của Bộ Công thương, Bộ Công an, Bộ Quốc phòng;

b) Địa điểm kho chứa, bến cảng, nơi tiếp nhận bốc dỡ vật liệu nổ công nghiệp phải bảo đảm các điều kiện về an ninh, trật tự, bảo đảm khoảng cách an toàn đối với các công trình, đối tượng cần bảo vệ;

c) Kho chứa, thiết bị bốc dỡ, phương tiện vận chuyển, thiết bị, dụng cụ phục vụ kinh doanh phải được thiết kế, xây dựng phù hợp, đáp ứng các yêu cầu về bảo quản, vận chuyển vật liệu nổ công nghiệp, phòng cháy và chữa cháy;

d) Người quản lý, công nhân, người phục vụ liên quan đến kinh doanh vật liệu nổ công nghiệp phải đáp ứng các yêu cầu, tiêu chuẩn về an ninh, trật tự; có trình độ chuyên môn phù hợp và được huấn luyện về kỹ thuật an toàn, phòng cháy và chữa cháy, ứng phó với sự cố trong hoạt động liên quan đến kinh doanh vật liệu nổ công nghiệp;

đ) Tổ chức kinh doanh vật liệu nổ công nghiệp chỉ được bán vật liệu nổ công nghiệp đã có trong Danh mục vật liệu nổ Việt Nam cho tổ chức có giấy phép sử dụng vật liệu nổ công nghiệp; phải mua lại vật liệu nổ công nghiệp thừa, không sử dụng hết của các tổ chức được phép sử dụng vật liệu nổ công nghiệp;

e) Tổ chức kinh doanh vật liệu nổ công nghiệp chỉ được kinh doanh tiền chất thuốc nổ, vật liệu nổ công nghiệp theo đúng quy định tại giấy phép kinh doanh, giấy phép xuất khẩu, nhập khẩu tiền chất thuốc nổ, vật liệu nổ công nghiệp”.

Điều 25 của Pháp lệnh quy định quản lý “tiền chất thuốc nổ” nhưng không đưa ra định nghĩa về “tiền chất thuốc nổ” dẫn đến sự lúng túng của các cơ quan có liên quan trong việc xác định thế nào là “tiền chất thuốc nổ”. Tại Điều 3 của Pháp lệnh về giải thích từ ngữ, các nhà làm luật chỉ giải thích thuật ngữ “vật liệu nổ”, “vật liệu nổ quân dụng”, “vật liệu nổ công nghiệp” mà không đưa ra khái niệm “tiền chất thuốc nổ”. Mặt khác, tại Điều 1 của Pháp lệnh quy định về phạm vi điều chỉnh thì không đề cập đến “tiền chất thuốc nổ”: “Pháp lệnh này quy định về quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ; trách nhiệm quản lý nhà nước đối với vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ nhằm bảo vệ an ninh quốc gia và giữ gìn trật tự, an toàn xã hội”. Xét về mặt kỹ thuật lập pháp thì quy định này của Pháp lệnh chưa đáp ứng yêu cầu về ngôn ngữ sử dụng trong văn bản quy phạm pháp luật theo quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Khoản 1 Điều 5 của Luật Ban hành văn bản QPPL quy định: “Ngôn ngữ sử dụng trong văn bản quy phạm pháp luật phải chính xác, phổ thông, cách diễn đạt phải rõ ràng, dễ hiểu”.

Xét về tính phù hợp với các cam kết quốc tế, nhiều ý kiến cho rằng quy định tại Điều 25 của Pháp lệnh chưa phù hợp với quy định tại Nghị định thư gia nhập WTO của Việt Nam năm 2006, Hiệp định Thương mại Việt - Mỹ năm 2011. Hiện nay, Việt Nam đang phải nhập khẩu 100% các tiền chất thuốc nổ nên các quy định về cơ chế, chính sách trong nước khi ban hành cần phải tuân thủ các quy định và thông lệ quốc tế về loại bỏ hạn chế đối với quyền kinh doanh, nhập khẩu, quyền phân phối và kinh doanh của các doanh nghiệp có vốn nước ngoài đối với các sản phẩm “tiền chất thuốc nổ”.

Điểm a khoản 4 Điều 25 của Pháp lệnh quy định: “Tổ chức kinh doanh vật liệu nổ công nghiệp và tiền chất thuốc nổ phải là doanh nghiệp 100% vốn nhà nước được Thủ tướng Chính phủ giao nhiệm vụ theo đề nghị của Bộ Công thương, Bộ Công an, Bộ Quốc phòng”. Pháp lệnh chỉ “khoanh vùng” cho các doanh nghiệp 100% vốn nhà nước được sản xuất, kinh doanh “tiền chất thuốc nổ” mà hạn chế quyền kinh doanh của tất cả các doanh nghiệp khác, trong đó có cả doanh nghiệp có vốn nước ngoài, ngoài việc không phù hợp với các cam kết quốc tế thì quy định này cũng có những điểm bất hợp lý, cụ thể như sau:

Thứ nhất, “Tiền chất thuốc nổ” ngoài mục đích sử dụng cho sản xuất vật liệu nổ thì còn được dùng để sản xuất phân bón, nhôm kính, bóng đèn điện quang, chất màu, chất màu, linh kiện điện tử, màn hình máy tính, điện thoại di động, phụ gia thực phẩm, hóa chất thí nghiệm, bột giấy… phục vụ cho các ngành công nghiệp khác. Quy định của Pháp lệnh là không bảo đảm tính phù hợp và tính thống nhất với các quy định của Luật Thương mại (khoản 1 Điều 5), Luật Đầu tư (khoản 2 Điều 11), Luật Hóa chất... vì các luật hiện hành không hạn chế về doanh nghiệp kinh doanh “tiền chất thuốc nổ”.

Một trong những nguyên tắc quan trọng của việc xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật được ghi nhận tại khoản 1 Điều 3 của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật là “bảo đảm tính hợp hiến, hợp pháp và tính thống nhất của văn bản quy phạm pháp luật trong hệ thống pháp luật”.

Thứ hai, không phù hợp với chủ trương cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước hiện nay ở nước ta được quy định tại Nghị định số 59/2011/NĐ-CP ngày 18/7/2011 về chuyển doanh nghiệp 100% vốn nhà nước thành công ty cổ phần và chủ trương phân loại doanh nghiệp nhà nước được quy định tại Quyết định số 14/2011/QĐ-TTg ngày 04/3/2011 của Thủ tướng Chính phủ về ban hành tiêu chí, danh mục phân loại doanh nghiệp nhà nước. Theo Quyết định số 14 thì Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ đối với doanh nghiệp hoạt động sản xuất, cung ứng vật liệu nổ mà không phải là doanh nghiệp hoạt động sản xuất, cung ứng “tiền chất thuốc nổ”.

Thứ ba, quy định này có thể dẫn đến sự độc quyền của doanh nghiệp nhà nước đối với hoạt động kinh doanh tiền chất thuốc nổ, làm hạn chế quyền kinh doanh của các doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế khác ngoài kinh tế nhà nước, ảnh hưởng đến nguyên tắc bình đẳng trong kinh doanh của các doanh nghiệp trong nền kinh tế thị trường. Ngoài ra, Pháp lệnh không có quy định mang tính chuyển tiếp cho các doanh nghiệp không phải là doanh nghiệp 100% vốn nhà nước đã được cấp phép kinh doanh tiền chất thuốc nổ trước khi Pháp lệnh này có hiệu lực, cho nên sẽ gây thiệt hại lớn về mặt kinh tế cho các doanh nghiệp. Theo số liệu thống kê thì hiện có khoảng hơn 20 doanh nghiệp không phải là doanh nghiệp 100% vốn nhà nước đang kinh doanh tiền chất thuốc nổ. Các doanh nghiệp này khi kinh doanh các loại hóa chất thuộc nhóm tiền chất thuốc nổ phải đáp ứng các điều kiện nghiêm ngặt về an toàn, doanh nghiệp phải đào tạo đội ngũ cán bộ, đầu tư hệ thống nhà xưởng, kho chứa, phương tiện chuyên chở, giao nhận đặc thù với số vốn hàng trăm tỷ đồng. Nếu chấm dứt hoạt động kinh doanh vào ngày 01/01/2012 theo Pháp lệnh 16, thiệt hại kinh tế, thậm chí là nguy cơ phá sản của các doanh nghiệp này là rất lớn.

Bên cạnh đó, cũng cần phải xem xét “thấu đáo”, liệu doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế khác nhau có phải là yếu tố quyết định tới sự tuân thủ các điều kiện quy chuẩn, tiêu chuẩn, quy trình, thủ tục và an toàn trong kinh doanh. Vậy, lý do nào phù hợp và chính đáng cho việc hạn chế quyền kinh doanh tiền chất thuốc nổ đối với các doanh nghiệp này và “khoanh vùng” cho các doanh nghiệp 100% vốn nhà nước?

Từ những vấn đề nêu trên, có lẽ cần phải sửa đổi quy định của Pháp lệnh cho phù hợp với thực tiễn.

HTCC