Xây dựng Luật Phổ biến, giáo dục pháp luật: Doanh nghiệp phải trả tiền để tiếp cận pháp luật? (Bài 1)

17/11/2009
Chú tâm đến chính sách, quyền lợi cho đội ngũ phóng viên, biên tập viên pháp luật và đưa ra những quy định cụ thể việc các tổ chức kinh tế phải trả tiền để được phổ biến, giáo dục pháp luật là những vấn đề trong dự thảo Luật Phổ biến, giáo dục pháp luật đang thu hút được nhiều sự quan tâm.

Phóng viên cũng là tuyên truyền viên pháp luật

Theo dự thảo Luật PBGDPL, cá nhân thực hiện PBGDPL bao gồm báo cáo viên pháp luật, tuyên truyền viên pháp luật, giáo viên dạy môn học giáo dục công dân, pháp luật trong nhà trường và phóng viên, biên tập viên pháp luật. Những người này bên cạnh các tiêu chí chung về năng lực hành vi dân sự, phẩm chất đạo đức, uy tín... thì mỗi ngạch lại có một yêu cầu riêng như báo cáo viên pháp luật phải có bằng cử nhân luật, được cấp chứng chỉ bồi dưỡng nghiệp vụ PBGDPL và có thâm niên công tác trong lĩnh vực có liên quan đến pháp luật từ 3 năm trở lên; tuyên truyền viên pháp luật phải đạt trình độ trung cấp trở lên, biết sử dụng tiếng dân tộc thiểu số của địa phương (đối với tuyên truyền viên ở các vùng miền núi)...

Riêng đối với phóng viên, biên tập viên pháp luật, theo dự thảo Luật PBGDPL thì ngoài các tiêu chuẩn quy định trong Luật Báo chí và tiêu chuẩn chung của cá nhân thực hiện PBGDPL thì phải có bằng cử nhân luật hoặc có từ 3 năm trở lên làm việc trong lĩnh vực có liên quan đến pháp luật và có kinh nghiệm thực hiện việc PBGDPL trên báo chí. Có ý kiến cho rằng không nên đưa phóng viên, biên tập viên pháp luật vào danh sách các cá nhân thực hiện PBGDPL hoặc nếu có thì cũng không nên đưa quy định tiêu chuẩn đối với những người này vì qua hoạt động tác nghiệp báo chí hàng ngày họ vẫn mặc nhiên thực hiện nhiệm vụ PBGDPL mà không cần phải được luật hóa. Tuy nhiên, theo quan điểm của Ban soạn thảo báo chí là một kênh chuyển tải thông tin để PBGDPL rất quan trọng và để chuẩn hóa và hướng tới việc quy định những quyền lợi, chính sách nhất định cho đội ngũ này thì vẫn cần thiết phải quy định tiêu chuẩn cụ thể cho họ.

Trả tiền để được phổ biến, giáo dục pháp luật

Khi dự thảo Luật PBGDPL đưa ra những điều khoản về tổ chức cá nhân được PBGDPL đã có ý kiến đề nghị nên bỏ vì đương nhiên tất cả mọi người đều có quyền được PBGDPL. Tuy nhiên, ý nghĩa sâu xa của việc quy định này là nhằm tạo cơ sở pháp lý cho việc thực hiện quyền được tìm hiểu, học tập, nghiên cứu và nâng cao kiến thức pháp luật của công dân. Riêng đối với quy định thực hiện PBGDPL có thu tiền được quy định tại dự thảo, đây được xem là việc bước đầu thể chế hóa quy định về cơ chế xử lý tài chính cho các tổ chức tham gia PBGDPL. Vì thế, bên cạnh quy định về những quyền mà tổ chức, cá nhân có khả năng được thụ hưởng khi tham gia PBGDPL, thì các chủ thể này cũng cần phải có những nghĩa vụ nhất định khi hoạt động PBGDPL đã gián tiếp mang lại lợi ích nhất định cho họ.

Trong thực tế có nhiều tổ chức, cá nhân luôn có nhu cầu được nâng cao kiến thức pháp luật và họ sẵn sàng trả một khoản phí nhất định nếu như những thông tin pháp luật mà họ được tiếp cận qua phổ biến là hữu ích. Vì vậy, việc trả tiền của tổ chức, cá nhân khi được PBGDPL (như trả tiền để tham gia vào các hội thảo, tọa đàm, tập huấn về quy định pháp luật mới, giải đáp thắc mắc pháp lý cho DN...) nên được hiểu một cách tích cực. Vì đây là hoạt động vừa phát huy tính chủ động của tổ chức, cá nhân trong xử lý các vấn đề pháp lý (khi đã am hiểu các quy định của luật pháp) cũng như tạo nguồn thu để đầu tư cho công tác PBGDPL. Vấn đề đặt ra ở đây là Nhà nước cần có cơ chế và cách thức như thế nào để đáp ứng nhu cầu pháp lý cho các đối tượng khi có yêu cầu.

Tuy nhiên, cũng cần phải lưu ý rằng, đây là một cách tiếp cận hoàn toàn mới để tạo ra một cơ chế mới nên nếu không được quy định chặt chẽ sẽ dễ dẫn đến cách hiểu không đúng hoặc mâu thuẫn với bản chất cũng như vai trò của Nhà nước, bởi xưa nay việc PBGDPL luôn là trách nhiệm của Nhà nước.

Trường Khanh

Tuyên truyền viên pháp luật: nhất thiết phải có bằng trung cấp luật? Trong quá trình xây dựng và lấy ý kiến, có quan điểm cho rằng tiêu chuẩn của tuyên truyền viên pháp luật phải nâng lên là trung cấp luật thay vì trung cấp nói chung. Nhưng, thực tế cho thấy, hiện nay lực lượng tuyên truyền viên pháp luật chưa được điều chỉnh bởi một văn bản pháp luật nào của Nhà nước để có thể lấy đó làm tiêu chí. Mặt khác, đây là đội ngũ cán bộ tại cơ sở từ các ngành, lĩnh vực, tổ chức đoàn thể tại các cơ sở khác nhau như mặt trận, phụ nữ, cựu chiến binh, dân số, văn hóa, địa chính, tư pháp... nên việc giới hạn chỉ là những người có bằng trung cấp luật sẽ là một khó khăn lớn, trong khi Nhà nước ta lại đang rất cần khuyến khích các đối tượng này tích cực tuyên truyền, vận động nhân dân tại cơ sở chấp hành pháp luật.