Việt Nam luôn đặt chiến lược phát triển con người trong chiến lược phát triển kinh tế xã hội của đất nước, câu “trẻ em là tương lai của đất nước” được toàn xã hội biết đến như là sự khẳng định một chính sách đúng đắn của Đảng và Nhà nước. Việt Nam là nước đầu tiên của châu Á và là nước thứ hai trên thế giới tham gia Công ước về quyền trẻ em, nhiều văn bản quy phạm pháp luật trong nước được ban hành quy định về các vấn đề liên quan đến trẻ em như vấn đề nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục, lao động…Tuy nhiên, có một thực tế đáng buồn là sự phát triển của nền kinh tế thị trường với những mặt trái của nó đã làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến sự phát triển của trẻ, tình trạng trẻ em phạm tội đã trở thành mối lo ngại của toàn xã hội.
Trong những năm gần đây, nhà nước đã liên tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật, đưa pháp luật vào chương trình giảng dạy của nhà trường đã góp phần nâng cao nhận thức về pháp luật cho các em, tuy nhiên tình trạng này cũng không ngừng tăng lên, loại tội phạm rất nghiêm trọng và đặc biệt nghiêm trọng mà các em vi phạm cũng ngày một nhiều hơn, hành vi phạm tội cũng ngày một tinh vi hơn. Việc xác định nguyên nhân khách quan và chủ quan dẫn đến tình trạng này có ý nghĩa quan trọng trong việc bảo đảm sự phát triển bình thường và bảo vệ quyền lợi chính đáng cho các em, với những khiếm khuyết về tâm sinh lý của một người đang phát triển và những tác động tiêu cực từ gia đình, nhà trường và xã hội đã dẫn các em đến với những chọn lựa sai lầm, không phù hợp với quy tắc xã hội và quy định của pháp luật. Chính vì vậy, pháp luật có chính sách xử lý giành riêng cho người chưa thành niên phạm tội, trong đó luật sư giữ một vai trò rất quan trọng trong việc bảo vệ quyền lợi chính đáng cho các em.
Quy định của Bộ luật Hình sự đối với người chưa thành niên phạm tội
Nguyên tắc xử lý người chưa thành niên phạm tội
BLHS dành riêng một chương (Chương X) quy định về chính sách xử lý người chưa thành niên phạm tội, chính sách này được xây dựng dựa trên đặc điểm đặc thù của người chưa thành niên là sự hạn chế về nhận thức, do vậy việc xét xử họ chù yếu nhằm giáo dục, qua đó giúp các em nhận thức được sai lầm và tuân thủ quy định của pháp. Những nguyên tắc cơ bản được quy định tại Điều 69 BLHS như sau: trong trường hợp điều tra, xét xử hành vi phạm tội của người chưa thành niên, các cơ quan nhà nước có thẩm quyền phải xác định khả năng nhận thức của họ về tính chất nguy hiểm cho xã hội của hành vi phạm tội, nguyên nhân và điều kiện gây ra tội phạm. Người chưa thành niên phạm tội có thể được miễn trách nhiệm hình sự nếu người đó phạm tội không nghiêm trọng hoặc ít nghiêm trọng, gây hại không lớn, có mhiều tình tiết giảm nhẹ và được gia đình, cơ quan, tổ chức nhận giám sát giáo dục. Việc truy cứu trách nhiệm hình sự người chưa thành niên phạm tội áp dụng hình phạt đối với họ chỉ trong trường hợp cần thiết và phải căn cứ vào tính chất của hành vi phạm tội, vào đặc điểm nhân thân về nhân thân và yêu cầu của việc phòng ngừa tội phạm. Khi xét xử nếu thấy không cần thiết áp dụng hình phạt thì tòa án có thể áp dụng một trong các biện pháp tư pháp thay thế là giáo dục tại xã phường, thị trấn hoặc đưa vào trường giáo dưỡng. Đặc biệt, luật hình sự Việt Nam quy định không áp dụng hình phạt tù chung thân hoặc tử hình đối với người chưa thành niên phạm tội, khi xử phạt tù có thời hạn tòa án cho người chưa thành niên phạm tội hưởng mức án tù nhẹ hơn mức án tù áp dụng đối người đã thành niên phạm tội tương đương; không áp dụng hình phạt bổ sung đối với người chưa thành niên phạm tội, đối với người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi không áp dụng hình phạt tiền và án đã tuyên đối với người chưa đủ 16 tuổi thì không tính để xác định tái phạm hoặc tái phạm nguy hiểm.
Các biện pháp tư pháp và hình phạt giành cho người chưa thành niên phạm tội
Bộ luật Hình sự quy định hai biện pháp tư pháp mang tính răn đe giáo dục và phòng ngừa là giáo dục tại xã phường, thị trấn hoặc đưa vào trường giáo dưỡng. Hai biện pháp này áp dụng trong trường hợp người chưa thành niên phạm tội ít nghiêm trọng, tính chất nguy hiểm cho xã hội không lớn, có nhiều tình tiết giảm nhẹ như phạm tội lần đầu, thành khẩn khai báo…Thực tế xét xử người chưa thành niên phạm tội cũng đã chứng minh rằng đây là những biện pháp giáo dục có hiệu quả mà không cần áp dụng hình phạt. Điều 70 BLHS quy định Tòa án có thể áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn từ một đến hai năm đối với người chưa thành niên phạm tội ít nghiêm trọng hoặc nghiêm trọng, đây không phải là hình phạt mà chỉ là một biện pháp giáo dục thay thế cho biện pháp buộc phải chịu thử thách được quy định trong luật hình sự trước đây. Khi thi hành án biện pháp này không bị tách khỏi gia đình, nhà trường, xã hội, nghĩa vụ của người được giáo dục tại xã, phường thị trấn phải chấp hành đầy đủ các nghĩa vụ về học tập, lao động, tuân thủ các quy định của pháp luật dưới sự giám sát, giáo dục của chính quyền xã, phường, thị trấn và tổ chức xã hội được Tòa án giao trách nhiêm. Biện pháp đưa vào trường giáo dưỡng được áp dụng nếu Tòa án thấy tính chất nghiêm trọng của hành vi phạm tội, do nhân thân và môi trường sống của người phạm tội không đảm bảo cho việc giáo dục tại xã phường thì việc đưa họ vào một tổ chức giáo dục chặt chẽ sẽ hiệu quả hơn. Thời hạn áp dụng đối với hai biện pháp này là từ một năm đến hai năm. Tuy nhiên, nếu người phạm tội chấp hành tốt và đã thực hiện được ½ thời hạn thì Tòa án có thể quyết định chấm dứt thời hạn theo đề nghị của tổ chức, cơ quan, nhà trường được giao trách nhiệm giám sát, giáo dục.
Hình phạt áp dụng đối với người chưa thành niên phạm tội
BLHS quy định 4 loại hình phạt được áp dụng đối với người chưa thành niên phạm tội bao gồm: cảnh cáo, phạt tiền, cải tạo không giam giữ và tù có thời hạn. Trong đó cảnh cáo là hình phạt nhẹ nhất, được áp dụng đối với người phạm tội ít nghiêm trọng và có nhiều tình tiết giảm nhẹ chưa đến mức miễn hình phạt theo quy định của pháp luật. Phạt tiền lần đầu tiên được quy định trong BLHS năm 1999 và được coi là hình phạt chính đối với người chưa thành niên phạm tội từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi, nếu người đó có tài sản hoặc thu nhập riêng, mức phạt tiền được áp dụng đối với người chưa thành niên phạm tội không quá một phần hai mức tiền phạt mà điều luật quy định.
Cải tạo không giam giữ là hình phạt mang tính nghiêm khắc hơn so với hình phạt tiền, khi áp dụng hình phạt này đối với người chưa thành niên phạm tội thì không khấu trừ thu nhập của họ. Thời hạn cải tạo không giam giữ đối với người chưa thành niên phạm tội không quá một phần hai thời hạn mà điều luật quy định.
Hình phạt tù có thời hạn là hình phạt nghiêm khắc nhất trong các hình phạt áp dụng đối với người chưa thành niên phạm tội, hình phạt này buộc người phạm tội phải cách li khỏi xã hội trong một thời gian, do vậy luật hình sự quy định chỉ áp dụng hình phạt này với người chưa thành niên phạm tội khi thật sự cần thiết. Đối với người từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi khi phạm tội, nếu điều luật được áp dụng quy định hình phạt tù chung thân hoặc tử hình, thì mức hình phạt cao nhất được áp dụng không quá mười tám năm tù; nếu là tù có thời hạn thì mức hình phạt cao nhất được áp dụng không quá ba phần tư mức hình phạt tù mà điều luật quy định. Đối với người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi khi phạm tội, nếu điều luật được áp dụng quy định hình phạt tù chung thân hoặc tử hình thì mức hình phạt cao nhất được áp dụng không quá mười hai năm tù; nếu là tù có thời hạn thì mức hình phạt cao nhất được áp dụng không quá một phần hai mức phạt tù mà điều luật quy định. Như vậy, BLHS không áp dụng hình phạt tù chung thân và tử hình đối với người chưa thành niên phạm tội. Trong trường hợp người chưa thành niên phạm nhiều tội, khi tổng hợp hình phạt nếu tội nặng nhất được thực hiện khi người đó chưa đủ 18 tuổi thì hình phạt chung không được vượt quá mức hình phạt tù có thời hạn cao nhất áp dụng đối với người chưa thành niên phạm tội, nếu tội nặng nhất được thực hiện khi người đó đã đủ 18 tuổi, thì hình phạt chung áp dụng như đối với người đã thành niên phạm tội.
Giảm mức hình phạt và xóa án tích
Chính sách giảm mức hình phạt đã tuyên được áp dụng cả đối với người chưa thành niên phạm tội và người đã thành niên phạm tội, tuy nhiên đối với người chưa thành niên phạm tội thì chính sách này có nhiều ưu ái hơn nhằm động viên các em thi hành án tốt và tạo điều kiện để các em sớm được trở lại với cuộc sống bình thường. Điều 76 BLHS quy định người chưa thành niên bị phạt cải tạo không giam giữ hoặc phạt tù, nếu có nhiều tiến bộ và đã chấp hành được một phần tư thời hạn, thì được Tòa án xét giảm; riêng đối với hình phạt tù, mỗi lần có thể giảm đến bốn năm nhưng phải bảo đảm đã chấp hành ít nhất hai phần năm mức hình phạt đã tuyên, trong trường hợp có lập công hoặc bị mắc bệnh hiểm nghèo thì được xét giảm ngay và có thể được xem xét để miễn chấp hành hình phạt còn lại. Đối với trường hợp bị phạt tiền thì Tòa án cũng có thể giảm hoặc miễn chấp hành phần phạt tiền còn lại nếu các em bị lâm vào hòan cảnh kinh tế đặc biệt khó khăn kéo dài do thiên tai, hỏa hoạn, ốm đau hoặc có lập công lớn.
Xoá án tích là thủ tục cuối cùng của quá trình tố tụng, được áp dụng đối với những người đã thi hành án xong, thời hạn để được xóa án tích được coi như thời gian thử thách và người được xóa án tích coi như chưa bị kết án. Thời hạn để được xóa án tích đối với người chưa thành niên là một phần hai thời hạn áp dụng đối với người đã thành niên (nữa năm trong trường hợp bị phạt cảnh cáo, phạt tiền, cải tạo không giam giữ hoặc phạt tù nhưng được hưởng án treo; một năm rưỡi trong trường hợp hình phạt tù đến ba năm; hai năm rưỡi trong trường hợp hình phạt tù là từ trên ba năm đến mười lăm năm; ba năm rưỡi trong trường hợp hình phạt tù từ trên mười lăm năm). Trong trường hợp áp dụng biện pháp tư pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn và đưa vào trường giáo dưỡng đối với người chưa thành niên phạm tội thì không bị coi là có án tích.
Quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự đối với người chưa thành niên phạm tội
Thủ tục tố tụng hình sự đối với tội phạm nói chung và người chưa thành niên phạm tội nói riêng bao gồm các thủ tục điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án. Ngoài những thủ tục chung của Bộ luật TTHS thì cũng như Bộ luật Hình sự, Bộ luật TTHS giành riêng một chương quy định về tố tụng hình sự và chính sách xử lý đặc biệt với người chưa thành niên phạm tội (tại Chương XXXII). Trong đó quy định rõ Điều tra viên, Kiểm sát viên, Thẩm phán tiến hành tố tụng đối với người chưa thành niên phạm tội phải là người có những hiểu biết cần thiết về tâm lý học, khoa học giáo dục cũng như về hoạt động đấu tranh phòng, chống tội phạm của người chưa thành niên. Khi tiến hành điều tra, truy tố, xét xử người chưa thành niên phạm tội phải xác định rõ các yếu tố về tuổi, trình độ phát triển về thể chất và tinh thần, mức độ nhận thức về hành vi phạm tội của người chưa thành niên; điều kiện sinh sống và giáo dục; có hay không có người thành niên xúi giục; nguyên nhân và điều kiện phạm tội. Quy định này không những phù hợp với đặc điểm của người chưa thành niên mà còn phù hợp với thực tế về những nguyên nhân khách quan tác động đến hành vi phạm tội của các em. Thực tiễn đã chứng minh rằng đa số các em phạm tội đều bị sự tác động từ phía gia đình và xã hội, trong đó bao gồm cả các em có hoàn cảnh đặc biệt như kinh tế gia đình khó khăn, bố mẹ ly hôn, gia đình không yên ấm hoặc có người hư hỏng, phạm tội, bố mẹ không coi trọng việc giáo dục con cái, trình độ văn hóa của các em quá thấp, các em không có công ăn việc làm…tình trạng các em bị người thành niên (như bố, mẹ, anh, chị) xúi giục phạm tội cũng chiếm một số lượng không nhỏ. Chính vì vậy, việc quy định về hiểu biết tâm sinh lý của người chưa thành niên đối với Điều tra viên, Kiểm sát viên, Thẩm phán, cũng như các yếu tố liên quan đến nguyên nhân và điều kiện dẫn đến việc thực hiện hành vi phạm tội của các em là cần thiết.
Về bắt, tạm giữ, tạm giam người chưa thành niên phạm tội
Để ngăn chặn việc thực hiện tội phạm, cũng như để phục vụ cho quá trình tố tụng hình sự, pháp luật quy định trong một số trường hợp người, cơ quan có thẩm quyền được áp dụng các biện pháp bắt, tạm giữ, tạm giam. Tuy nhiên, đối với người chưa thành niên phạm tội khi áp dụng các biện pháp này ngoài điều kiện về độ tuổi chịu trách nhiệm hình sự và loại tội phạm còn phải đảm bảo đủ các căn cứ nêu tại các Điều 81, 82, 86, 88 và 120 của Bộ luật TTHS, đó là các điều kiện về bắt người trong trường hợp khẩn cấp, bắt người phạm tội quả tang hoặc đang bị truy nã, tạm giữ, tạm giam, thời hạn tạm giam để điều tra.
Về thi hành án phạt tù
Theo quy định thì không được áp dụng chế độ giam giữ người chưa thành niên như đối với người đã thành niên mà họ phải được giam giữ riêng, các chế độ đối với người chưa thành niên cũng được ưu ái hơn, pháp luật quy định về chế độ học văn hóa, đào tạo nghề nghiệp... để giúp các em bổ túc trình độ văn hóa, tạo dựng nghề nghiệp đảm bảo khi ra trường các em có một nghề ổn định, điều này cũng có ý nghĩa trong công tác phòng chống tội phạm ở tuổi vị thành niên.
Vai trò của luật sư với người chưa thành niên phạm tội
Với những hạn chế về nhận thức xã hội, hiểu biết pháp luật nên các em không thể tự bào chữa cho mình, do vậy Bộ luật TTHS quy định người đại diện hợp pháp của người bị tạm giữ, bị can, bị cáo là người chưa thành niên có thể lựa chọn người bào chữa hoặc tự mình bào chữa cho người bị tạm giữ, bị can, bị cáo. Nếu bị can, bị cáo là người chưa thành niên hoặc người đại diện hợp pháp của họ không mời người bào chữa thì Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát hoặc Toà án phải yêu cầu Đoàn luật sư phân công Văn phòng luật sư cử người bào chữa cho họ hoặc đề nghị Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, tổ chức thành viên của Mặt trận cử người bào chữa cho thành viên của tổ chức mình. Quy định này bắt buộc trong vụ án xét xử người chưa thành niên phạm tội phải có người bào chữa để bảo vệ quyền lợi cho các em.
Thực tiễn xét xử các vụ án có người chưa thành niên phạm tội cho thấy, phần lớn việc bảo vệ quyền và lợi ích hơp pháp cho các em đều do luật sư thực hiện dưới sự chỉ định của tòa án hoặc sự phân công của các tổ chức trợ giúp pháp lý nhà nước. Sự tham gia của luật sư vào vụ án có người chưa thành niên phạm tội thực sự có ý nghĩa quan trọng, nếu luật sư tham gia càng sớm thì quyền lợi của các em càng được bảo đảm hơn, việc luật sư tham gia từ giai đoạn khởi tố bị can (nếu bắt người trong trường hợp khẩn cấp, bắt người phạm tội quả tang hoặc đang bị truy nã thì luật sư tham gia từ khi có quyết định tạm giữ) sẽ tạo cho các em tâm lý bình tĩnh trong quá trình lấy lời khai, hỏi cung cũng như tư vấn thực hiện các thủ tục pháp lý khác theo yêu cầu của cơ quan tiến hành tố tụng, đồng thời với sự hiểu biết pháp luật của mình luật sư cũng sẽ góp phần ngăn chặn những hạn chế, bất cập có thể xảy ra từ phía cơ quan tiến hành tố tụng có khả năng ảnh hưởng đến quyền lợi của các em. Với quá trình nghiên cứu hồ sơ, trò chuyện với bị can, bị cáo, tìm hiểu hoàn cảnh gia đình, môi trường giáo dục, luật sư sẽ đưa ra được nhiều tình tiết giảm nhẹ để đề xuất cho các em hưởng mức hình phạt thấp nhất có thể, giúp các em sớm nhận ra sai lầm và có cơ hội sớm trở lại với cuộc sống bình thường.
Có thể nói rằng với chức năng bào chữa của mình, luật sư đã góp phần quan trọng trong việc bảo vệ quyền lợi chính đáng của người chưa thành niên phạm tội nói riêng và trong công tác đấu tranh phòng chống tội phạm nói chung. Tuy nhiên, để có thể bảo đảm cho các em có một cuộc sống bình thường thì điều quan trọng hơn hết là tạo cho các em môi trường sống lành mạnh, coi trọng hơn nữa sự quan tâm, chăm sóc đến đời sống, tâm tư tình cảm của các em, có như vậy mới mong có thể đi đến xóa bỏ tình trạng người chưa thành niên phạm tội, bởi xét cho cùng thì việc phạm tội của các em đều do sự tác động trực tiếp hoặc gián tiếp từ phía gia đình, nhà trường và xã hội đến quá trình hình thành nhân cách của các em.
TTT